Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Những địa điểm du lịch trong ngày ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên

2023-06-28

ⓒ YONHAP NewsKhi muốn đi đâu đó thật xa, nhưng điều kiện lại không cho phép, thì những chuyến đi trong ngày là một sự thay thế hoàn hảo phải không nào?
Dạo quanh 5 cung điện lớn với hơn 600 năm lịch sử ở Seoul. Ngắm biển ở vùng biển phía Đông Jeongdongjin, nơi cách Seoul khoảng 2 tiếng đi tàu cao tốc KTX. Hay hành trình leo lên đỉnh núi Halla sau khi đến đảo Jeju bằng máy bay, dù chỉ là chuyến du lịch trong ngày thôi nhưng vẫn có thể tận hưởng hết cảm giác được ngao du đâu đó và trở về. Tương tự, Bắc Triều Tiên cũng có những địa điểm du lịch trong ngày như vậy. Tân báo Triều Tiên (Choson Sinbo), tờ báo của Hội người Triều Tiên tại Nhật Bản (Jochongryeon) đại diện cho lập trường của Chính phủ Bắc Triều Tiên, đã có một bài đăng rất thú vị liên quan đến nội dung này.

Tân báo Triều Tiên có đưa tin về việc gần đây, tại Bắc Triều Tiên cũng đã xuất hiện những gói du lịch trong ngày tham quan các địa danh tại thủ đô Bình Nhưỡng. Cũng theo tờ báo này, hoạt động du lịch Bình Nhưỡng đang thu hút đông đảo tầng lớp người dân tại miền Bắc. Các tour đến địa điểm nổi tiếng của thủ đô được thực hiện trong một ngày, chủ yếu vào Chủ nhật và các ngày lễ. Thiết nghĩ, những tour trong ngày như vậy chủ yếu chỉ dành cho cư dân Bình Nhưỡng và khó có thể dành cho đối tượng là người từ các địa phương khác. Tuy nhiên, tầng lớp giàu có mới nổi mang tên “donju” ở các tỉnh khác cũng có thể mua các tour này dễ dàng bằng cách mua giấy thông hành hay còn gọi là chứng chỉ du lịch. Có thể nhận định rằng đây là một kế sách để các donju mở hầu bao, kích thích sự lưu thông cho cả nền kinh tế.

Ở Bắc Triều Tiên, nơi mà việc di chuyển còn hạn chế, việc quảng bá các gói du lịch Bình Nhưỡng thông qua chứng chỉ du lịch là một điều hết sức mới mẻ. Vì vậy, có phân tích cho rằng đối tượng hướng đến là những người mới giàu có sống ở các tỉnh khác. Tức đối tượng chính của chương trình du lịch đó là donju. Núi Ryongak (Long Nhạc) là chặng đầu tiên của chuyến “Tham quan Bình Nhưỡng trong ngày”.

Ở Bình Nhưỡng, mọi người thường gọi núi Ryongak là “núi Geumgang của Bình Nhưỡng”. Từ xa xưa, người dân Bình Nhưỡng lên núi Jongbang (Chính Bàng) để ngắm hoa khi mùa xuân, vào mùa thu lại lên núi Ryongak để ngắm lá phong đỏ. Với khoảng 20 đỉnh núi uốn lượn đẹp mắt, có giai thoại về tên ngọn núi Ryongak (Long Nhạc) là vì các đỉnh núi có hình dáng giống như con rồng đang thăng thiên. Tại đây cũng có học viện cổ Ryonggok Seowon (Thư viện Long Cốc) hay am Pobun (Pháp Vân), những công trình kiến trúc tiêu biểu của miền Bắc. Cũng có câu chuyện kể lại rằng cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung; 1912-1994) thường leo núi này cùng bạn bè khi còn đi học. Nên ông đã chỉ đạo xây dựng núi Ryongak thành một công viên giải trí. Đồng thời, nước cũng được trực tiếp lấy từ mạch nước ngầm cách chân núi với sâu hàng chục mét, nổi tiếng rất ngon và chất lượng.

Núi Ryongak có những đỉnh đá kỳ lạ vươn cao lên bầu trời, nhìn ra thành phố Bình Nhưỡng và sông Daedong (Đại Đồng). Đặc biệt, nước suối ở đây rất ngon, đến mức người ta truyền tai nhau rằng nếu uống nước ở đây sẽ được trường thọ. Đó là lý do tại sao “nước suối núi Ryongak” được chỉ định là di sản thiên nhiên của Bắc Triều Tiên. Ngoài ra các bảo vật quốc gia của miền Bắc cũng là một trong những điểm đến của tour du lịch “Tham quan Bình Nhưỡng trong ngày”.

Phải nói rằng Bắc Triều Tiền đang làm rất tốt việc bảo vệ các di tích lịch sử. Lăng mộ của vua Tongmyong (Đông Minh; hay còn gọi là vua Jumong), người lập ra vương quốc Goguryeo năm 37 trước Công Nguyên, tọa lạc tại xã Yongsan (Bình Nhưỡng), là bảo vật quốc gia số 36 của Bắc Triều Tiên. Và theo những truyền thuyết và câu chuyện kể về mộ vua Tongmyong, người ta nói rằng ông qua đời sau 19 năm trị vì và được chôn cất tại thủ đô trước đây là Jolbon. Nhưng sau khi vua Jangsu (Trường Thọ) lên ngôi và dời đô về Bình Nhưỡng, mộ của vua Jumong cũng được dời về đây. Di tích này được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2004. Từ năm 1974 đến nay, Bắc Triều Tiên vẫn tiến hành những cuộc điều tra và khai quật liên quan đến khu di tích này.

Di tích về vương quốc Goguryeo (37 trước Công Nguyên - 668) chi phối Đông Bắc Á thời cổ đại vẫn còn ở Bình Nhưỡng. Trong số đó khu lăng mộ vua Tongmyong là nơi mà du khách có thể cảm nhận rõ nét về một đế chế vĩ đại, cai quản cả vùng đất rộng lớn đến tận các cánh đồng của Mãn Châu (nay thuộc Trung Quốc).

Được tân trang vào ngày 9/8/2019, trang trại đà điểu nằm trên một đoạn đường dài 2,5 km theo hướng Bắc-Nam trong một thung lũng núi. Bắc Triều Tiên cũng xây dựng một trang trại chăn nuôi đà điểu quy mô 550.000 m², với khả năng nuôi 10.000 con đà điểu. Họ cũng tự hào rằng đây là cơ sở nuôi đà điểu hàng đầu thế giới. Các trang trại này chế biến món thịt đà điểu nướng theo yêu cầu của khách hàng. Họ cũng làm ra các mặt hàng quý hiếm từ trứng, xương và lông đà điểu để bán như đồ lưu niệm.

Trang trại đà điểu Bình Nhưỡng, nằm cách Sân bay Sunan Bình Nhưỡng khoảng 6 km về phía Đông Nam, không đơn thuần là một trang trại bình thường. Vào những năm 1990, khi Bắc Triều Tiên thiếu lương thực trầm trọng, cố Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng  Kim Jong-il (1941-2011) đã ra lệnh chăn nuôi đà điểu làm thịt, và cho rằng thịt đà điểu có thể được sử dụng như một nguồn chất đạm còn da có thể được sử dụng để tạo ra đồ gia dụng thiết yếu. Chuồng đà điểu, cơ sở chế biến, xe kéo dùng sức đà điểu, các hoạt động tham quan trải nghiệm tại Trang trại đà điểu Bình Nhưỡng, cũng đang đóng góp một phần cho ngành du lịch nước này. Tuy nhiên, trong những ngày hè nắng nóng, có một địa điểm khác tại Bình Nhưỡng nhận được nhiều sự quan tâm và yêu thích hơn cả. Công viên nước Munsu là điểm nghỉ ngơi và vui chơi lý tưởng cho nhiều tầng lớp xã hội. Công viên nước Munsu ở khu vực sông Daedong của Bình Nhưỡng đang góp phần làm mát những ngày hè oi bức cho cả thành phố này. Khai trương vào năm 2013, Công viên nước Munsu là công viên nước lớn nhất ở Bắc Triều Tiên với 27 đường trượt, hồ bơi và các cơ sở trong nhà trên một khu đất rộng lớn 109.000 m². Vé vào cổng của Công viên nước Munsu đắt đỏ đến mức người dân miền Bắc phải tiết kiệm tiền lương trong vài tháng mới có thể đến đây được. Tuy nhiên, vào năm 2016, ước tính có hơn 1,8 triệu người đã đến thăm công viên nước này. Một nữ du khách tại công viên giải trí trả lời phỏng vấn cho biết trước đây đã từng tới Công viên giải trí nhân dân Rungra và con gái cô đã liên tục đòi quay trở lại nên cả gia đình đã đến đây vào ngày Chủ nhật. Được xây dựng năm 2012 trên hòn đảo Rungra, giữa sông Daedong, Công viên giải trí nhân dân Rungra cũng là một lộ trình cho chuyến “Tham quan Bình Nhưỡng trong ngày”. Công viên giải trí nhân dân Rungra có nhà hát cá heo với chương trình biểu diễn cá heo, rạp chiếu phim 4D và sân gôn mini. Vào thời điểm diễn ra lễ khánh thành, hình ảnh Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un và phu nhân là bà Ri Sol-ju cùng nhau tham gia các hoạt động tại công viên đã được truyền thông đăng tải. Lộ trình của tour “Tham quan Bình Nhưỡng trong ngày” còn bao gồm cả các nhà hàng.

Wolhyang-gag là nhà hàng đặc sản thịt gia cầm nổi tiếng ở Moranbong, Bình Nhưỡng. Nơi đây không chỉ có các món ăn truyền thống dân tộc, mà còn bao gồm nhiều nhà hàng lớn nhỏ khác nhau và các cửa hàng kinh doanh sản phẩm gia cầm. Tại đây, họ phục vụ khoảng 100 loại đồ ăn như các món từ vịt, gà, thịt bò tẩm gia vị bulgogi, món rim, hay món chiên. Theo tờ Tân báo Triều Tiên đưa tin, Wolhyang-gag được giới thiệu là nơi để thưởng thức các món ngon sau khi tham quan các địa danh trên. Điều này một lần nữa khẳng định sự nổi tiếng của nhà hàng này.

Sau khi dùng bữa tại Wolhyang-gag, hoạt động trải nghiệm tại Trung tâm thể dục đường Tongil với hàng trăm thiết bị thể thao và xem các chương trình biểu diễn sẽ kết thúc chuyến tham quan trong ngày ở Bình Nhưỡng. Đây không phải là lần đầu tiên, Bắc Triều Tiên đưa các tour du lịch ra thị trường.

Nếu nhìn vào các địa điểm du lịch như Sân trượt băng ngoài trời Nhân dân, sân trượt patin, Công viên giải trí nhân dân Rungra vào năm 2012 và các sản phẩm du lịch vào năm 2013, có thể thấy được ý đồ về việc khai thác các vùng phát triển kinh tế ở từng địa phương của nước này. Các địa điểm du lịch đa dạng hơn được xây dựng như Công viên nước Munsu, Câu lạc bộ cưỡi ngựa Mirim và Khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masikryong. Trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2022, miền Bắc cũng khánh thành Nhà hát ngoài trời Thanh niên Bình Nhưỡng.

Kể từ năm 2012, khi ông Kim Jong-un chính thức lên nắm quyền, Bắc Triều Tiên đã hồi sinh ngành du lịch của mình. Sân trượt băng, sân trượt patin, sân cưỡi ngựa và công viên nước được xây dựng ở dưới lòng trung tâm Bình Nhưỡng, và các đặc khu du lịch được xây dựng ở nhiều nơi tại các địa phương. Năm 2020, ngay cả khi dịch COVID-19 bùng phát, Bắc Triều Tiên vẫn cho tiến hành khai trương khu nghỉ dưỡng phức hợp mang tên Yangdok gồm có các cơ sở du lịch suối nước nóng, sân cưỡi ngựa, sân trượt tuyết.

Dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un, thành phố du lịch ven biển Wonsan Kalma được xây dựng nhằm mục đích thu hút khách du lịch nước ngoài. Đồng thời miền Bắc cũng dồn rất nhiều công sức cho Khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masikryong. Điều này có thể là vì ngành du lịch của Bắc Triều Tiên không phải chịu các lệnh trừng phạt. Tuy vậy, ngành du lịch của Bình Nhưỡng được biết là không mấy phát triển do nước này phải chịu cấm vận của cộng đồng quốc tế đáp trả lại việc tăng cường các hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân. Tiếp đó là dịch COVID-19 bùng phát, và đỉnh điểm là từ năm 2020, nước này đã phải đóng cửa hoàn toàn biên giới do đại dịch. Do đó, có nhiều phân tích cho rằng, bằng cách quảng bá các sản phẩm du lịch của Bình Nhưỡng nhắm đến những cư dân có điều kiện kinh tế, nước này sẽ vực dậy nền kinh tế vốn bị đình trệ do COVID-19.

Khi nền tảng cơ sở hạ tầng được đảm bảo một mức độ nhất định thì ngành du lịch có thể đảm bảo nguồn thu ngoại tệ ổn định. Với lợi thế các lệnh cấm vận vẫn cho phép sự tự do tương đối, Bắc Triều Tiên đã lấy con bài “du lịch” để vượt qua những khó khăn kinh tế do lệnh trừng phạt và sức ép từ cộng đồng quốc tế. Giống như bài phóng sự của KCTV, việc thúc đẩy ngành du lịch của nước này nhằm quảng bá hình ảnh của một Bắc Triều Tiên đang thay đổi từng ngày đã bị chững lại do đại dịch COVID-19, nay đang được khởi động lại bằng chương trình du lịch “Tham quan Bình Nhưỡng trong ngày”.

Tin mới nhất