Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Biên bản ghi nhớ về bảo hộ và chia sẻ thông tin mật quốc phòng Hàn-Mỹ-Nhật

Tin nổi bật trong tuần2015-01-04
Biên bản ghi nhớ về bảo hộ và chia sẻ thông tin mật quốc phòng Hàn-Mỹ-Nhật

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết ba nước Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản hôm 29/12/2014 đã chính thức ký biên bản ghi nhớ về bảo hộ và chia sẻ thông tin mật quốc phòng để đối phó với những đe dọa về hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên. Biên bản này đã ngay lập tức có hiệu lực sau khi được ký.

Hàn-Mỹ-Nhật chia sẻ thông tin quốc phòng

Cùng ngày 29/12/2014, Bộ Quốc phòng đã báo cáo Quốc hội nội dung biên bản ghi nhớ này, đồng thời công khai cả trong dư luận. Theo đó, đại diện ba nước ký tên trên văn bản này lần lượt là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Baek Seung-ju và hai người đồng cấp Mỹ Robert Work và Masanori Nishi của Nhật Bản. Biên bản này nêu những phương pháp và trình tự trao đổi thông tin mật quốc phòng giữa ba bên dựa trên Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Mỹ ký năm 1987 và Mỹ-Nhật ký năm 2007. Cụ thể, việc trao đổi thông tin giữa Hàn Quốc với Nhật Bản sẽ diễn ra với vai trò trung gian của Mỹ. Ba bên cam kết chia sẻ những thông tin như văn bản và hình ảnh tư liệu về mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên, thông tin thăm dò các bên có được qua hệ thống ra-đa. Những thông tin này được dùng để ba bên lên kế hoạch chung đối phó với miền Bắc.

Biên bản ghi nhớ ba bên ngay lập tức có hiệu lực

Bộ Quốc phòng cho biết Hàn Quốc đã ký biên bản này với Mỹ vào ngày 23/12, với Nhật Bản vào ngày 26/12 và ba bên cùng đặt bút ký vào ngày 29/12. Theo đó văn bản này ngay lập tức có hiệu lực và có ý nghĩa bắt buộc trên phương diện ngoại giao và chính trị. Điều này có nghĩa những thông tin quốc phòng giữa ba bên đã bắt đầu được trao đổi từ ngày này theo con đường Hàn Quốc đến Mỹ rồi từ Mỹ đến Nhật Bản và ngược lại, tức là thông tin chỉ được trao đổi trực tiếp qua hệ thống giữa Hàn Quốc với Mỹ và Mỹ với Nhật Bản chứ không có hệ thống kết nối trực tiếp giữa Hàn Quốc với Nhật Bản.

Ý nghĩa và dự đoán

Với việc ký kết biên bản này, trên thực tế, Hàn Quốc và Nhật Bản chia sẻ những thông tin liên quan để đánh giá chính xác hơn về tình hình Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, thỏa thuận ba bên này cũng đang là chủ đề tranh cãi của dư luận. Trước đó, năm 2012, Seoul và Tokyo đã từng xúc tiến ký Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung song phương nhưng không đạt được kết quả nào do Chính phủ Hàn Quốc khi đó cân nhắc đến mối lo ngại khả năng Nhật Bản phát triển quân sự. Lần này, về hình thức, biên bản mới được ký kết nêu rõ hai nước láng giềng không trao đổi thông tin quân sự cho nhau nhưng về bản chất việc này đương nhiên diễn ra khi hai bên cùng cung cấp thông tin cho Mỹ và nước thứ ba này có quyền chuyển những thông tin nhận được cho bên còn lại. Chính phủ giải thích rằng việc ký kết thỏa thuận này không ảnh hưởng lớn đến tình hình trên bán đảo Hàn Quốc nhưng cũng có những ý kiến phân tích rằng miền Bắc có thể lấy đây làm cớ để gia tăng những động thái công kích mang tích khiêu khích và điều đó có thể tạo ra sự đối đầu giữa hai khối đồng minh Hàn-Mỹ-Nhật với Triều-Trung-Nga. Điều này là hoàn toàn có thể bởi Bình Nhưỡng, Bắc Kinh và Mat-xcơ-va cũng có thể có một động thái tương tự. Ngoài ra, cũng có ý kiến rằng việc ký kết thỏa thuận này là bước đầu dẫn đến những hợp tác về phòng thủ tên lửa giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Nhiều tranh cãi còn nổi lên rằng không thể loại trừ khả năng tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) có thể được triển khai tại Hàn Quốc.

Tin mới nhất