Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Liên hợp quốc thông qua nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên năm thứ 12 liên tiếp

Tin nổi bật trong tuần2016-11-20
Liên hợp quốc thông qua nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên năm thứ 12 liên tiếp

Ủy ban thứ ba thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 15/11 (theo giờ địa phương) đã thông qua nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên có nội dung khuyến nghị Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đưa vấn đề nhân quyền miền Bắc lên xét xử tại Tòa án hình sự quốc tế (ICC) và trừng phạt những cá nhân có trách nhiệm. Đặc biệt, nghị quyết năm nay lần đầu tiên chỉ ra rằng Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un là người chịu trách nhiệm cao nhất về các hành vi xâm hại nhân quyền của Bình Nhưỡng. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hoan nghênh nghị quyết lần này có nội dung quyết liệt nhất từ trước tới nay, đồng thời hối thúc Bắc Triều Tiên phải thực thi ngay các biện pháp cải thiện nhân quyền.

Nghị quyết nhân quyền miền Bắc năm thứ 12 liên tiếp
Sau khi được thông qua tại Ủy ban thứ ba, nghị quyết nhân quyền miền Bắc sẽ tiếp tục được trình lên phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Thông thường, một khi nghị quyết đã vượt qua được “cửa ải” thẩm định tại Ủy ban thứ ba thì sẽ chắc chắn được thông qua tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Theo đó, đây là năm thứ 12 liên tiếp Liên hợp quốc thông qua nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên, và là năm thứ ba liên tiếp có nội dung khuyến nghị xét xử vấn đề nhân quyền miền Bắc tại Tòa án hình sự quốc tế.

Dự thảo nghị quyết lần này do Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản soạn thảo, với sự tham gia đề xuất chung của hơn 70 quốc gia. Nghị quyết chỉ ra rằng Bắc Triều Tiên vẫn đang có những hành vi xâm phạm nhân quyền trên diện rộng, như bắt bớ người dân, giam giữ họ trong các trại giam tù nhân chính trị, tra tấn, cưỡng hiếp phụ nữ, hành quyết công khai. Nghị quyết quan ngại tình hình nhân quyền tại miền Bắc đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn do chính quyền nước này chỉ tập trung vào phát triển hạt nhân, tên lửa.

Nội dung quyết liệt nhất từ trước tới nay
Điểm đáng chú ý nhất trong nghị quyết năm nay là nội dung khẳng định các hành vi xâm hại nhân quyền ở Bắc Triều Tiên được thực hiện bởi cơ quan dưới quyền kiểm soát của ban lãnh đạo nhà nước. Mặc dù không chỉ đích danh ông Kim Jong-un, nội dung này mang hàm ý Chủ tịch đảng Lao động miền Bắc là người phải chịu trách nhiệm cao nhất về các hành vi xâm phạm nhân quyền tại nước này, đồng thời khuyến cáo Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đệ trình lên Tòa án hình sự quốc tế yêu cầu xét xử ông này. Bên cạnh đó, đây là lần đầu tiên nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên đề cập tới vấn đề nhân quyền của người lao động miền Bắc tại nước ngoài. Nghị quyết bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc chính quyền Bình Nhưỡng cưỡng ép, bóc lột người lao động miền Bắc làm việc tại nước ngoài. Bắc Triều Tiên hiện có khoảng 120.000 người lao động Bắc Triều Tiên đang lao động tại 40 quốc gia trên thế giới. Những người này phải làm việc trong thời gian dài, bị giám sát chặt chẽ và bị ép phải giao nộp phần lớn tiền lương cho Nhà nước. Gần đây, dư luận quốc tế đang ngày càng quan tâm hơn về thực trạng nhân quyền của người lao động miền Bắc tại một số quốc gia châu Âu, như Ba Lan. Bên cạnh đó, nghị quyết cũng lo ngại việc chính quyền miền Bắc dồn tiền của vào phát triển hạt nhân, tên lửa có thể tác động tiêu cực tới tình hình nhân quyền của người dân nước này. Việc đưa vấn đề nhân quyền của người lao động miền Bắc tại nước vào nghị quyết nói trên vừa nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế về khía cạnh nhân quyền, vừa khẳng định sự cần thiết phải siết chặt cấm vận tài chính với miền Bắc, khi mà nước này dùng tiền lương của người lao động gửi về nước vào mục đích phát triển hạt nhân và tên lửa. Ngoài ra, nghị quyết cũng hối thúc chính quyền Bình Nhưỡng phải thả tự do ngay lập tức cho các con tin nước ngoài bị nước này bắt cóc.

Ý nghĩa và triển vọng
Nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên của Liên hợp quốc đang ngày càng có mức độ quyết liệt hơn trước trong bối cảnh thực trạng nhân quyền miền Bắc đang trở nên trầm trọng hơn và được cộng đồng quốc tế biết đến rộng rãi hơn. Nhân quyền là một giá trị phổ quát của nhân loại và việc yêu cầu một quốc gia cải thiện tình trạng nhân quyền không phải là can thiệp vào tình hình nội bộ của nước đó. Miền Bắc vẫn biện minh rằng nước này có “tiêu chuẩn nhân quyền riêng”, nhưng cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận lập luận này. Trong quá khứ, tất cả những nền độc tài hy sinh nhân quyền của người dân đều phải gánh chịu hậu quả là sụp đổ. Cộng đồng quốc tế yêu cầu Bắc Triều Tiên phải nghiêm túc đón nhận nội dung nghị quyết của Liên hợp quốc, và sớm có các biện pháp cải thiện nhân quyền một cách cụ thể và thiết thực.

Tin mới nhất