Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Ý nghĩa của sự thay đổi diện mạo đô thị tại Bắc Triều Tiên

2024-01-03

ⓒ Getty Images Bank
Sau khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un lên nắm quyền, năm 2013, ông đã cho tiến hành đào tạo nhân lực trong lĩnh vực xây dựng. Chủ tịch Kim Jong-un cũng từng phát biểu rằng lĩnh vực xây dựng đặt nền móng cho một quốc gia cường thịnh và tổ ấm hạnh phúc cho nhân dân. Trong bài phát biểu chào mừng năm mới 2014 ông đã nhấn mạnh, xây dựng là một trong ba nhiệm vụ chính trong phát triển kinh tế của Bắc Triều Tiên. Trên thực tế, diện mạo của đô thị miền Bắc được đánh giá là đã có nhiều thay đổi kể từ khi Chủ tịch Ủy ban quốc vụ Kim Jong-un lên nắm quyền. 
Tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 năm 2021, chính quyền miền Bắc tuyên bố xây dựng 50.000 ngôi nhà cho người dân ở Bình Nhưỡng (Pyongyang). Đặc biệt, con đường mang tên Songhwa, hoàn thành vào tháng 4/2022 đã trở thành địa danh tiêu biểu của Bình Nhưỡng. Truyền thông miền Bắc quảng bá đây là “minh chứng đầu tiên tượng trưng cho một kỷ nguyên mới” và là “tượng đài tình yêu của nhân dân trong thời đại Kim Jong-un”. 

Chủ tịch Kim Jong-un đã từng đưa ra các chỉ thị dưới văn phong viết thư cho công nhân ngành xây dựng trong những ngày đầu lên nắm quyền. 10 năm sau đó, ông lại đưa ra thông điệp tương tự. Cả hai lần, ông Kim Jong-un đều nhấn mạnh mục tiêu xây dựng một đất nước giàu mạnh và một xã hội văn minh. Nếu như thời gian đầu cầm quyền ông Kim thường đề cập đến các công trình kỷ niệm chiến thắng, dần dần, nhà lãnh đạo miền Bắc đã nhắc đến các dự án như công viên giải trí, sân trượt tuyết, nhà kính quy mô lớn và nông trại, nhấn mạnh vào việc cải thiện đời sống theo hướng tự lực cánh sinh. Là một nước xã hội chủ nghĩa, diện mạo các đô thị của Bắc Triều Tiên phản ánh chiến lược thống trị của quốc gia thay vì được hình thành theo lợi ích tư bản như các quốc gia theo chủ nghĩa tư bản. 

Trong chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un, “khoa học”, “tương lai”, “môi trường” là những từ khóa cũng rất gắn bó với “xây dựng đô thị” ở miền Bắc. Một ví dụ rõ ràng về điều này là việc đặt tên cho các con đường và khu nhà ở. Trong năm 2013, sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, các con đường hay khu dân cư được đặt tên theo kiểu như “đường Nhà khoa học ngân hà”, “chung cư Giảng viên và nhà khoa học Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành”, “chung cư Giảng viên Đại học Công nghệ Kim Chaek”. Sau đó, “khu dân cư Nhà khoa học vệ tinh” và “đường Nhà khoa học tương lai” cũng được xây dựng.

Đài truyền hình trung ương Triều Tiên (KCTV) từng phát nội dung Chủ tịch Kim Jong-un cho xây dựng 800 căn nhà làm phần thưởng cho người có công trong các lĩnh vực và đang tận tụy phục vụ cho đất nước như nhà khoa học, giáo viên hay nhà văn. Vào năm 2022, những ngôi nhà sang trọng có ban công được hoàn thành bên bờ sông Potong (Phổ Thông), thủ đô Bình Nhưỡng. Chủ tịch Kim Jong-un cho biết ông sẽ sử dụng để làm quà cho những người lao động đã cống hiến hết mình cho đất nước, bao gồm những nhân tài khoa học. 

Những căn nhà này không được mua bán cho một cá nhân nào đó mà được Chính phủ bố trí, tức Nhà nước ưu tiên cho những người có đóng góp trong các chiến lược hoặc chính sách quan trọng mà quốc gia đặt ra. Ở Bắc Triều Tiên, những đối tượng được ưu tiên hàng đầu ghi trong Luật nhà ở là những anh hùng cách mạng hoặc người có công. Các nhà khoa học và kỹ sư, những người có đóng góp xuất sắc, nỗ lực và đổi mới cũng được xem xét để có cơ hội nhận được những căn nhà mới xây ở thủ đô Bình Nhưỡng. 

Các công trình kiến trúc liên quan đến khoa học cũng được xây dựng rất hoành tráng dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un. KCTV từng đưa tin về sự kiện Chủ tịch Kim Jong-un cắt băng khánh thành Trung tâm Khoa học và công nghệ, tại đảo Ssuk, sông Taedong (Đại Đồng), Bình Nhưỡng vào tháng 1 năm 2016. Tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 7, ông Kim Jong-un cũng khẳng định năng lực khoa học công nghệ là chiến lược quan trọng của quốc gia và là động lực cho sự phát triển của xã hội. Có thể dễ dàng nhận thấy tinh thần coi trọng khoa học và công nghệ trong các công trình xây dựng dưới thời ông Kim Jong-un. 

Bắc Triều Tiên đang đề ra mục tiêu của quốc gia là trở thành cường quốc về khoa học và công nghệ, kinh tế tri thức, và để làm được điều này thì cần nỗ lực chuyển đổi trong phát triển khoa học và công nghệ. Trong bối cảnh miền Bắc khan hiếm tài nguyên và gặp khó khăn trong giao thương quốc tế do lệnh cấm vận của cộng đồng quốc tế, con đường tồn tại duy nhất là tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực nội địa, trong đó có khoa học và công nghệ. Đồng thời, nước này cũng đã ban hành Luật khoa học và công nghệ, tăng cường đào tạo nhà khoa học và kỹ sư, nhằm đảm bảo những trí thức này sẽ đóng vai trò lãnh đạo quan trọng trong phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. 

Ở các khu dân cư của Bắc Triều Tiên, từ khóa “tương lai” cũng thường xuyên được xuất hiện. Chẳng hạn như con đường mang tên “Nhà khoa học tương lai” xuất hiện vào năm 2015, hay con đường Ryomyong (Bình minh) được hoàn thành vào 2017, với ý nghĩa bắt đầu của một thời kỳ mới. Các thư viện điện tử phân bố trên khắp đất nước được đặt tên là “Miraewon” (Thư viện Tương lai). Từ "tương lai" cũng có thể được hiểu là đại diện cho thế hệ mới. Từ những ngày đầu nắm quyền, Chủ tịch Kim Jong-un thể hiện sự quan tâm đến việc tạo dựng cơ sở hạ tầng cho thế hệ tương lai của đất nước như ghé thăm trường mầm non Kyongsang hay xây dựng các khu vui chơi trẻ em và trường mầm non ở Bình Nhưỡng. 

Một trong những việc mà Chủ tịch Kim Jong-un bắt đầu thực hiện ngay từ những ngày đầu cầm quyền là tìm hiểu thực trạng và chỉ thị tu sửa các cơ sở hạ tầng cho học sinh, sinh viên, và thanh niên trên cả nước. Ngoài ra, miền Bắc còn nhấn mạnh trường cách mạng Mangyongdae và trường cách mạng Kang Pan Sok là nơi đào tạo các tài năng tương lai.  Nước này cũng trực tiếp cho thanh thiếu niên tham gia vào công việc xây dựng trên các công trường. Trong đó, nhà máy điện Thanh niên anh hùng núi Baekdu (Bạch đầu) là một công trình tiêu biểu. Ông Kim Jong-un đã đích thân đến công trường và đề cập đến những từ như “đất nước của tuổi trẻ”, “huyền thoại về tuổi trẻ anh hùng” để vẽ những câu chuyện mang tính thần thoại như các thanh niên đã xây bờ đê. 

Kể từ khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un lên nắm quyền, Bắc Triều Tiên đang dồn sức vào việc thực hiện “cuộc chiến tốc độ”. Khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masikryong được xem như một trong những thành tựu vĩ đại nhất của chính quyền Kim Jong-un. Bắc Triều Tiên chỉ mất 8 tháng để xây dựng một khu trượt tuyết và khách sạn ở Masikryong, có độ cao 768m so với mực nước biển. Ông Kim đã đến thăm địa điểm này 5 lần trong thời gian xây dựng để đốc thúc việc hoàn thành và đây cũng được xem là nơi ra đời khẩu hiệu “cuộc chiến tốc độ” mới. “Tốc độ Masikryong” được lấy làm khẩu hiệu mới cho phong trào “cuộc chiến tốc độ” tại nước này. Từ đó, khẩu hiệu “tốc độ Choson (Triều Tiên)” cũng được ra đời. Các phương tiện truyền thông Bắc Triều Tiên quảng bá rộng rãi về việc hoàn thành trung tâm kinh doanh ngư nghiệp, bao gồm chỗ ở, sảnh khách và đê chắn sóng, chỉ trong hai tháng với “tốc độ Choson”. Ngoài ra, nhiều công trường xây dựng cũng đang nhấn mạnh đến tốc độ. 

Khẩu hiệu cho tốc độ được xuất hiện là vì nước này đang cấp bách để đạt được những mục tiêu quốc gia đã đặt ra. Có thể nói, mục đích là nhằm tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ bằng cách thể hiện thời gian thay đổi không gian trong xây dựng đô thị được rút ngắn lại. Gần đây ở Bắc Triều Tiên, cụm từ “nếp gấp thời gian” xuất hiện thường xuyên. Trong một bài báo tại nước này có tựa đề “Thời đại cách mạng của Kim Jong-un” mô tả sự biến đổi kỳ diệu khi thời gian 10 năm được rút ngắn xuống còn một năm, hôm qua khác với hôm nay, buổi sáng khác hẳn buổi tối. Việc thực hiện cuộc đua tốc độ để hoàn thành các mục tiêu của đất nước có thể xem như là một chiến lược lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong-un. 

Ngoài từ khóa “khoa học” hay “tương lai”, thì từ khóa “môi trường” cũng được sử dụng thường xuyên trong xây dựng đô thị dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un. “Môi trường” có thể được hiểu mang cả ý nghĩa về tính thẩm mỹ, trong đó, khung cảnh về đêm cũng được nhấn mạnh. Truyền thông miền Bắc giới thiệu khung cảnh lung linh về đêm của phố Ryomyong được xây theo “cuộc chiến tốc độ” dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un. Một loạt bài ca tán dương dài 10 phút để tưởng nhớ công lao của Chủ tịch Kim Jong-un cũng được phát sóng. 

Bắc Triều Tiên đang nhấn mạnh đến vấn đề môi trường trong việc xây dựng thành phố. Trang trí cảnh đêm ở Bình Nhưỡng cũng là nghĩa vụ được quy định trong Luật quản lý thành phố Bình Nhưỡng. Đây được xem như là chiến lược để thể hiện rằng Bình Nhưỡng xứng tầm là thủ đô của một quốc gia hùng mạnh. Kể từ năm 2017, chương trình biểu diễn mừng Tết Nguyên đán đã được tổ chức hàng năm vào ban đêm. Nước này cũng cho thấy xu hướng tổ chức diễu hành quân sự, phô diễn năng lực quốc phòng vào ban đêm. Có thể nói là để khoe khoang vẻ huy hoàng của cảnh đêm. Mặt khác, ánh sáng chói lóa tượng trưng cho tương lai hoặc nhà lãnh đạo, còn sắc đỏ rực tượng trưng cho một cường quốc hạt nhân. Mục đích của việc trang trí cảnh đêm cũng là để thể hiện rằng, nước này không hề gặp phải tình trạng thiếu điện như đồn đoán, do miền Bắc từng bị thế giới “dè bỉu” khi lộ ảnh vệ tinh tối tăm vào ban đêm. 

Ngoài ra, từ khóa “môi trường” trong xây dựng đô thị ở miền Bắc cũng mang nghĩa thân thiện với môi trường. Bắc Triều Tiên quảng bá rằng kiến trúc xanh của phố Ryomyong là nơi đang tích cực sử dụng năng lượng Mặt trời và công nghệ cách nhiệt để đảm bảo năng lượng cho các tòa nhà cao tầng, phù hợp với xu hướng phát triển của kiến trúc thế giới. Trên thực tế, từ khi bắt đầu nắm quyền, Chủ tịch Kim Jong-un đã đề cập đến “kiến trúc xanh” thân thiện với môi trường, giúp tiết kiệm tài nguyên, có lợi cho sức khỏe con người và cũng có lợi cho môi trường toàn cầu. 

Việc nhập khẩu năng lượng ngày càng trở nên khó khăn do các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế có thể là nguyên nhân khiến Bắc Triều Tiên liên tục nhấn mạnh về “kiến trúc xanh”. Tuy nhiên, có thể thấy nước này cũng đang nỗ lực quảng bá hình ảnh một đất nước bình thường, bằng cách trực tiếp tham gia giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, một vấn đề của toàn cầu. Ngoài ra, chính sách thân thiện với môi trường này cũng thể hiện mục tiêu trở thành một quốc gia văn minh mà Chủ tịch Kim thường đề cập. Chính sách xây dựng của Bắc Triều Tiên còn nhấn mạnh đến việc tái chế, xây dựng công viên, trồng rừng và làm vườn, phục hồi rừng và môi trường xanh. Mục đích tạo dựng một xã hội chủ nghĩa tươi đẹp và văn minh cũng được thể hiện trong Luật phủ xanh rừng.

Sau khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un lên nắm quyền, số lượng chung cư cao tầng cùng với những công trình phục vụ nhân dân xuất hiện, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của Bình Nhưỡng. Sự thay đổi này trở thành biểu tượng về một tham số trong chiến lược quản trị của Chính phủ Bắc Triều Tiên. 

Tin mới nhất