Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Thành tích tại World Cup của Bắc Triều Tiên

2024-01-24

ⓒ Getty Images Bank
Chỉ còn 870 ngày đếm ngược nữa, giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2026 sẽ chính thức khai màn. Dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân người Đức, ông Jurgen Klinsmann, đội tuyển bóng đá quốc gia Hàn Quốc đang có chuỗi hai trận toàn thắng khi đánh bại Singapore và Trung Quốc ở vòng loại thứ hai khu vực châu Á World Cup diễn ra trong năm 2023. Mặc dù đang nắm giữ kết quả tích cực, nhưng đội tuyển Hàn Quốc luôn trong tâm thế không chủ quan lơ là. Huấn luyện viên trưởng Klinsmann từng chia sẻ không có trận đấu nào là dễ dàng, trận đấu tiếp theo luôn là trận đấu khó khăn nhất. Giải Vô địch bóng đá thế giới 2026 sẽ được đồng tổ chức tại ba quốc gia khu vực Bắc Trung Mỹ gồm Mỹ, Canada và Mexico. Đội tuyển bóng đá quốc gia Hàn Quốc đặt mục tiêu tiến vào vòng chung kết lần thứ 11 liên tiếp, kể từ World Cup 1986 tại Mexico. Bắc Triều Tiên cũng là một trong những quốc gia đang tham gia vòng loại khu vực châu Á cho World Cup 2026. Sau hai trận đấu tại bảng B của vòng loại thứ hai, đội bóng nước này đạt được thành tích 1 trận thắng và 1 trận thua. Vậy bóng đá Bắc Triều Tiên trước đây đạt đẳng cấp đến mức nào? 

Sau nhiều đồn đoán về việc nước này có tham gia World Cup 2026 hay không, cuối cùng Bắc Triều Tiên được bốc thăm và nằm cùng bảng với Nhật Bản, Syria và Myanmar. Đội tuyển miền Bắc để thua Syria 1-0 và sau đó giành thắng lợi trước Myanmar với tỉ số 6-1 ở trận thứ hai. Dư luận quan tâm liệu cầu thủ Han Kwang-song của Bắc Triều Tiên có ra sân tại World Cup 2026 không. Trước kia cũng đã có dự đoán cầu thủ này sẽ tham dự Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) 2022 tại Hàng Châu (Trung Quốc), nhưng anh đã vắng mặt. Việc các cầu thủ từng chơi bóng cho các câu lạc bộ ở châu Âu như Han Kwang-song có mặt trong đội tuyển quốc gia Bắc Triều Tiên lần này có ý nghĩa khá đặc biệt. 

Năm 2019, Bắc Triều Tiên từng tham dự vòng loại khu vực châu Á World Cup 2022 diễn ra tại Qatar, nhưng rốt cuộc lại rút lui vì chính sách phong tỏa phòng dịch COVID-19 của Bình Nhưỡng. Trở lại đấu trường World Cup sau 4 năm, Bắc Triều Tiên đã giành chiến thắng 6-1 ở trận thứ hai gặp Myanmar. Đặc biệt, màn ghi bàn của ngôi sao bóng đá Han Kwang-song nâng kỳ vọng tiến vào vòng chung kết World Cup cho nước này. 

Kể từ lần đầu tiên tham gia World Cup 1966 tại Anh, Bắc Triều Tiên đã bỏ qua một số kỳ World Cup sau đó. Trong số những lần tham gia, miền Bắc đã lọt vào vòng chung kết các năm 1966 và 2010. Đặc biệt, việc nước này giành chiến thắng trước Ý với tỷ số 1-0 tại vòng chung kết World Cup 1966 đã trở thành chủ đề được bàn tán rất sôi nổi vào thời điểm đó. Cầu thủ Pak Tu-ik chính là người đã ghi bàn thắng quý giá này cho miền Bắc. Trước đó, các phân tích đưa ra tỷ lệ giành chiến thắng cho Bắc Triều Tiên trong vòng 16 đội tham gia chỉ dừng lại ở mức 1%. Có thể nói, chính nhờ màn ghi bàn của cầu thủ này đã đưa Bắc Triều Tiên tiến vào đến tứ kết. Họ thể hiện phong độ rất tốt nhưng cuối cùng lại để thua Bồ Đào Nha với tỷ số 3-5. Dù không thể đi sâu hơn, nhưng việc ghi được 3 bàn thắng thủng lưới Bồ Đào Nha cho thấy năng lực “đáng gờm” của các cầu thủ miền Bắc. 

Việc Bắc Triều Tiên lần đầu tiên tham dự World Cup 1966 trên đất Anh và đánh bại một trong những cường quốc bóng đá là Ý tại vòng 16 đội và tiến vào tứ kết đã gây chấn động làng bóng đá. Là đội bóng châu Á đầu tiên lọt vào tứ kết, chiến thắng của Bắc Triều Tiên trước Ý vẫn được coi là một trong những điều bất ngờ lớn nhất trong lịch sử World Cup cho đến thời điểm hiện tại. Sau một số kỳ World Cup bị rời khỏi vòng loại, từ bỏ hay tuyên bố không tham gia, mãi đến năm 2010, bóng đá miền Bắc mới quay lại thời kỳ huy hoàng. Đội hình ra sân có hai cầu thủ gốc Bắc Triều Tiên đang hoạt động tại Giải vô địch bóng đá Nhật Bản J-League là An Yong-hak và Jong Tae-se là yếu tố chính giúp đội bóng này tiến vào vòng chung kết World Cup 2010 diễn ra tại Nam Phi. Bắc Triều Tiên đã một lần nữa tiến vào vòng chung kết Giải bóng đá vô địch thế giới sau 44 năm nhưng lại bị xếp vào bảng “tử thần” cùng Brazil và Bồ Đào Nha. Mặc dù không thể thắng trận nào trong vòng bảng, nhưng họ đã khiến cả thế giới ngạc nhiên khi có lối chơi với một hàng phòng ngự hoàn hảo và có được 1 bàn thắng vào lưới Brazil, nhà vô địch World Cup nhiều lần nhất trong lịch sử. Có thể nói các tuyển thủ miền Bắc đã đạt được kết quả trên cả kỳ vọng tại kỳ World Cup 2010 này, và nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ người dân thủ đô Bình Nhưỡng (Pyongyang) sau khi trở về nước. 

Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) từng khuyến khích môn bóng đá vì cho rằng đây là một trong những môn thể thao phù hợp với thể trạng của người dân miền Bắc. Nhìn vào tần suất phát sóng các giải đấu bóng đá quốc tế của các nhà đài, có thể thấy được môn thể thao này được yêu thích như thế nào tại Bắc Triều Tiên. Mặc dù miền Bắc không có giải đấu chuyên nghiệp như Hàn Quốc nhưng bóng đá vẫn là một môn thi đấu trong Đại hội thể thao toàn quốc. Những đội bóng nổi tiếng tại miền Bắc thuộc các tổ chức dân sự hay các công ty. Và họ cũng là nhân tố khiến cho người dân miền Bắc yêu thích và dành nhiều quan tâm hơn đến môn thể thao vua này. 

Mặc dù không phải phát sóng trực tiếp nhưng Bình Nhưỡng đã phát sóng các trận đấu ghi hình sẵn, thậm chí còn phát sóng các bản tin tóm tắt các trận đấu trong World Cup Qatar 2022. Bắc Triều Tiên cũng tổ chức giải đấu bóng đá gồm đội Đoàn thể dục 25/4 có sân nhà tại Bình Nhưỡng và đội Tàu hỏa thuộc Cục Đường sắt. Ngoài ra, nước này còn có các trường dạy bóng đá nhằm đào tạo những chân sút trẻ có tố chất trở thành cầu thủ.

Trường bóng đá quốc tế Bình Nhưỡng được thành lập vào năm 2013. Tại đây, họ chọn ra các thanh thiếu niên có tố chất bóng đá và đào tạo bài bản theo hệ thống. Tùy theo năng lực, các học viên này sẽ được chia thành lớp trung cấp và cao cấp để nhận huấn luyện. Các cầu thủ nổi tiếng từng chơi cho đội tuyển quốc gia sẽ tham gia vào quá trình đào tạo cho các học viên. Các huấn luyện viên bóng đá nổi tiếng từ Ý và châu Âu cũng đã được mời đến để huấn luyện toàn diện. Nhờ có các huấn luyện viên này, một số cầu thủ tài năng của miền Bắc đã có cơ hội tới châu Âu chơi bóng theo hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ.

Hiện nay, hầu hết các tên tuổi lớn của bóng đá quốc tế đều được đào tạo bài bản từ khi còn trẻ. Bắc Triều Tiên cũng đang nỗ lực trong chương trình đào tạo cầu thủ với mong muốn trở thành một cường quốc trong môn thể thao vua. Theo đuổi quá trình “quốc tế hóa” bóng đá, trường bóng đá quốc tế Bình Nhưỡng không chỉ đào tạo chuyên môn bóng đá mà còn dạy cả tiếng Anh và máy tính. Trường còn gửi những học viên có kỹ năng vượt trội đi du học ở châu Âu để được đào tạo chuyên sâu.

Sau khi trường bóng đá quốc tế Bình Nhưỡng được thành lập, dưới sự hỗ trợ của Chính phủ miền Bắc, 14 học viên được cử sang Tây Ban Nha, trong đó có Han Kwang-song, và 15 học viên được cử sang Ý để học tập. Sau đó, trong quá trình tập luyện ở Ý vào năm 2015, cầu thủ này đã để lại ấn tượng với các chiến lược gia tại đây. Năm 2017, anh chính thức gia nhập câu lạc bộ trẻ Cagliari, giải hạng nhất Ý (Serie A), và ngay lập tức được đôn lên đội tuyển chuyên nghiệp. Cầu thủ này ghi bàn thắng đầu tiên một tuần sau khi ra mắt chính thức và thể hiện rất nhiều tài năng trong vai trò tiền đạo. Nhiều người đã ví von cầu thủ này là Cristiano Ronaldo của Bắc Triều Tiên và được so sánh với Son Heung-min của Hàn Quốc. 

Sau khi chơi bóng ở Perugia (Ý), Han Kwang-song gia nhập Juventus, một trong những câu lạc bộ danh giá hàng đầu châu Âu và nhận được sự chú ý của quốc tế. Ngoài cầu thủ này, trường bóng đá quốc tế Bình Nhưỡng đã giành được nhiều huy chương vàng trong các giải đấu quốc tế trong suốt 10 năm qua và là cái nôi sản sinh ra những người giành giải “Cầu thủ xuất sắc nhất”. Không chỉ Han Kwang-song mà cả Pak Kwang-ryong, Jong Il-kwan, Choe Song-hyok cũng là những cái tên đã được thi đấu ở châu Âu. 

Trên thực tế, bóng đá là môn thể thao chỉ cần đào tạo cầu thủ mà không cần đầu tư lớn về cơ sở vật chất. Hơn nữa, từ đó đến nay, không có đấu trường thể thao nào sôi động hơn môn thể thao vua này. Han Kwang-song là ví dụ điển hình cho việc chỉ với một cầu thủ được đào tạo bài bản sẽ tạo ra nhiều lợi nhuận hơn việc điều động hàng nghìn nhân sự ra nước ngoài làm việc. Phí chuyển nhượng của cầu thủ này lên tới hơn 6 tỷ won (khoảng 4,5 triệu USD). Được biết, ngoài chi phí sinh hoạt, số tiền này được gửi về cho miền Bắc. Từ góc độ của Bắc Triều Tiên, đây là một cơ cấu lợi nhuận khổng lồ. Đó có thể là lý do tại sao nước này đang đầu tư rất nhiều vào việc phát triển các cầu thủ bóng đá. 

Việc Bắc Triều Tiên thành lập trường chuyên đào tạo tài năng bóng đá cho thấy môn thể thao này rất được người dân yêu thích. Tuy nhiên, đằng sau sự hậu thuẫn “hào phóng” của Chủ tịch Kim Jong-un cho bóng đá ngay từ những ngày đầu cầm quyền, là mục đích sử dụng các cầu thủ bóng đá để kiếm ngoại tệ. Khi một cầu thủ bóng đá tài năng gia nhập một câu lạc bộ nổi tiếng, họ sẽ nhận được mức lương và phí chuyển nhượng mà người bình thường khó có thể tưởng tượng được. Bình Nhưỡng đã thu một khoản nhất định trong thu nhập của cầu thủ và gọi đó là “quỹ trung thành” để đổi lấy việc cho phép các vận động viên này tự do thăng tiến ở nước ngoài. 
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã xác định các cầu thủ bóng đá Bắc Triều Tiên thi đấu ở các giải đấu châu Âu là những người lao động kiếm ngoại tệ. Ngoài ra, việc một cầu thủ nước này thi đấu thành công tại các nước sở tại, sẽ giúp Bắc Triều Tiên đạt được hiệu quả trong việc cải thiện hình ảnh quốc gia. 

World Cup lần này có thể là cơ hội lớn cho miền Bắc. Trước đây chỉ có 32 đội có suất tham gia vào vòng chung kết nhưng bắt đầu từ World Cup 2026 số lượng đội bóng có thể tiến vào chung kết sẽ tăng lên thành 48. 6 tấm vé dành cho khu vực châu Á trước đây cũng tăng lên thành 8. Với trình độ hiện tại của Bắc Triều Tiên, khả năng cao nước này sẽ lọt vào top 8 quốc gia châu Á cuối cùng tham dự vòng chung kết. Điều quan trọng nhất để đội này thăng tiến lên vòng chung kết là việc các cầu thủ miền Bắc đã luyện tập với nhau như thế nào, có thể ăn khớp ra sao.

Theo phân bổ của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) tại World Cup 2026, châu Á được tăng số suất dự từ 4,5 lên 8,5 suất. Như vậy, khả năng Bắc Triều Tiên có thể tiến vào vòng chung kết ngày càng lớn. Hãy cùng chờ xem tình yêu đối với trái bóng tròn và việc nuôi dưỡng tài năng bóng đá của Bắc Triều Tiên liệu sẽ phát huy hiệu quả như thế nào trong tương lai. 

Tin mới nhất