Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Tập trận chung Hàn-Mỹ “Người bảo vệ tự do Ulchi - UFG”

Tin nổi bật trong tuần2017-08-27
Tập trận chung Hàn-Mỹ “Người bảo vệ tự do Ulchi - UFG”

Cuộc tập trận quân sự thường niên “Người bảo vệ tự do Ulchi” (UFG - Ulchi Freedom Guardian) của liên quân Hàn-Mỹ đã bắt đầu vào hôm 21/8 và sẽ kéo dài tới hết ngày 31/8. Cuộc tập trận lần này được diễn ra theo “Kế hoạch tác chiến 5015” và chiến lược răn đe linh hoạt, phối hợp kìm hãm Bắc Triều Tiên của liên quân Hàn-Mỹ. Năm nay, Bắc Triều Tiên tiếp tục phản đối mạnh mẽ cuộc tập trận này như mọi năm. Trong khi đó, Mỹ cử nhiều quan chức quân đội cấp cao của nước này thăm Hàn Quốc, mở cuộc họp báo chung tại Seoul và tái khẳng định cam kết phòng thủ cho Hàn Quốc.

UFG
UFG là tên gọi chính thức của cuộc tập quân sự thường niên của liên quân Hàn-Mỹ được bắt đầu từ năm 2008, gộp chung tên gọi hai cuộc tập trận, gồm cuộc tập trận “Ulchi” của Chính phủ và cuộc tập trận Freedom Guardian (Người bảo vệ tự do) của quân đội. Cuộc tập trận Ulchi có mục đích rà soát tình thế sẵn sàng đối phó của Chính phủ Hàn Quốc khi xảy ra chiến tranh, kiểm tra tổng thể về quản lý nguy cơ, cũng như năng lực đối phó của quốc gia khi xảy ra chiến tranh toàn diện. Tên gọi ban đầu của cuộc diễn tập này là cuộc diễn tập “Taegeuk” (Thái Cực), được tiến hành lần đầu tiên theo chỉ thị của Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 7 năm 1968 sau vụ Bắc Triều Tiên bất ngờ đột kích tấn công Phủ Tổng thống Hàn Quốc vào ngày 21/1/1968. Cuộc tập trận “Freedom Guardian” là một cuộc diễn tập phòng ngự thường niên của liên quân Hàn-Mỹ nhằm đối phó với tình huống xảy ra chiến tranh toàn diện trên bán đảo Hàn Quốc. Tiền thân của cuộc tập trận này là cuộc tập trận “Ống kính tiêu điểm” (Focus Lens) do quân đội Mỹ đóng vai trò chủ đạo, được đổi tên thành “Freedom Guardian” vào năm 2007, trước thềm Washington chuyển giao quyền tác chiến thời chiến cho Seoul. Khi đó, hai nước đã nhất trí thay đổi hình thức cuộc tập trận này, để quân đội Hàn Quốc đóng vai trò chủ đạo với sự hỗ trợ của quân đội Mỹ. Trong cuộc tập trận “Freedom Guardian” năm nay, quân đội Hàn Quốc có hơn 50.000 binh lính tham gia, quân đội Mỹ có 17.500 binh lính, trong đó bao gồm 3.000 binh lính tăng viện từ nước ngoài. Quy mô binh lực năm nay của Mỹ đã giảm 7.500 người so với cuộc tập trận năm ngoái.

Nội dung diễn tập
Cuộc tập trận UFG có thể được coi là một “trò chơi chiến tranh” (War Game), giả định tình huống chiến tranh xảy ra bằng mô phỏng máy tính, thay vì diễn tập cơ động trên thực tế. Trong cuộc tập trận này, liên quân Hàn-Mỹ thiết lập chiến lược răn đe linh động, chia làm ba giai đoạn là Bắc Triều Tiên đe dọa sử dụng hạt nhân, Bắc Triều Tiên chuẩn bị sử dụng hạt nhân và Bắc Triều Tiên sử dụng hạt nhân, xây dựng kịch bản đối phó theo từng giai đoạn này. Cụ thể là liên quân hai nước sẽ huy động mọi phương tiện nếu thấy dấu hiệu chiến tranh, kìm hãm các động thái uy hiếp hạt nhân, tên lửa của miền Bắc, trong trường hợp thất bại sẽ đối phó bằng quân sự.

UFG là cuộc tập trận phòng ngự thường niên, tuân thủ theo Hiệp định đình chiến dưới sự quan sát của bảy quốc gia tham gia Lực lượng Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc là Úc, Canada, Colombia, Đan Mạch, New Zealand, Hà Lan, Anh. Đặc biệt, Đại diện của Hội đồng Giám sát các nước Trung lập (NNSC) của Thụy Điển và Thụy Sĩ cũng tham gia giám sát cuộc tập trận, đảm bảo tuân thủ Hiệp định đình chiến.

Mỹ tái khẳng định cam kết phòng thủ cho Hàn Quốc
Một loạt quan chức cấp cao trong quân đội Mỹ như Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ John Hyten và Giám đốc Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) Samuel Greaves đã tới thăm Hàn Quốc để giám sát cuộc tập trận năm nay. Các quan chức này đã tổ chức một buổi họp báo chung tại Seoul vào hôm 22/8. Trong cuộc họp báo, ông John Hyten cam kết Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ sẽ cung cấp mọi nguồn lực hiện có về vũ trụ, an ninh mạng, khả năng răn đe, phòng thủ tên lửa cho Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ. Những quan chức này đều là những người nắm quyền quyết định quan trọng về vấn đề an ninh trên bán đảo Hàn Quốc trong những tình huống nguy cấp. Việc cả ba người cùng tới thăm Hàn Quốc là một điều rất hiếm thấy, và thậm chí ba quan chức này còn tổ chức một buổi họp báo chung tại Seoul. Động thái này được phân tích là nhằm truyền đi thông điệp cảnh cáo quyết liệt với miền Bắc.

Tương tự như mọi năm, Bắc Triều Tiên tiếp tục lên tiếng phản đối quyết liệt cuộc tập trận UFG. Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc, chỉ trích cuộc tập trận này đang “châm dầu vào lửa” đối với tình hình bán đảo Hàn Quốc hiện nay. Liên quân Hàn-Mỹ hiện đang tăng cường giám sát, cảnh giới, đối phó với tình huống Bắc Triều Tiên khiêu khích quân sự nhằm phản đối cuộc tập trận UFG. Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc tiếp tục hối thúc Bình Nhưỡng dừng khiêu khích, nhanh chóng chấp thuận ngồi vào bàn đối thoại.

Tin mới nhất