Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

9 người dân Bắc Triều Tiên xin tị nạn tại Hàn Quốc

Tin nổi bật trong tuần2011-06-19
9 người dân Bắc Triều Tiên xin tị nạn tại Hàn Quốc

Hôm 11/6, 9 người Bắc Triều Tiên gồm 3 người đàn ông, 2 phụ nữ và 4 trẻ em vượt qua đường ranh giới liên Triều trên biển. Được biết nhóm người này là gia đình của người anh em đang sống ở tỉnh Hwanghae.


Toàn bộ câu chuyện xin tị nạn
Một nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc hôm 15/6 cho biết, 9 người Bắc Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc trên biển Tây bằng một chiếc tàu nhỏ vào 6 giờ 5 phút sáng hôm 11/6 và bày tỏ ý định xin tị nạn tại Hàn Quốc. Theo lời một quan chức quân đội, những người này đã vẫy tay và bày tỏ ý định xin tị nạn. Đội tuần tra biên giới đã hộ tống họ neo tàu vào đất liền. Sau khi phát hiện ra một vật thể lạ trên ra-đa, đội tuần tra biên giới của Hàn Quốc đã cảnh giác và quan sát dấu vết của con tàu. Trên con tàu này có cả người lớn và trẻ em và nếu thực sự họ là một gia đình thì việc trốn chạy khỏi Bắc Triều Tiên để tới Hàn Quốc chắc chắn đã được lên kế hoạch từ trước.

Người dân Bắc Triều Tiên trốn sang Hàn Quốc
Cách đây hơn 4 tháng vào ngày 5/2, một chiếc tàu đánh cá gồm 31 người đã vượt qua đường ranh giới liên Triều trên biển Tây, trong đó 4 người đã xin tị nạn ở Hàn Quốc và 27 người đã trở về nước sau 50 ngày bị bắt giữ. Trước đó, người dân miền Bắc cũng đã nhiều lần vượt biển để trốn sang Hàn Quốc. Năm 2010, trường hợp ít từ 1 đến 2 người, còn nhiều thì 3-4 người dân Bắc Triều Tiên vượt biển Tây và biển Đông bằng tàu đánh cá hoặc tàu liên lạc nhỏ để tới Hàn Quốc đã liên tục xảy ra. Ví dụ điển hình nhất về việc người dân miền Bắc chạy sang Hàn Quốc có thể kể đến là vụ trốn chạy của 11 người vào tháng 10/2009, và 21 người trong 3 gia đình vào tháng 8/2002. Đặc biệt, trường hợp vượt biển của 11 thành viên gia đình Kim Man-cheol vào năm 1987 đã thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Bối cảnh xin tị nạn tập thể
Một số chuyên gia phỏng đoán vụ việc lần này có thể là dấu hiệu cho thấy nạn đói lương thực tại Bắc Triều Tiên đang ngày càng trầm trọng trong khi thể chế khép kín ở miền Bắc bắt đầu trở nên lỏng lẻo. Kinh tế của Bắc Triều Tiên đã lâm vào tình thế khó khăn do vấp phải cấm vận của cộng đồng quốc tế sau 2 lần thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng và Lệnh cấm đi lại, giao dịch với Bắc Triều Tiên, 1 biện pháp đối phó với miền Bắc của chính phủ Hàn Quốc đưa ra hôm 24/5/2010. Đây là biện pháp đối phó với Bắc Triều Tiên của Hàn Quốc nhằm gián đoạn các hoạt động giao lưu với Bình Nhưỡng trừ hoạt động viện trợ nhân đạo và hoạt động của khu công nghiệp liên Triều Gaesung sau vụ chìm tàu hải quân Cheonan của Hàn Quốc. Đặc biệt, tình hình lương thực của miền Bắc đang ngày càng trầm trọng và chính phủ Bắc Triều Tiên đã phải lên tiếng kêu gọi thế giới hỗ trợ lương thực thông qua các chuyến công du nước ngoài. Theo đó, lòng trung thành của người dân miền Bắc đối với chế độ đã bị suy giảm và người dân có thể phản đối việc tăng cường thống trị của Bắc Triều Tiên liên quan đến việc chuyển giao quyền lực cha truyền con nối. Theo thông tin từ chính phủ Hàn Quốc, do sự khó khăn về kinh tế và cải cách tiền tệ thất bại, chính phủ Bắc Triều Tiên đã siết chặt chế độ kiểm soát người dân như hạn chế du lịch và giám sát hàng ngày. Thậm chí một nguồn tin còn cho rằng, miền Bắc đã thành lập và huấn luyện một lực lượng đặc biệt để đối phó với các cuộc biểu tình, chống đối của người dân. Trên thực tế, khó có thể lý giải vụ việc lần này là một dấu hiệu tức thì về một thể chế lỏng lẻo nhưng theo phân tích của các chuyên gia thì vụ việc này có thể phản ánh tình hình khó khăn của Bắc Triều Tiên do nạn đói lương thực.

Tin mới nhất