Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Đối thoại liên Triều

Tin nổi bật trong tuần2013-07-14
Đối thoại liên Triều

Đề xuất đối thoại về các vấn đề tồn tại giữa hai miền Nam-Bắc
Qua kênh liên lạc tại Bàn Môn Điếm, Bắc Triều Tiên hôm 10/7 yêu cầu tổ chức cuộc họp liên Triều về vấn đề nối lại tour du lịch núi Geumgang vào ngày 17/7 và một cuộc họp khác về đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên vào ngày 19/7, trước kỳ nghỉ lễ Trung thu. Miền Bắc cũng đề nghị tổ chức hai cuộc họp này tại khu nghỉ mát núi Geumgang hoặc thành phố Gaesung. Sau khi thảo luận nội bộ, Chính phủ Hàn Quốc đã chấp nhận việc tổ chức cuộc họp Hội chữ thập đỏ liên Triều về vấn đề nối lại chương trình đoàn tụ gia đình bị ly tán nhưng yêu cầu tiến hành tại Nhà Hòa bình ở Bàn Môn Điếm. Ngoài ra, Seoul tỏ ra không mặn mà về việc nhóm họp để bàn thảo vấn đề nối lại tour du lịch núi Geumgang vào thời điểm hiện tại với lý do nên tập trung vào vấn đề khu công nghiệp Gaesung vì hiện nay hai bên đang tiến hành các cuộc họp về khu công nghiệp này. Mặt khác, cuộc họp cấp chuyên viên lần thứ hai về khu công nghiệp Gaesung thảo luận về việc tìm kiếm giải pháp để khu này không bị đóng cửa một lần nữa đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Tuy nhiên, Seoul và Bình Nhưỡng đã nhất trí sẽ tổ chức cuộc họp lần thứ ba về vấn đề này vào ngày 15/7 tới.

Đối đầu
Việc Chính phủ Hàn Quốc bày tỏ lập trường chấp thuận cuộc họp về chương trình đoàn tụ gia đình bị ly tán nhưng từ chối cuộc họp về vấn đề nối lại tour du lịch núi Geumgang đã thể hiện rõ phương châm của Seoul là tập trung giải quyết dần từng vấn đề, bắt đầu từ khu công nghiệp liên Triều Gaesung. Có ý kiến cho rằng, miền Bắc đề xuất cuộc họp về việc nối lại tour du lịch núi Geumgang là nhằm khiến Seoul phải hủy bỏ Lệnh cấm vận ban hành ngày 24/5/2010 để đáp trả vụ Bình Nhưỡng đánh chìm tàu chiến Cheonan và nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc vào năm 2010. Lệnh cấm vận 24/5 của Hàn Quốc nghiêm cấm mọi hoạt động giao lưu giữa hai miền trừ khu công nghiệp liên Triều Gaesung. Nếu tuyến du lịch núi Geumgang của Bắc Triều Tiên được nối lại cũng đồng nghĩa với việc Lệnh cấm vận 24/5 sẽ không còn hiệu lực và như vậy là Bắc Triều Tiên không cần phải chịu trách nhiệm về động thái khiêu khích của mình. Chính vì thế nên Hàn Quốc đã từ chối đề xuất này. Phản ứng trước động thái trên, miền Bắc đã thông báo “rút lại” đề nghị tổ chức cuộc họp. Động thái này có thể hiểu là nước này vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với miền Nam vì sự cần thiết về mặt kinh tế và để tránh bị cộng đồng quốc tế cô lập. Thời gian gần đây, miền Bắc đã bị cộng đồng quốc tế cô lập một cách nghiêm trọng. Mỹ và thậm chí cả Trung Quốc cũng cho rằng không thể tiến hành bất kỳ một cuộc đối thoại nào nếu tình hình liên Triều không được cải thiện. Chính vì vậy mà miền Bắc buộc phải ưu tiên đối thoại với miền Nam nhằm tiến tới đối thoại với Mỹ hay khởi động lại đàm phán hạt nhân sáu bên. Bên cạnh đó, về mặt nội bộ, miền Bắc cần khởi động lại khu công nghiệp Gaesung và tour du lịch núi Geumgang nhằm giảm bớt khó khăn về mặt kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài để đem lại sự ổn định cho thể chế dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Trước đó, hôm 6/6, miền Bắc đã đưa ra một tuyên bố đặc biệt của Ủy ban Hòa bình, thống nhất Tổ quốc Bắc Triều Tiên và đề xuất đối thoại toàn diện với miền Nam để cải thiện mối quan hệ liên Triều như khởi động lại khu công nghiệp Gaesung, đoàn tụ gia đình bị ly tán và nối lại tour du lịch núi Geumgang. Tuy nhiên, Hội nghị quan chức liên Triều đã bị hủy bỏ do những tranh cãi về cấp bậc của trưởng đoàn tham dự sự kiện này. Có ý kiến cho rằng, vì lý do trên mà Bắc Triều Tiên đã lựa chọn “con đường vòng” là cuộc họp cấp chuyên viên. Miền Bắc liên tục đề xuất rồi rút lại đề xuất cho thấy đối thoại liên Triều trong thời gian tới sẽ vẫn chỉ là “cuộc chiến thăm dò”. Hiện giữa hai bên chỉ còn một sợi dây kết nối duy nhất là cuộc họp cấp chuyên viên về vấn đề khu công nghiệp Gaesung.

Tin mới nhất