Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Văn hóa nhà ở của Bắc Triều Tiên

2022-02-09

ⓒ Getty Images Bank

Tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 diễn ra vào tháng 1/2021, Bắc Triều Tiên đã công bố kế hoạch sẽ xây dựng tổng cộng 50.000 căn hộ, với mỗi năm là 10.000 căn cho đến năm 2025 ở thủ đô Bình Nhưỡng. Trong đó, nước này đã khởi công dự án xây dựng 10.000 căn hộ ở khu vực Songsin và Songhwa của Bình Nhưỡng. Tháng 1 vừa qua, miền Bắc cho biết sẽ hoàn thành thêm 10.000 căn hộ trước ngày thành lập đảng Lao động 10/10, cho thấy kế hoạch xây dựng nhà ở quy mô lớn của Bắc Triều Tiên sẽ được tiếp tục trong năm nay. Miền Bắc công bố tỷ lệ cấp nhà cho người dân đạt 99,8% nhưng con số này trên thực tế chỉ khoảng 60-80%. Trong số đó, khu tập thể và chung cư chiếm hơn 60%, cho thấy loại hình sinh sống cộng đồng chiếm một phần đáng kể trong tỷ lệ nhà ở tại Bắc Triều Tiên. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về văn hóa nhà ở của người dân miền Bắc cùng giáo sư Ahn Chang-mo đến từ Khoa Kiến trúc Đại học Kyonggi. Đầu tiên là lý do miền Bắc có nhiều nhà tập thể.


Nhiệm vụ quan trọng của các nước xã hội chủ nghĩa sau khi có cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công là giải quyết vấn đề cơm ăn, áo mặc, chỗ ở cho người dân. Đây là lý do các nước này cung cấp nhà chung cư với số lượng lớn và thậm chí còn xây chung cư bằng các nguyên vật liệu sản xuất hàng loạt tại nhà máy. Ở Bắc Triều Tiên, nhà ở được phân bố theo khu vực, mật độ dân cư và mức độ đô thị hóa. Chẳng hạn như ở trung tâm thành phố có nhiều nhà cao chọc trời, ngoại ô thì có chung cư thấp tầng, nông thôn có các khu nhà tập thể hai tầng.


Các thành phố lớn và các không gian dân cư của Bắc Triều Tiên được xây dựng trong quá trình khôi phục sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Những ngày đầu, văn hóa nhà ở của miền Bắc phần lớn chịu ảnh hưởng của các nước xã hội chủ nghĩa do nhận hỗ trợ tài chính và công nghệ hiện đại từ các nước này.


Bắc Triều Tiên nhận hỗ trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa như Đông Đức, Ba Lan, đặc biệt là Liên Xô. Các nước xã hội chủ nghĩa lần lượt đảm nhiệm hỗ trợ các thành phố ở miền Bắc, ví dụ như Đông Đức hỗ trợ khôi phục thành phố Hamheung (tỉnh Nam Hamgyong). Tuy nhiên, với thành phố lớn như Bình Nhưỡng thì cần sự bắt tay của nhiều nước, trong đó có Liên Xô và Ba Lan. Sự hỗ trợ của các nước xã hội chủ nghĩa về hạ tầng, quy hoạch đô thị, cơ sở công nghiệp, chẳng hạn như đường cao tốc, chính là đòn bẩy để Bắc Triều Tiên phát triển kinh tế trong những năm 1950 và 1960. Đây là lý do tại sao hầu hết các quy hoạch đô thị ban đầu như tòa nhà, chung cư hay nhà ở thông thường ở Bình Nhưỡng và Hamheung hoặc các thành phố lớn đều được xây dựng theo lối kiến trúc xã hội chủ nghĩa cổ điển.


Loại hình nhà ở cộng đồng tiêu biểu được xây dựng ở Bình Nhưỡng sau chiến tranh Triều Tiên là Chung cư công nhân Bình Nhưỡng được xây dựng vào năm 1954. Những căn hộ chung cư được xây dựng ở các thành phố lớn vào thời điểm đó mang nhiều yếu tố phương Tây hơn so với nhà truyền thống của bán đảo Hàn Quốc. Về nguyên tắc, các căn hộ này cung cấp không gian tối thiểu cho các cá nhân hoặc gia đình và đảm bảo đủ các tiện nghi chung. Đồng thời, các cơ sở trông coi trẻ em cũng được đặt tại đây nhằm giảm bớt gánh nặng việc nhà và chăm sóc con cái cho phụ nữ.


Do thiết kế căn hộ phương Tây không có hệ thống sưởi sàn ondol như nhà truyền thống của dân tộc Hàn, các căn hộ tại Bắc Triều Tiên khi đó được sưởi ấm bằng một loại lò sưởi của Liên Xô mang tên “pechka”. Chung cư tại miền Bắc có lỗ hổng ở giữa và có một phòng cầu thang được vài gia đình sử dụng chung. Khác với Hàn Quốc nơi người dân coi trọng hướng nhà, Bắc Triều Tiên chủ yếu xây dựng các tòa chung cư 5 tầng trở xuống thành các đường thẳng xung quanh một sân chung, tương tự lối bài trí căn hộ tại châu Âu.


Bắc Triều Tiên ban đầu sử dụng hệ thống sưởi của Nga mang tên pechka cho những ngôi nhà được xây dựng ngay sau chiến tranh, sau đó áp dụng hệ thống sưởi sàn trước cả Hàn Quốc, tạo nên văn hóa nhà ở riêng của nước này.


Theo các ghi chép chính thức, hệ thống sưởi sàn được đưa vào sử dụng tại Bắc Triều Tiên do cố Chủ tịch Kim Nhật Thành ra lệnh áp dụng các phương pháp sưởi ấm phù hợp với lối sống truyền thống của dân tộc Hàn. Miền Bắc đã thử nghiệm phương pháp sưởi ấm này cho các khu chung cư trước cả Hàn Quốc, do đây là công nghệ mới, Hàn Quốc cũng chưa có nhà nhiều tầng vào thời điểm đó, và đây cũng là phương pháp không được phương Tây sử dụng.


Nhiệm vụ quan trọng nhất của Bắc Triều Tiên vào những năm 1950 và 1960 là phải nhanh chóng khôi phục lại những ngôi nhà bị chiến tranh tàn phá. Vì vậy, nước này đã phát minh ra lối kiến trúc công nghiệp hóa, không chỉ tiết kiệm nguyên vật liệu mà còn đẩy nhanh quá trình cung cấp nhà ở cho người dân nhờ nâng cao tốc độ xây dựng.


Bắc Triều Tiên chủ yếu xây dựng chung cư để cung cấp cho người dân vì đây là giải pháp cung cấp được nhiều nhà ở nhất trong thời gian ngắn. Để đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn đảm bảo an toàn xây dựng thì vật liệu chính của công trình là bê tông phải được đông cứng ổn định để tránh trường hợp công trình bị sập khi xây với tốc độ nhanh. Vì vậy, lối kiến trúc công nghiệp hóa được phát minh với nguyên tắc sản xuất tường và cột chống tại nhà máy, sau đó lắp ráp tại công trường. Hàn Quốc cũng đã từng thử nghiệm phương pháp này nhưng không thành công do có khí hậu 4 mùa với lượng mưa khác nhau. Ngược lại, Bắc Triều Tiên có thể phát triển kiến trúc công nghiệp hóa nhờ tiếp nhận kỹ thuật từ các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có các nước châu Âu, đảm bảo chất lượng nguyên liệu và các bộ phận được sản xuất tại nhà máy, sau đó lắp ráp tại công trường mà không bị ảnh hưởng bởi thời tiết.


Sau khi cố Chủ tịch Kim Jong-il trở thành người kế nhiệm chính thức từ cha mình là ông Kim Nhật Thành, Bắc Triều Tiên đã có nhiều sự thay đổi, trong đó có kiến trúc các khu dân cư. Cố lãnh đạo Kim Jong-il cho rằng "kiến trúc cũng là một môn nghệ thuật", nhấn mạnh việc không được mô phỏng hay lặp lại thiết kế tòa nhà. Ví dụ tiêu biểu cho chính sách này là đường Gwangbok (Quang phục) nằm ở khu vực Mangyongdae, Bình Nhưỡng. Con đường này dài 5,4 km, rộng 100m, hai bên đường được chia thành 9 khu, bao gồm các nhà ở, cơ sở văn hóa, giáo dục và tiện ích. Khu dân cư gồm chung cư cao 30-40 tầng với 25.000 hộ dân, được đánh giá là nơi có văn hóa dân cư hoàn toàn khác so với trước đây.


Ở Bắc Triều Tiên, đường Quang phục là một trong những biểu tượng cho sự thay đổi của kỷ nguyên mới. Khác với các tòa nhà có thiết kế cứng nhắc hình lưới hoặc góc vuông trên đường Cheonlima (Thiên lý mã) được xây dựng trước đó, đường Quang phục là một khu dân cư phức hợp có thiết kế đường cong mang tính thẩm mỹ, là niềm tự hào với quốc tế của miền Bắc, nơi các vận động viên và đại diện từ khắp nơi trên thế giới lưu lại khi đến tham dự Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 13 được tổ chức tại Bình Nhưỡng năm 1989, một năm sau khi Hàn Quốc tổ chức Thế vận hội mùa hè Olympic Seoul 1988. Nằm ở ngoại ô Bình Nhưỡng, khu phức hợp có quy mô lớn và đường xá rộng rãi, các tòa nhà cũng có thiết kế khác nhau, tạo nên một đặc trưng riêng cho đường Quang phục. Đây là một bước ngoặt về thiết kế và chiều cao so với các dự án tái phát triển điển hình của Bắc Triều Tiên trước những năm 1970.


Sau sự kiện nước Đức thống nhất vào năm 1990, sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 và sự ra đi của Chủ tịch Kim Nhật Thành năm 1994, Bắc Triều Tiên gặp phải tình trạng khó khăn kinh tế và thiếu lương thực trầm trọng. Các dự án xây dựng nhà ở cũng như các công trình công cộng bị đình chỉ, khiến ngành kiến trúc miền Bắc hạ nhiệt nhanh chóng cho đến khi được mở rộng trở lại vào cuối những năm 2000. Đặc biệt, phố Changjon ở khu vực Mansudae được hoàn thành vào năm 2012 là một kiểu đô thị mới được xây dựng ở Bình Nhưỡng vào thời điểm hơn một thập kỷ sau “cuộc hành quân gian khổ,” bao gồm 14 tòa nhà, tòa cao nhất có 45 tầng.


Khu chung cư tại phố Mansudae, nay được gọi là phố Changjon, có vị trí khá độc đáo bên cạnh quảng trường Kim Nhật Thành, tòa nhà quốc hội Mansudae, và các di tích lịch sử, cách mạng. Trước đó, các tòa nhà cao tầng không được xây dựng tại đây để tránh phá hoại cảnh quan lịch sử. Tuy nhiên, đến năm 2005, những tòa nhà hiện đại với chất lượng thiết kế cao được xây dựng trên phố Mansudae nhằm đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn “cuộc hành quân gian khổ” và truyền đi thông điệp “hãy chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới sau khi cuộc hành quân gian khổ đã đi qua". Việc sẵn sàng phá hoại cảnh quan mang tính lịch sử quan trọng cũng cho thấy tình hình cấp thiết của xã hội miền Bắc khi đó. 


Bắt đầu với việc hoàn công con phố Changjon, các chung cư cao tầng liên tiếp xuất hiện ở Bắc Triều Tiên, chẳng hạn như đường nhà khoa học ngân hà năm 2013, khu định cư nhà khoa học vệ tinh năm 2014, đường nhà khoa học tương lai năm 2015 và phố Ryomyong năm 2017 với một tòa nhà chọc trời 82 tầng. Chủ tịch Kim Jong-un đã thể hiện sự vững mạnh của chế độ bằng cách xây dựng các tòa nhà cao tầng ở Bình Nhưỡng trong thời gian ngắn. Đặc biệt, vào đầu năm nay, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đã công bố bức ảnh Mặt trời mọc chụp trên tầng 70 phố Ryomyong nhằm nhấn mạnh thành tựu của Chủ tịch Kim. Tuy không giải quyết vấn đề nhà ở thông qua công nghiệp hóa như cố Chủ tịch Kim Jong-il hay mở ra kỷ nguyên nhà cao tầng thông qua tái thiết đô thị như cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, nhưng nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng có ý định thể hiện phương pháp điều hành đất nước qua vấn đề nhà ở. Tuy nhiên, trên thực tế, các chung cư siêu cao tầng chỉ phục vụ một bộ phận nhỏ cư dân ở các thành phố lớn. Người dân tại các địa phương hay nông thôn vẫn phải ở trong các ngôi nhà cũ được xây dựng từ hàng chục năm trước.


Người dân các nước xã hội chủ nghĩa về cơ bản không có quyền tự do thay đổi nơi cư trú. Với định kiến coi các thành phố lớn của chủ nghĩa tư bản là nơi tụ tập các thành phần xấu của xã hội, các nhà hoạch định thành phố xã hội chủ nghĩa luôn duy trì quy mô của thành phố ở một mức phù hợp nhằm điều chỉnh mật độ dân cư. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng là thủ đô, là biểu tượng thành phố quốc tế, thành phố công viên và thành phố cách mạng nên được ưu tiên về chi phí và quy mô xây dựng. Ngược lại, do hạn chế về kinh tế, Bắc Triều Tiên không thể thực hiện tái phát triển trên toàn quốc. Vì vậy, so với một nơi đặc biệt như Bình Nhưỡng, việc xây dựng tại các khu vực nông thôn đã bị bỏ bê, cũng là nguyên nhân vì sao nhà ở tại các khu vực này còn cũ và lạc hậu.


Đầu năm nay, truyền thông Bắc Triều Tiên đưa tin về kết quả Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động vào cuối năm ngoái, đồng thời nhấn mạnh thông điệp của Chủ tịch Kim Jong-un, đó là: "Chúng ta cần tiếp tục thời kỳ hoàng kim của dự án xây dựng thủ đô, trong đó có việc xây 10.000 căn hộ theo kế hoạch vào năm 2022, và mở ra một kỷ nguyên thay đổi của các địa phương". Theo đó, miền Bắc yêu cầu tất cả các địa phương phải trang bị máy móc và phương tiện thi công, và các đơn vị sản xuất xi măng phải chủ động đảm bảo nguồn cung đến các thành phố và quận được thông suốt.


Kế hoạch xây 10.000 căn hộ mỗi năm để cung cấp 50.000 căn có sức chứa 200.000 người tại Bình Nhưỡng là một dự án lớn. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài 10 năm, 20 năm của Bắc Triều Tiên có thể làm trì hoãn chu kỳ thay thế nhà cửa và tạo ra một vòng lẩn quẩn. Vì vậy, miền Bắc cần nhận được nguồn viện trợ lớn từ bên ngoài hoặc nới lỏng một số biện pháp trừng phạt kinh tế để việc giải quyết vấn đề nhà ở không gặp hạn chế. Theo tôi, trong bối cảnh Mỹ sẽ không dỡ bỏ cấm vận miền Bắc trong một sớm một chiều, thay vì công bố kế hoạch xây dựng 50.000 căn hộ khi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện dự án khu du lịch Wonsan-Kalma dọc bờ biển phía Đông, Bắc Triều Tiên nên dừng dự án này tại giai đoạn hoàn thiện cuối cùng để tập trung nguyên vật liệu cho việc xây dựng nhà ở cho người dân.


Tuy tập trung vào việc xây dựng nhà ở gần đây nhưng Bắc Triều Tiên vẫn chưa thể mang lại lợi ích đồng đều cho tất cả người dân. Trừ khi miền Bắc tìm cách nới lỏng các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế, vấn đề nhà ở của nước này khó có thể cơ bản được giải quyết.

Tin mới nhất