Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Thanh toán điện tử ở Bắc Triều Tiên

2023-09-06

ⓒ YONHAP News
Nhiều năm trở lại đây, người Hàn Quốc dường như hiếm khi sử dụng tiền mặt trong sinh hoạt. Với sự xuất hiện của các phương thức thanh toán điện tử như ngân hàng trực tuyến, thẻ tín dụng, hay thanh toán nhanh qua ví điện tử. Kể cả những khoản chi tiêu rất nhỏ như phí giao thông công cộng, người dân Hàn Quốc cũng dùng thẻ giao thông và ít khi dùng tiền giấy. Thậm chí còn có những cửa hàng không cho phép thanh toán bằng tiền mặt. Vì vậy, có nhiều người ra đường không mang theo tiền mặt, thậm chí không cần ví tiền, chỉ cần thẻ tín dụng hoặc điện thoại di động là đã đủ. Vậy việc thanh toán điện tử ở Bắc Triều Tiên thế nào? 

Theo một báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK), từ năm 2015-2019, người dân Bắc Triều Tiên sử dụng nhiều phương tiện thanh toán khác nhau như tiền mặt, tiền mặt ngoại tệ, ngũ cốc, tài khoản điện thoại, thẻ ngoại tệ và thẻ trong nước. Cũng theo báo cáo này, kể từ năm 2010, việc sử dụng phương tiện thanh toán điện tử tăng nhanh, song song với việc sử dụng tiền mặt ngoại tệ. Một trong những lý do được phân tích là bởi sự thay đổi trong chính sách tiền tệ, đặc biệt là cuộc cải cách tiền mặt năm 2009 tại nước này.
Những năm 1990, Bình Nhưỡng đã thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, và từ sau thập niên 2000 trở đi, do tăng trưởng trong hoạt động thương mại quốc tế và việc sử dụng ngoại tệ trong thương mại, tiền ngoại tệ đã đổ vào nước này. Tuy nhiên, lượng tiền ngoại tệ thường không được gửi vào các ngân hàng do thiếu sự tín nhiệm. Bắc Triều Tiên đã tiến hành cải cách tiền tệ để thúc đẩy việc sử dụng số ngoại tệ đang được người dân tự bảo quản. 
 
Nội dung chính của cuộc cải cách tiền tệ là trao đổi tiền giấy cũ trị giá 100 won để nhận tiền giấy mới trị giá 1 won, trong vòng một tuần. Điều này gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ người dân miền Bắc, đặc biệt là việc giới hạn số tiền có thể trao đổi trong mỗi gia đình chỉ là 100.000 won tiền giấy cũ. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế những năm 1990 được biết đến với tên gọi “cuộc hành quân gian khổ”, chế độ bao cấp tại Bắc Triều Tiên hoạt động không hiệu quả, người dân đã phải tự mình kiếm sống bằng cách tham gia vào chợ đen hay chợ tư nhân được gọi là "Jangmadang", để giao dịch và kiếm lời. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người dân tự bảo quản tiền bằng cách giấu dưới sàn nhà, thay vì gửi tiền vào ngân hàng. Vào thời điểm đổi tiền, nếu một hộ gia đình có 1 triệu won tiền cũ, họ chỉ được đổi 100.000 won tiền mới. Điều này đã gây ra một làn sóng tiêu cực và hoang mang lớn trong xã hội Bắc Triều Tiên.
 
Tháng 12/2010, chương trình thời sự của Đài Phát thanh và truyền hình Hàn Quốc (KBS) từng đưa tin về phân tích của Bộ Thống nhất Hàn Quốc liên quan đến giá gạo tại miền Bắc. Thời điểm trước cuộc cải cách tiền tệ vào tháng 11/2009, giá 1 kg gạo ở mức khoảng 2.000 won. Sau cải cách, 100 won tiền cũ được đổi thành 1 won tiền mới. Nếu không có biến động về giá cả thì giá gạo hiện tại nên ở mức khoảng 20 won cho 1 kg nhưng lại là 1.000 won, tăng gấp 50 lần. 
Sau khi trải qua cuộc cải cách tiền tệ vào năm 2009, lòng tin vào tiền mặt Bắc Triều Tiên đã giảm sút. Người dân Bắc Triều Tiên đã bắt đầu sử dụng ngoại tệ như đô-la Mỹ hoặc nhân dân tệ Trung Quốc nhiều hơn. Không chỉ vậy, độ tin cậy vào các ngân hàng cũng giảm xuống. Một sự kiện khác đáng chú ý là vào năm 2008, một năm trước cải cách tiền tệ, mạng viễn thông di động 3G được triển khai thông qua đầu tư của công ty viễn thông Orascom của Ai Cập. Trước kia khi dịch vụ viễn thông di động bắt đầu với mạng 2G vào tháng 11/2002, chỉ có quân đội và các quan chức cấp cao của đảng mới được sử dụng để phục vụ cho mục đích công việc. Tuy nhiên, sau năm 2008, cả thiết bị di động và SIM điện thoại đều trở thành mặt hàng mua bán tự do ở Bắc Triều Tiên. 
 
Vào năm 2004, vụ nổ tại nhà ga Ryongchon của Bắc Triều Tiên được cho là thực hiện bằng thiết bị di động nhằm nỗ lực ám sát cố Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Kim Jong-il. Do đó, dịch vụ di động 2G do Loxley Pacific cung cấp đã bị ngừng hoạt động và chỉ được khôi phục vào năm 2008. Dịch vụ viễn thông di động trước đó cũng chỉ được phân phối cho quan chức và người nước ngoài. Tuy nhiên, kể từ năm 2008, sau khi công ty viễn thông Orascom của Ai Cập bắt đầu cung cấp dịch vụ viễn thông di động, người dân miền Bắc đã có thể tự mua điện thoại và thẻ SIM từ các đại lý được chỉ định bởi Chính phủ. Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động thứ ba tại Bắc Triều Tiên là công ty Koryolink cũng cho phép thanh toán bằng đô-la Mỹ khi thu phí dịch vụ di động. 
 
Có phân tích cho rằng chính quyền Bắc Triều Tiên đã khởi đầu dự án điện thoại di động như một cách để thu gom ngoại tệ không được sử dụng và tích lũy trong tình trạng không lưu thông. Được biết, thẻ tiền điện tử IC có tên gọi "Silli" đã xuất hiện tại miền Bắc vào khoảng năm 2005.
Năm 2010, thẻ điện tử “Narae” (Mái chèo) dành riêng cho việc sử dụng ngoại tệ và thanh toán điện tử, đã được đưa vào sử dụng. Người dùng nạp một số tiền vào thẻ trước, sau đó sử dụng thẻ để thanh toán. Thẻ Narae có tính chất giống như phiếu quà tặng hoặc thẻ giao thông ở Hàn Quốc. Thẻ thanh toán điện tử ở Bắc Triều Tiên có tính năng đặc biệt là nó có thể sử dụng riêng biệt với tài khoản ngân hàng. Ban đầu, khách hàng phải đến ngân hàng để tạo thẻ, nhưng sau đó có thể nạp tiền vào thẻ tại ngân hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, hoặc các địa điểm khác. Điều này giúp loại bỏ sự phiền toái của việc mang tiền mặt theo và không cần trả tiền thối lại. Ngoài ra, người dân miền Bắc cũng có thể thực hiện giao dịch chuyển tiền cho người khác. 

Trong khi việc sử dụng thẻ thanh toán điện tử tại Hàn Quốc và các nước phương Tây là bởi tính tiện lợi thì đặc điểm nổi bật của thẻ Narae chính là tính ẩn danh. Người dùng có thể nạp tiền và sử dụng nó bằng đô-la Mỹ hoặc nhân dân tệ Trung Quốc mà không phụ thuộc vào nguồn gốc tiền. Trước kia, người dân Bắc Triều Tiên thường giữ tiền mặt mà họ kiếm được thông qua các chợ tư nhân bằng cách giấu dưới sàn nhà hay sau tường và chỉ dùng đến khi thực sự cần. Do đó, tiền tệ rất ít được sử dụng tại nước này. Việc phân phối thẻ điện tử với tính năng ẩn danh có thể xem như là nước đi của chính quyền Bắc Triều Tiên nhằm thúc đẩy việc sử dụng ngoại tệ. 
 
Mặc dù không có dữ liệu thống kê chính xác nhưng có thể nhận định loại hình thẻ tại miền Bắc tăng từ 5 loại vào năm 2010 lên khoảng 20 loại vào năm 2018. Tuy nhiên, thanh toán bằng thẻ vẫn chưa phải là phương tiện thanh toán được người dân Bắc Triều Tiên ưa chuộng. 
 
Vị trí cài đặt máy ATM chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như Bình Nhưỡng. Các cửa hàng, nhà hàng hay khách sạn thường là nơi chấp nhận thanh toán thẻ, nhưng đa số người dân sử dụng chợ tư nhân thì thường không đến những nơi này. Thêm vào đó, tình trạng cắt điện thường xuyên xảy ra ở Bắc Triều Tiên. Điều này có thể dẫn đến việc người dân không thể sử dụng máy quẹt thẻ trong trường hợp mất điện.
 
Khi điện thoại thông minh xuất hiện, có nhiều ý kiến cho rằng toàn thế giới đang trải qua một cuộc “cách mạng công nghiệp” mới, và Bắc Triều Tiên cũng không ngoại lệ. Việc sử dụng điện thoại di động tại Bắc Triều Tiên cũng ngày càng gia tăng. Trong trường hợp không có tiền mặt, người dân nước này thậm chí có thể mua bán số phút gọi điện thoại. Hệ thống tính cước phí điện thoại ở Bắc Triều Tiên có một số điểm khác biệt. Ví dụ, họ phải trả phí cơ bản hàng quý, nghĩa là mỗi 3 tháng, và sau đó họ có thể sử dụng 200 phút gọi điện mỗi tháng, tức là 600 phút gọi điện trong 3 tháng. Tuy nhiên, họ cũng có thể bán thời gian gọi này cho người khác hoặc sử dụng nó để thanh toán thay vì sử dụng tiền mặt. 
 
Ban đầu, khi điện thoại di động được phổ biến ở Bắc Triều Tiên, 200 phút gọi điện hàng tháng cho người dân là hoàn toàn đủ. Tuy nhiên, những người kinh doanh tại chợ tư nhân cần nhiều số phút gọi hơn, nên họ thường mua nhiều thẻ SIM và điện thoại di động. Trong tình huống như vậy, những người có thừa thời gian gọi thường bán chúng dễ dàng thông qua tin nhắn văn bản. Nếu ở gần nhau, họ cũng có thể trả tiền mặt trực tiếp. Trong trường hợp ở xa, họ sẽ qua trung gian là tầng lớp giàu có mới nổi hay còn gọi là “donju” để mua bán. Cũng có những thông tin cho biết, Bắc Triều Tiên còn có những donju “môi giới” chuyên nghiệp chuyên mua và bán thời gian gọi điện thoại. Họ cung cấp các loại điện thoại của Trung Quốc và dịch vụ trung gian chuyển đổi số phút gọi. 
 
Dựa trên hệ thống cước phí di động mới giữa cuối những năm 2010, khái niệm "tiền gọi điện" (jeonhwadon) được áp dụng, trong đó mỗi tháng người dùng được cấp 150 won, tổng cộng 450 won cho 3 tháng. Nếu hết số phút gọi, họ có thể sử dụng tiền gọi điện để trả cước phí điện thoại. Từ khi hệ thống tiền gọi điện này được áp dụng, số phút gọi âm thanh không thể được chuyển giao giữa người dùng điện thoại di động mà thay vào đó, họ có thể chuyển giao tiền gọi điện cho nhau. 

Khái niệm "tiền gọi điện" thực tế là một khái niệm khá xa lạ đối với người Hàn Quốc. Do việc di chuyển giữa các khu vực trong Bắc Triều Tiên không dễ dàng và hệ thống ngân hàng của nước này hoạt động không tốt, việc chuyển tiền cho người thân hoặc những người thương gia ở các khu vực khác không phải lúc nào cũng dễ dàng. Vì vậy, khái niệm tiền gọi điện trở nên phổ biến hơn. Nó được sử dụng để cha mẹ gửi tiền cho con cái đang phục vụ trong quân đội hoặc để cung cấp tiền tiêu vặt cho con mình đang học ở các địa phương khác. Ví dụ, một phụ huynh có thể gửi thời gian gọi là ba mươi phút cho donju ở khu vực đó. Sau đó, người donju sẽ trừ một khoản phí 40% và chuyển tiền thành tiền mặt trước khi trao cho con cái của họ.
 
Tiền gọi điện, có thể được hiểu như một khái niệm về "tiền điện tử" được tạo ra theo nhu cầu cụ thể tại miền Bắc. Với sự gia tăng người dùng điện thoại di động, cửa hàng trực tuyến cho máy tính cá nhân và ứng dụng di động cho điện thoại di động đã xuất hiện ở Bắc Triều Tiên. Ban đầu, cửa hàng trực tuyến ở Bắc Triều Tiên cho phép đặt hàng trực tuyến nhưng thanh toán được tiến hành bằng cách nhân viên giao hàng thu tiền mặt khi giao hàng. Sau đó, họ phát triển ứng dụng di động có tên “Ullim” (Tiếng rung) có tích hợp thẻ để thực hiện thanh toán. Năm 2020, trang tuyên truyền đối ngoại của miền Bắc là “Meari” (Tiếng vọng) thông báo rằng họ đang triển khai hệ thống thanh toán điện tử “Jonsong" (Thịnh vượng) và giới thiệu nó như một "hệ thống giao dịch tiền mặt mới, cho phép thanh toán tất cả các loại phí dịch vụ, bao gồm cả các loại phí thanh toán qua điện thoại". 
 
Bắc Triều Tiên cho biết đã phát triển nhiều ứng dụng và phần mềm điện tử, bao gồm cả các ứng dụng thanh toán điện tử. Tuy nhiên, theo cuộc phỏng vấn những người tị nạn từ Bắc Triều Tiên năm 2021, họ chưa bao giờ nghe đến ứng dụng có tên "Ullim” (Tiếng rung) và thực tế người dân miền Bắc cũng không sử dụng ứng dụng này. Hệ thống thanh toán điện tử này đang trong giai đoạn sơ khai, do đó, độ tin cậy vẫn còn thấp. Với việc thiếu sự chuẩn bị và đào tạo về công nghệ thông tin cho người dân, việc thuyết phục họ sử dụng hệ thống này mà không có sự tin tưởng có thể gặp khó khăn.
 
Trong cuộc họp lần thứ 17 của Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao mà đài KCTV đưa tin, Chính phủ miền Bắc xem xét các dự án luật như Luật Vận chuyển hàng hóa đường sắt, Luật Thanh toán điện tử, và đã trình bày các nội dung của những dự án luật này. Các điều khoản trong Luật Thanh toán điện tử nhằm đảm bảo hoạt động tài chính của đất nước diễn ra một cách trôi chảy và để tăng cường ngân sách quốc gia trong việc thực hiện các nguyên tắc trong luật.
Trong năm 2021, Bắc Triều Tiên đã thiết lập mục tiêu giảm lưu thông tiền mặt thông qua Luật Thanh toán điện tử. Tháng 7/2023, Bắc Triều Tiên tiếp tục tiến hành sửa đổi luật này. Với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, việc thanh toán điện tử dự kiến sẽ ngày càng mở rộng ở Bắc Triều Tiên.

Tin mới nhất