Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Không gian sống của người dân Bắc Triều Tiên thông qua phim ảnh

2024-01-10

ⓒ KBS News
Các kênh tuyên truyền đối ngoại của Bắc Triều Tiên thường tập trung quảng bá hình ảnh mỗi khi khánh thành các tòa nhà mới. Trong video giới thiệu phố Songhwa được hoàn thành vào năm 2022, một phóng viên của trang tuyên truyền đối ngoại miền Bắc “Meari” (Tiếng vọng) vừa đi thang máy và giới thiệu rằng niềm tự hào của người dân miền Bắc đã tăng lên, giống như những tòa nhà cao tầng. Video được trang tuyên truyền này cung cấp chỉ tập trung vào góc nhìn toàn cảnh đường Songhwa mà không chiếu các phần khác của tòa nhà. Trên thực tế, chúng ta hiếm khi có cơ hội tiếp cận với nơi ở của người dân Bắc Triều Tiên. Vậy họ sống trong không gian như thế nào? 
Thông thường phim điện ảnh và phim truyền hình Bắc Triều Tiên đều dựa trên nguyên tắc hiện thực xã hội chủ nghĩa, nói cách khác là mô tả một hình ảnh lý tưởng dựa trên thực tế. Mặc dù nó không hoàn toàn giống thực tế nhưng được cho là phản ánh tương đối trung thực cuộc sống hàng ngày.
Bộ phim truyền hình “Hoàng hôn phương Bắc” được Đài truyền hình trung ương Triều Tiên (KCTV) phát sóng năm 2017, được xây dựng dựa trên câu chuyện về sự xung đột trong phương pháp xây dựng lò luyện kim. Trong tác phẩm, ngôi nhà tồn tại như là một không gian mở của cộng đồng hơn là không gian riêng tư. 

Phim lấy bối cảnh tại một ngôi nhà “văn hóa nông thôn” (tương đương nhà cấp 4 Việt Nam) ở tỉnh Jagang, phía Bắc Bắc Triều Tiên dưới thời cố Chủ tịch Kim Jong-il. Vào thời điểm này, nhà ở nông thôn có đặc điểm là tường thấp, hàng rào thấp và cổng không có khóa, gần gũi hòa hợp với thiên nhiên. Trong bộ phim thì ngôi nhà này không có cửa và các không gian được phân biệt bằng ngạch cửa. Mặc dù hai nhân vật vợ và chồng ở khác không gian nhưng ngôi nhà có cấu trúc mở, có thể thấy hết toàn bộ khung cảnh trong nhà chỉ bằng một lần quan sát. Các đồ nội thất như giá sách, bàn làm việc, tủ quần áo, tivi được bố trí ngay hàng thẳng lối cạnh nhau. 

Văn hóa sinh hoạt truyền thống của dân tộc Hàn là văn hóa ngồi bệt trên nền nhà có hệ thống sưởi sàn Ondol. Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) cũng khuyến khích việc ngủ sàn nhà có hệ thống sưởi ondol thay vì ngủ trên giường. Người con là Chủ tịch Kim Jong-il cũng nhấn mạnh rằng việc sưởi ấm nên được thực hiện thông qua hệ thống Ondol chứ không phải lò sưởi. Tuy nhiên, đến thời Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un, chung cư cao tầng được xây dựng, văn hóa “sinh hoạt đứng” cũng được du nhập vào nước này. Trong bộ phim “Hoàng hôn phương Bắc”, người dân đưa ra những vấn đề bất tiện khi sống trong những ngôi nhà kiểu cũ, sau đó đi đến quyết định xây nhà mới. 

Trong bộ phim có nội dung người con trai lấy vợ nhưng hôn ước bị phá vỡ chỉ vì nhà quá nhỏ, hoặc có cảnh các nhân vật phải uốn tóc ở sân ngoài trời vì nếu làm tóc trong nhà nhỏ hẹp thì sẽ bốc mùi thuốc uốn tóc, bộc lộ những bất mãn của người dân về ngôi nhà ở nông thôn và dần có ý kiến xây theo phong cách hiện đại. Khẩu hiệu “Xây dựng nhà hiện đại phù hợp với văn hóa sinh hoạt đứng, đáp ứng nhu cầu của thời đại mới” cũng xuất hiện. Đây giống như một lời tuyên bố rằng văn hóa ngồi bệt trên sàn sẽ được thay đổi. Tuy vậy, để thay đổi nét văn hóa này là điều không hề dễ dàng. Không gian của những khu nhà cao tầng trong thời đại Chủ tịch Kim Jong-un có phong cách đứng hiện đại, nhưng những khu nhà ở của người dân về cơ bản vẫn theo lối văn hóa ngồi bệt trên nền nhà như trước đây. Trong bộ phim truyền hình Bắc Triều Tiên có tên “Hàng xóm của chúng tôi” có xuất hiện bộ bàn ghế ăn được đặt tại nhà bếp. Tuy nhiên, không hề có cảnh các thành viên trong nhà ngồi ăn tại đây. Thay vào đó, một chiếc bàn riêng được đặt trong phòng khách có ghế sofa, và mọi người lại ngồi dưới sàn. Tóm lại, dù theo đuổi sự hiện đại nhưng có thể nói người dân miền Bắc vẫn quen thuộc với lối sống trước đây.

Khi không gian sống thay đổi theo phong cách hiện đại, các không gian trong gia đình bắt đầu được phân biệt theo mục đích sử dụng. Phim điện ảnh "Câu chuyện nhà chúng tôi" (tên tiếng Anh là "The Story of Our Home") công chiếu năm 2016 được xây dựng dựa trên nhân vật có thật tên là Jang Jong-hwa, nữ nhân vật chính vừa tốt nghiệp cấp hai, tình nguyện chăm sóc hai anh em mồ côi sống cạnh nhà. Tác phẩm này mở đầu bằng bối cảnh tại một ngôi nhà nông thôn ở vùng Hwasok, thành phố Kangson, gần thủ đô Bình Nhưỡng (Pyongyang), dưới thời ông Kim Jong-un. Cuối phim, nhân vật chính được trao tặng Huân chương Người trẻ tiêu biểu và chuyển đến sống trong một ngôi nhà do Chính phủ cung cấp. Không gian sống mới này có phòng ngủ và phòng khách riêng biệt. Ngoài ra còn có bếp riêng và phòng cho trẻ em. 

Bộ phim “Câu chuyện nhà chúng tôi” cho thấy sự khác biệt giữa cấu trúc của nhà truyền thống ở nông thôn và kiểu nhà hiện đại xây mới. Sự phân chia không gian theo mục đích sử dụng cho thấy tiêu chí về không gian sinh hoạt mà người dân Bắc Triều Tiên hướng đến. Những ngôi nhà hiện đại bao gồm các thiết kế đảm bảo không gian cá nhân, để đáp ứng nhu cầu của người dân được chú trọng, thay vì đặt nhiều quan tâm đến không gian sinh hoạt chung như trước đây. Các căn hộ hiện đại có đặc điểm là cửa được lắp đặt ở từng không gian, bao gồm phòng ngủ, phòng cho trẻ em, ban công, phòng khách và nhà bếp; nội thất và đồ đạc cũng được bố trí theo mục đích sử dụng.

Không gian cá nhân dần được hình thành theo sự phân chia không gian sống. Trong đó, điều đáng chú ý là nhà bếp và phòng học được tách riêng. Nếu như trước đây, người chủ gia đình, tức chồng hoặc cha, thường chiếm không gian trung tâm trong các ngôi nhà kiểu cũ ở miền Bắc, và các không gian xung quanh được phân chia theo cấp bậc của các thành viên, thể hiện tính chất độc đoán và gia trưởng, thì ngày nay không gian được phân chia theo mục đích sử dụng, kéo theo nhiều thay đổi khác. 

Về khung cảnh làng quê thời cố Chủ tịch Kim Jong-il trong bộ phim “Hoàng hôn phương Bắc”, nhà bếp là nơi nấu nướng, sưởi ấm và là nơi phụ nữ làm việc nhà. Nhà bếp nằm ở phía sau, thấp hơn một bậc so với nền nhà, và là không gian nhỏ hẹp. Nhân vật chồng đến gần bếp lấy nước nhưng không bước vào bếp và người vợ rót nước vào một chiếc bát không rõ là bát ăn cơm hay bát đựng đồ ăn kèm. Tuy nhiên, trong bộ phim “Câu chuyện nhà chúng tôi”, sau khi chuyển đến nhà mới, hình ảnh bát đựng nước trước đây đã chuyển thành cốc nước trong suốt, nhấn mạnh bản chất của chủ nghĩa tư bản, nơi sản phẩm được đa dạng hóa theo mục đích sử dụng thay vì nhấn mạnh đến giá trị sử dụng như chủ nghĩa xã hội. Như vậy, việc thay đổi không gian sống đã kéo theo nhu cầu tiêu thụ vật chất. 

Nhân vật chính trong phim truyền hình “Hàng xóm của chúng tôi”, phát sóng trên kênh KCTV năm 2013, là một  nhân viên vận hành thang máy. Phim lấy bối cảnh là một chung cư cao tầng ở Bình Nhưỡng, nơi gia đình và hàng xóm của nhân vật chính sống ở tầng 10, còn các nhân vật khác sống ở tầng 21. Thông qua đó có thể thấy văn hóa dân cư đã thay đổi rõ ràng so với thế hệ trước. 

Trong phim, hình ảnh người cha làm việc trong bếp với chiếc tạp dề và găng tay cao su là một phân cảnh khó có thể tưởng tượng sẽ xuất hiện trong xã hội miền Bắc. Nhà bếp được nâng lên ngang tầm với phòng khách hoặc các phòng khác, dẫn đến sự cân bằng về không gian, nơi không chỉ phụ nữ mà cả nam giới cũng có thể tiếp cận. Nhà bếp và phòng khách giờ đây đã mang đặc điểm của một không gian chung cho cả gia đình. 

Sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, những ngôi nhà cao tầng dành cho các tầng lớp cao cấp của xã hội được xây dựng với mục đích định hình cảnh quan Bình Nhưỡng đồng thời thúc đẩy “cải thiện cuộc sống của người dân”. Tuy nhiên, điều này vô tình tạo điều kiện khơi dậy mong muốn tiêu dùng của người dân. Khi một không gian chưa tồn tại trước đây xuất hiện, đồ nội thất và các vật dụng cần thiết cho không gian đó cũng bắt đầu được quan tâm. 

Khi trẻ em có phòng riêng, nhu cầu về giường và bàn học dành cho trẻ em, hay cả những đồ vật trang trí như đồ chơi hay búp bê cũng bắt đầu xuất hiện. Việc tách riêng không gian của trẻ em mang đến hiệu quả làm nổi bật được sự tồn tại hay tầm quan trọng của trẻ nhỏ. Trong bộ phim truyền hình “Người bố đang đợi”, đồ vật trang trí trên giường của đứa trẻ mang thương hiệu Nhật Bản. Thêm vào đó, việc sử dụng các sản phẩm này cũng yêu cầu năng lực về kinh tế, thể hiện nhu cầu tiêu dùng thâm dụng vốn đang dần được hình thành. 

Phân cảnh về quá trình chuyển nhà cũng đã thay đổi cùng với sự gia tăng của các chung cư cao tầng. Chẳng hạn như trong “Hoàng hôn phương Bắc”, khi chuyển nhà, tất cả người dân của làng Kwangsan đều chất hành lý của mình lên một chiếc xe tải màu xanh; việc chuyển hành lý là việc làm chung, huy động nhân lực của cả làng. Tuy nhiên, phim “Người bố đang đợi” với bối cảnh là một khu dân cư cao tầng ở thủ đô, lại có phân cảnh các thành viên trong gia đình chất hành lý cá nhân của từng người vào cốp xe để ra sân bay. Có phân tích rằng việc phân chia không gian sinh hoạt tại miền Bắc cũng đã có tác động đáng kể đến nếp sống sinh hoạt hàng ngày. Trong các tác phẩm ở thời kỳ trước, việc uống thuốc chỉ dành cho người bệnh thì ở bộ phim “Hàng xóm của chúng tôi”, cậu con trai đi cầu thang bộ thay vì dùng thang máy nhằm mục đích giảm cân, hay có cả cảnh gia đình dùng thuốc bổ sung dinh dưỡng.

Khi không gian dân cư trở nên cá nhân hóa, trang trí nội thất cũng thay đổi. Trong thời kỳ trước, chân dung của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong-il có thể dễ dàng được nhìn thấy trên tường các ngôi nhà như trong “Hoàng hôn phương Bắc”, hay một tấm biển được treo trong phòng khách có nội dung: “Chúng tôi là gia đình của Tướng quân” (ám chỉ cố Chủ tịch Kim Jong-il). Tuy nhiên, trong các bộ phim “Hàng xóm của chúng tôi” và “Người bố đang đợi” không có bức chân dung hay tấm khẩu hiệu nào về các nhà lãnh đạo tối cao. Thay vào đó, tranh của các loài hoa hoặc phong cảnh mang màu sắc tươi sáng được dùng để trang trí. Ngoài ra, ảnh gia đình cũng được xuất hiện, thể hiện khuynh hướng cá nhân hóa trong việc các gia đình xây dựng hạnh phúc. Tham vọng vươn ra thế giới của thời đại Kim Jong-un cũng được thể hiện khi thấy có treo bản đồ thế giới trong không gian sinh hoạt của các gia đình hiện đại.

Sự thay đổi trong không gian sống của người dân miền Bắc, từ văn hóa ngồi bệt sang văn hóa sinh hoạt đứng, từ cộng đồng dân cư sang không gian riêng tư tách biệt được thể hiện qua các phương tiện truyền thông như phim điện ảnh và phim truyền hình. Chúng ta hãy theo dõi xem liệu đây là dấu hiệu của kích thích nhu cầu tiêu dùng cũng như thay đổi trong nếp sinh hoạt hàng ngày của người dân Bắc Triều Tiên hay không.

Tin mới nhất