Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Vụ thử hạt nhân lần thứ 3 của Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2013-02-17
Vụ thử hạt nhân lần thứ 3 của Bắc Triều Tiên

Ngày 12/2 vừa qua, bất chấp sự phản đối và cảnh báo quyết liệt của cộng đồng quốc tế, Bắc Triều Tiên vẫn ngang nhiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3. Trước tình hình đó, Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đã ngay lập tức triệu tập một cuộc họp khẩn cấp thảo luận các biện pháp cấm vận mới đối với nước này, trong khi Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác cũng đang thi hành những chế tài riêng với miền Bắc.

Bắc Triều Tiên cố tình thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3
Việc Bắc Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 bị phát hiện khi các nước láng giềng như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản nhận thấy dấu hiệu của một vụ “động đất nhân tạo” ở nước này, và quả thật ngay sau đó, Bắc Triều Tiên đã chính thức thừa nhận vụ việc này.
Vào lúc 11 giờ 57 phút 50 giây sáng ngày 12/2, Cục Khí tượng và thuỷ văn Hàn Quốc cho biết đã phát hiện một “trận động đất nhân tạo” có cường độ 4,9 độ richter xảy ra ở huyện Gilju thuộc tỉnh Bắc Hamgyeong của miền Bắc. Tâm chấn được cho là nằm ở 41,28 độ vĩ Bắc, 129,06 độ kinh Đông. Cục khí tượng còn cho biết thêm vị trí tâm chấn đó cách tâm chấn của vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ nhất và thứ hai khoảng 1~2km. Sau đó, vào lúc 2 giờ 43 phút chiều ngày 12/2, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng chính thức lên tiếng khẳng định miền Bắc đã thực hiện thành công vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 với tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân nhỏ hơn, nhẹ hơn nhưng sức tàn phá mạnh hơn hẳn những lần trước.

Tuyên bố của chính phủ Hàn Quốc
Ngay sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân, chính phủ Hàn Quốc dưới sự chủ trì của Tổng thống Lee Myung-bak đã tổ chức cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia khẩn cấp tại Phủ tổng thống nhằm tìm kiếm biện pháp đối phó. Sau cuộc họp này, chính phủ đã ra tuyên bố nhấn mạnh vụ thử hạt nhân lần này của Bắc Triều Tiên là một hành động uy hiếp đến hòa bình và an ninh không chỉ trên bán đảo Hàn Quốc mà còn trên toàn khu vực Đông Bắc Á, đồng thời cũng là một sự thách thức không thể tha thứ đến cộng đồng quốc tế. Tuyên bố khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để tìm kiếm và tăng cường các biện pháp chế tài xử lý cần thiết, triệt để đối với vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên bao gồm cả những biện pháp mà Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đã đề ra. Điều đáng chú ý ở đây là, khác với những lần trước, khi sự hợp tác của cộng đồng quốc tế cũng như các chế tài trừng phạt đối với các vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa của miền Bắc mới chỉ dừng ở mức đối phó có tính ngoại giao thì nay, lần đầu tiên biện pháp trừng phạt có tính quân sự đã được đưa ra thảo luận. Tuyên bố của chính phủ Hàn Quốc còn nói thêm rằng, để bảo vệ sinh mạng và sự an toàn của nhân dân trước các vụ phóng tên lửa và thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên, hiện nay chính phủ đang nỗ lực hơn nữa nhằm tăng cường tiềm lực quân sự quốc gia , chẳng hạn như bố trí tên lửa có thể tấn công toàn lãnh thổ miền Bắc.
Cùng với đó, người vừa đắc cử tổng thống Hàn Quốc là bà Park Geun-hye cũng đã mở một cuộc họp khẩn cấp lên án vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên và có cuộc hội ý với tổng thống Lee Myung-bak vào lúc 3 giờ chiều cùng ngày nhằm thảo luận về những đối sách liên quan. Ngoài ra, vào ngày 14/2, Quốc hội Hàn Quốc cũng đã mở phiên họp toàn thể để thông qua nghị quyết lên án vụ thử hạt nhân lần thứ 3 của Bắc Triều Tiên và thống nhất một biện pháp liên Đảng để đối phó với những diễn biến mới này. Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ vụ thử hạt nhân mới nhất của miền Bắc là hành động khiêu khích nghiêm trọng, uy hiếp tính mạng và sự an toàn của nhân dân Hàn Quốc và miền Bắc sẽ phải chịu mọi trách nhiệm với các vấn đề phát sinh do hành động này.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Triên cũng đã gây căng thẳng cho cộng đồng quốc tế. Theo đó, tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra tuyên bố nhấn mạnh đây là hành vi khiêu khích nghiêm trọng và nước Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp trừng phạt để bảo vệ các nước đồng minh. Cộng đồng quốc tế cũng tỏ thái độ quyết tâm xử lý vấn đề một cách mạnh tay hơn, tiêu biểu là cuộc họp khẩn cấp vào ngày 12/2 của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc cùng với việc nhiều quốc gia như Nhật Bản đang xem xét lại các biện pháp chế tài .v.v. Đặc biệt, 3 nước Hàn-Mỹ-Nhật cũng cam kết hợp tác chặt chẽ với nhau thông qua đường dây điện thoại nóng giữa các nguyên thủ nhằm dễ dàng thảo luận các biện pháp đối phó hơn.

Tin mới nhất