Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Tranh cãi về Vùng nhận dạng phòng không

Tin nổi bật trong tuần2013-12-01
Tranh cãi về Vùng nhận dạng phòng không

Trung Quốc ra tuyên bố về vùng nhận dạng phòng không
Hôm 23/11, Trung Quốc đã tuyên bố phạm vi vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của nước này trên biển Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo Điếu Ngư (mà Nhật Bản gọi là Senkaku) - khu vực hiện đang có tranh chấp với Nhật Bản. Việc này khiến cho mối quan hệ Trung-Nhật trở nên căng thẳng hơn và làm tăng nguy cơ xung đột vũ trang tự phát hoặc cố ý giữa hai nước. Thực tế, cũng trong ngày hôm đó, máy bay trinh sát và thu thập thông tin của Trung Quốc đã xâm nhập vào không phận của khu vực lân cận quần đảo Senkaku. Ngay lập tức, Nhật đã đáp trả quyết liệt bằng việc điều máy bay chiến đấu đuổi máy bay Trung Quốc ra khỏi vùng này. Việc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc được giải thích là nhằm khẳng định chủ quyền đối với quần đảo đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, ngăn chặn việc Nhật Bản gửi máy bay đến khu vực tranh chấp này. Bên cạnh đó, cũng có thể thấy ý đồ của Trung Quốc là lợi dụng điều đó để ngăn chặn máy bay trinh sát của Mỹ bay vào vùng này.

Chồng lấn vùng nhận dạng phòng không
Mục đích cuối cùng của Trung Quốc khi đưa ra tuyên bố về vùng nhận dạng phòng không là nhằm tăng cường chủ quyền lãnh hải trên khu vực biển Hoa Đông, nhưng do vùng này lấn vào vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc (KADIZ) nên có khả năng trở thành nhân tố gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước. Một nguồn tin của quân đội cho biết khu vực bị chồng lấn này bao gồm cả đảo Ieo, ở phía Tây Nam đảo Jeju, với khoảng 20 km chiều rộng và 115 km chiều dài, lớn gấp 1,3 lần diện tích đảo Jeju. Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố lấy làm tiếc vì sự việc này và khẳng định sẽ phải đàm phán lại với phía Trung Quốc. Vùng nhận dạng phòng không được hiểu là phạm vi được đặt ra với mục đích bảo vệ không phận. Mọi phương tiện bay của một nước đi qua vùng nhận dạng phòng không của nước khác đều phải báo cáo, xin phép, nếu không, nước đó có thể xem hành động này là mối đe dọa và điều máy bay chiến đấu tới ngăn chặn. Vùng nhận dạng phòng không của một nước được xác định căn cứ vào lãnh thổ, lãnh hải hoặc quần đảo. Tuy nhiên, không nước nào có quyền ép buộc nước khác phải tuân theo không phận do mình đặt ra mà không được luật pháp quốc tế công nhận. Trong trường hợp xảy ra sự chồng lấn với không phận của nước xung quanh và dẫn tới tranh cãi thì điều nên làm là tiến hành đàm phán, thỏa thuận lại để giải quyết tranh chấp.

Không phận khu vực đảo Ieodo
Vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc đã được lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương (PACAF) thiết lập sau khi bùng nổ chiến tranh với Bắc Triều Tiên vào năm 1951, nhằm mục đích ngăn chặn máy bay của miền Bắc và Trung Quốc. Khu vực này kéo dài đến phía Nam của đảo Jeju, nhưng không bao gồm đảo Ieo. Trong khi đó, vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản (JADIZ) được thiết lập từ năm 1969 trên không phận xung quanh biên giới với Hàn Quốc, bao gồm cả đảo Ieo. Năm 1995, Hàn Quốc và Nhật Bản đã ký Thỏa thuận đề phòng khi có sự cố ngẫu nhiên và quy định rằng trong trường hợp máy bay của một nước đi qua vùng nhận dạng phòng không của nước kia thì phải thông báo từ trước đó 30 phút. Trên thực tế, vùng lãnh hải quanh đảo Ieo là thuộc khu vực tác chiến của hải quân nên sẽ không có vấn đề gì trong tác chiến trên biển nhưng mỗi khi có máy bay đi vào thì phải thông báo trước với phía Nhật Bản. Giả sử Chính phủ Hàn Quốc chấp nhận vùng nhận dạng phòng không như Trung Quốc đã đặt ra thì có nghĩa là khi máy bay của Hàn Quốc bay qua vùng này sẽ phải có nghĩa vụ thông báo trước cho cả phía Nhật Bản và Trung Quốc. Từ sau năm 1963, chính phủ Hàn Quốc đã nhiều lần yêu cầu Mỹ và Nhật Bản điều chỉnh để trả không phận đảo Ieo lại cho Hàn Quốc, nhưng với tuyên bố mới nhất của Trung Quốc thì có thể nói, vấn đề này đang ngày càng trở nên phức tạp hơn.

Tin mới nhất