Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Sự thay đổi của thời trang tại Bắc Triều Tiên

2023-06-21

ⓒ KBS News

Vào tháng 3/2023, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc có bài đăng về việc đề xuất về các trang phục tại nước này. Vào những ngày đầu xuân, phụ nữ sẽ đẹp hơn với những trang phục màu trắng nhạt, xanh nhạt, xanh lục nhạt và hồng nhạt còn với cánh mày râu sẽ phù hợp nếu diện các trang phục sáng màu như xám nhạt, xanh nhạt. Ngoài ra, khi lựa chọn quần áo cần phải để ý chọn sao cho phù hợp với tuổi tác, dáng người và khuôn mặt, đồng thời cũng phải đa dạng theo sở thích và gu thẩm mỹ riêng. Liên quan đến nội dung này, bài đăng có đoạn viết “Việc ăn mặc của con người không chỉ là vấn đề về hình thức mà còn là biểu hiện về tư tưởng và tinh thần của họ. Vẻ ngoài chỉn chu giúp nâng cao phong độ, tạo được thiện cảm với mọi người xung quanh.” Trên thực tế, trang phục không chỉ thể hiện cá tính mà còn nêu bật lên trạng thái tinh thần và tư tưởng của con người. Tuy vậy, Bắc Triều Tiên đang cho thấy sự thay đổi về thời trang tại nước này. Trong buổi phát sóng hôm nay, chúng ta sẽ cùng với tiến sĩ Kim Young-hee Trưởng ban Hợp tác quốc tế của Quỹ hỗ trợ người tị nạn Bắc Triều Tiên (The Korea Hana Foundation), tìm hiểu về sự thay đổi của thời trang Bắc Triều Tiên.

Vào tháng 5/2023, một video có tiêu đề “Khám phá xu hướng thời trang mới nhất trong năm với cô gái Bắc Triều Tiên thích mua sắm!” đã được đăng tải trên một tài khoản YouTube của miền Bắc. Nhân vật chính là Yeonmi, một YouTuber nói tiếng Trung, với nội dung giới thiệu về được tổ chức tại thành phố Bình Nhưỡng từ ngày 24/4 đến ngày 4/5. Trong video, sau khi tham quan, Yeonmi đã mặc thử và thấy rất vừa ý với một chiếc váy liền không ống tay màu trắng có chấm bi đen. Một nhân viên làm việc tại cửa hàng âu phục Daesong miền Bắc cho biết nhiều phụ nữ tại nước này đang tìm kiếm những bộ trang phục tươi sáng và sặc sỡ để phù hợp với mùa xuân ấm áp. được tổ chức vào cuối tháng 10/2022 là triển lãm quy mô lớn thứ hai dành riêng cho thời trang nữ tại miền Bắc.

Trong một chương trình phát sóng, một nữ phát thanh viên đưa tin về những bộ váy liền, âu phục, áo khoác có màu sắc tươi sáng và mềm mại, kết hợp tính thẩm mỹ của thời đại và tinh thần dân tộc nhưng vẫn giữ được sự tinh tế trang nhã, đang thu hút sự chú ý của những người tham gia triển lãm. Buổi triển lãm diễn ra rất sôi nổi với các hoạt động giao lưu về kỹ thuật may mặc hay những quầy tư vấn khách hàng của các doanh nghiệp sản xuất. Triển lãm này được tổ chức ở Bắc Triều Tiên với mục đích thể hiện văn hóa trang phục tinh tế và văn minh phù hợp với từng mùa. Hơn 50 doanh nghiệp đã trưng bày nhiều mặt hàng may mặc cho xuân hè như váy liền, váy rời, áo sơ mi, váy và đồ thể thao, và nhận định rằng việc âu phục nữ xuất hiện trong một triển lãm ở Bắc Triều Tiên là một trường hợp rất hiếm gặp.

 

Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un thường nhấn mạnh về một đất nước văn minh. Vậy, đất nước văn minh mà Chủ tịch Kim Jong-un hướng đến là quốc gia như thế nào? Trước hết, người dân phải được sống trong những ngôi nhà kiên cố, cải thiện môi trường. Theo tôi, thời trang cũng là một yếu tố được bao gồm trong khái niệm về một đất nước văn minh. Trước đây, trang phục của nam giới luôn tối màu và kiểu dáng đơn giản. Thêm vào đó, khi nhìn vào trang phục của nữ giới miền Bắc ta có thể thấy được một phần nào bầu không khí của xã hội nước này. Nói cách khác, trang phục đóng vai trò lớn trong việc thể hiện trình độ văn minh của một quốc gia. Tại Bắc Triều Tiên, tầng lớp trung lưu nổi lên sau cuộc khủng hoảng kinh tế vào giữa những năm 1990 khiến việc chi tiêu cho thực phẩm và thời trang gia tăng cũng được coi là một yếu tố gây ra ảnh hưởng cho sự thay đổi của thời trang tại nước này. Đó có thể là bối cảnh để chính quyền miền Bắc thay đổi chính sách cho phù hợp với nguyện vọng của người dân, cũng là tiền đề cho việc mở triển lãm trang phục nữ giới. Ngoài ra việc thúc đẩy lưu thông tiền tệ cũng có thể trở thành bối cảnh cho sự kiện này.

 

Hyon-ok, nhân vật chính trong bộ phim “Vẻ ngoài hoàn hảo” được Bắc Triều Tiên phát sóng năm 1988, là một nữ sinh viên đại học rất quan tâm đến thời trang. Cô đã nhờ bạn bè khắc thêm chữ tiếng Anh để làm điểm nhấn cho trang phục của mình nhưng lại nhận về nhiều lời trách móc. Cuối cùng, Hyon-ok vẫn quyết định thêu chữ cái tiếng Anh áo lên và đi ra ngoài, mặc kệ cho bạn bè xung quanh có nghĩ gì. Nhưng khi bạn bè nói với Hyon-ok rằng trông thật kỳ quặc, cô cuối cùng đã quay lại mặc những bộ quần áo kín đáo phù hợp với quan điểm xã hội của Bắc Triều Tiên vào thời điểm đó.

 

Bắc Triều Tiên là một quốc gia xã hội chủ nghĩa có nền kinh tế kế hoạch. Trước hết, chủ nghĩa xã hội tạo bình đẳng cho mọi người dân. Nhà nước lên kế hoạch, sau đó hàng hóa được sản xuất thông qua các công ty với mức giá nhà nước định sẵn, thành phẩm được cung cấp thông qua các cửa hàng. Vào những năm 1980 sinh viên đại học ở thành phố Bình Nhưỡng mặc váy đen và áo Jeogori truyền thống màu trắng. Quần áo sau khi tan trường cũng rất tối màu và thiết kế gần như giống nhau. Có nhiều người thấy khá khó xử khi phải mặc những thiết kế đặc biệt. Còn khái niệm thời trang lúc đó gần như không hề tồn tại.

 

Năm 1989, Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 13 được tổ chức tại Bình Nhưỡng. Đây là một sự kiện được Bắc Triều Tiên hưởng ứng khi Thế vận hội được tổ chức tại Seoul năm 1988. Tiến sĩ Kim Young-hee cũng cho biết, việc nhìn thấy quần jean vào thời điểm này được xem như là một cú sốc đối với người dân miền Bắc Triều Tiên.

 

Việc người dân miền Bắc quan tâm đến quần áo có lẽ bắt đầu vào năm 1989. Lim Soo-kyung đại diện cho sinh viên Hàn Quốc tham gia Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 13 ở Bình Nhưỡng. Lúc đó cô mặc một chiếc áo phông cotton trắng, quần bó chun ở phần chân, phần mông hơi rộng và thu nhỏ dần về phía chân mà người dân miền Bắc gọi đó là quần dùi Songkotbaji. Họ đã rất trầm trồ, và ngạc nhiên vì tính thời thượng của nó. Có lẽ từ thời điểm đó, người dân nước này mới thật sự quan tâm đến thời trang. Từ đó, nhiều người đã lén may và bán quần dùi Songkotbaji. Do chưa có chợ nên mọi người cũng chỉ bán cho những người quen biết.

 

Khủng hoảng kinh tế những năm 1990, còn được biết đến với tên gọi “cuộc hành quân gian khổ” đã tạo ra sự thay đổi sâu sắc trong xã hội Bắc Triều Tiên. Khi việc phân phối bị đình chỉ do khủng hoảng kinh tế, chợ tư nhân được hình thành ở nhiều nơi. Thông qua những nơi buôn bán tập trung này, người dân được trải nghiệm thời trang của thế giới bên ngoài. Đồng thời, khi nhu cầu của những người có quyền lực kinh tế tăng lên, các nhà sản xuất quần áo cũng dần xuất hiện. Khi hệ thống cung cấp quần áo quốc gia sụp đổ, quần áo bắt đầu được sản xuất theo nhu cầu của người dân chứ không phải nhu cầu của chính quyền. Từ đó, người dân đã có thể chọn mua những trang phục mà mình mong muốn.

 

Vào giữa những năm 1990, Nhà nước không còn cung cấp quần áo cho người dân nữa, họ có thể chọn mua những trang phục mà mình mong muốn ở chợ. Vào thời điểm đó, có rất nhiều sản phẩm của Trung Quốc tràn vào, việc chạy theo mốt của Trung Quốc làm cho miền Bắc như một thành phố của Trung Quốc.

 

Một trong những nguyên nhân khiến thời trang tại Bắc Triều Tiên thay đổi lớn là sự xuất hiện của phu nhân chủ tịch Kim Jong-un là bà Ri Sol-ju. Truyền thông miền Bắc từng đưa tin về sự xuất hiện của phu nhân Chủ tịch Kim Jong-un là bà Ri Sol-ju đã tham dự lễ khánh thành Công viên giải trí nhân dân Rungra vào năm 2012. Kể từ đó, nhất cử nhất động của bà Ri Sol-ju đều trở thành đề tài bàn tán sôi nổi, đặc biệt là phong cách thời trang của bà như váy dài quá đầu gối hay áo cánh sáng màu. Trong một buổi trình diễn thời trang của Bắc Triều Tiên, nhiều mặt hàng tương tự như trang phục của Đệ nhất phu nhân miền Bắc đã được giới thiệu, như bộ đồ váy rời, giày cao gót với các phụ kiện lạ mắt và váy ngắn trên đầu gối. Năm 2015, trang tin nước ngoài của Nhật báo Nhân dân Trung Quốc, đưa tin rằng giày cao gót và váy ngắn đang trở thành mốt, đặc biệt là trong tầng lớp trung lưu ở Bình Nhưỡng. Đồng thời, bài báo phân tích rằng việc chạy theo mốt của bà Ri Sol-ju, người tháp tùng Chủ tịch Kim Jong-un trong các hoạt động công khai, đang trở thành xu hướng. Kéo theo đó, thời trang miền Bắc cũng bắt đầu có những đổi mới.

 

Có thể coi đây là một bước đột phá tại Bắc Triều Tiên. Trước hết, váy ngắn có lẽ là điều đáng ngạc nhiên nhất vì nó có phần sang trọng, hơi cầu kỳ, và cao trên đầu gối, là những đặc điểm của trang phục hơi xa so với nét dân tộc và lối sống xã hội chủ nghĩa. Phong cách tiêu chuẩn ở Bắc Triều Tiên thường phải dài xuống quá đầu gối khoảng 10 cm và không mặc đồ quá ôm sát cơ thể. Thời trang của bà Ri Sol-ju làm phụ nữ miền Bắc tự tin hơn khi mặc các thiết kế tương tự. Do đó, những bộ trang phục như vậy ngày càng xuất hiện nhiều. Ở Bắc Triều Tiên, thời trang của nhà lãnh đạo tối cao và gia đình ông trở thành mốt. Bởi lẽ đó là tiêu chuẩn của lối sống xã hội chủ nghĩa. Trong quá khứ, áo len của cố Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Kim Jong-il (1941-2011) đã từng rất thịnh hành. Họa tiết chấm bi trên áo của phu nhân Ri Sol-ju cũng đã từng thịnh hành đến mức đã quét sạch các tiệm vải ở Trung Quốc. Tất nhiên, trang phục của Kim Ju-ae, con gái thứ hai của Chủ tịch Kim Jong-un, như áo phao dài và áo có hình con chồn trắng treo trên viền cổ, cũng đã trở thành mốt.

 

Theo Báo cáo về tình hình nhân quyền ở Bắc Triều Tiên năm 2023 do Bộ Thống nhất Hàn Quốc công bố vào ngày 30/3, chính quyền miền Bắc gần đây kiểm soát việc xem các nội dung video như phim truyền hình Hàn Quốc, nhằm ngăn chặn việc người dân có thể bị ảnh hưởng về thời trang và lối sống theo trong phim. Cụ thể, đã có những nhân chứng cho biết về việc “tóc kiểu Tây” hay “quần áo kiểu Tây” như quần bó sát, tóc nhuộm khác màu đen đã bị xử phạt. Trên thực tế, các nội dung trong phim truyền hình và điện ảnh Hàn Quốc đã có ảnh hưởng lớn đến thời trang của Bắc Triều Tiên. Những người được gọi là "tín đồ thời trang" của miền Bắc là những người mặc theo phong cách thời trang trong phim miền Nam.

 

Một người tị nạn Bắc Triều Tiên cho biết tại nước này, kiểu tóc hoặc thời trang sẽ có ảnh hưởng rất lớn tùy thuộc vào bộ phim truyền hình Hàn Quốc người đó xem. Sau khi chụp lại màn hình của nữ chính xuất hiện trong phim, người dân sẽ đến salon tóc và làm theo đúng phong cách của nữ chính. Và cả nam giới cũng vậy. Với sự lan rộng của công nghệ kỹ thuật số, từ giữa đến cuối những năm 2000, việc tiếp cận với các bộ phim truyền hình và điện ảnh Hàn Quốc trở nên dễ dàng. Vì vậy, có thể nói thời trang Hàn Quốc không còn xa lạ với người dân nước này.

 

Đơn giản như một chiếc váy liền xuất hiện trên phim truyền hình Hàn Quốc, những tín đồ nhạy cảm với thời trang sẽ tìm đến nhà may âu phục đề nghị may theo kiểu dáng giống hệt. Từ váy liền, túi xách, ô dù, giày dép đều được sao chép theo phong cách Hàn Quốc. Trên thực tế, Bình Nhưỡng không chính thức nhập khẩu quần áo từ Seoul. Người Trung Quốc mua quần áo đã qua sử dụng của Hàn Quốc và mang sang đó. Sau đó, những người Bắc Triều Tiên đến thăm người thân ở Trung Quốc sẽ nhận hàng hóa thông qua người thân của họ, bao gồm cả những người tị nạn miền Bắc sống ở Hàn Quốc, và phân phối chúng ở Bắc Triều Tiên. Tem mác trên quần áo đều được cắt bỏ, và số hàng đó được tuồn vào miền Bắc với xuất xứ là hàng Trung Quốc. Hàng được nén và đóng thành các gói 300 hoặc 500 kg. Hàng này được chuyển từ các nhà buôn sỉ đến tay người bán lẻ và đi khắp cả nước. Do không được bán công khai, các sản phẩm từ Hàn Quốc thường được giấu dưới kệ mà không trưng bày.

 

Ngành công nghiệp thời trang của Bắc Triều Tiên đã thay đổi do sự sụp đổ của nguồn cung cấp quốc gia, thị trường hóa và làn sóng văn hóa từ bên ngoài. Đặc biệt, người dân miền Bắc cũng chia sẻ rằng họ đã quen thuộc với thời trang Hàn Quốc do ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu. Hy vọng rằng sự khác biệt về văn hóa của hai miền Nam Bắc sẽ được thu hẹp, không chỉ trong lĩnh vực thời trang mà còn trong các lĩnh vực khác.

Tin mới nhất