Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Ý nghĩa của tem thư ở Bắc Triều Tiên

2023-08-02

ⓒ YONHAP News
Trong tháng 6 vừa qua, các phương tiện truyền thông ở Bắc Triều Tiên đã thông báo rằng họ đã phát hành tem thư dành cho quốc gia, với biểu tượng là chim ác là. Cách đây không lâu, họ gọi chim ưng ngỗng là biểu tượng quốc gia, coi nó giống với tính cách kiên cường và dũng mãnh của dân tộc. Tuy nhiên, gần đây biểu tượng này đã có sự thay đổi. Có những phân tích cho rằng Bắc Triều Tiên, khi thảo luận về biểu tượng quốc gia vào đầu năm nay và liên tục nhấn mạnh giáo dục tư tưởng quốc gia, và muốn truyền tải hình ảnh thân thiện của nước mình. Ngoài ra, vào tháng 7 năm 2023, họ đã tiết lộ thiết kế tem dựa trên hình ảnh cuộc sống của nông dân. Đây được coi là sự phản ánh chính sách nông nghiệp ưu tiên trong 12 ngành kinh tế quan trọng của năm nay, với việc chọn lúa mạch là ưu tiên hàng đầu. Ở Bắc Triều Tiên, tem thư không chỉ là công cụ bưu chính viễn thông mà còn được sử dụng như một phương tiện truyền thông chính trị và ngoại giao để biểu đạt ý kiến của chế độ. 

Năm 2020, một bài tiểu luận được đăng trên trang web của trường Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành có đề cập đến nguồn gốc con tem bưu chính đầu tiên trên thế giới được giới thiệu vào năm 1840 tại Anh, từ đó chúng đã trở thành cách thức thể hiện sự liên kết giữa con người và quốc gia, được mô tả như là "giấy chứng nhận quốc gia", "trang sức bằng giấy", hay "nhà ngoại giao nhỏ bé". Những tem thư được bán cho các nhà sưu tầm ở nước ngoài trở thành một phương tiện quảng bá điểm thu hút của đất nước và truyền tải thông điệp chính trị. Ở Bắc Triều Tiên, tem thư được coi là một biểu tượng quan trọng có thể giới thiệu hình ảnh quốc gia với chi phí thấp và tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng. 

Tháng 11 năm 2022, con gái thứ hai của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un là Kim Ju-ae đã cùng cha mình xuất hiện tại hiện trường phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) kiểu mới Hwasong-17. Kim Ju-ae cũng đã đồng hành trong buổi chụp hình kỷ niệm với các nhà khoa học, kỹ sư tham gia phát triển tên lửa Hwasong-17. Vào tháng 2 năm 2023, công ty Tem Chosun ở Bắc Triều Tiên đã tiết lộ bản thiết kế tem thư dựa trên hình ảnh của Chủ tịch Kim trong buổi thị sát hiện trường vụ phóng tên lửa ICBM Hwasong-17. Trong 8 mẫu tem, có đến 5 mẫu có hình ảnh Kim Ju-ae đứng bên cạnh, cùng đi bộ hay khoác tay Chủ tịch Kim. Đây là lần đầu tiên con gái nhà lãnh đạo miền Bắc xuất hiện trên tem thư, và nhận được nhiều sự chú ý trong bối cảnh nước này đang tìm cách "thần tượng hóa" hình ảnh của Kim Ju-ae. Trên thực tế, hình ảnh của gia đình lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên đã xuất hiện trên tem bưu chính nhiều lần trước đây. Tiêu biểu nhất là bà Kim Jong-suk, bà ngoại của Chủ tịch Kim Jong-un, đã xuất hiện trên nhiều tem thư với các hình ảnh đa dạng. Bên cạnh đó còn có cha mẹ, ông bà nội hay người chú Kim Hyong-won và em trai Kim Chol-ju của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung, 1912-1994) cũng đã được xuất bản tem kỷ niệm với chủ đề phong trào độc lập. Còn về trường hợp của các nhà lãnh đạo tối cao xuất hiện trên tem, Cố Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Kim Jong-il (1941-2011) là người đầu tiên được in trên tem riêng vào những năm 1980 sau khi lên vị trí thứ hai trong hàng ngũ chính trị. Trong khi đó, chiếc tem đầu tiên với hình ảnh của Chủ tịch Kim Jong-un được phát hành vào năm 2011 sau khi cố Chủ tịch Kim Jong-il qua đời, ông xuất hiện cùng cha mình trên tem này, tuy nhiên trên tem chỉ ghi tên cố Chủ tịch Kim Jong-il. Vào năm 2012, tem kỷ niệm cuộc họp lần thứ tư của đảng Lao động Bắc Triều Tiên có phông nền là dãy núi Baekdu (Bạch Đầu), với hình ảnh của cố Chủ tịch Kim Jong-il và Chủ tịch Kim Jong-un. Tem kỷ niệm 66 năm thành lập Đội thiếu niên tiền phong có hình ảnh Chủ tịch Kim Jong-un cùng các thành viên Đội thiếu niên tiền phong. Chủ tịch Kim xuất hiện một mình trên tem thư vào năm 2013, sau khoảng một năm kể từ khi ông lên nhậm chức và lần đầu tiên phát biểu chúc mừng năm mới. Vậy, lý do lần này trên tem thư có hình ảnh của Kim Ju-ae là gì? 

Đầu tiên, tem thư phản ánh sự vững mạnh của “huyết thống Baekdu”, tức việc cha truyền con nối theo dòng dõi cách mạng. Hơn nữa, Kim Ju-ae là con gái thứ hai, việc sinh nhiều con có thể trở thành tấm gương tốt trong bối cảnh tỷ lệ sinh thấp trở thành vấn đề ở Bắc Triều Tiên, làm tăng mức độ tin yêu của nhân dân đối với lãnh đạo tối cao. Thứ hai, việc này cũng thể hiện sự gần gũi với công chúng, khác biệt với cuộc sống gia đình bí mật và kín đáo của các thế hệ lãnh đạo trước. Lấy cảm hứng từ các nước có vua chúa ở châu Âu, nơi hoàng gia trở thành những người có tầm ảnh hưởng và ngôi sao được yêu thích trên mạng xã hội. Bằng cách tiết lộ hình ảnh về hôn nhân, con cái và quá trình lớn lên của gia đình hoàng gia, họ giữ được uy quyền mà vẫn đạt được sự yêu mến từ người dân. Có thể thấy rằng, việc đưa Kim Ju-ae lên tem có thể không phải là một cách thức theo kiểu miền Bắc, mà là một cách thể hiện tình yêu của Chủ tịch Kim Jong-un dành cho con gái mình. Điều này có thể thức tỉnh cho quan niệm thiên vị con trai ở Bắc Triều Tiên và cải thiện hình ảnh về con gái hay vị trí của phụ nữ trong xã hội.

Khi lấy các sự kiện trong nước hay quốc tế làm hệ quy chiếu, sự xuất hiện trên tem của Kim Ju-ae có thể mang những thông điệp khác nhau. 

Bằng cách đưa Kim Ju-ae lên tem thư, chính quyền miền Bắc muốn truyền tải một thông điệp quan trọng với cộng đồng quốc tế, rằng vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên không phải là một mối đe dọa đối với sự sống của các em nhỏ, mà thay vào đó, nó có thể được coi là một biện pháp bảo vệ quyền sống còn của trẻ em. Nhìn chung, đó có thể là một thông điệp ẩn ý đây không phải hành động quân sự khiêu khích đe dọa thế giới. Thứ hai, tem thư này có thể cho thấy hình ảnh của gia đình lãnh đạo bình thường trong một quốc gia bình thường. Điều này có thể làm mờ đi hình ảnh về một quốc gia đáng sợ và không đáng tin cậy luôn tiến hành các thử nghiệm hạt nhân. Thứ ba, việc đưa Kim Ju-ae lên tem có thể nhằm tạo hình ảnh về một đất nước Bắc Triều Tiên không phải là một chế độ độc tài đầy quyền lực, có thể được xem giống như các hoàng gia ở châu Âu. Trước đây, cuộc sống riêng tư của gia đình cố Chủ tịch Kim Nhật Thành luôn bị giữ kín và bí mật. Không ai biết về gia đình họ trước khi gia nhập đấu trường chính trị.

Trong quá khứ phát hành tem ở Hàn Quốc, tháng 4 năm 1884, Tổng cục Bưu điện được thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 11 cùng năm. "Tem Munwi" là con tem đầu tiên được phát hành. Sau khi chính phủ Đại Hàn Dân Quốc được thành lập, con tem đầu tiên mang tên "tem Đại Hàn Dân Quốc" được phát hành vào tháng 8 năm 1948. Vào năm 1946, Bắc Triều Tiên đã phát hành tem theo chỉ thị của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành rằng "tem cũng phải được thiết kế mới phù hợp với hiện thực và đời sống tình cảm của nhân dân". Con tem đầu tiên được in với hình ảnh hoa Mugung (dâm bụt), núi Geumgang và ba tảng đá trên biển (Tam tiên nham). 

Theo mô tả trong danh mục tem Bắc Triều Tiên xuất bản vào năm 2015, hoa Mugung (dâm bụt) là một trong những loài hoa được người dân miền Bắc yêu thích từ thời xa xưa. Nó là một loại cây lâu năm có thể được thấy ở bất kỳ nơi nào. Từ tháng 5 cho đến mùa thu, hàng ngày, hoa sẽ nở và tiếp tục nở mới vào mỗi buổi sáng, đó là lý do mà nó còn được gọi là "hoa bất diệt". Hoa Mugung được ưa chuộng bởi sự tinh tế và giản dị, đã nhận được tình yêu của người Triều Tiên và truyền thông tại Trung Quốc từ lâu. Ngày nay, hoa Mugung là quốc hoa và lá cờ Taegeukgi là quốc kỳ của Hàn Quốc, nhưng trong thực tế, chúng đã trở thành biểu tượng của cả hai dân tộc từ trước khi bán đảo Hàn Quốc giải phóng. Do đó, trước khi quốc kỳ Bắc Triều Tiên được lập ra, không có phản đối đối với lá cờ Taegeukgi.

Cả miền Nam và miền Bắc đều đã phát hành tem trong suốt thời kỳ chiến tranh Triều Tiên trên bán đảo Hàn Quốc (1950-1953). Đặc biệt, Bắc Triều Tiên đã phát hành nhiều loại tem nhằm tăng cao tinh thần của quân đội nhân dân. Theo truyền thông miền Bắc, trong thời gian chiến tranh, tổng cộng nước này đã phát hành 31 mẫu tem khác nhau. Tem của Bắc Triều Tiên chủ yếu tập trung vào việc quảng bá chế độ xã hội chủ nghĩa và thường thể hiện các nội dung liên quan đến đời sống của công nhân. Điều này cũng giải thích lý do tại sao tem của Bắc Triều Tiên thường xuất hiện với hình ảnh của người lao động. 

Tem kỷ niệm 2 năm thi hành Luật Lao động năm 1948 là mẫu tem đặc trưng có sự xuất hiện của người lao động. Đây là mẫu tem đầu tiên sau khi giải phóng nhằm kỷ niệm việc thành lập Hiến pháp dân chủ, đồng thời thể hiện ý nghĩa của việc xây dựng một quốc gia do công nhân và nông dân lập nên. Trên tem kỷ niệm năm 1953, tập trung nhấn mạnh việc phục hồi và phát triển kinh tế sau chiến tranh, vẫn sử dụng hình ảnh của người lao động. Tem kỷ niệm năm mới 2000 là hình ảnh một người lao động đứng vững với đôi mắt trầm tĩnh, tay cầm đuốc biểu thị ý chí kiên định, kèm theo chữ "Quốc gia mạnh mẽ" và "Đoàn kết đồng lòng". Lý do mà hình ảnh của người lao động thường xuất hiện trên tem là bởi vì họ là nhân công chủ chốt trong phát triển công nghiệp Bắc Triều Tiên và đồng thời đóng vai trò tiên phong trong cách mạng. Đặc biệt, hình ảnh mạnh mẽ, đôi mắt kiên định của người lao động trên tem đại diện cho sự kiên cường của họ trong cả cuộc cách mạng và công cuộc phát triển công nghiệp.

Bách khoa toàn thư Bắc Triều Tiên định nghĩa tem là "giấy chứng thực dán vào bưu kiện để thanh toán phí thay cho phí gửi thư", nhưng trên thực tế, tem thường được sử dụng như một công cụ để nhấn mạnh thành tựu của gia đình lãnh đạo tối cao cũng như các sự kiện quan trọng. Tại miền Bắc, tem thường được sử dụng như một công cụ để tuyên truyền mục đích chính trị và tư tưởng, và do đó, nó phản ánh mối quan hệ của nước này với thế giới bên ngoài. 

Tại Bắc Triều Tiên, từ chủ đề đến thiết kế tem bưu chính được thực hiện bởi Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và sự tham gia của các nhân tài dưới sự chỉ đạo của đảng Lao động miền Bắc. Chúng đóng vai trò như một kênh ngoại giao quảng bá hình ảnh tích cực của chế độ với thế giới bên ngoài. Trước đây, Bình Nhưỡng đã phát hành tem phản Mỹ từ năm 1952. Tuy nhiên, sau cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều, nước này đã cho phát hành một mẫu tem có cả cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un, nhằm hướng đến việc cải thiện quan hệ với Washington. Ngay sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh về vấn đề hạt nhân tại Hà Nội năm 2019, họ đã không còn phát hành tem phản Mỹ, điều này có thể được hiểu là một cử chỉ để ngỏ cho các cuộc đàm phán tiếp theo với Mỹ.

Trong bối cảnh sự phát triển của tin nhắn điện tử và thông tin internet đã làm cho việc sử dụng tem giảm đi rất nhiều, Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của các mẫu tem. Đặc biệt, từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2012, Bắc Triều Tiên đã khai trương Bảo tàng tem Chosun vào ngày Quốc khánh, và tổ chức “Triển lãm tập trung tem Chosun”' trong những dịp như Tết Thái dương (sinh nhật cố Chủ tịch Kim Nhật Thành), Tết Ngôi sao tỏa sáng (Kwangmyongsong, sinh nhật cố Chủ tịch Kim Jong-il), ngày kỷ niệm thành lập đảng, và nhiều dịp lễ khác. 

Trong thời kỳ của Chủ tịch Kim Jong-un, đã xảy ra sự biến đổi đáng kể trong tem bưu điện của Bắc Triều Tiên, theo hướng theo đuổi sự mạnh mẽ của một quốc gia xã hội chủ nghĩa và xây dựng một quốc gia văn minh. So với thời kỳ cố Chủ tịch Kim Nhật Thành với thiết kế đơn điệu, thời kỳ cố  Chủ tịch Kim Jong-il đã thêm vào phong cách biểu hiện chủ nghĩa hiện thực dựa trên nghệ thuật chủ thể. Trái ngược với những điều này, thời kỳ Chủ tịch Kim Jong-un đã chấp nhận việc sử dụng chủ đề hình ảnh tích cực và các kỹ thuật biểu hiện đa dạng. Điều này cho phép các tem bưu chính của miền Bắc trở nên đẹp mắt và đạt đến mức độ chất lượng tương đương với trình độ quốc tế, nhờ sự áp dụng của công nghệ in ấn tiên tiến. 

Bắc Triều Tiên sử dụng việc phát hành tem và tổ chức triển lãm trong các dịp kỷ niệm quốc gia để truyền thông về chế độ, cũng như truyền tải các thông điệp trong nước và quốc tế. Vậy không biết đến bao giờ chúng ta sẽ thấy được những con tem thể hiện hình ảnh một bán đảo Hàn Quốc thống nhất.

Tin mới nhất