Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Mỹ tăng cường trừng phạt Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2015-01-18
Mỹ tăng cường trừng phạt Bắc Triều Tiên

Đặc phái viên Mỹ về chính sách đối với Bắc Triều Tiên kiêm Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương Sung Kim và trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ về vấn đề tài chính cho khủng bố Daniel Glaser hôm 13/1 (theo giờ địa phương) phát biểu tại Ủy ban Ngoại giao Hạ viện nước này rằng Washington sẽ tiếp tục tăng cường cấm vận Bình Nhưỡng sau vụ hãng phim Mỹ bị tin tặc tấn công. Trước đó, hôm 2/1, Tổng thống Barack Obama đã ký ban hành sắc lệnh mở rộng trừng phạt Bình Nhưỡng.

Cuộc họp Ủy ban ngoại giao Hạ viện Mỹ

Các nghị sĩ tại phiên họp của Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Mỹ, không phân biệt phe cầm quyền hay đối lập, đều chung tiếng nói về tăng cường các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên. Những phương án cụ thể được các hạ nghị sĩ đưa ra đều khá cứng rắn gồm thắt chặt cô lập về tài chính đối với Bình Nhưỡng, đưa lại nước này vào danh sách nước hỗ trợ khủng bố, rửa tiền. Đặc phái viên Sung Kim cho biết không thể có chuyện miền Bắc sẽ tự từ bỏ những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Do đó, thay vì đối thoại, các nước phải gia tăng áp lực về tài chính với chính quyền Bắc Triều Tiên, cắt giảm nguồn tiền sử dụng trong phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo để hướng đến giải trừ hạt nhân nước này. Vốn được biết đến là người có thái độ mềm mỏng với Bình Nhưỡng, sự thay đổi này của ông Sung Kim đã cho thấy sự kiên quyết của Chính phủ của Tổng thống Obama trong xử lý vấn đề với miền Bắc. Về phần mình, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Daniel Glaser, chuyên các vấn đề về tài chính cho khủng bố, cũng đề xuất các biện pháp khá cụ thể. Đó là mở rộng phạm vi đối tượng chịu cấm vận sang cả những quan chức trong đảng và Chính phủ miền Bắc. Ông Glaser lấy ví dụ các lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Ngoại thương (FTB) Bắc Triều Tiên. Nối tiếp sắc lệnh mở rộng trừng phạt của Mỹ thì Nhật Bản, Úc và một số ngân hàng của Trung Quốc cũng đã chặn các giao dịch tài chính với Ngân hàng Ngoại thương Bắc Triều Tiên.

Bối cảnh và ý nghĩa

Nguyên nhân chính dẫn đến việc Washington tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng là do vụ tin tặc tấc công hệ thống máy tính của hãng phim Sony vào cuối tháng 11/2014. Washington đã điều tra và kết luận rằng Bình Nhưỡng là chủ mưu vụ tấn công này. Đối với Mỹ, đây là một vụ việc vô cùng nghiêm trọng ở hai mặt. Thứ nhất, vụ tấn công xảy ra là do hãng Sony sản xuất và công chiếu phim điện ảnh “The Interview” với đề tài ám sát Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un, như vậy là đánh vào quyền tự do thể hiện suy nghĩ, một trong những quyền cơ bản ghi trong điều 1 Hiến pháp Mỹ. Thứ hai, một vụ tấn công mạng xảy ra ngay trên đất Mỹ là một mối đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia. Do đó, ngay dịp đầu năm mới, Tổng thống Obama đã ban hành sắc lệnh mở rộng trừng phạt miền Bắc, đưa vào thi hành ngay mà không cần sự phê chuẩn của Thượng, Hạ viện. Thậm chí, ông chủ Nhà Trắng còn đề cập đến khả năng đưa lại Bắc Triều Tiên vào danh sách nước hỗ trợ khủng bố. Dù mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn là tính thực tế, nhưng những động thái này đã cho thấy phản ứng rắn của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, một dự thảo luật về trừng phạt Bắc Triều Tiên và cấm công nhận ngoại giao, hối thúc đưa lại Bình Nhưỡng vào danh sách nước hỗ trợ khủng bố, đã được đệ trình tại Hạ viện Mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng động thái này của Washington sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến cải thiện quan hệ hai miền liên Triều trên bán đảo Hàn Quốc. Đáp lại, Đặc phái viên Sung Kim nhấn mạnh nguyên tắc phi hạt nhân hóa bán đảo và khẳng định mối quan hệ đồng minh khăng khít Hàn-Mỹ.

Tin mới nhất