Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên tái xuất

Tin nổi bật trong tuần2014-10-19
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên tái xuất

Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Bắc Triều Tiên Kim Jong-un hôm 14/10 đã xuất hiện trở lại sau 40 ngày. Việc ông Kim xuất hiện chống gậy gây chú ý cao độ. Một số ý kiến cho rằng ông lộ diện có phần vội vàng như vậy là nhằm dập tắt những tin đồn về việc ông rút lui khỏi chính trường hay mắc trọng bệnh.

Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên chống gậy đi thị sát

Các cơ quan ngôn luận miền Bắc như hãng thông tấn trung ương và đài truyền hình trung ương Triều Tiên hôm 14/10 đã đưa tin và hình ảnh Chủ tịch Kim Jong-un đi thị sát khu nhà mới xây tại Bình Nhưỡng dành cho các nhà khoa học vệ tinh. Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên đã đăng nguyên trang ảnh nhà lãnh đạo Kim khi thì đang đi bộ với chiếc gậy chống bên tay trái khi thì đang ngồi trên ghế. Tuy nhiên, các báo đài miền Bắc không đề cập thời gian cụ thể của chuyến thị sát này. Một số chuyên gia cho rằng truyền thông Bắc Triều Tiên thường đưa tin chậm một ngày nên đây có thể là hoạt động diễn ra vào ngày 13/10, tức tròn 40 ngày kể từ lần cuối công Kim Jong-un xuất hiện công khai tại một buổi hòa nhạc vào ngày 3/9. Tháp tùng Chủ tịch Kim trong chuyến đi có Tổng cục trưởng Tổng cục chính trị Hwang Pyong-so, các Bí thư Ủy ban trung ương đảng Lao động Choe Ryong-hae và Choe Thae-bok.

Thời gian ông Kim Jong-un vắng bóng

Kể từ sau buổi hòa nhạc hôm 3/9, Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã không hề xuất hiện, làm dấy lên nhiều tin đồn như ông bị đảo chính, bị chết não hay thần kinh có vấn đề. Trước đó, hôm 8/7 khi xuất hiện trong mít-tinh tưởng nhớ 20 năm ngày mất cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, người ta thấy ông Kim Jong-un bước đi tập tễnh, khởi nguồn nhiều tin đồn đoán rằng ông này có vấn đề về sức khỏe. Trong một chương trình phát sóng của đài truyền hình trung ương Triều Tiên hôm 16/7 về hình ảnh nhà lãnh đạo đi thị sát công trường xây dựng một khu nhà trẻ ở thủ đô Bình Nhưỡng, có thể thấy ông Kim bước đi với chân phải tập tễnh có phần nghiêm trọng. Tiếp đó, ông Kim vẫn xuất hiện với những hình ảnh tương tự cho thấy có vấn đề ở chân. Chỉ đến sau buổi hòa nhạc 3/9, ông này mới “biến mất” hẳn. Ngày 25/9, ông không tham dự Hội nghị nhân dân tối cao khóa XIII lần thứ hai của miền Bắc và đài truyền hình trung ương Triều Tiên cho biết nguyên nhân là do vấn đề sức khỏe. Trong thời gian không xuất hiện này, Chủ tịch Kim Jong-un vẫn thể hiện sự tồn tại của mình qua những bức thư tay hay công văn. Tuy nhiên, đến ngày 10/10 trong sự kiện kỷ niệm 69 năm thành lập đảng Lao động nước này, nhà lãnh đạo Kim tiếp tục không lộ diện, cũng không đến viếng cung Thái Dương Kumsusan là nơi đặt thi hài cố Chủ tịch Kim Jong-il, cha ông, và cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, ông nội ông, người sáng lập Bắc Triều Tiên. Điều này lại càng làm rộ lên những giả thiết như có chính biến ở miền Bắc, nhà lãnh đạo Kim bị giam giữ, hay đã bị chết não.

Ý nghĩa và dự đoán về quan hệ liên Triều

Bỏ qua những tin đồn, Chính phủ Hàn Quốc đã xác nhận Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Bắc Triều Tiên Kim Jong-un chỉ đang phải điều trị chân, ngoài ra thể chế thống trị ở miền Bắc không có bất cứ sự bất thường nào. Trong thời gian vắng nhà lãnh đạo, “bộ ba quyền lực” miền Bắc, dẫn đầu là Tổng cục trưởng Tổng cục chính trị Hwang Pyong-so, đã đến Hàn Quốc với lý do dự lễ bế mạc Đại hội thể thao châu Á Incheon 2014, và nhân đó, nhóm họp cấp cao với quan chức Chính phủ Hàn Quốc, đạt nhất trí về tổ chức cuộc họp cấp cao liên Triều vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, chỉ ngay sau đó, Bình Nhưỡng đã lại có hành động mang tính khiêu khích. Đó là việc hôm 7/10 một tàu tuần tra của Bắc Triều Tiên đã lấn qua đường ranh giới liên Triều trên biển Tây khoảng 900m về phía Tây đảo Baengnyeong của Hàn Quốc và có màn đọ pháo với tàu của Hàn Quốc khi bị tàu này bắn cảnh cáo. Tiếp đó, ngày 10/10, miền Bắc đã bắn đạn được cho là từ súng máy phòng không 14,5 mm nhắm tới các quả bóng bay có chứa tờ rơi mà nhóm phi chính phủ Hàn Quốc thả từ huyện Yeoncheon, tỉnh Gyeonggi, khu vực giáp với miền Bắc. Theo đó, nhiều ý kiến lo ngại việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un không xuất hiện cùng những vụ việc này có thể ảnh hưởng đến cục diện đối thoại đang được mở ra giữa hai miền Nam-Bắc. Tuy nhiên, đến nay, ông Kim Jong-un đã tái xuất, mặc dù phải chống gậy, và đã cho thấy thể chế tại miền Bắc vẫn đang trong guồng hoạt động bình thường. Đây có thể coi là động thái nhằm thể hiện thái độ tích cực của chính quyền miền Bắc trong đối thoại với miền Nam.

Tin mới nhất