Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Kim Jong-un được bầu lại làm Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2014-04-13
Kim Jong-un được bầu lại làm Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Bắc Triều Tiên

Hội nghị nhân dân tối cao khóa XIII của Bắc Triều Tiên đã khai mạc hôm 9/4 tại Bình Nhưỡng. Tại đây, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã được bầu lại vào vị trí Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng miền Bắc. Các chức vụ trọng yếu khác như Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao vẫn do ông Kim Yong-nam đảm nhiệm, và chức Thủ tướng vẫn do ông Pak Pong-ju nắm giữ.

Ủy ban Quốc phòng Bắc Triều Tiên
Tổng cục trưởng Tổng cục chính trị quân đội Bắc Triều Tiên Choe Ryong-hae đã giữ vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, thế vào vị trí trống sau khi cựu Phó Chủ tịch Ủy ban này là ông Jang Song-thaek bị tử hình hồi cuối năm 2013. Ngoài ra, Bộ trưởng Lực lượng vũ trang nhân dân (tức Bộ Quốc phòng) Chang Chung-nam và một nhân vật mới tên Cho Chun-ryong cũng đã được bầu vào Ủy ban Quốc phòng. Như vậy, Cơ quan thực quyền cao nhất của miền Bắc đã được định hình mới với người đứng đầu là Chủ tịch thứ nhất Kim Jong-un, dưới đó là ba phó Chủ tịch gồm Choe Ryong-hae, Ri Yong-mu và Oh Guk-ryul và cuối cùng là năm ủy viên gồm Chang Chung-nam, Pak Do-chun, Kim Won-hong, Choe Bu-il và Cho Chun-ryong. Trong đó, Cho Chun-ryong là một nhân vật mới, chưa được biết đến trong thời gian qua. Dự đoán, nhân vật này giữ chức Chủ tịch thứ hai tiểu ban kinh tế, đảm trách các mặt về kinh tế liên quan đến quân đội.

Nội các miền Bắc
Đúng như nhiều dự đoán trước đó, nội các của miền Bắc không có nhiều sự thay đổi. Pak Pong-ju vẫn giữ vai trò Thủ tướng, chỉ có số chức Phó Thủ tướng được giảm đi do bộ phận đảm trách ngành công nghiệp nhẹ bị xóa bỏ. Nhân vật gây được sự chú ý nhất là cựu đại sứ Bắc Triều Tiên tại Thụy Sĩ Ri Su-yong được cất nhắc lên làm Bộ trưởng Ngoại giao. Ông Ri Su-yong từng được biết đến với vai trò là một người quản lý quỹ bí mật của cố Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Kim Jong-il. Ông này giữ chức vụ Đại sứ tại Thụy Sĩ từ khá lâu và được đánh giá đã góp phần phát triển ngoại giao giữa miền Bắc với phương Tây. Nhiều ý kiến cho rằng đây là động thái của Bình Nhưỡng nhằm cố thoát khỏi tình trạng bị cô lập trong cộng đồng quốc tế, đồng thời gia tăng duy trì nguồn vốn từ nước ngoài. Việc bãi bỏ Bộ Công nghiệp nhẹ được cho là nhằm loại bỏ vai trò của Bí thư đảng Lao động Kim Kyong-hui, cô ruột nhà lãnh đạo Kim Jong-un và là vợ cố Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Jang Song-thaek đã bị xử tử. Bà Kim Kyong-hui cũng đồng thời bị loại khỏi danh sách đại biểu Hội đồng nhân dân tối cao và không xuất hiện trong phiên khai mạc Hội nghị nhân dân tối cao lần này. Những Phó Thủ tướng cũ gồm Kang Sok-chu, Kang Nung-su, Cho Byong-ju, Kim In-sik, Chon Sung-hun bị bãi nhiệm. Như vậy, Phó Thủ tướng chỉ còn lại bốn gương mặt là Ro Du-chul, Ri Mu-yong, Kim Yong-chin và Ri Chul-man kiêm luôn vị trí Chủ tịch các ủy ban. Đây hầu hết là những nhân vật đã được dự đoán trước và đã được thăng chức từ sau khi ông Jang Song-thaek bị hành quyết.

Ý nghĩa
Như vậy, phiên họp đầu tiên của Hội nghị nhân dân tối cao khóa XIII Bắc Triều Tiên lần này nhằm vào tính ổn định hơn là hướng đến sự thay đổi. Về hình thức, Hội đồng nhân dân tối cao là cơ quan quyền lực cao nhất tại miền Bắc. Mọi thực quyền nằm trong tay Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Kim Jong-un nhưng trên danh nghĩa Ủy ban này cùng nội các chia nhau nắm quyền. Việc miền Bắc không thay đổi nhiều về tầng lớp lãnh đạo cho thấy nước này vẫn duy trì thể chế cũ từ sau khi xử tử ông Jang Song-thek, hướng đến tăng cường sự ổn định chính quyền Kim Jong-un. Điều này cũng đồng nghĩa miền Bắc cũng sẽ không có sự thay đổi đáng kể nào về chính sách trong tương lai. Cùng với việc các giữ nguyên các vị trí đảm trách về kinh tế như Thủ tướng Pak Pong-ju, dự kiến, các chính sách về kinh tế cũng vẫn được tiến hành ổn định hướng đến cải thiện việc quản lý mà chính quyền Kim Jong-un vẫn đang làm. Còn đối với quan hệ liên Triều, nhiều ý kiến cho rằng miền Bắc sẽ tiếp tục có những uy hiếp mới. Tuy nhiên, sau khi thể chế chính trị tại miền Bắc dần ổn định, rất có thể lại xuất hiện những dấu hiệu dẫn đến tiếp xúc, đối thoại hai miền.

Tin mới nhất