Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều

Tin nổi bật trong tuần2018-06-17
Kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un hôm 12/6 đã có cuộc hội đàm Mỹ-Triều đầu tiên trong lịch sử tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa của Singapore. Sau hội nghị, hai bên đã thông qua tuyên bố chung với bốn hạng mục nhất trí. Theo đó, Mỹ và Bắc Triều Tiên đã chấm dứt mối quan hệ thù địch kéo dài 70 năm qua, đặt nền móng đầu tiên để xây dựng niềm tin lẫn nhau. Nhờ vậy, cục diện chiến tranh lạnh trên bán đảo Hàn Quốc cũng được giải tỏa, hai miền Nam-Bắc bước vào con đường thiết lập thể chế hòa bình.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều
Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump đã tới Singapore từ hôm 10/6, hoàn tất công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh, và bắt đầu cuộc hội đàm lịch sử từ lúc 9 giờ 4 phút sáng ngày 12/6 theo giờ địa phương.

Trước tiên, hai nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh riêng chỉ gồm phiên dịch, sau đó là hội nghị thượng đỉnh mở rộng và buổi tiệc trưa. Tới lúc 2 giờ 40 phút chiều cùng ngày, hai nhà lãnh đạo đặt bút ký vào thỏa thuận lịch sử, rồi sau đó công bố nội dung thỏa thuận trong buổi họp báo vào lúc 4 giờ chiều. Ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã lên đường về nước vào tối hôm 12/6.

Tuyên bố chung
Tuyên bố chung tổng kết kết quả hội đàm Mỹ-Triều lần này được chia làm bốn hạng mục, là xây dựng quan hệ Mỹ-Triều mới, thiết lập hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc, tái khẳng định Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27/4 và phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc một cách toàn diện, trao trả hài cốt tù binh và những người mất tích trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Bắc Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc một cách toàn diện, đổi lấy việc Mỹ sẽ đảm bảo sự an toàn cho thể chế miền Bắc. Tuy nhiên, nội dung “phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” mà Mỹ theo đuổi suốt thời gian qua đã không được ghi rõ trong tuyên bố chung Mỹ-Triều. Về điều này, Tổng thống Trump cho biết Chủ tịch Kim Jong-un đã cam kết sẽ đóng cửa bãi thử nghiệm tên lửa. Như vậy là các vấn đề cụ thể về giải trừ hạt nhân miền Bắc sẽ được hai nước đàm phán tiếp trong thời gian tới.

Lãnh đạo hai nước nhất trí sẽ tổ chức cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Mike Pompeo và quan chức cấp cao của miền Bắc trong thời gian sớm nhất, nhằm thực thi kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Dự kiến tại cuộc đàm phán này, hai bên sẽ giải quyết các vấn đề nan giải như tiến độ giải trừ hạt nhân, phương pháp, phạm vi và cách thức kiểm chứng cụ thể.

Mặt khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ dừng tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ trong quá trình diễn ra đối thoại Mỹ-Triều. Ngoài ra, ông Trump cho biết Chủ tịch miền Bắc đã nhận lời mời tới thăm Nhà Trắng, và ông Trump cũng sẽ tới thăm Bình Nhưỡng vào một thời điểm thích hợp.

Ý nghĩa và triển vọng
Như vậy là hành trình xóa bỏ tàn dư cuối cùng của cuộc chiến tranh lạnh trên bán đảo Hàn Quốc đã chính thức bắt đầu. Một số ý kiến chỉ ra rằng kết quả hội đàm Mỹ-Triều vẫn còn nhiều điểm thiếu sót. Mục tiêu phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, cũng như các biện pháp, thời hạn phi hạt nhân hóa chưa được ghi cụ thể trong tuyên bố chung. Thay vào đó, Mỹ và Bắc Triều Tiên chỉ đưa ra một nội dung mơ hồ là “phi hạt nhân hóa một cách toàn diện”. Theo đó, có khả năng hai bên sẽ gặp phải nhiều vấn đề nan giải trong quá trình đàm phán tiếp theo. Mặc dù vậy, bản thân việc lãnh đạo hai nước lần đầu tiên có cuộc gặp lịch sử, nhất trí cùng nỗ lực thiết lập mối quan hệ mới sau 70 năm thù địch đã là một điều hết sức ý nghĩa. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng phát biểu hai bên sẽ không chỉ dừng lại ở cuộc họp thượng đỉnh, và coi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều là một “quá trình”. Dù còn điểm thiếu sót nhưng qua hội đàm này, lãnh đạo Mỹ-Triều đã thiết lập được hướng đi cho “một hành trình táo bạo” trong thời gian tới. Dự kiến việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, thiết lập thể chế hòa bình sẽ được đẩy nhanh trong tương lai gần. Khi đó, vai trò của Hàn Quốc sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Tin mới nhất