Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Các môn thể thao mùa đông tại Bắc Triều Tiên

2024-01-17

ⓒ YONHAP News
Thế vận hội Trẻ mùa đông Gangwon 2024, ngày hội thể thao của giới trẻ thế giới sẽ diễn ra trong vòng hai tuần tại Hàn Quốc từ ngày 19/1 đến 1/2. Hơn 1.900 vận động viên trẻ từ 80 quốc gia trên thế giới sẽ tham gia tranh tài ở 7 nội dung và 15 môn thi đấu. Olympic Trẻ mùa đông Gangwon 2024 cũng là nơi quy tụ những ngôi sao thể thao tiềm năng trong tương lai, và nhận được sự quan tâm của công chúng vì là Thế vận hội Trẻ mùa đông đầu tiên tại châu Á. Sức nóng của các môn thể thao như trượt tuyết, trượt ván trên tuyết, hay trượt băng luôn làm cho mùa đông trở nên ấm áp hơn. Cái lạnh của mùa đông Hàn Quốc cũng không thể ngăn cản dòng người đổ về các sân trượt băng hay sân trượt tuyết. Vậy Bắc Triều Tiên có những môn thể thao mùa đông nào? 

Các hoạt động mùa đông tại miền Bắc chủ yếu dưới hình thức trò chơi. Ngay cả thời điểm mùa đông lạnh giá nhất, trẻ em ở Bắc Triều Tiên vẫn ra ngoài và tận hưởng nhiều trò chơi mùa đông. Thậm chí người dân miền Bắc còn có câu nói “Vại tương và trẻ em là hai thứ không bị đóng băng”. Trẻ em ở bất kỳ nước nào cũng đều thấy thích thú vào những ngày tuyết rơi, miền Bắc cũng không ngoại lệ. Vào ngày tuyết rơi nhiều, trẻ em ở nước này chia thành các nhóm và chơi trò ném bóng tuyết hay thi đánh quay trên băng. Các em thường ra sân trượt băng hoặc chơi xe trượt tuyết trên những con sông, ruộng lúa bị đóng băng. 

Mùa đông ở Bắc Triều Tiên còn được gọi là “mùa cay”. Ở vùng cao nguyên Kaema, mùa đông bắt đầu từ tháng 10 và kết thúc vào tháng 5, đến sớm hơn và kéo dài hơn so với mùa đông tại Hàn Quốc. Mặc dù mùa đông ở Bắc Triều Tiên khắc nghiệt nhưng trẻ em ở đây vẫn thích các trò chơi mùa đông. Thêm vào đó, miền Bắc thường có nhiều tuyết, kết hợp với địa hình đồi núi và dốc nên trở thành sân chơi trượt tuyết vào mùa đông một cách tự nhiên. Ở thủ đô Bình Nhưỡng (Pyongyang), nơi có địa vị kinh tế và xã hội cao hơn so với các khu vực khác, cũng là nơi có nhiều tiện ích cho các hoạt động giải trí hơn, người dân cũng yêu thích trượt băng vào mùa đông. Trong khi trẻ em yêu thích các hoạt động mùa đông như trượt tuyết, thì người lớn lại ưa chuộng câu cá trên băng. 

Giống như Hàn Quốc có Lễ hội câu cá hồi Sancheon trên băng ở huyện Hwacheon, tỉnh Gangwon, nổi tiếng với các hoạt động câu cá trên băng hay câu cá bằng mồi giả, thì ở miền Bắc vào những ngày lạnh nhất, người dân tập trung ở sông khu vực sông Taedong (Đại Đồng) khoan lỗ trên băng và dùng giun đất sống để làm mồi câu. 

Người dân Bình Nhưỡng luôn hào hứng với hoạt động câu cá trên băng, mỗi khi sông Taedong bị băng bao phủ. Trên thực tế, Chính phủ Bắc Triều Tiên đã chỉ định “Tháng thể thao mùa đông” từ những năm 1980 để giúp tăng cường thể lực cho người dân nước này. Các hoạt động trong tháng thể thao được tổ chức vào tháng 1 và tháng 2 bao gồm trượt băng, trượt tuyết và lái xe trượt tuyết. Ngoài ra còn có cuộc thi thể thao thường được tổ chức vào tháng 12 hàng năm. Giải thi đấu thể thao tổng hợp Osandok là giải thi đấu thể thao lớn nhất được tổ chức vào mùa đông tại miền Bắc, được đặt theo tên của vùng Osandok, thuộc thành phố Hoeryong, tỉnh Bắc Hamgyong, nơi sinh của bà Kim Jong-suk, mẹ ruột cố Chủ tịch Kim Jong-il. Các đội thể thao trên cả nước tham gia thi đấu các môn như khúc côn cầu trên băng, trượt băng nghệ thuật và trượt tuyết. Đặc biệt, phong trào khuyến khích bộ môn trượt tuyết đã trở nên sôi nổi kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền. Chủ tịch Kim Jong-un từng phát biểu rằng tỉnh Ryanggang vốn là khu vực có tuyết rơi nhiều và lâu tan. Do đó, Chính phủ nên tích cực khuyến khích môn trượt tuyết bằng cách tận dụng hợp lý các điều kiện tự nhiên của tỉnh này. Năm 2016, khi đến thăm tỉnh Ryanggang và tham quan quá trình huấn luyện của các vận động viên trượt tuyết ở đây, Chủ tịch Kim đã từng ca ngợi môn trượt tuyết. Được biết, ông Kim Jong-un thích trượt tuyết hồi du học ở Thụy Sĩ, khi ông còn là một thiếu niên. Vào năm 2013, ông đã cho xây dựng khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masikryong. 

Chủ tịch Kim Jong-un từng du học ở thành phố Bern, Thụy Sĩ trong vòng 6 năm, nên dường như trượt tuyết vào mùa đông hay chơi bóng rổ vào mùa hè, đã phần nào trở thành mối quan tâm của ông. Điều này có thể đã ảnh hưởng đến quyết định xây dựng cơ sở nghỉ dưỡng cao cấp như Masikryong trong một khoảng thời gian rất ngắn. Tổng diện tích đất của khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masikryong gấp 4 lần Yongpyong (3,4 triệu m2), khu nghỉ dưỡng trượt tuyết lớn nhất Hàn Quốc nằm ở huyện Pyeongchang, tỉnh Gangwon. Masikryong còn chia thành khu trượt tuyết cho người sơ cấp hoặc chuyên nghiệp với chiều rộng 40m đến 120m và cũng đủ rộng để lái xe trượt truyết. Vào thời điểm xây dựng khu nghỉ dưỡng trượt tuyết này, Chính phủ miền Bắc đã lập nên khẩu hiệu “Tốc độ Masikryong” cho phong trào “cuộc chiến tốc độ” tại nước này để khuyến khích công nhân đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Masikryong luôn là địa điểm mà Bắc Triều Tiên tự hào là công trình xây dựng lớn nhất của Chủ tịch Kim Jong-un, thậm chí xuất hiện cả trong các bài hát đồng giao của trẻ em nước này. Nằm gần thành phố Wonsan, tỉnh Kangwon (thuộc địa phận Bắc Triều Tiên), khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masikryong rộng 14 triệu m² và có 10 sườn dốc với tổng chiều dài 50 km và hơn 400 phòng khách. Khu nghỉ dưỡng trượt tuyết khổng lồ này được Bắc Triều Tiên hoàn thành chỉ trong vòng một năm với phương châm tối đa hóa thành quả trong thời gian tối thiểu. Tuy nhiên, trượt tuyết không phải là môn thể thao phổ biến ở Bắc Triều Tiên. Hầu hết người dân miền Bắc không có đủ điều kiện tài chính để mua các thiết bị trượt tuyết đắt tiền. Bất chấp thực tế đó, tại sao nước này lại tập trung vào môn thể thao này như vậy? 

Có hoài nghi rằng liệu số lượng người dân có điều kiện trượt tuyết có đủ nhiều để nước này xây dựng khu trượt tuyết lớn như Masikryong hay không. Trong thời Chủ tịch Kim Jong-un nắm quyền, Hàn Quốc đã đăng cai Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018. Do đó, việc xây dựng cơ sở này có mục đích là Bình Nhưỡng thể hiện mong muốn được đồng tổ chức Olympic mùa đông PyeongChang cùng Seoul. Các khu trượt tuyết tầm cỡ quốc tế thông thường có chênh lệch độ cao từ điểm xuất phát đến đích là khoảng 200m đến 400m, với độ dốc từ 12 đến 20 độ, và chênh lệch độ cao của sân trượt tuyết Masikryong lên đến 700m. Do đó, truyền thông Bắc Triều Tiên quảng bá rằng khu này hoàn toàn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng của một sân trượt tuyết đẳng cấp quốc tế.

Vào tháng 7/2011, huyện Pyeongchang tỉnh Gangwon Hàn Quốc đã được bầu chọn là nơi đăng cai Thế vận hội mùa đông 2018. Vào thời điểm đó, ông Kim Jong-un được bổ nhiệm làm Tư lệnh tối cao của quân đội Bắc Triều Tiên sau khi cha ông là Chủ tịch Kim Jong-il qua đời. Sau đó, chính quyền miền Bắc đã gợi ý đồng tổ chức một số sự kiện trong khuôn khổ Olympic mùa đông PyeongChang. Năm 2015, Tân báo Triều Tiên (Choson Sinbo), tờ báo của Hội người Triều Tiên tại Nhật Bản (Jochongryeon) đại diện cho lập trường của Chính phủ Bắc Triều Tiên, khi đề xuất tổ chức Thế vận hội PyeongChang ở cả miền Nam và miền Bắc, cũng từng đề cập đến khu trượt tuyết Masikryong như một địa điểm thi đấu. Tuy nhiên, mong muốn đồng tổ chức Thế vận hội mùa đông chỉ tạm dừng lại bằng sự kiện tập huấn liên Triều tại khu trượt tuyết Masikryong trước thềm Olympic mùa đông PyeongChang. Mặc dù miền Bắc không tham gia Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh với lý do phòng ngừa dịch COVID-19, nhưng nước này đã phát hành tem kỷ niệm với chủ đề thể thao mùa đông vào năm 2022 như một động thái ủng hộ về mặt ngoại giao và thể hiện sự quan tâm tích cực đến Thế vận hội mùa đông. Vậy thành tích của miền Bắc trong các bộ môn thể thao mùa đông ở các kỳ Olympic như thế nào? 

Các môn thể thao mùa đông là thế mạnh và rất phát triển tại Bắc Triều Tiên vào những năm 1960, 1970. Miền Bắc đã giành huy chương tại Thế vận hội mùa đông trước Hàn Quốc. Tại Olympic mùa đông 1964 ở Innsbruck (Áo), tuyển thủ Bắc Triều Tiên Han Pil-hwa trở thành vận động viên châu Á đầu tiên giành huy chương bạc ở nội dung trượt băng tốc độ 3.000m, một thành tích hết sức đáng gờm.

Bắc Triều Tiên đã tham gia tổng cộng 9 kỳ Thế vận hội mùa đông, giành một huy chương bạc và một huy chương đồng. Vận động viên trượt băng tốc độ vòng ngắn Hwang Ok-sil giành huy chương đồng ở nội dung 500m nữ tại Olympic mùa đông Albertville, Pháp vào năm 1992. Tại Olympic PyeongChang 2018, Bắc Triều Tiên đã cử 22 vận động viên tham gia trong 5 môn thi đấu, số lượng vận động viên tham dự nhiều môn thể thao nhất trong lịch sử Bắc Triều Tiên tại các kỳ Thế vận hội mùa đông. 

Những vận động viên trượt băng nghệ thuật đại diện cho miền Bắc như Kim Hyok và Nam Hye-yong từng giành huy chương vàng tại Đại hội thể thao châu Á mùa đông Sapporo (Nhật Bản) năm 1986. Tại Đại hội thể thao châu Á mùa đông 2011 tại Kazakhstan, hai tuyển thủ Ri Ji-hyang và Thae Won-hyok đã giành huy chương đồng ở nội dung trượt băng nghệ thuật đôi. Ngoài ra, những vận động viên như Kim Un-ha và Ri Mok-ran cũng được yêu thích như “nữ hoàng trượt băng” Kim Yu-na của Hàn Quốc. Tại Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018, cặp đôi trượt băng nghệ thuật của miền Bắc là Ryom Tae-ok và Kim Ju-sik đã phá kỷ lục cá nhân, vươn lên vị trí thứ 13. Trước đó, trong lần tham gia thi đấu quốc tế đầu tiên ở giải IceChallenge tổ chức ở Graz, Áo vào tháng 10/2015, hai vận động viên này cũng đã xếp thứ 5 chung cuộc. 

Sau thành tích của cặp đôi Ryom Tae-ok và Kim Ju-sik, không có thêm vận động viên nào hoạt động trên đấu trường quốc tế kể từ đó. Điều này là do cơ sở hạ tầng phục vụ các môn thể thao mùa đông của Bắc Triều Tiên còn yếu kém trong việc mang lại kết quả đẳng cấp thế giới. 

Mặc dù có đầy đủ điều kiện tự nhiên nhưng để tận dụng được điều đó cũng phải đi kèm với cơ sở vật chất và năng lực thể thao. Có thể do nền kinh tế còn khó khăn nên miền Bắc không thể xây dựng được điều kiện tối ưu về cơ sở vật chất và hỗ trợ xuyên suốt cho các vận động viên. Nhìn chung, Bắc Triều Tiên rất khó có thể có được vận động viên đẳng cấp thế giới như Han Pil-hwa và huy chương bạc của bà vào năm 1964 nữa. Do miền Bắc lại không có nhiều sân trượt băng đủ tiêu chuẩn nên còn rất nhiều hạn chế để đào tạo các cầu thủ trẻ một cách có tổ chức.
 
Bắc Triều Tiên có ưu thế về điều kiện thiên nhiên như mùa đông lạnh giá, nhiều tuyết và địa hình núi non hiểm trở để thỏa sức trải nghiệm các môn thể thao mùa đông. Song khác với thể thao mùa hè, dụng cụ cho các môn thể thao mùa đông luôn đắt đỏ, đòi hỏi chi phí bảo trì cơ sở vật chất và thiết bị tốn kém. Do đó, mặc dù đặt rất nhiều quan tâm cho thể thao mùa đông nhưng với một nước gặp khó khăn về kinh tế như Bắc Triều Tiên thì việc đầu tư cho các hạng mục này là không hề dễ dàng.

Tin mới nhất