Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên của Liên Hợp Quốc

Tin nổi bật trong tuần2011-11-27
Nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên của Liên Hợp Quốc

Ủy ban thứ ba của Liên Hợp Quốc, một ủy ban về vấn đề nhân quyền hôm 21/11 đã thông qua dự thảo Nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên, lên án tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của miền Bắc. Hàng năm, Liên Hợp Quốc đã liên tiếp thông qua Nghị quyết về vấn đề nhân quyền của Bắc Triều Tiên kể từ sau năm 2005. Nếu được chính thức thông qua tại phiên họp toàn thể của Liên Hợp Quốc, đây sẽ là năm thứ 7 liên tiếp Nghị quyết này được phê chuẩn.

Nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên
Nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên của Liên Hợp Quốc bao gồm nội dung chỉ trích và những yêu cầu nhằm cải thiện tình trạng vi phạm nhân quyền của Bắc Triều Tiên. Ngày nay, nhân quyền được coi là giá trị mang tính phổ biến của nhân loại. Vì vậy, nhân loại sẽ không chấp nhận việc một quốc gia nào đó đưa ra những chủ trương, như coi vấn đề nhân quyền là vấn đề nội bộ, hay áp dụng các tiêu chuẩn khác đối với nhân quyền. Được biết, Bắc Triều Tiên đang có những hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, như áp dụng các hình phạt tàn nhẫn, thiếu tính nhân văn, thiếu các quy định pháp luật hợp lí hay xử tử hình chỉ vì lí do chính trị, tôn giáo. Nghị quyết của Liên Hợp Quốc được thông qua nhằm phê phán và yêu cầu cải thiện tình trạng vi phạm này của miền Bắc. Nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên của Liên Hợp Quốc đã được phê chuẩn 6 năm liên tiếp, kể từ sau lần đầu tiên vào năm 2005 và đây là lần thứ 7, nghị quyết này được thông qua. Thông thường, Ủy ban thứ 3 của Liên Hợp Quốc về vấn đề nhân quyền là cơ quan thẩm tra nghị quyết nhân quyền và nghị quyết này sẽ được thông qua tại phiên họp toàn thể của Liên Hợp Quốc.

Nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên tại phiên họp toàn thể lần thứ 66 của Liên Hợp Quốc
Nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên do 52 quốc gia trong đó có Hàn Quốc, các nước thành viên Liên minh châu Âu và Nhật Bản cùng đưa ra đã được Ủy ban thứ 3 của Liên Hợp Quốc thông qua vào sáng ngày 21/11 với 112 phiếu thuận, 16 phiếu chống và 55 phiếu trắng. Nghị quyết này sẽ được đệ trình lên phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ tổ chức vào trung tuần tháng 12 tới. Nội dung của Nghị quyết năm nay tương tự như nghị quyết được phê chuẩn tại phiên họp toàn thể lần thứ 65 của Liên Hợp Quốc như chỉ trích vấn đề xử phạt công khai, hạn chế tự do ngôn luận, ngược đãi người tị nạn, xử phạt tập thể, các nhà tù dành cho tù nhân chính trị, xâm hại nhân quyền của nữ giới như mua bán thân thể hay đồng cảm với vấn đề suy dinh dưỡng của người già và trẻ em cũng như vấn đề y tế. Nội dung “đánh giá việc tổ chức các buổi đoàn tụ gia đình bị li tán” tại Nghị quyết năm ngoái đã được chuyển thành nội dung “hi vọng sự thảo luận, nhất trí giữa hai miền Triều Tiên để có thể mở rộng quy mô và tổ chức thường kì các buổi đoàn tụ gia đình”. Bên cạnh đó, nội dung “cải thiện tình hình của người tị nạn Bắc Triều Tiên” cũng được sửa thành “bảo vệ nhân quyền của người tị nạn Bắc Triều Tiên”. Mặt khác, những yêu cầu mạnh mẽ về việc giải quyết nhanh chóng vấn đề của những người Bắc Triều Tiên bị bắt cóc và tôn trọng “nguyên tắc cấm ép buộc hồi hương” cũng được đưa ra. Ngoài ra, Nghị quyết năm nay còn bao gồm nội dung mới, như yêu cầu kiên quyết xử phạt tội phạm bạo hành giới tính đối với phụ nữ như mua bán thân thể, mại dâm và yêu cầu Bắc Triều Tiên gia nhập hiệp ước về nhân quyền.

Ý nghĩa
Nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên được thông qua lần thứ 7 với số lượng quốc gia tán thành ngày càng tăng. Hay nói một cách khác, tiếng nói của cộng đồng quốc tế đang dần được thống nhất. Nghị quyết năm 2009 đã được thông qua với 97 phiếu thuận, 19 phiếu chống và 65 phiếu trắng, trong khi Nghị quyết năm 2010 lại được phê chuẩn với 103 phiếu thuận, 18 phiếu chống và 60 phiếu trống. Năm nay, đã có thêm 9 quốc gia nữa tán thành Nghị quyết nhân quyền này. Một quan chức của Liên Hợp Quốc đánh giá, dù nhân quyền là vấn đề nhạy cảm và lập trường giữa các nước cũng khác nhau, nhưng việc số lượng nước tán thành tiếp tục tăng lên là bằng chứng cho thấy nhận thức về vấn đề nhân quyền đã hòa làm một. Hiện trên thế giới chỉ có 3 quốc gia bị Liên Hợp Quốc áp dụng Nghị quyết nhân quyền là Bắc Triều Tiên, Myanmar và Iran. Điều này chứng tỏ sự yếu kém của tình trạng nhân quyền tại Bắc Triều Tiên. Dù Liên hợp quốc 7 lần liên tiếp thông qua Nghị quyết nhân quyền, nhưng miền Bắc vẫn không để ý tới điều này. Việc cải thiện tình trạng nhân quyền tại miền Bắc có lẽ sẽ còn rất xa xôi và hiện nay không còn cách nào khác là tiếp tục kêu gọi.

Tin mới nhất