Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-il qua đời

Tin nổi bật trong tuần2011-12-25
Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-il qua đời

Hôm thứ Hai (19/12), các phương tiện truyền thông của Bắc Triều Tiên gồm Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã đồng loạt đưa tin, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Kim Jong-il từ trần ở tuổi 69 vào lúc 8 giờ 30 phút sáng hôm 17/12. Theo đó, sự cai trị độc tài của Chủ tịch Kim đã kết thúc sau 13 năm kể từ khi thời đại Kim Jong-il với tư cách là Chủ tịch Ủy ban quốc phòng được mở ra vào năm 1998 sau thời cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và sau 37 năm kể từ khi ông chính thức trở thành người kế nhiệm vào năm 1974.

Chủ tịch Kim Jong-il từ trần
Trong bài phát biểu với tựa đề “Gửi tới toàn thể các đảng viên, quân nhân và nhân dân”, các giới truyền thông của Bắc Triều Tiên thông báo “Chủ tịch Kim Jong-il đã qua đời do bệnh bộc phát đột ngột trên đường đi thị sát thực địa vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 17/12”. Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), kết luận của một báo cáo y học về căn bệnh và nguyên nhân tử vong của Chủ tịch Kim là do bị nhồi máu cơ tim cấp tính và sốc tim trên một chuyến tàu hỏa đặc biệt. Bản kết luận cũng cho biết thêm, mặc dù đã được cấp cứu và chữa trị tận tình nhưng chủ tịch Kim đã qua đời lúc 8 giờ 30 phút ngày 17/12. Bên cạnh đó, nguyên nhân về cái chết của Chủ tịch Kim cũng đã được làm rõ sau khi tiến hành khám nghiệm tử thi vào ngày hôm sau.

Thời đại Kim Jong-il
Là con cả của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, Kim Jong-il đã chính thức được công nhận là người kế nhiệm vào năm 1974. Sau đó, ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ trong đảng và học hỏi kinh nghiệm kế nhiệm trong suốt một thời gian dài. Năm 1998, ông trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Bắc Triều Tiên sau khi Chủ tịch đương nhiệm là Kim Nhật Thành, cha ông qua đời. Ngay sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Kim đã đề ra tư tưởng “Hành quân gian khổ” khiến cho hàng triệu người Bắc Triều Tiên chết đói do gặp phải vấn đề kinh tế và nạn thiếu lương thực trầm trọng. Tuy nhiên, Chủ tịch Kim đã vượt qua nguy cơ này và củng cố vững chắc nền tảng quyền lực của mình. Ông đã lấy lòng trung thành của bộ máy quân sự được củng cố vững chắc bằng chính sách “Songun” tức là “Quân đội là trên hết” làm nền tảng. Sức khỏe của Chủ tịch Kim bắt đầu có dấu hiệu không tốt kể từ đầu tháng 9/2008. Bằng chứng cụ thể là ông đã không xuất hiện trong cuộc diễu binh kỉ niệm 60 năm ngày thành lập đất nước. Các chuyên gia dự đoán khi đó ông bị đột quỵ và xuất huyết não. Sau đó, những giả thuyết về tình trạng sức khỏe không tốt của Chủ tịch Kim lại được đưa ra mỗi khi ông không xuất hiện chính thức trong một thời gian dài. Tuy nhiên, vào những thời điểm này, Chủ tịch Kim Jong-il lại xuất hiện công khai và cho thấy rằng mình vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, nhằm xóa tan những nghi ngờ về tình trạng sức khỏe của ông. Trong quá trình này, ông đã công khai chuyển giao quyền lực 3 đời cho con trai út Kim Jong-un vào cuối năm ngoái và dồn sức xây dựng thể chế kế nhiệm.

Thời đại hậu Kim Jong-il
Chủ tịch Kim Jong-il qua đời đã trở thành nhân tố bất ổn lớn đối với tình hình chính trị trên bán đảo Hàn Quốc và đã tạo ra một “lỗ hổng” về lãnh đạo trong bối cảnh thể chế kế nhiệm Kim Jong-un vẫn chưa được xây dựng vững chắc. Điều này có thể khiến cho nội bộ của Bắc Triều Tiên trở nên vô cùng bất ổn. Những bất ổn nội bộ có thể gây nên sự đổ vỡ từ bên trong, song cũng có thể tạo nên sự thống trị với quyền lực mạnh mẽ. Nói một cách khác, vì nền tảng cơ bản yếu nên có thể “đàn áp” nội bộ bằng hình thức thống trị độc tài và lựa chọn con đường cứng rắn về mặt đối ngoại. Điều đáng lo ngại nhất vào thời điểm này là Kim Jong-un còn quá trẻ và thời gian xây dựng thể chế kế nhiệm lại quá ngắn. Hiện tại, rất khó để dự đoán Bắc Triều Tiên sẽ đi theo con đường nào sau khi Chủ tịch Kim Jong-il qua đời. Cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ Bắc Triều Tiên có thể trở nên trầm trọng và bộ máy quân sự lấy Kim Jong-un làm trọng tâm có thể đoàn kết lại với nhau. Mặt khác, những thế lực bị gạt ra khỏi cuộc cạnh tranh kế nhiệm cũng có thể ngẩng cao đầu. Trường hợp xấu nhất hiện nay là những bất ổn nội bộ “bùng nổ” xung quanh những vấn đề mang tính đối ngoại.

Tin mới nhất