Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Mạng viễn thông di động tại Bắc Triều Tiên

2023-08-30

ⓒ YONHAP News
Các công ty viễn thông di động là “những công ty cung cấp dịch vụ liên lạc không dây khi đang di chuyển”, đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực viễn thông. Ví dụ như ở Hàn Quốc có SK Telecom, KT, LG U+; ở Mỹ có Verizon và AT&T; Nhật Bản có NTT Docomo; châu Âu có Deutsche Telekom và Vodafone Group Plc. Trên phương tiện giao thông công cộng, đường phố hay nhà hàng, có một thứ mọi người luôn mang theo dù đến bất kỳ đâu, đó chính là smartphone (điện thoại thông minh). Với người dân Bắc Triều Tiên, điện thoại thông minh cũng đang trở thành một món đồ thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Trong một chương trình phát sóng, nói về sự phổ cập rộng rãi của điện thoại di động, mà nước này gọi là “điện thoại cầm tay” (sonjonhwa). Ở Bắc Triều Tiên, có khoảng 7 triệu thuê bao được đăng ký. Trang web chuyên về Bắc Triều Tiên của Mỹ "38 North" (Vĩ tuyến 38 độ Bắc) cho biết có tới khoảng 1000 trạm thu phát sóng di động tại nước này. Tỷ lệ phổ cập điện thoại di động tại một quốc gia “kín tiếng” như Bắc Triều Tiên cũng đang tăng nhanh. Vậy dịch vụ viễn thông di động được du nhập vào nước này từ đâu và khi nào? 

Các công ty viễn thông di động ở Bắc Triều Tiên có thể đã có lịch sử dài hơn chúng ta nghĩ. Công ty đầu tiên là Công ty Điện thoại và viễn thông Đông Bắc Á (NEAT&T), một công ty liên doanh được thành lập bởi Tập đoàn Loxley Pacific của Thái Lan và Tập đoàn Bưu chính và truyền thông Bắc Triều Tiên (KPTC) của Bắc Triều Tiên. Năm 1998, công ty này đã phủ sóng 500 thuê bao điện thoại di động tại khu vực Sunbong, hiện là thành phố Nason. Năm 2002, họ đã triển khai dịch vụ mạng thông tin di động 2G trên toàn Bắc Triều Tiên, thu hút hơn 30.000 người đăng ký. Tuy nhiên, vào năm 2004, khi lệnh cấm sử dụng điện thoại di động được ban hành, công ty đối mặt với những hạn chế lớn và không thể tiếp tục phát triển.

Vào năm 2004, vụ nổ tại nhà ga Ryongchon của Bắc Triều Tiên được cho là thực hiện bằng thiết bị di động nhằm nỗ lực ám sát cố Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Kim Jong-il. Do đó, chính quyền Bắc Triều Tiên đã ban hành lệnh cấm sử dụng điện thoại di động đối với người dân của nước này. Sự thay đổi trong ngành viễn thông di động sau đó diễn ra vào năm 2008. Vào năm 2008, Chủ tịch hãng viễn thông Orascom của Ai Cập đã có bài phát biểu trên các phương tiện truyền thông của miền Bắc về kế hoạch cung cấp dịch vụ điện thoại di động cho 22 triệu dân tại Bắc Triều Tiên trong tương lai. Orascom đã hợp tác với doanh nghiệp địa phương để thành lập nhà mạng viễn thông di động Koryolink, đánh dấu sự tái khởi đầu của dịch vụ viễn thông di động tại miền Bắc. Koryolink đã được cấp quyền kinh doanh trong vòng 25 năm và quyền độc quyền trong 4 năm đầu tiên tại Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, sau khi thời gian độc quyền 4 năm kết thúc, công ty viễn thông mới là Kangsong NET đã xuất hiện.

Năm 2012, Bắc Triều Tiên đã ra mắt doanh nghiệp nhà nước Kangsong NET, công ty viễn thông di động thứ hai ở nước này và hiện đang cung cấp dịch vụ viễn thông di động 3G. Chính quyền Bắc Triều Tiên đã đề xuất việc hợp nhất Kangsong NET và Koryolink, nhưng kế hoạch này đã thất bại. Koryolink yêu cầu thanh toán phí cuộc gọi bằng đô-la Mỹ nếu thời gian gọi vượt quá mức cho phép. Tuy nhiên, Kangsong NET cho phép thanh toán bằng tiền won Bắc Triều Tiên và chất lượng cuộc gọi thậm chí còn tốt hơn Koryolink. Vì vậy, nhiều người dân Bắc Triều Tiên đã chuyển từ việc sử dụng Koryolink sang Kangsong NET.

Khi dịch vụ viễn thông di động tại Bắc Triều Tiên bắt đầu phát triển, số người đăng ký thuê bao Koryolink đã vượt mốc 1 triệu người vào năm 2012, tăng lên 2 triệu người vào năm 2013 và đạt 3 triệu người vào năm 2015.
Khi lượng người dùng điện thoại di động tăng lên, nhu cầu về các công ty viễn thông di động mới cũng gia tăng. Trong bối cảnh này, Bắc Triều Tiên đã ra mắt công ty viễn thông di động do chính Nhà nước thành lập.
Trong một chương trình phát sóng của miền Bắc, du khách nam người Trung Quốc hỏi về giá của thẻ sim và nhận được câu trả lời từ nhân viên nữ của công ty viễn thông Koryolink là 71 USD, bao gồm số dư 42 USD trong tài khoản. Dịch vụ 3G cho đối tượng là người nước ngoài và quan chức cao cấp của Bắc Triều Tiên mà Koryolink cung cấp yêu cầu người dùng phải trả phí cuộc gọi bằng đô-la Mỹ nếu sử dụng vượt quá thời gian giới hạn. Tuy nhiên, hãng viễn thông Kangsong NET cho phép thanh toán bằng đồng tiền của nước này, cước phí liên lạc cũng thấp hơn Koryolink, vì vậy được người dân ưa chuộng hơn. Năm 2015, một công ty viễn thông di động khác đã xuất hiện. 

Vào năm 2015, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động thứ ba mang tên Byol (Ngôi sao) xuất hiện, tạo nên một hệ thống cạnh tranh giữa ba công ty viễn thông tại miền Bắc. Trên thực tế, mạng Byol đã trở thành một trong những mạng di động được sử dụng phổ biến bởi các quan chức cấp cao của đảng Lao động Bắc Triều Tiên hoặc cán bộ quân đội, đồng thời cũng được sử dụng rộng rãi bởi người dân nước này. Ban đầu, công ty Byol chỉ cung cấp dịch vụ internet cáp quang cho người nước ngoài đang sống tại thành phố Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, để kiểm soát Koryolink, chính quyền Bắc Triều Tiên đã chọn công ty này làm nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động thứ ba, tiếp sau Kangsong NET. Trong khi Koryolink cung cấp dịch vụ cho cả người nước ngoài và người dân địa phương thì Kangsong NET và Byol chỉ dành riêng cho người dân Bắc Triều Tiên.

Khi công ty Byol (Ngôi sao) được chọn làm nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động thứ ba, Bắc Triều Tiên đã chuyển sang một mô hình cạnh tranh giữa ba công ty viễn thông để mở rộng số lượng người đăng ký. 

Sau 3 năm sau kể từ khi chính quyền Bắc Triều Tiên hợp tác với công ty Orascom của Ai Cập vào năm 2008 để tái phát triển dịch vụ viễn thông di động, họ đã lắp đặt 453 trạm thu phát sóng di động tại 14 thành phố chính bao gồm thủ đô Bình Nhưỡng, 86 tỉnh thành, và 22 trạm thu trên các tuyến cao tốc, tạo thành mạng viễn thông trải rộng, phủ sóng khoảng 13,6% diện tích Bắc Triều Tiên và cung cấp dịch vụ cho khoảng 92% dân số. Khi giới thiệu điện thoại thông minh với tên gọi “Jindallae 3” vào năm 2017, miền Bắc tự hào về trình độ công nghệ của mình, so sánh ngang với Samsung Galaxy S5 của Hàn Quốc. Mặc dù miền Bắc tự tin rằng họ có thể theo kịp trình độ công nghệ thông tin di động của miền Nam trong vòng 3-4 năm nữa, nhưng các chuyên gia đánh giá rằng, công nghệ thông tin di động của Bắc Triều Tiên đang ở mức 3G. 

Từ năm 2008, Bắc Triều Tiên xây dựng mạng 3G với sự hỗ trợ của Orascom, cho đến hiện tại họ vẫn đang sử dụng công nghệ 3G. Điều này tương phản với tình hình ở các quốc gia lớn như Mỹ, khi mà các nhà cung cấp viễn thông di động dần dần chấm dứt dịch vụ 3G. Kể từ khi Chủ tịch Ủy ban quốc vụ Kim Jong-un lên nắm quyền, sự phát triển trong lĩnh vực viễn thông di động được thúc đẩy nhanh chóng. Trong bài phát biểu chúc mừng năm mới 2015, Chủ tịch Kim Jong-un đã nhấn mạnh rằng: “Với sức mạnh của khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ đẩy mạnh phát triển trong tất cả các lĩnh vực và xây dựng đất nước tươi đẹp cho nhân dân”. Chủ tịch Kim luôn nhấn mạnh về công nghệ mạng thông tin di động 4G và 5G mỗi khi có cơ hội. Nghiên cứu về công nghệ 5G là một trong các nhiệm vụ của chiến dịch đột phá quyết liệt năm 2020 tại Bắc Triều Tiên. Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) đưa tin về trải nghiệm của Chủ tịch Kim Jong-un với chiếc điện thoại cầm tay “Arirang”, cho rằng nó được thiết kế rất đẹp và nhẹ nhàng, trang bị nhiều tính năng cần thiết cho gọi điện và học tập, rất tiện lợi để sử dụng. Ông Kim kiểm tra màn hình điện thoại và cho biết, cảm ứng màn hình phải nhạy thì người dùng có trải nghiệm thuận tiện nhất. Thực tế, mặc dù tình hình kinh tế của nước này đang xấu đi do dịch COVID-19 và việc đóng cửa biên giới, Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục cho ra mắt các điện thoại thông minh mới. 

Do ảnh hưởng từ việc đóng cửa biên giới vì đại dịch COVID-19, đã có một thời kỳ sản xuất trong nước ở Bắc Triều Tiên gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh như vậy, miền Bắc vẫn đã công bố ít nhất 5 mẫu điện thoại thông minh trong năm 2021 và 2022. Đó là các dòng sản phẩm: Madusan 217S, Madusan 215, Myohyang 901, Sonamu 381 và Sonamu 382. Myohyang là thương hiệu máy tính bảng và điện thoại di động của công ty Pyongje. Còn thương hiệu Sonamu đã từng được biết đến là đơn vị sản xuất màn hình phẳng với vi mạch tích hợp từ cuối thập kỷ 70, 80. Từ đó, các công ty như Myohyang và Sonamu đã bước vào lĩnh vực sản xuất điện thoại thông minh. Khi xem xét hệ điều hành của những chiếc smartphone được ra mắt vào năm ngoái, chẳng hạn Madusan 215 sử dụng Android 11, còn Madusan 217S, Myohyang 901 và Sonamu 382 sử dụng Android 10. Với tình hình hiện tại của Bắc Triều Tiên, Android 11 có thể coi là một hệ điều hành tương đối mới.

Sau khi sản xuất ra chiếc điện thoại thông minh "Arirang" đầu tiên vào năm 2013, Bắc Triều Tiên đã tiếp tục giới thiệu các sản phẩm mới. Trong bối cảnh việc phân phối điện thoại thông minh ngày càng mở rộng, việc sử dụng các ứng dụng cũng trở nên sôi động hơn. 

Tại miền Bắc có một ứng dụng được sử dụng rất nhiều là “Gildongmu” (Người bạn đường), cung cấp hướng dẫn chỉ đường nhanh như “Kakao Map” hay “Naver Map” của Hàn Quốc. Ứng dụng này phổ biến đến mức Thời báo Bình Nhưỡng, một tờ tuần báo tiếng Anh của Nhà nước Bắc Triều Tiên phát hành, đã đánh giá rằng vào năm 2021, Gildongmu 3.1 đã đạt vị trí số 1 về số lượng người sử dụng tại Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, các ứng dụng thể thao điện tử (e-sports) trên điện thoại thông minh, cho phép người chơi tham gia vào các trận đấu bóng đá hoặc cờ tướng ảo, cũng rất được yêu thích. Những kiến thức về pháp luật trong cuộc sống hàng ngày cùng với các quy định liên quan đến pháp luật trong nước như các dịch vụ tìm kiếm kiến thức pháp lý cơ bản và các vụ án, hay cả dịch vụ tra cứu luật đều được người dân sử dụng một cách thiết thực.

Theo dự tính, số lượng người sử dụng điện thoại thông minh tại Bắc Triều Tiên vào năm 2021 là khoảng 6 triệu người. Khi số lượng người dùng ngày càng gia tăng, các ứng dụng chỉ đường giúp tìm kiếm địa điểm và hướng dẫn lộ trình ngắn nhất cũng trở nên phổ biến. Một nữ nhân viên làm việc tại Trung tâm Công nghệ và thông tin Shinhung trả lời phỏng vấn cho biết ứng dụng trò chơi “Cậu bé lang thang vui vẻ” đang nhận được nhiều sự yêu thích của người dùng. Một cậu bé miền Bắc xuất hiện trong đoạn phỏng vấn cũng bày tỏ sự thích thú với trò chơi này. Các ứng dụng trò chơi dựa trên các tác phẩm phim hoạt hình nổi tiếng ở Bắc Triều Tiên, như “Cậu bé lang thang vui vẻ”, đã trở thành những ứng dụng phổ biến dành cho trẻ em nước này. Ngoài ra, các ứng dụng đặt đồ ăn, ứng dụng thanh toán sử dụng cho các sự kiện trực tuyến và nhiều dịch vụ khác cũng được cung cấp tại đây. Tuy nhiên, hệ thống viễn thông ở Bắc Triều Tiên cũng có những hạn chế. 

Thực tế là chính quyền Bắc Triều Tiên xem dịch vụ viễn thông di động như một công cụ kiểm soát người dân. Khi người dân nước này sử dụng điện thoại di động, Chính chủ thông qua dịch vụ của các nhà cung cấp viễn thông để theo dõi, nghe lén hoặc kiểm soát nội dung cuộc gọi của họ. Bằng hệ thống mạng nội bộ intranet, Bắc Triều Tiên hạn chế người dùng chỉ có thể tìm kiếm hoặc tải dữ liệu, hay thực hiện các chức năng truyền dữ liệu. Trên thực tế, dù việc giao tiếp giữa người dân vẫn khả thi, nhưng các hoạt động vi phạm tư tưởng hoặc giao tiếp chính trị đã bị quản lý nghiêm ngặt, bao gồm việc kiểm soát và ngăn chặn thông tin nội bộ bị tiết lộ ra ngoài, ngăn chặn sự thay đổi trong tư tưởng của người dân. 

Chính quyền Bắc Triều Tiên ép buộc người dân sử dụng điện thoại di động cài đặt mạng nội bộ trong nước intranet có tên gọi “Kwangmyong”, được chính quyền nước này xây dựng và điều hành. Kỹ thuật của nó tương tự như mạng internet, tuy nhiên, lại không cho phép kết nối với thế giới bên ngoài. Nói cách khác, mục tiêu của việc cài đặt các ứng dụng mạng nội bộ là để theo dõi lịch sử sử dụng điện thoại di động của người dân. Mặc dù đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, nhưng Chính phủ miền Bắc đang cố gắng loại bỏ sự tự do của người dân có được từ việc sử dụng điện thoại di động. Trong bối cảnh của một quốc gia kiểm soát và hạn chế tự do giao tiếp, việc ngành viễn thông miền Bắc sẽ phát triển trong tương lai đang thu hút nhiều sự chú ý.

Tin mới nhất