Một quan chức cấp cao của Phủ Tổng thống Hàn Quốc hôm thứ Tư (10/1) cho biết cuộc họp liên Triều được tổ chức vào một ngày trước đó đã mang lại bước đệm mới cho quan hệ hai miền Nam-Bắc.
Ông khẳng định đoàn đại biểu hai miền Nam-Bắc đã tham gia cuộc họp với quyết tâm cải thiện quan hệ song phương một cách thực chất. Theo đó, chỉ trong thời gian một ngày diễn ra hội đàm, hai bên đã nhất trí về việc Bắc Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa đông Pyeongchang vào đầu tháng 2 tới, cũng như tổ chức cuộc họp quân sự liên Triều trong thời gian không xa.
Về việc tổ chức đoàn tụ gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên của phía Seoul tạm thời chưa đi đến thỏa thuận trong hội đàm này, quan chức trên nhấn mạnh vạn sự khởi đầu nan và bổ sung rằng có nhiều vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Trong một tin liên quan, Bộ trưởng Thống nhất Cho Myung-kyun, trưởng đoàn đại biểu phía Hàn Quốc trong cuộc họp liên Triều vừa rồi, cho biết nội dung trong thông cáo báo chí liên quan đến việc tháo gỡ vấn đề bên trong nội bộ chứ không có sự can thiệp của bên ngoài sẽ không ảnh hưởng đến hợp tác quốc tế trong trừng phạt Bắc Triều Tiên.
Nhân dịp Hàn Quốc tổ chức Thế vận hội mùa đông Olympic Pyeongchang 2018, hai miền Nam-Bắc đã nhất trí về việc Bắc Triều Tiên cử đoàn thể thao thăm Hàn Quốc. Hai bên cũng thống nhất sẽ tổ chức cuộc họp quân sự liên Triều.
Sau cuộc họp kéo dài 11 tiếng hôm thứ Ba (9/1) tại "Ngôi nhà hòa bình" thuộc Bàn Môn Điếm phía miền Nam, Seoul và Bình Nhưỡng đã thông qua thông cáo báo chí gồm ba nội dung chính.
Theo đó, đoàn đại biểu miền Bắc sẽ thăm miền Nam nhân dịp Olympic Pyeongchang và miền Nam sẽ tạo điều kiện tối đa để chuyến thăm diễn ra tốt đẹp. Những vấn đề cụ thể liên quan đến nội dung trên sẽ tiếp tục được trao đổi qua cuộc họp cấp chuyên viên. Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên nhất trí cùng nỗ lực giảm căng thẳng quân sự cũng như tạo nền tảng cho hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Hai miền cũng thống nhất sẽ tháo gỡ bên trong nội bộ chứ không có sự can thiệp của bên ngoài. Tuy nhiên, thông cáo báo chí không bao gồm đề xuất của phía Seoul là việc nối lại cuộc đoàn tụ gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên vào dịp Tết âm lịch sắp tới.
Trong phiên họp cuối cùng của hai bên đều có mặt của trưởng đoàn đàm phán là Bộ trưởng Thống nhất Cho Myung-kyun của phía Hàn Quốc và Chủ tịch Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc Bắc Triều Tiên Ri Son-kwon.
Trong cuộc họp diễn ra vào sáng cùng ngày, Hàn Quốc đã đề xuất tổ chức cuộc họp Hội chữ thập đỏ liên Triều nhằm nối lại việc đoàn tụ gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên, cũng như tổ chức cuộc họp quân sự hai miền nhằm phòng ngừa xung đột ngẫu nhiên. Về phần mình, phía Bình Nhưỡng đề nghị cử đoàn đại biểu Ủy ban Olympic Bắc Triều Tiên, đoàn thể thao, nhóm cổ động, đoàn phóng viên cũng như nhóm biểu diễn môn võ Taekwondo tới Olympic Pyeongchang.
Cuộc hội đàm cấp cao liên Triều đầu tiên dưới thời Tổng thống Moon Jae-in đã chính thức bắt đầu vào lúc 10 giờ sáng thứ Hai (9/1) tại "Ngôi nhà hòa bình" thuộc ngôi làng đình chiến Bàn Môn Điếm phía miền Nam.
Đoàn đàm phán của Hàn Quốc gồm năm người, dẫn đầu là Bộ trưởng Thống nhất Cho Myung-kyun cùng với đoàn đàm phán phía Bắc Triều Tiên, dẫn đầu là Chủ tịch Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc Bắc Triều Tiên Ri Son-kwon đã tiến hành cuộc họp toàn thể.
Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Cho Myung-kyun hoan nghênh các vị khách quý miền Bắc và kỳ vọng việc các vận động viên Bắc Triều Tiên tham dự Olympic Pyeongchang sẽ góp phần đưa kỳ Thế vận hội này trở thành một lễ hội của hòa bình. Ông cũng bày tỏ mong muốn tiến hành cuộc hội đàm với ý chí và quyết tâm cao.
Đáp lại, Chủ tịch Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc Bắc Triều Tiên Ri Son-kwon khẳng định sẽ tích cực tham gia cuộc hội đàm, đồng thời hy vọng cuộc họp này sẽ đạt kết quả tốt, trở thành món quà trong năm mới cho người dân.
Sau khi phiên họp buổi sáng kết thúc, Thứ trưởng Bộ Thống nhất Chun Hae-sung cho biết phía Seoul đã đề xuất tổ chức cuộc họp Hội chữ thập đỏ liên Triều nhằm nối lại việc đoàn tụ gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên vào Tết âm lịch sắp tới, cũng như tổ chức cuộc họp quân sự hai miền nhằm phòng ngừa xung đột ngẫu nhiên. Hàn Quốc cũng bày tỏ lập trường cần phải nối lại các cuộc đối thoại nhằm củng cố hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc như ngừng mọi động thái làm gia tăng căng thẳng và thực hiện phi hạt nhân hóa.
Về phần mình, phía Bình Nhưỡng đề nghị cử đoàn đại biểu Ủy ban Olympic Bắc Triều Tiên, đoàn thể thao, nhóm cổ động, đoàn phóng viên cũng như nhóm biểu diễn môn võ Taekwondo tới Olympic Pyeongchang.
Hai bên sẽ tiếp tục thảo luận vào phiên họp buổi chiều.
Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) hôm 8/1 (theo giờ địa phương) cho biết vẫn đang mở rộng cánh cửa tham gia Olympic Pyeongchang cho Bắc Triều Tiên dù thời gian đăng ký đã hết hạn.
IOC bày tỏ sự hoan nghênh đối với cuộc hội đàm cấp cao liên Triều diễn ra tại Bàn Môn Điếm vào hôm 9/1, kỳ vọng tất cả các vận động viên có thể tham gia thi đấu tại Olympic, bất chấp những mâu thuẫn, tranh chấp về chính trị. Ngoài ra, IOC cũng khẳng định sẽ hỗ trợ các vận động viên miền Bắc tiến hành các thủ tục tham gia thế vận hội.
Trước đó, Bắc Triều Tiên đã giành được quyền tham gia thi đấu Olympic mùa đông ở nội dung trượt băng nghệ thuật đôi nam nữ nhưng do không xác nhận tham gia nên đã mất quyền thi đấu.
Ủy viên Ủy ban Olympic quốc tế của Bắc Triều Tiên Chang Ung đã có cuộc gặp với Chủ tịch IOC Thomas Bach. Nhiều khả năng nước này sẽ được cử thêm các vận động viên tham gia ở cả các nội dung khác ngoài trượt băng nghệ thuật đôi nam nữ.
Chỉ còn một tháng nữa, Olympic Pyeongchang 2018, kỳ Thế vận hội mùa đông lần thứ XXIII, sẽ được khai mạc. Olympic Pyeongchang kéo dài trong 17 ngày, từ ngày 9/2 đến ngày 25/2, tại huyện Pyeongchang, huyện Jeongseon và thành phố Gangneung thuộc tỉnh Gangwon. Đây là kỳ Thế vận hội thứ hai được diễn ra tại Hàn Quốc, sau Olympic mùa hè Seoul 1988 đúng 30 năm.
Hàn Quốc cũng là quốc gia châu Á thứ hai đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa đông. Trước đó, Nhật Bản đã hai lần đăng cai sự kiện thể thao mang tầm quốc tế này vào năm 1972 và 1998.
Trước thềm khai mạc, nhiều khả năng Hàn Quốc sẽ thực hiện được mục tiêu của Thế vận hội là một "Olympic hòa bình lớn nhất thế giới" tại chính mảnh đất vẫn đang bị chia cắt.
Trước đó, Chủ tịch đảng Lao động Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã thể hiện mong muốn cử đoàn vận động viên miền Bắc tới tham dự Olympic Pyeongchang qua bài phát biểu chúc mừng năm mới. Sau thời gian nhẫn nại chờ đợi, cuối cùng Hàn Quốc đã có thể tổ chức cuộc hội đàm cấp cao liên Triều vào ngày 9/1 tại Bàn Môn Điếm để thảo luận về việc miền Bắc tham dự Olympic Pyeongchang.
Mặt khác, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach và ủy viên Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) của Bắc Triều Tiên Chang Ung trong tuần này cũng sẽ thảo luận những khâu cuối cùng để các vận động viên miền Bắc có thể tham gia thêm các nội dung thi đấu tại Thế vận hội lần này.
Nếu có trên 90 quốc gia tham dự Olympic Pyeongchang thì đây sẽ là kỳ Thế vận hội có nhiều quốc gia tranh tài nhất trong lịch sử, vượt qua kỷ lục 88 nước của Olympic Sochi diễn ra tại Nga bốn năm trước.
Hàn Quốc và các lần tổ chức các sự kiện thể thao lớn
Chỉ còn một tháng nữa là đến ngày khai mạc Thế vận hội Olympic mùa đông PyeongChang 2018. Thế vận hội này sẽ diễn ra từ ngày 9/2 đến 25/2 tại huyện Jeongseon, huyện pyeongchang và thành phố Gangneung thuộc tỉnh Gangwon của Hàn Quốc.
Theo đó, Hàn Quốc là nước thứ hai tại châu Á tổ chức Thế vận hội mùa đông. Trước đó, Nhật Bản đã từng hai lần tổ chức sự kiện thể thao mang tầm quốc tế này vào năm 1972 tại Sapporo, và vào năm 1998 tại Nagano. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng là nước đứng thứ năm sau Pháp, Đức, Ý, và Nhật Bản đã từng tổ chức bốn sự kiện thể thao lớn trên thế giới là Olympic mùa đông, Olympic mùa hè, Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup, và Giải vô địch điền kinh thế giới.
Thế vận hội mùa đông PyeongChang dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu là một kỳ Olympic hòa bình với sự tham gia của Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, Olympic PyeongChang còn có khả năng trở thành kỳ Thế vận hội có nhiều quốc gia tham gia nhất từ trước đến nay khi dự kiến sẽ có sự góp mặt của khoảng 90 nước.
Cách đây 30 năm, Olympic mùa hè Seoul 1988 đã trở thành kỳ Thế vận hội để lại một dấu ấn trong lịch sử, quy tụ được sự tham gia của hầu hết các quốc gia bị chia cắt hai miền Đông-Tây. Trong khi đó, hai kỳ Olympic trước đó diễn ra tại Mat-xcơ-va (Nga) vào năm 1980 và Los Angeles (Mỹ) năm
1984 chưa làm được điều này. Chính vì vậy, Thế vận hội mùa hè Seoul 1988 được cho là một sự kiện lịch sử đã góp phần hòa giải Đông-Tây, chấm dứt thời kỳ chiến tranh lạnh.
Hàn Quốc đã sẵn sàng cho Olympic PyeongChang
Ủy ban tổ chức Olympic PyeongChang 2018 của Hàn Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng để chào đón các các đoàn thể thao và khách tham quan đến từ khắp nơi trên thế giới. Trung tâm báo chí Alpensia phục vụ Olympic ở huyện pyeongchang đã bắt đầu mở cửa từ hôm 9/1. Theo đó, Ủy ban tổ chức Olympic PyeongChang chính thức bước vào giai đoạn khởi động cho chương trình Thế vận hội sắp tới. Bắt đầu từ ngày 26/1, nửa tháng trước thềm khai mạc Olympic, hệ thống giao thông xung quanh khu vực 12 sân thi đấu sẽ bắt đầu bị phong tỏa. 12 sân thi đấu phục vụ Olympic đã được hoàn công trước ngày khai mạc ba tháng. Làng vận động viên ở huyện Gangneung và huyện pyeongchang thuộc tỉnh Gangwon cũng đã chuẩn bị sẵn sàng và đã được mở cửa. Bên cạnh đó, Hàn Quốc đã khai trương tuyến tàu cao tốc (KTX) nối thủ đô Seoul với thành phố Gangneung vào ngày 22/12 năm ngoái. Vé xem các trận thi đấu tại Olympic cũng đã bắt đầu bán từ đầu tháng 1, đến hiện tại đã bán được 690.000 vé, đạt 65% so với mục tiêu đề ra là 1,07 triệu vé. Ngon đuốc thắp sáng Olympic PyeongChang, sau khi được rước qua thành phố Daegu và tỉnh Bắc Geongsang vào cuối năm ngoái, hiện đang được rước qua tỉnh Geonggi bắt đầu từ ngày 5/1 vừa qua. Theo đó, một kỳ Thế vận hội hòa bình lớn nhất từ trước đến nay đang bước vào giai đoạn thành hình.
Bộ Tư pháp Hàn Quốc hôm thứ Hai (8/1) cho biết, thời gian lưu trú của khách du lịch nước ngoài tới Hàn Quốc để xem thi đấu Thế vận hội mùa đông Olympic Pyeongchang 2018 sẽ được kéo dài thêm tối đa là 30 ngày.
Thế vận hội Olympic Pyeongchang sẽ được tổ chức tại huyện Jeongseon, huyện Pyeongchang và thành phố Gangneung thuộc tỉnh Gangwon của Hàn Quốc từ 9/2 đến 25/2.
Theo đó, người nước ngoài muốn gia hạn thời gian lưu trú chỉ cần nộp cho Văn phòng quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Tư pháp đơn đăng ký gia hạn kèm theo hồ sơ chứng minh khác như vé vào xem thi đấu.
Đối với những khách du lịch người nước ngoài theo visa ngắn hạn hay được miễn visa, vốn được lưu trú tối đa 90 ngày, nếu được cấp phép gia hạn thời gian lưu trú, sẽ có thể ở Hàn Quốc tối đa là 120 ngày.
Một quan chức Bộ Tư pháp cho biết những người nước ngoài tới Hàn Quốc bằng visa ngắn ngày hay được miễn visa là đối tượng ưu tiên hơn so với những người nước ngoài có visa cư trú dài hạn. Việc cho phép gia hạn thêm thời gian lưu trú này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy du lịch Hàn Quốc trong thời gian tới.
Trung tâm khảo sát thăm dò ý kiến Realmeter hôm 5/1 vừa qua đã công bố kết quả thăm dò về việc Chính phủ Hàn Quốc dự kiến chi trả chi phí phòng ở cho đoàn vận động viên và đoàn cổ động Bắc Triều Tiên. Theo đó, có 54,4% tán thành quyết định này của Chính phủ. Cụ thể có 24,5% trả lời "rất tán thành", 29,9% trả lời "hơi tán thành".
Cuộc thăm dò ý kiến trên được thực hiện với 505 người trưởng thành, với độ tin cậy 95% và sai số rơi vào khoảng 4,4%.
Mặt khác, tỷ lệ phản đối là 41,4%. Trong đó, ý kiến "rất phản đối" chiếm 20,1% và "hơi phản đối" là 21,3%. 4,2 % trả lời "không biết".
Xét theo quan điểm, tỷ lệ tán thành ở những người theo quan điểm tiến bộ lên đến 71,5%, trong khi ở những người theo quan điểm bảo thủ, tỷ lệ phản đối là 62%.
Xét theo các chính đảng thì những người ủng hộ đảng Dân chủ đồng hành và đảng Công lý có tỷ lệ tán thành cao, lần lượt là 78,8% và 68,1%.
Trong khi đó, những người ủng hộ đảng Hàn Quốc tự do, đảng Chính nghĩa, Đảng vì Nhân dân và những người không ủng hộ đảng nào thiên về hướng không đồng tình với tỷ lệ phản đối lần lượt là 79,1%, 52,5%, 55,6% và 67,1%.
Xét theo độ tuổi, những người từ 30 tuổi đến 59 tuổi có tỷ lệ tán thành cao hơn. Cụ thể, người từ 40-49 tuổi có tỷ lệ tán thành là 63,6%, độ tuổi 30-39 là 58,5% và có 53,3 % số người ở độ tuổi 50-59 ủng hộ việc Chính phủ Hàn Quốc chi trả tiền phòng cho đoàn vận động và cổ động viên miền Bắc. Những người từ 20-29 tuổi và những người trên 60 tuổi có tỷ lệ tán thành và phản đối gần như tương đương, lần lượt là 49,7% và 45,7%, 48,1% và 45,1%.
Người phát ngôn Bộ Thống nhất Baik Tae-hyun tại buổi họp báo thường kỳ hôm thứ Hai (8/1) cho biết Seoul và Bình Nhưỡng đã nhất trí tổ chức phiên họp toàn thể từ 10 giờ (theo giờ Hàn Quốc) sáng 9/1, tương đương 9 giờ 30 phút theo giờ Bắc Triều Tiên tại "Ngôi nhà hòa bình" ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm.
Ông Baik nói hiện vẫn chưa có quyết định về thời gian kết thúc cuộc hội đàm, đồng thời cho biết sau khi nhất trí với phía miền Bắc sẽ thông báo lịch trình cụ thể của cuộc hội đàm vào ngày 9/1 tại địa điểm tổ chức.
Ngoài ra, Hàn Quốc dự kiến nhận danh sách những người đi cùng và hỗ trợ đoàn đại biểu của phía Bắc Triều Tiên vào ngày 8/1, một ngày trước khi diễn ra cuộc hội đàm.
Bộ trưởng Thống nhất Cho Myung-kyun, người đứng đầu đoàn đại biểu của phía Hàn Quốc, trong cuộc gặp với các phóng viên tại trụ sở của Chính phủ đã khẳng định sẽ tập trung thảo luận về việc Bắc Triều Tiên tham dự Olympic Pyeongchang 2018 trong cuộc hội đàm cấp cao ngày 9/1. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng sẽ chuẩn bị để có thể thảo luận cả vấn đề về gia đình ly tán và việc giảm bớt căng thẳng quân sự.
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Cho đã cùng Thứ trưởng Bộ thống nhất Hàn Quốc Chun Hae-sung và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Hàn Quốc Roh Tae-kang đã nhất trí về đối sách cho hội đàm. Ông Chun và ông Roh lần đầu tiên được đưa vào danh sách đoàn đại biểu là để đàm phán các nội dung nghị sự liên quan.
Nghị sự chính của cuộc hội đàm lần này là vấn đề miền Bắc tham gia Thế vận hội mùa đông Olympic Pyeongchang 2018, dự kiến diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng 2 tới. Do đó, miền Bắc cũng đang đẩy nhanh xúc tiến hoàn tất các thủ tục liên quan.
Trước đó, Ủy viên Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) của Bắc Triều Tiên Chang Ung hôm 6/1 đã tới Bắc Kinh, có thể tới Lausanne, Thụy Sĩ sớm nhất là vào ngày 8/1. Dự kiến tại đây, ông Chang Ung sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét cử con gái Ivanka Trump, người đang đảm nhận vị trí cố vấn đặc biệt của Tổng thống, sang Hàn Quốc để tham dự Thế vận hội Olympic mùa đông Pyeongchang 2018 dự kiến diễn ra vào tháng 2 cùng với thành viên của nhóm đại biểu quan chức cấp cao Chính phủ Mỹ.
Hiện Nhà trắng chưa bày tỏ lập trường chính thức về vấn đề này.
Trước đó, tại cuộc điện đàm hôm 4/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhất trí hoãn lịch trình thực hiện cuộc tập trận chung thường niên Hàn-Mỹ trong thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic Pyeongchang.
Tại cuộc điện đàm này, Tổng thống Trump đã bày tỏ lập trường rằng Mỹ sẽ cử nhóm đại biểu quan chức cấp cao bao gồm gia đình của mình sang tham dự Thế vận hội Pyeongchang 2018.
Các chuyên gia phân tích, Phó Tổng thống Mike Pence nhiều khả năng sẽ có tên trong danh sách này.
Được biết, Washington sẽ đưa ra nội dung cụ thể về nhóm đại biểu quan chức cấp cao Chính phủ Mỹ tham dự Thế vận hội Olympic Pyeongchang 2018 trong thời gian tới.