Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Vệ tinh của Bắc Triều Tiên

2023-12-27

ⓒ YONHAP News
Ngày 2/12/2023, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết đã phóng thành công vệ tinh trinh sát quân sự tự phát triển đầu tiên, đánh dấu bước đầu tiên trong việc đạt được năng lực giám sát riêng đối với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, khoảng hai tuần trước đó miền Bắc cũng đã phóng vệ tinh trinh sát quân sự. Điều này cho thấy, hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc đã chính thức bắt đầu cuộc cạnh tranh vệ tinh trinh sát quân sự. Đêm ngày 21/11, Bắc Triều Tiên đã phóng tên lửa đẩy Chollima-1 mang theo vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1. Ba tiếng sau đó, nước này đánh giá vụ phóng đã thành công.
Đúng như thông báo của miền Bắc, Chollima-1 đã được phóng thành công và đưa vệ tinh Malligyong-1 tiến chính xác vào quỹ đạo. Minh chứng là Lực lượng không gian Mỹ (USSF) đã đánh số vệ tinh và số phân biệt vệ tinh cho Malligyong-1, điều mà cơ quan này làm cho những vệ tinh được đánh giá là quay ổn định quanh quỹ đạo. Vậy trình độ phát triển vệ tinh của Bình Nhưỡng đạt mức như thế nào? 

Theo trang web chuyên về Bắc Triều Tiên của Mỹ mang tên "38 North" (Vĩ tuyến 38 độ Bắc), vệ tinh Malligyong-1 không thuộc dạng có kỹ thuật cao tỉ mỉ đến mức có thể phát hiện máy bay hoặc tên lửa, và chỉ có thể theo dõi các cơ sở quân sự cũng như hoạt động cơ bản diễn ra tại đây. Vệ tinh này được đánh giá là có độ phân giải đủ để thu thập thông tin ở mức chỉ thị và cảnh giác. Thông thường, một vệ tinh có chức năng trinh sát quân sự phải phân biệt được vật thể có chiều dài và chiều rộng trong khoảng 1m. Tuy nhiên, Malligyong-1 lại chỉ dừng lại ở mức 3m, tức là chỉ quan sát được một khối to đang chuyển động.

Độ phân giải của vệ tinh trinh sát Bắc Triều Tiên là khoảng 3m về cả chiều dài và chiều rộng, chênh lệch khá lớn với độ phân giải của vệ tinh trinh sát Hàn Quốc có chức năng tối tân hàng đầu thế giới với mức 0,3m. Thêm vào đó, chưa chắc là vệ tinh Malligyong-1 đang hoạt động bình thường mặc dù đã đi vào quỹ đạo. Thành công của một vệ tinh trinh sát được đánh giá không chỉ qua việc đã tiến vào quỹ đạo, mà còn phải truyền nhận thông tin với trạm thu phát tín hiệu ở mặt đất, và gửi hình ảnh cũng như video. Điều này có nghĩa là chưa thể công nhận sự thành công của vụ phóng Malligyong-1 cho đến khi Bắc Triều Tiên công bố tư liệu chụp được từ vệ tinh này. Trong khi đó, Bình Nhưỡng đang tự chúc mừng về thành quả phóng vệ tinh trinh sát trong nhiều ngày qua, trong đó có thể kể đến bữa tiệc chúc mừng có sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un diễn ra hôm 23/11. Bắc Triều Tiên thậm chí còn cho vẽ tranh tuyên truyền về thành công của vụ phóng vệ tinh Malligyong-1, và khẳng định đã chụp được ảnh trụ sở của các cơ quan chủ chốt tại lãnh thổ Mỹ. 

Chủ tịch Kim Jong-un đã liên tục đích thân đến Trung tâm điều khiển vệ tinh tổng hợp Bình Nhưỡng thuộc Tổng cục Công nghệ hàng không vũ trụ quốc gia và nhận báo cáo về các hình ảnh chụp Lầu Năm Góc ở Washington, tàu sân bay, căn cứ Hải quân Norfolk. Tuy nhiên, những hình ảnh này không được công bố. Thông thường thì các nước không công khai hình ảnh chụp từ vệ tinh quân sự, vì bị xem là hoạt động tình báo quân sự nhạy cảm. Do đó, chúng ta không thể nắm bắt được chính xác về năng lực của vệ tinh trinh sát quân sự này, song vẫn phải xem đây là bước chân đầu tiên trên con đường đi đến thành công của miền Bắc. Mặt khác, Chủ tịch Kim cũng nhiều lần tuyên bố sẽ phóng thêm khoảng 4, 5 vệ tinh nữa trong tương lai, vì vệ tinh trinh sát quân sự muốn hoạt động ổn định thì phải có khoảng 6 chiếc vệ tinh cùng thực hiện nhiệm vụ với nhau. Phải như vậy thì mới có thể nhìn một địa điểm từ nhiều góc độ. 

Như vậy, để đánh giá vệ tinh của miền Bắc có khả năng đủ để trinh sát lãnh thổ Mỹ hay không thì còn phải cần phân tích nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, thông qua những lần phóng tên lửa đẩy vũ trụ của Bắc Triều Tiên có thể thấy nước này rõ ràng đã có nhiều phát triển về kỹ thuật. 

Vào năm 1998, miền Bắc lần đầu tiên phóng tên lửa Taepodong-1 mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-1 tại xã Musudan, huyện Hwadae, tỉnh Bắc Hamgyong. Mặc dù đã có nhiều tranh cãi vào thời điểm đó rằng đây là tên lửa cho mục đích quân sự (missile) hay quan trắc vũ trụ (rocket), nhưng vật thể này đã bay được 1500 km ra ngoài vũ trụ. Động cơ đẩy rắn chở vệ tinh đã phát nổ ở tầng thứ ba và không thể đi vào quỹ đạo. Đến năm 2006, nước này đã phóng tên lửa Taepodong-2 vào ngày 4/7, ngày Quốc khánh Mỹ. Vụ phóng này cũng thất bại sau khi tên lửa rơi xuống biển. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn không bỏ cuộc, và tiếp tục phóng tên lửa đẩy Unha-2 chở vệ tinh nhân tạo Kwangmyongsong-2 vào ngày 5/4/2009. Nước này còn tổ chức một đại hội quần chúng để chúc mừng vụ phóng thành công vì vệ tinh nhân tạo đã tiến vào quỹ đạo vào cùng ngày. Tiếp theo đó, vệ tinh Kwangmyongsong-3 đã thất bại vào tháng 4/2012, nhưng lại thành công trong lần phóng thứ hai vào ngày 12/12 cùng năm.

Bắc Triều Tiên liên tục phóng vệ tinh từ năm 1998. Tính đến cuối năm 2023, nước này cho biết đã 8 lần phóng vệ tinh nhân tạo. Trong đó, vệ tinh Kwangmyongsong-3 đã tiến vào quỹ đạo thành công ở lần phóng thứ hai. Mặc dù vệ tinh Kwangmyongsong-3 đã rơi khỏi quỹ đạo và bị tiêu hủy, nhưng Chủ tịch Kim Jong-un vẫn thể hiện quyết tâm tiến vào vũ trụ. Trong Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 năm 2021, Bình Nhưỡng đã tuyên bố sẽ phát triển vệ tinh trinh sát quân sự. 

Việc sở hữu vệ tinh trinh sát quân sự đồng nghĩa với việc có thể thu thập được hình ảnh ở bất kỳ thời gian và địa điểm khi có chiến tranh. Sẽ chẳng còn ý nghĩa gì khi đợi hình ảnh từ vệ tinh thương mại, vì khi đó thì địch đã che giấu hoặc di chuyển sang nơi khác. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên phải có vệ tinh trinh sát thì mới có thể tấn công chính xác quân địch là Hàn Quốc và Mỹ khi phóng các loại tên lửa. Điều này vô cùng quan trọng khi có thể chứng tỏ quốc gia này không những có sức mạnh và còn có “tai mắt”.

Vệ tinh trinh sát có hiệu quả cao trong việc theo dõi mục tiêu quân sự và vẽ bản đồ tác chiến. Đặc biệt, đối với một nước liên tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo như Bắc Triều Tiên thì vệ tinh trinh sát quân sự có thể xem như “tai mắt”. Vì vậy, từ năm 2021, Bình Nhưỡng đã từng xem việc phóng vệ tinh trinh sát quân sự là bài toán quan trọng của quốc gia, và tuyên bố đã hoàn thành vệ tinh số 1 vào tháng 4 năm 2023. Mặc dù vụ phóng vào tháng 5 và tháng 8 đã thất bại, nhưng tên lửa đẩy được phóng vào tháng 11 đã thành công đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Có ý kiến cho rằng Bắc Triều Tiên đã nhận sự giúp đỡ từ Nga để hoàn thành vệ tinh trinh sát quân sự chỉ trong ba tháng. 

Vụ phóng vệ tinh trinh sát Malligyong-1 gần như có thể xem là “kỳ tích sông Taedong (Đại Đồng)”. Việc Bình Nhưỡng nhận sự hợp tác từ Matxcơva trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật vũ trụ đã được công khai thông qua Hội nghị thượng đỉnh Nga-Triều vào tháng 9. Điểm quan trọng ở đây là miền Bắc có khả năng đã không thể sử dụng thiết bị hoặc phần cứng của Nga do việc hoàn thành kiểm duyệt kỹ thuật, duy trì tính tương hợp chỉ trong vòng ba tháng là một điều bất khả thi. Do đó, có thể Bình Nhưỡng đã sửa các lỗi kỹ thuật tại động cơ đẩy tầng thứ hai và thứ ba dưới sự giúp đỡ và kinh nghiệm của các nhà khoa học Nga, từ đó rút ngắn thời gian chuẩn bị. 

Không dừng lại ở đó, vào ngày 18/12, miền Bắc đã phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) chỉ một tháng sau khi vệ tinh trinh sát thành công tiến vào quỹ đạo, làm gia tăng căng thẳng trên khu vực bán đảo Hàn Quốc. Mặc dù vẫn còn nhiều nghi vấn về tính năng của vệ tinh trinh sát, nhưng “bộ đôi” vệ tinh trinh sát và tên lửa ICBM có thể nâng cao năng lực công kích của Bình Nhưỡng. 

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đẩy vệ tinh giống nhau về mặt kỹ thuật, chỉ khác ở điểm tên lửa đẩy vệ tinh có gắn vệ tinh, và tên lửa đạn đạo có gắn đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, việc tiếp nhận kỹ thuật khoa học vũ trụ từ Nga khá đơn giản, nhưng sẽ còn nhiều khó khăn trong việc nhận được sự hợp tác từ Matxcơva để nâng cấp đầu đạn hạt nhân do các kỹ thuật này là bí mật quốc gia. Nếu Bắc Triều Tiên thực sự sở hữu hạt nhân có nghĩa là nước này có thể nhắm vào cả Mỹ và Nga. Trong trường hợp đó, liệu Matxcơva có thực sự hợp tác 100%, 200% với Bình Nhưỡng không? Xét theo khía cạnh này, có thể thấy con đường sắp tới của miền Bắc vẫn còn nhiều gian nan, khó khăn.

Có phân tích cho rằng việc chuyển giao kỹ thuật vũ khí hạt nhân trên thực tế là không hề dễ dàng. Không chỉ vậy, việc phóng vệ tinh cũng cần những thử thách về công nghệ, không giống như tên lửa. Vệ tinh cần có trình độ kỹ thuật tinh xảo để duy trì trên quỹ đạo sau khi tiến vào. Trong khi đó, vẫn chưa rõ là Bắc Triều Tiên có đang sở hữu công nghệ như thế hay không. Tuy nhiên, khả năng cao là nước này vẫn sẽ còn tiếp tục tham vọng tiến vào vũ trụ. 

Miền Bắc đã bước những bước chân đầu tiên trên con đường tiến vào vũ trụ. Mặc dù năng lực quân sự của nước này vẫn chưa được xác nhận rõ ràng, nhưng chắc hẳn Bình Nhưỡng sẽ không bỏ cuộc. Thêm vào đó, Nga cũng đang cần nguồn viện trợ vũ khí và nhân lực từ Bắc Triều Tiên trong tình hình cuộc chiến tranh Nga-Ukraine kéo dài. Vì vậy, Matxcơva bắt buộc phải tiếp tục hợp tác với Bình Nhưỡng. Khả năng cao là sự phát triển công nghệ vệ tinh của miền Bắc sẽ càng nhanh hơn, thông qua việc tiếp nhận kinh nghiệm và kiến thức về vệ tinh và tên lửa đẩy từ Nga.

Miền Bắc đã công bố kế hoạch phóng tiếp nhiều vệ tinh trinh sát mới, khiến mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về tốc độ phát triển vệ tinh nhanh hơn dự đoán của miền Bắc đang ngày càng lớn dần.

Tin mới nhất