Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Những phương án đối phó với tỷ lệ sinh thấp của Bắc Triều Tiên

2023-07-05

ⓒ KBS News
Bắc Triều Tiên được cho là đang phải đối mặt với sự suy giảm dân số trong độ tuổi đi học do tỷ lệ sinh giảm. Tháng 4/2023, Đài châu Á tự do (RFA) của Mỹ trích dẫn nguồn tin cho biết “khoảng 10 năm trước đây, tại các ngôi trường tiểu học, mỗi năm có thêm từ 4 đến 5 lớp mới. Tuy nhiên, do số lượng học sinh giảm, đến năm 2023 chỉ có 3 lớp dành cho học sinh mới nhập học. Thực tế, theo Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Bắc Triều Tiên hiện đang xếp thứ 126 trên thế giới với tỉ suất sinh là 1,89. Mặc dù so với quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới là Hàn Quốc, con số này vẫn khá cao. Nhưng đây cũng là một nỗi lo mà miền Bắc đang phải đối mặt. Vào năm 2021, Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) đưa tin về việc chị Park Eun-jung sống tại Bình Nhưỡng sinh người con thứ 10 và được tôn vinh là “Người mẹ anh hùng”. Một “Người mẹ anh hùng” chia sẻ rằng với tư cách là một người phụ nữ, một người công dân, một gia đình của quân đội, chị xem việc sinh con là trách nhiệm phải làm. Hiện tại, Bắc Triều Tiên đang đề xuất nhiều biện pháp khuyến khích để kích thích tỷ lệ sinh sản tại nước này. Vào các ngày kỷ niệm lớn, gia đình sinh nhiều con sẽ được tặng đồ dùng học tập. Các cặp vợ chồng sinh ba được cung cấp thuốc và thực phẩm miễn phí, thậm chí còn được ưu tiên về nơi ở. Chồng của “Người mẹ anh hùng” chia sẻ và nhấn mạnh với truyền thông rằng dù trong hoàn cảnh cả thế giới đang chật vật với COVID-19, bản thân anh không gặp bất cứ vấn đề gì trong việc nuôi dạy các con, nhờ vào những ưu đãi của Chính phủ.

Trên thực tế, kể từ cuối những năm 1980, phụ nữ Bắc Triều Tiên đã không còn sinh nhiều con nữa. Điều này kéo theo hệ quả là tỷ lệ sinh giảm dần. Khủng hoảng kinh tế những năm 1990 được biết đến với tên gọi “cuộc hành quân gian khổ” cùng với sự sụp đổ của chế độ bao cấp tại nước này khiến người dân phải cố gắng cắt giảm số “miệng ăn” trong gia đình. Điều này đồng nghĩa với việc họ không sinh con sau khi kết hôn. Có lẽ đây là bối cảnh dẫn đến sự ra đời của danh hiệu “Người mẹ anh hùng” nhằm động viên phụ nữ miền Bắc sinh thêm con.  

Cho đến những năm 1960, Bắc Triều Tiên đã thực hiện chính sách khuyến khích sinh con để đối phó với vấn đề dân số giảm sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Tổng tỷ suất sinh, số trẻ trung bình mà một phụ nữ sinh trong suốt cuộc đời, được báo cáo là 5,11 trẻ em vào thời điểm đó.

Vào thời điểm đó, tình hình kinh tế của Bắc Triều Tiên tốt hơn Hàn Quốc, họ cần thêm lực lượng lao động cũng như nhân lực cho quân đội. Do đó, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích để tăng tỷ lệ sinh.

Từ những năm 1970, miền Bắc nâng độ tuổi khuyến khích kết hôn để tận dụng lực lượng lao động nữ, và ban hành các chính sách kiểm soát sinh đẻ. Song song với đó, nước này khuyến khích các gia đình có ít con hơn, phổ biến các biện pháp tránh thai hay cho phép phá thai. Thậm chí, trong những năm 1980 còn xuất hiện khẩu hiệu “Sinh một con là tốt, hai là nhiều, ba là không có lương tâm, còn sinh bốn là khờ dại”. Vào những năm 1990, tỷ lệ sinh của nước này liên tục giảm. Giai đoạn “cuộc hành quân gian khổ” được cho là có ảnh hưởng đến việc suy giảm dân số của Bắc Triều Tiên.

Dưới thời bao cấp, các gia đình sẽ được chia thực phẩm theo số lượng nhân khẩu. Khi chế độ này chấm dứt, họ phải tự tìm cách để nuôi các thành viên trong gia đình. Do đó, có thể nhận định rằng, sự sụp đổ của chế độ bao cấp có thể là nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm tỷ lệ sinh tại Bắc Triều Tiên. Thêm vào đó, các chính sách điều trị y tế và giáo dục miễn phí cũng đã thay đổi. Gánh nặng trong việc nuôi con của các bà mẹ tăng gấp 2, 3 lần. Vì những nguyên nhân chồng chất này mà tỷ lệ sinh tại miền Bắc đã giảm mạnh. Trong thời kỳ nạn đói được ví là “cuộc hành quân gian khổ”, gần như mọi người đều tránh sinh con. Bởi lẽ, nuôi bản thân đã rất vất vả, huống hồ còn phải lo lắng thêm cho cả gia đình. Cũng từ giai đoạn này, nhiều người tại miền Bắc đã lựa chọn việc không lập gia đình.

Năm 1998, Bắc Triều Tiên tổ chức “Đại hội các bà mẹ” nhằm khuyến khích phụ nữ nước này sinh con, nhưng tỷ lệ sinh tiếp tục giảm. Đến năm 2000, việc suy giảm dân số trở thành vấn đề nghiêm trọng của xã hội miền Bắc. Trong bức thư gửi toàn thể Đại hội Hội Liên hiệp phụ nữ xã hội chủ nghĩa Bắc Triều Tiên vào năm 2021, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un nhấn mạnh việc tôn trọng phụ nữ, và khích lệ “việc sinh và nuôi dạy con cái là sự kiện trọng đại liên quan đến sự tồn vong và tương lai của đất nước, Nhà nước sẽ tăng cường nhiều chính sách ưu đãi hơn để giúp đỡ phụ nữ trong việc sinh và nuôi dạy con cái”. Trang tuyên truyền đối ngoại “Tiếng vọng” (Meari) của miền Bắc đưa tin về chế độ nghỉ thai sản 240 ngày gồm 60 ngày trước và 180 ngày sau khi sinh của phụ nữ Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, việc nghỉ thai sản không liên quan đến việc tính toán thâm niên công tác của người lao động. Trong thời gian nghỉ sẽ được đảm bảo 100% sinh hoạt phí cũng như trợ cấp thai sản trước và sau khi sinh. Trang tin này cũng nhấn mạnh rằng nhờ vào những chính sách đó mà phụ nữ nước này không hề gặp vấn đề gì trong việc sinh và nuôi dạy con cái. Nếu tính theo bài báo trên, phụ nữ Bắc Triều Tiên có thời gian nghỉ thai sản khá dài.

Phụ nữ tại Bắc Triều Tiên được hưởng lương cơ bản khi nghỉ thai sản trước và sau sinh. Vấn đề là mức lương cơ bản là 3.000 won Bắc Triều Tiên (3,3 USD), trong khi đó giá gạo thị trường khoảng 5.000 won Bắc Triều Tiên (5,5 USD) mỗi kg. Vì vậy, thực tế việc nhận lương cơ bản không có ý nghĩa gì. Miền Bắc không có chế độ nghỉ việc tạm thời như ở miền Nam. Chính sách này được đánh giá là không hiệu quả lắm vì lương cơ bản, hay chi phí sinh hoạt cơ bản được Nhà nước trợ cấp cũng không đủ mua dù là 1 kg gạo.

Luật bảo đảm quyền phụ nữ của Bắc Triều Tiên nêu rõ “Phụ nữ và trẻ em sinh ba hoặc trên ba sẽ được chăm sóc đặc biệt chẳng hạn như có bác sĩ phụ trách hay cung cấp nơi ở, thuốc men, thực phẩm và đồ gia dụng miễn phí”. Tại miền Bắc, các em bé sinh ba được dành tình cảm rất đặc biệt và còn được gắn số thứ tự. Truyền thông nước này cũng đã đưa tin về cặp sinh ba hiện nay đã được 10 tuổi là cặp sinh ba số 415 và nhấn mạnh rằng đây là một điềm lành đối với cả nước. Những em bé này tiếp tục được chăm sóc tại bệnh viện phụ sản Bình Nhưỡng trong vòng 100 ngày. Sau đó, được nuôi trong 4 năm tại trung tâm chăm sóc trẻ em Bình Nhưỡng. Các bà mẹ đương nhiên không quên bày tỏ lòng biết ơn đối với vị lãnh tụ tối cao của đất nước. Một bà mẹ sinh ba chia sẻ rằng chị cảm thấy con của mình thật có phúc. Các con của chị thậm chí còn được gặp Chủ tịch Kim Jong-un tại trung tâm chăm sóc trẻ em. Các phương tiện truyền thông tại nước này cũng đưa tin rằng nếu một người dân địa phương mang thai nhiều con, họ sẽ được đưa đến bệnh viên phụ sản Bình Nhưỡng bằng trực thăng và được chăm sóc đặc biệt ở đó. Việc nhấn mạnh đưa tin về các cặp song sinh của truyền thông Bắc Triều Tiên cho thấy ý đồ tuyên truyền các chính sách chăm sóc trẻ em và phúc lợi của chính quyền. Đầu năm 2023, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc, đưa tin rằng các gia đình sinh nhiều con là đối tượng được ưu tiên hàng đầu trong việc bố trí nơi ở.

Ở Bắc Triều Tiên, về nguyên tắc, Chính phủ sẽ cung cấp nhà ở cho đối tượng là những người dân đã kết hôn. Các công ty sẽ cung cấp nhà ở cho đàn ông trong công ty của họ. Tuy nhiên trên thực tế, miền Bắc không xây dựng được nhiều nhà để cung cấp cho tất cả người dân. Vì vậy, luật Nhà ở từng sắp xếp thứ tự đối tượng sẽ được ưu tiên cung cấp nơi ở như người tham gia cách mạng, liệt sĩ, quân nhân, giáo viên, nhà khoa học, kỹ sư, người có công. Ở đây, người tham gia cách mạng là những người đã chiến đấu giành độc lập cho đất nước thoát khỏi ách thống trị của Nhật Bản hoặc lập được chiến tích trong chiến tranh Triều Tiên. Thế nhưng, các gia đình sinh ba và hộ gia đình nhiều con đã được thêm vào là đối tượng được ưu tiên nhận nhà ở đầu tiên, cho thấy tỷ lệ sinh của Bắc Triều Tiên đang giảm rất nghiêm trọng.

Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên trao tư cách Đảng viên cho những người sinh hai con trở lên và cho họ hưởng trợ cấp. Tháng 7/2020, miền Bắc đã chu cấp cho người bảo hộ của mỗi trẻ em dưới 5 tuổi số tiền 7.500 won Bắc Triều Tiên (8,2 USD). Theo người tị nạn miền Bắc, chính quyền nước này không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các biện pháp này. Một người tị nạn Bắc Triều Tiên năm 2014 đã từng phục vụ trong quân đội miền Bắc từ năm 2001-2010 chia sẻ trong bài phỏng vấn rằng Bình Nhưỡng không chỉ chọn những người 17-18 tuổi mà tất cả những người chưa hoàn thành nghĩa vụ quân sự đều được gọi nhập ngũ, Thời điểm những năm 2000, người có chiều cao dưới 1,48m không được tham gia vào quân đội. Sau giai đoạn “cuộc hành quân gian khổ” do số lượng quân nhân ít nên họ chọn người có chiều cao từ 1,43m. Có những người thấp đến mức đeo súng thậm chí mũi súng còn kéo lê trên mặt đất. Suy giảm dân số do tỷ lệ sinh thấp không chỉ ảnh hưởng đến số lượng binh lính trong quân đội mà còn dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực trong các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng quốc gia.

Các ngành công nghiệp sơ cấp và thứ cấp tại Bắc Triều Tiên đều là các ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Mặc dù thời gian gần đây một số nhà máy đã hiện đại hóa máy móc sản xuất, tuy nhiên vẫn còn cần rất nhiều lao động. Vì vậy, tỷ lệ sinh thấp dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế của nước này. Theo quan điểm của tôi, dù miền Bắc có khuyến khích sinh nhiều hơn thì tỷ lệ sinh vẫn thấp. Bản thân cuộc sống của người dân đã rất chật vật, họ chọn sinh ít con để nuôi dạy đầy đủ thay vì sinh nhiều như trước đây.

Mặc dù chính quyền Bắc Triều Tiên đã thực hiện nhiều chính sách khác nhau để khuyến khích sinh con, tuy nhiên, để đảo ngược tỷ lệ sinh, dường như việc cấp bách cần giải quyết là đảm bảo kinh tế cho người dân của nước này. 

Tin mới nhất