Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Ăn kiêng tại Bắc Triều Tiên

2023-07-12

ⓒ Getty Images Bank
Khác với những ngày mùa đông phải cuộn mình lại vì cái lạnh, mùa hè đang vẫy gọi, cho phép chúng ta được diện những bộ đồ bơi, là thời điểm mọi người được ăn diện “mát mẻ” hơn. Vì vậy, để có thể diện những bộ trang phục “mát mẻ” đón chào mùa hè, nhiều người chọn việc tập thể dục hoặc ăn kiêng để giảm cân. Liệu người dân tại Bắc Triều Tiên có ăn kiêng hay không? Trong buổi phát sóng hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về việc ăn kiêng tại Bắc Triều Tiên cùng bà Kang Mi-jin, Giám đốc điều hành công ty đầu tư và phát triển NK. Dù có lên kế hoạch ăn kiêng quanh năm suốt tháng nhưng có lẽ mùa hè là khoảng thời gian khiến mọi người cuồng nhiệt giảm cân hơn bao giờ hết, cố gắng nhanh nhất có thể để còn tận hưởng mùa hè. Cuộc chiến để đốt mỡ thừa tại Bắc Triều Tiên cũng không ngoại lệ. 

Kể từ giữa những năm 2010, đã có một số người dân Bắc Triều Tiên ăn kiêng để giảm cân. “Cắt bỏ mỡ thừa” hay “Gọt người” là những từ mà người dân miền Bắc dùng để chỉ chế độ giảm cân. Đến cuối những năm 2010, thay vì những bộ cánh thẳng tuột thông thường như trước đây, người dân nước này bắt đầu mặc những trang phục bó sát cơ thể. Việc ăn kiêng vì vậy mà cũng được quan tâm hơn. Kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000, Bình Nhưỡng mở rộng giao lưu với thế giới bên ngoài, việc béo phì là một dấu hiệu nguy hiểm đối với sức khỏe cũng được biết đến rộng rãi hơn.

Ở Bắc Triều Tiên, chế độ ăn kiêng được bắt đầu từ sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000 giữa cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung (1924-2009) và cố Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Kim Jong-il (1941-2011), được tổ chức tại Bình Nhưỡng trong vòng ba ngày hai đêm. Vào thời điểm đó, khi giao lưu liên Triều mở rộng, nền văn hóa bên ngoài, bao gồm cả làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu, đã du nhập vào miền Bắc và lan rộng. Người dân nước này bắt đầu quan tâm đến cơ thể và vẻ đẹp khi xem phim truyền hình Hàn Quốc. Trong một chương trình phát sóng của Bắc Triều Tiên, nữ quản lý cửa hàng Âu phục Gyonglim chia sẻ về việc những bộ trang phục có thể tôn lên những đường cong của cơ thể phụ nữ. Quần áo phụ nữ để lộ một phần cơ thể vốn không được xã hội miền Bắc khuyến khích nhưng đã xuất hiện trong các buổi biểu diễn thời trang. Vào năm 2014, Tân báo Triều Tiên (Choson Sinbo), tờ báo của Hội người Triều Tiên tại Nhật Bản (Jochongryeon) đại diện cho lập trường của Chính phủ Bắc Triều Tiên, đã có bài giới thiệu về một người giáo viên giúp phụ nữ miền Bắc thực hiện việc ăn kiêng khoa học. Đây là một sự thay đổi khá mới mẻ khi mà xã hội Bắc Triều Tiên vốn ưa chuộng vẻ ngoài mũm mĩm và cứng cáp. 

Từ những năm 1980, đặc biệt là những năm 1990, trong hoàn cảnh nhiều người dân miền Bắc thiếu ăn hoặc chết vì đói, những người gầy gò bị xem là người nghèo, thân hình mập mạp được ưa chuộng hơn và những người như vậy thường được cho là người có gia đình là cán bộ quan chức. Tức, họ dùng vẻ bề ngoài mũm mĩm để đánh giá về gia thế của một người nào đó. Ngoài ra, từ thời xa xưa, hình mẫu về một người phụ nữ đẹp của Bắc Triều Tiên phải là người tròn trịa và đầy đặn. Những cô con dâu như vậy được xem là có tướng “vượng phu ích tử”. Ngược lại, những người mảnh khảnh thì không được đánh giá cao. Khi nhìn vào ngoại hình của bà Ri Sol-ju, phu nhân Chủ tịch Ủy ban quốc vụ Kim Jong-un, cũng có thể thấy được điều này. Bà Ri Sol-ju sở hữu gương mặt không mảnh mai, ngược lại còn tròn trịa, một nét đẹp điển hình tại Bắc Triều Tiên. Có lẽ vì vậy mà bà được chọn làm Đệ nhất phu nhân của nước này. 

Xã hội miền Bắc gọi những người bụng to là “bụng cán bộ”. Họ cũng được cho là người có quyền lực như cán bộ của đảng Lao động. Điều này cũng giống với cách người dân nước này nhìn nhận về hình tượng của một mĩ nhân. Năm 2012, bà Ri Sol-ju lần đầu tiên được công chúng biết đến khi tham dự lễ khánh thành Công viên giải trí nhân dân Rungra. Truyền thông nước này đánh giá bà là một mỹ nhân có nét đẹp Á Đông với thân hình đầy đặn và khuôn mặt tròn trịa. Tuy nhiên gần đây, nước này đang cảnh báo về tình trạng béo phì. 

Theo một báo cáo do Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) công bố, tính đến năm 2016, tỷ lệ thừa cân hay béo phì của người trưởng thành ở miền Bắc là 32,4%, cao hơn so với 30,3% ở miền Nam. Từ trước đại dịch COVID-19, người dân nước này đã nhận định về việc béo phì gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Đồng thời, ngày càng có nhiều người khá giả tìm đến thực phẩm chức năng xuất xứ từ Trung Quốc hay Hàn Quốc để cải thiện tình trạng béo phì.

Trên thực tế, khi nghĩ về tình trạng dinh dưỡng của người dân Bắc Triều Tiên, người ta hay nghĩ đến suy dinh dưỡng hơn là béo phì. Báo cáo của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp cho thấy những kết quả không mấy hợp lý. Tính đến năm 2016, tỷ lệ thừa cân, béo phì của người trưởng thành ở Bắc Triều Tiên tăng thêm 12,4% trong vòng 15 năm từ năm 2000. Tỷ lệ này cao hơn so với Hàn Quốc và tốc độ béo phì cũng gia tăng nhanh chóng. Khi tình trạng béo phì tăng cao, Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) đã cho phát sóng một loạt phim hoạt hình giáo dục về tình trạng an toàn giao thông, một học sinh béo phì xuất hiện và cảnh báo cho những học sinh đang lên xe về tình trạng béo phì. Trang tin của Bộ Y tế nhân dân Bắc Triều Tiên cũng đã có bài đăng giới thiệu về bác sĩ trị bệnh béo phì bằng phương pháp châm cứu. Nhân vật tiêu biểu cho thực trạng béo phì ở miền Bắc chính là Chủ tịch Kim Jong-un. 

Thời điểm Chủ tịch Kim Jong-un mới lên nắm quyền vào năm 2012, cân nặng khoảng 90 kg, nhưng đến năm 2014 đã tăng lên 120 kg và năm 2016 lên 130 kg. Cũng không loại trừ khả năng Chủ tịch Kim sinh bệnh do ăn và uống quá nhiều vì tình trạng căng thẳng. Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc cho biết thêm, cân nặng của Chủ tịch Kim Jong-un đã tăng lên 140 kg vào năm 2019 và sau đó giảm khoảng 20 kg. Chủ tịch Kim Jong-un cũng giống như cha mình là cố Chủ tịch Kim Jong-il, hay ông nội là cố Chủ tịch Kim Nhật Thành có cân nặng vượt quá tỷ lệ với chiều cao, đồng thời gia đình cũng có tiểu sử bệnh tim mạch nên có khả năng Chủ tịch Kim Jong-un đã cố gắng giảm cân nhiều lần. 

Chủ tịch Kim được cho là giảm được rất nhiều cân nặng trong một khoảng thời gian tương đối ngắn vào năm 2021. Tháng 7/2021, Ủy ban Tình báo Quốc hội của Hàn Quốc cho biết về việc chủ tịch Kim Jong-un đã giảm khoảng 10-20kg và đang thực hiện các hoạt động quản lý cân nặng cơ bản. Năm 2021, cân nặng của Chủ tịch Kim là 120 kg, việc giảm cân của ông cũng trở thành đề tài bàn tán của người dân nước này. Việc giảm cân của nhà lãnh đạo tối cao cho thấy Bắc Triều Tiên cũng đang coi trọng vấn đề béo phì. Nhiều phương tiện truyền thông được huy động để nhấn mạnh tầm quan trọng của thói quen ăn uống hợp lý và kiểm soát cân nặng. Các phòng tập gym đang mọc lên nhiều nơi ở Bình Nhưỡng. Hiện tại, Bắc Triều Tiên cũng có phiên bản Coca-Cola cho người ăn kiêng. 

Ở Bắc Triều Tiên, có loại nước giải khát lúa mạch phiên bản không đường. Hiểu đơn giản, có thể coi loại thức uống này như Coca-Cola Zero không đường của Hàn Quốc. Giống như hầu hết các loại đồ uống không đường, người ta dùng nguyên liệu xylitol thay vì đường. Ngay cả khi có vị ngọt, thức uống này không làm lượng đường trong máu tăng nên nhận được nhiều sự yêu thích của người tiêu dùng tại miền Bắc. Điều này cũng cho thấy, nhận thức về sức khỏe đã thay đổi ở Bắc Triều Tiên. 

Bắt đầu với nước giải khát không đường, Bình Nhưỡng cũng đang phát triển các sản phẩm tốt cho sức khỏe giúp giảm nguy cơ béo phì, chẳng hạn như “chiết xuất hạt nhân sâm xanh”, thuốc chống béo phì. Sự quan tâm đến việc ăn kiêng cũng thể hiện trong chế độ ăn kiêng được giới thượng lưu nước này ưa thích. 

Theo các phương tiện truyền thông khác nhau, tầng lớp thượng lưu của Bắc Triều Tiên đang thể hiện sự ưa thích đối với một chế độ ăn uống lành mạnh. Các món ăn phổ biến bao gồm gỏi cuốn thịt gà và cơm đậu phụ. Gỏi cuốn thịt gà là một món ăn được làm bằng cách thêm tinh bột vào thịt gà băm nhỏ, nêm muối và hạt tiêu, ướp nhiều loại rau và lăn trong dầu. Ức gà giàu protein, chất chống oxy hóa thực vật và chất xơ làm cho món ăn này được khuyên dùng để ăn kiêng. Cơm đậu phụ là thứ mà chúng tôi từng ăn rất nhiều. Cắt đậu phụ thành hai hình tam giác, sau đó, bỏ thêm rau, cá cơm, bột ớt vào bên trong miếng đậu phụ đã được cắt. Đây là món ăn cung cấp được protein thực vật, dù ăn no cũng không bị tăng cân nên rất được ưa chuộng ở Bắc Triều Tiên. 

Tầng lớp thượng lưu Bắc Triều Tiên thích ăn kiêng lành mạnh, hoặc lắp đặt thiết bị tập thể dục cá nhân tại nhà. Vậy làn gió ăn kiêng thổi vào miền Bắc có thực sự là cơn sốt đang càn quét cả nước?

Người giàu tại Bắc Triều Tiên ăn kiêng vì sức khỏe và sắc đẹp, nhưng phần lớn người dân nước này chỉ có thể xem việc đó là chuyện xa vời, như chuyện trong phim. Vào ngày 3/3/2023, đài CNN của Mỹ đã đưa tin rằng tình trạng thiếu lương thực của Bắc Triều Tiên là tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng kinh tế những năm 1990 được biết đến với tên gọi “cuộc hành quân gian khổ”. Ngay cả trước COVID-19, gần một nửa dân số miền Bắc bị suy dinh dưỡng. Có thông tin cho rằng họ thậm chí còn thiếu lương thực trầm trọng hơn khi nước này phong tỏa biên giới trong 3 năm. Hầu hết những người ăn kiêng đều là các cán bộ cấp cao, những người không làm việc. Người bình thường phải vận động trong khi làm việc khiến cho họ không mắc phải tình trạng thừa cân. Vì vậy, việc tỷ lệ béo phì của nước này cao hơn Hàn Quốc là một vấn đề cần được xem xét lại một lần nữa. 

Việc quan tâm đến chế độ ăn kiêng có tồn tại ở Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, chế độ ăn uống của nước này là một dấu hiệu khác cho thấy sự phân cực giàu nghèo về thực phẩm, với hơn 40% dân số bị suy dinh dưỡng.

Tin mới nhất