Chuyên mục “Sát cánh cùng Olympic PyeongChang 2018” sẽ đồng hành cùng quý thính giả của Đài phát thanh quốc tế Hàn Quốc KBS World Radio cho đến ngày diễn ra lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018 vào ngày 9/2.
Nhân vật chính của buổi phát thanh thứ hai chính là cuộc đua ly kỳ trên đường băng trắng – “Trượt băng tốc độ”. Đây đồng thời cũng là bộ môn mang về chiếc huy chương vàng đầu tiên cho Hàn Quốc tại Thế vận hội mùa đông, góp phần mở ra một trang sử mới cho đội tuyển Trượt băng tốc độ Hàn Quốc khi thu hoạch được tổng cộng 42 chiếc huy chương danh giá qua các kỳ Olympic.
Với thành tích đáng ngưỡng mộ đã đạt được trước đó, Trượt băng tốc độ lại một lần nữa được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những bộ môn mang về nhiều tấm huy chương nhất cho đoàn thể thao Hàn Quốc trong kỳ Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang năm 2018.
Cùng tìm hiểu về bộ môn Trượt băng tốc độ
Tên chính thức của Trượt băng tốc độ là “Trượt băng tốc độ vòng ngắn” (Short Track Speed Skating), có nguồn gốc từ “Long Track Speed Skating”, gọi chung là “Speed Skating” (Trượt băng tốc độ).
Trượt băng tốc độ bắt đầu phổ biến tại Bắc Mỹ vào những năm 1900. Cho đến những năm 1970, sau khi các luật lệ về thi đấu được thiết lập, Trượt băng tốc độ vòng ngắn được công nhận là một bộ môn độc lập và chính thức được đưa vào nội dung thi đấu từ cuối thập niên 70.
Nói một cách đơn giản, Trượt băng tốc độ vòng ngắn là hạng mục mà các vận động viên sẽ tranh tài tốc độ trên đường đua dài 111.12m. Chính vì thế, sự hấp dẫn của bộ môn này chính là ở chỗ nó thu hút khán giả tập trung chú ý vào những vòng tranh tài quyết liệt giữa các vận động viên để giành lấy kỷ lục nhanh nhất và tốt nhất. Trên thực tế, đội tuyển Trượt băng tốc độ của Hàn Quốc đã thật sự để lại rất nhiều dấu ấn đẹp trong lòng công chúng với những màn thi đấu hết sức ấn tượng.
Ý nghĩa của Trượt băng tốc độ đối với đoàn thể thao Hàn Quốc tại các kỳ Olympic
Kể từ sau khi trở thành môn thi đấu chính thức tại kỳ Olympic mùa đông Albertville (Pháp) năm 1992, Trượt băng tốc độ vòng ngắn được xem là hạng mục “hốt vàng” của đoàn thể thao Hàn Quốc, bắt đầu từ thời vàng son của vận động viên Kim Ki-hoon, cho đến tận thời điểm Thế vận hội Mùa đông Sochi (Nga) được tổ chức vào năm 2014. Do đó có thể nói rằng Trượt băng tốc độ vòng ngắn chính là “mỏ vàng” mang đến tia hy vọng mới cho Hàn Quốc, một đất nước vốn được xem là “mảnh đất khô cằn” thiếu sức sống tại Olympic mùa đông.
Những yếu tố khiến Hàn Quốc trở nên tỏa sáng trong bộ môn này chính là nhờ vào tinh thần thi đấu kiên cường, cùng chiến lược thông minh và sự phối hợp ăn ý giữa các vận động viên trong đội tuyển.
Tại kỳ Thế vận hội Mùa đông Albertville (Pháp) năm 1992, vận động viên Kim Ki-hoon đã giành huy chương vàng tại nội dung 1000m nam, đồng thời cũng giúp đội nhà chiến thắng tại hạng mục 5000m tiếp sức.
Tại mỗi kỳ đại hội sau đó, Hàn Quốc luôn giành được ít nhất hai tấm huy chương vàng trong bộ môn Trượt băng tốc độ vòng ngắn, nhờ vào tinh thần thi đấu mạnh mẽ của những ông hoàng, bà hoàng tốc độ trên đường đua trắng.
Về phía vận động viên nam, có thể kể tên một số gương mặt nổi bật như Kim Ki-hoon, Kim Dong-sung và Ahn Hyun-soo. Trong khi đó, phía nữ gồm có các vận động viên Jun Yi-kyung, Go Ki-hyun, Jin Sun-yoo và Shim Suk-hee.
Những gương mặt đại diện Trượt băng tốc độ vòng ngắn Hàn Quốc thi đấu tại Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018
Bộ môn Trượt băng tốc độ vòng ngắn trong kỳ Olympic năm 2018 gồm có tám chiếc huy chương vàng dành cho các nội dung 500·1000·1500m nam – nữ và 5000m tiếp sức nam, 3000m tiếp sức nữ.
Thật đáng tiếc, tại Olympic Sochi 2014, đội tuyển nam Trượt băng tốc độ vòng ngắn đã không giành được chiếc huy chương vàng nào. Chính vì thế, họ đang rất mong chờ sẽ có cợ hội được “phục thù” trong kỳ Olympic 2018.
Có khá nhiều ý kiến cảm thấy bất an cho đội tuyển Trượt băng tốc độ vòng ngắn, bởi sắp tới sẽ những tân binh mới đại diện nước nhà thi đấu. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những gương mặt trẻ này. Họ đều là những vận động viên xuất sắc được đánh giá khá cao thông qua bốn trận đấu World Cup trong mùa giải năm nay.
Trong số đó, gương mặt được chú ý nhất là Lim Hyo-jun. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tin tưởng vào Hwang Dae-hun, một ngôi sao mới của làng Trượt băng tốc độ vòng ngắn.
Hàn Quốc hoàn toàn có đủ tư cách để tự hào về danh hiệu hàng đầu thế giới trong bộ môn Trượt băng tốc độ vòng ngắn. Tuy nhiên không vì thế mà họ được phép lơ là, chủ quan. Vì đây là một môn thể thao tốc độ điển hình, không ai có thể đoán trước được kết quả.
Đặc biệt, đối thủ nặng ký nhất của Hàn Quốc chính là các vận động viên Trung Quốc. Trong số đó, nữ vận động viên sinh năm 1993 Fan Kexin chính là mối đe dọa lớn nhất đối với đoàn thể thao Hàn Quốc. Còn nhớ tại nội dung 3000m tiếp sức nữ trong kỳ đại hội World Cup lần thứ tư, Hàn Quốc đã đánh mất danh hiệu vô địch vào tay Trung Quốc.
Ngoài ra, còn có một số cường quốc khác mà Hàn Quốc cần phải dè chừng như Canada với các nữ vận động viên Kim Boutin và Marianne St-Gelais, cùng đoàn thể thao Anh với nữ vận động viên sinh năm 1990 Elise Christie.
Về nội dung nam, Hàn Quốc cũng phải đối mặt với những đối thủ như vận động viên người Trung Quốc Wu Dajing, vận động viên người Canada Charles Hamelin và vận động viên người Hà Lan Sjinkie Knegt.
Họ đều là những đối thủ nặng ký của đoàn thể thao Hàn Quốc, trên con đường chinh phục chiếc huy chương vàng tại các nội dung của bộ môn Trượt băng tốc độ vòng ngắn.
Đặc biệt hơn hết, Hàn Quốc còn phải đối đầu với một nhân vật hết sức mạnh trên đường đua trắng. Chính là vận động viên thi đấu với tư cách cá nhân Ahn Hyun-soo – người đã chuyển sang quốc tịch Nga và đổi tên thành Viktor Ahn sau khi có mâu thuẫn nghiêm trọng với Liên đoàn Trượt băng Hàn Quốc. Anh vốn là người hùng của đoàn thể thao Hàn Quốc khi mang về cho nước nhà rất nhiều chiếc huy chương danh giá, nhưng cuối cùng lại dứt áo ra đi vì những mâu thuẫn không thể hàn gắn.
Hàn Quốc kỳ vọng vào bao nhiêu tấm huy chương vàng Trượt băng tốc độ vòng ngắn tại Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018?
Hàn Quốc đã giành được quyền thi đấu tại tất cả tám nội dung ở bộ môn Trượt băng tốc độ vòng ngắn tại Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018. Họ đặt ra mục tiêu sẽ đạt được tám chiếc huy chương vàng và vươn lên hạng thứ tư trên toàn bảng tổng sắp. Và trong số tám chiếc huy chương vàng mục tiêu đó, Hàn Quốc hy vọng sẽ đạt được bốn chiếc huy chương vàng tại bộ môn Trượt băng tốc độ vòng ngắn.
(Photo : Yonhap)
Nhà Trắng (Mỹ) hôm 4/1 (theo giờ địa phương) đã ra thông báo chính thức về việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trò chuyện qua điện thoại và nhất trí không triển khai tập trận chung thường niên của liên quân Hàn-Mỹ trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông Olympic Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc sắp tới.
Bênh cạnh đó, thông báo của Nhà Trắng cũng nêu rõ lãnh đạo hai nước Hàn-Mỹ khẳng định tiếp tục duy trì gây áp lực mạnh mẽ đối với Bắc Triều Tiên, không để lặp lại những sai lầm như trong quá khứ.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng trả lời phỏng vấn báo chí về kế hoạch tạm hoãn tập trận chung Hàn-Mỹ đến sau Paralympic Pyeongchang. Theo ông Mattis, động thái chấp nhận đối thoại lần này của Bắc Triều Tiên xuất phát từ những áp lực của cộng đồng quốc tế đối với nước này.
Trong một tin liên quan, trước khi điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng trên tài khoản cá nhân Twitter bày tỏ hoan nghênh việc hai miền liên Triều nối lại đối thoại.
Tổng thống Mỹ cho rằng chính lập trường cứng rắn của ông đối với Bắc Triều Tiên đã góp phần đưa đến kết quả này.
Truyền thông Mỹ đánh giá tích cực rằng đối thoại liên Triều sẽ giúp giảm căng thẳng trên bán đảo nhưng cũng đồng thời nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác chung Hàn-Mỹ đối phó với khả năng Bắc Triều Tiên có động thái chia cắt quan hệ đồng minh hai nước hoặc đưa ra những yêu cầu quá mức.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc hôm thứ Sáu (5/1) khẳng định hội đàm liên Triều cấp cao ngày 9/1 tới trước tiên phải trao đổi các nội dung liên quan đến việc Bắc Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa đông Olympic Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc, tiếp đó mới bàn về cải thiện quan hệ hai miền.
Trả lời phỏng vấn báo chí, một quan chức cấp cao Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết Seoul mong muốn thảo luận với Bình Nhưỡng về nhiều nội dung khác nhưng vẫn còn quá sớm để đề cập đến vấn đề này cũng như phương thức tiến hành.
Phía miền Nam đề xuất các nội dung gồm việc tổ chức đoàn tụ gia đình bị ly tán do chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và hội đàm quân sự liên Triều nhưng hiện chưa chắc hai miền có thể đạt được nhất trí nào hay không.
Trả lời câu hỏi về khả năng tổ chức đoàn tụ gia đình ly tán vào dịp Tết Nguyên đán 2018, quan chức này nói có rất nhiều thứ phải chuẩn bị, kiểm tra lại do chương trình đoàn tụ đã bị gián đoạn quá lâu, và việc thành lập nhóm chuyên trách cũng sẽ mất thời gian.
Hiện Seoul cũng đang tỏ ra hết sức thận trọng bởi chưa có gì chắc chắn về kết quả hội đàm liên Triều sắp tới.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 4/1 đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Đây là cuộc trao đổi trực tiếp giữa nhà lãnh đạo hai nước sau khi Chủ tịch đảng Lao động Bắc Triều Tiên Kim Jong-un nhắc đến đối thoại liên Triều trong bài phát biểu năm mới.
Sau 30 phút trò chuyện, lãnh đạo hai nước đã nhất trí không triển khai tập trận chung thường niên trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông Olympic Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc.
Thay vào đó, lực lượng quân đội hai nước sẽ cùng hợp tác trong giữ gìn an ninh, đảm bảo tổ chức một kỳ Thế vận hội thành công và an toàn.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh trong trường hợp Bắc Triều Tiên không có thêm bất cứ khiêu khích nào, việc hai nước Hàn-Mỹ tạm hoãn tập trận chung liên quan góp phần rất lớn cho thành công của Olympic.
Tổng thống Moon khẳng định duy trì hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong suốt quá trình triển khai đối thoại với Bắc Triều Tiên, đồng thời tin tưởng rằng đối thoại liên Triều sẽ là bước đệm cho đàm phán Mỹ-Triều, tiến tới giải quyết vấn đề hạt nhân miền Bắc.
Đáp lại, Tổng thống Trump cho biết Washington hoàn toàn ủng hộ Tổng thống Moon. Ông cũng kỳ vọng đối thoại Seoul-Bình Nhưỡng đạt kết quả tốt.
Cũng trong cuộc nói chuyện này, Tổng thống Mỹ hứa hẹn sẽ cùng gia đình và đoàn quan chức cấp cao đến dự các sự kiện trong khuôn khổ Thế vận hội mùa đông Olympic Pyeongchang 2018.
Dự đoán cùng với sự đồng tình của Mỹ về hoãn tập trận chung trong thời gian diễn ra Olympic, đối thoại liên Triều sẽ được triển khai nhanh hơn.
Phát biểu hôm 3/1 (theo giờ địa phương), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ hoan nghênh việc Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên nối lại kênh liên lạc làng đình chiến Bàn Môn Điếm, coi đây là một bước tiến tích cực hướng đến đối thoại liên Triều.
Trả lời phỏng vấn báo chí, người phát ngôn Liên hợp quốc Farhan Haq đã nhắc lại đánh giá trên của Tổng thư ký, đồng thời nhấn mạnh Liên hợp quốc vẫn nỗ lực không ngừng thi hành các nghị quyết để hướng đến mục tiêu phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.
Trước đó, sau khi Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, trong bài phát biểu nhân dịp năm mới, nhắc đến khả năng cử đoàn thể thao tham dự Thế vận hội mùa đông Olympic Pyeongchang 2018, Hàn Quốc đã đề xuất hội đàm và hai miền đã nối lại kênh liên lạc Bàn Môn Điếm sau gần hai năm gián đoạn.
Xuất hiện trên Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên hôm thứ Tư (3/1), Chủ tịch Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc Bắc Triều Tiên Ri Son-kwon thông báo nối lại kênh liên lạc làng đình chiến Bàn Môn Điếm giữa hai miền Nam-Bắc từ 3 giờ rưỡi chiều cùng ngày.
Ông Ri cho biết Bình Nhưỡng sẽ liên lạc lại với Seoul với lập trường nghiêm túc và thái độ chân thành theo chỉ thị của lãnh đạo tối cao nước này. Chủ tịch Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc nhấn mạnh sẽ trao đổi với miền Nam về những nội dung cụ thể liên quan đến việc nước này gửi đoàn thể thao tham dự Thế vận hội mùa đông Olympic Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc.
Quan chức miền Bắc dẫn lời Chủ tịch đảng lao động Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, tái khẳng định rằng việc giải quyết vấn đề liên Triều đúng với kỳ vọng và mong mỏi của cả dân tộc phụ thuộc vào cách làm việc của Chính phủ hai bên.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc Bắc Triều Tiên không đề cập đến việc có chấp thuận đề xuất của Hàn Quốc về việc tổ chức một cuộc hội đàm cấp cao hay không.
Trước đó, vào sáng ngày 3/1, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết đã thử kết nối bằng điện thoại với Bắc Triều Tiên qua kênh liên lạc tại Bàn Môn Điếm vào lúc 9 giờ sáng cùng ngày nhưng không thấy phía miền Bắc nhấc máy.
Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myung-kyun đã đề xuất hội đàm liên Triều vào ngày 9/1, đồng thời lên tiếng kêu gọi Bình Nhưỡng nhanh chóng cùng Seoul thiết lập lại kênh liên lạc tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm để chuẩn bị bàn thảo những nội dung cụ thể liên quan đến việc miền Bắc cử đoàn thể thao tham dự Thế vận hội mùa đông Olympic Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc.
Kênh liên lạc qua làng đình chiến Bàn Môn Điếm đã bị gián đoạn từ tháng 2/2016 cùng thời điểm khu công nghiệp liên Triều Gaesung bị đóng cửa. Từ đó đến nay, Bộ Thống nhất Hàn Quốc vẫn duy trì thử kết nối lại kênh này vào các thời điểm 9 giờ sáng và 4 giờ chiều hàng ngày.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc bày tỏ hoan nghênh việc kênh liên lạc liên Triều qua làng đình chiến Bàn Môn Điếm được nối lại sau gần hai năm, nhấn mạnh đây là một sự kiện rất có ý nghĩa.
Trang web chuyên về du lịch của Đài truyền hình CNN của Mỹ (CNN Travel), hôm 1/1 (theo giờ địa phương) đã công bố danh sách 18 địa điểm đáng đi nhất năm 2018. Trong đó có huyện Pyeongchang, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc, nơi đăng cai Thế vận hội mùa đông Olympic Pyeongchang 2018 từ ngày 9 đến 25/2/2018 tới.
Giới thiệu Pyeongchang với điểm nhấn quan trọng là nơi diễn ra Olympic, nhưng CNN nói thêm rằng cho dù không đến để thưởng thức những trận thi đấu thể thao kịch tính thì khách du lịch vẫn nên thêm Pyeongchang vào danh sách những điểm nghỉ dưỡng lý tưởng trong mùa đông. Trang web này cũng nhắc người xem tránh nhầm lẫn giữa Pyeongchang và Bình Nhưỡng của Bắc Triều Tiên, do trong tiếng Anh tên Bình Nhưỡng được viết là Pyeongyang.
Cũng theo giới thiệu của CNN, Pyeongchang được mô tả là nơi du khách có cơ hội trải nghiệm các loại hình thể thao trượt tuyết và trượt ván độc đáo theo kiểu Hàn Quốc. Nơi đây cũng có nhiều khu nghỉ dưỡng tầm trung với lượng tuyết và những đoạn dốc ngắn phù hợp với những người yêu thích trượt tuyết.
Đến với Pyeongchang, du khách sẽ trải nghiệm một kỳ nghỉ khó quên với những dịch vụ chất lượng cao luôn sẵn sàng tới tận 2 giờ 30 phút sáng, cùng món thịt bò hảo hạng, rượu Soju thơm ngon và những buổi biểu diễn K-pop sôi động.
Trang web du lịch này cũng nhắc đến việc du khách có thể đến Pyeongchang dễ dàng hơn trước rất nhiều do cơ sở hạ tầng tại khu vực này đã được cải thiện để phục vụ Olympic, nhiều tuyến tàu cao tốc mới cũng đã được khai thông.
Một điểm đặc sắc nữa của du lịch Pyeongchang được CNN nhắc đến đó là tắm hơi sau khi trượt tuyết trong khung cảnh hùng vĩ.
Ngoài Pyeongchang của Hàn Quốc, góp mặt trong danh sách của CNN Travel còn có Cabo Verde là một quần đảo núi lửa ở Đại Tây Dương, Công viên quốc gia Botum Sakor của Cam-pu-chia, đảo quốc Địa Trung Hải Malta, Cộng hòa Serbia ở Đông Nam châu Âu, thành phố Nevis bang Minesota của Mỹ, thành phố Banff bang Alberta của Canada, thành phố Nagano của Nhật Bản, thành phố Puebla của Mê-hi-cô, thành phố cảng Essaouira của Ma-rốc, thành phố Perth ở Úc và nước Rwanda ở Trung Phi.
Sau khi Chủ tịch đảng Lao động Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, trong bài phát biểu chúc mừng năm mới, nhắc đến ý định cử đoàn thể thao tham gia Thế vận hội mùa đông Olympic Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc, nhiều ý kiến cho rằng hai miền Nam-Bắc có thể cùng nhau tiến vào lễ đài trong lễ khai mạc và thành lập đoàn cổ động chung tại sự kiện thể thao này.
Dự đoán, có thể Seoul và Bình Nhưỡng sẽ xúc tiến một cuộc họp để trao đổi về vấn đề tham gia Thế vận hội.
Một trong những tâm điểm quan tâm của dư luận hiện nay là liệu đoàn thể thao Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên có cùng nhau tiến vào lễ đài trong hai sự kiện lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội như đã từng làm trong các sự kiện thể thao quốc tế như Thế vận hội Sydney 2000 tại Úc, Đại hội thể thao mùa đông châu Á 2007 tại Trường Xuân, Trung Quốc hay không.
Tiếp đó là vấn đề về con đường nhập cảnh vào Hàn Quốc của đoàn Bắc Triều Tiên. Nhiều ý kiến cho rằng đoàn thể thao miền Bắc sẽ đến miền Nam bằng đường bộ. Chủ tịch Ủy ban tổ chức Olympic Pyeongchang 2018 Lee Hee-bum cho biết sẽ sắp xếp để đoàn thể thao miền Bắc đến dự sự kiện tại Hàn Quốc thông qua đường bộ núi Geumgang.
Trước đó, khi còn là ứng cử viên Tổng thống, ông Moon Jae-in cũng từng phát biểu mong muốn đoàn thể thao Bắc Triều Tiên nếu đến Hàn Quốc dự Olympic Pyeongchang 2018 sẽ đi bằng đường bộ hoặc đường sắt vốn là những biểu tượng cụ thể cho hòa bình.
Chào đón năm mới 2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm thứ Ba (2/1) đã bắt đầu công việc điều hành đất nước bằng việc đến thăm Nghĩa trang quốc gia Seoul, dâng hoa và thắp hương tưởng nhớ những người lính đã hy sinh bảo vệ tổ quốc. Tại đây, Tổng thống Moon đã thể hiện quyết tâm làm tốt năm thứ hai nắm quyền qua những dòng ghi lại trong cuốn sổ ghi tên khách viếng nghĩa trang rằng người dân chính là chủ nhân đất nước và Chính phủ sẽ nỗ lực chuẩn bị xây dựng phát triển đất nước 100 năm tới.
Phát biểu tại cuộc họp nội các đầu tiên trong năm mới diễn ra cùng ngày, Tổng thống Moon Jae-in khẳng định phải xây dựng đất nước, mang đến những thay đổi cụ thể trong cuộc sống của người dân, để người dân có thể cảm nhận được rõ nét những biến chuyển tích cực và được hưởng lợi từ những thay đổi đó. Ông Moon cũng yêu cầu các bộ ban ngành đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng các chính sách đảm bảo an toàn cho người dân.
Đặc biệt, Tổng thống Hàn Quốc bày tỏ hoan nghênh việc Chủ tịch đảng Lao động Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, trong bài phát biểu đầu năm mới, đã đề cập đến khả năng chấp thuận đề xuất của miền Nam về việc tham dự Thế vận hội mùa đông Olympic Pyeongchang 2018 và nhân đó, hướng đến xây dựng hòa bình trên bán đảo. Tổng thống cũng chỉ thị các bộ ngành liên quan nhanh chóng lên kế hoạch hành động cụ thể để nối lại đối thoại liên Triều và chuẩn bị cho đoàn thể thao Bắc Triều Tiên đến Hàn Quốc dự Olympic Pyeongchang.
Nếu được diễn ra thì đây sẽ là cuộc họp cấp cao liên Triều đầu tiên dưới thời Tổng thống Moon Jae-in sau lần gần nhất là cuộc họp cấp Thứ trưởng hai miền vào tháng 12/2015.
Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myung-kyun cũng bày tỏ kỳ vọng cuộc họp lần này sẽ là dịp hai miền trao đổi và thống nhất những việc liên quan đến Thế vận hội và chia sẻ thẳng thắn với nhau về những vấn đề hai bên cùng quan tâm, hướng tới cải thiện quan hệ.
Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên hôm 1/1/2018 đã phát chương trình bài phát biểu nhân dịp năm mới của Chủ tịch đảng Lao động miền Bắc Kim Jong-un. Trong đó, ngoài việc đề cập tới thành quả phát triển tên lửa hạt nhân, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng nhắc đến khả năng cử đoàn thể thao tham dự Thế vận hội mùa đông Oympic Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc và có thể tham gia đối thoại liên Triều.
Ông Kim cho biết năm 2018 là một dấu mốc trọng đại kỷ niệm 70 năm Chính quyền Bắc Triều Tiên ra đời, đồng thời là một năm ý nghĩa với cả hai miền trên bán đảo Hàn Quốc với những sự kiện như miền Nam đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa đông. Chủ tịch miền Bắc cũng nhắc đến khả năng đối thoại liên Triều với Chính phủ đương nhiệm của miền Nam.
Cũng trong bài phát biểu năm mới này, lãnh đạo Bắc Triều Tiên một mặt khẳng định phát triển hạt nhân tên lửa là quyền lợi chính đáng của nước này, nhằm bảo vệ đất nước; một mặt yêu cầu Hàn Quốc ngừng việc đề cập đến chiến tranh hạt nhân.
Ông Kim Jong-un khẳng định Bình Nhưỡng đã hoàn thành sức mạnh hạt nhân quốc gia, cảnh báo Washington rằng nước này đã sẵn sàng tiến tới sản xuất hàng loạt và đưa vũ khí hạt nhân vào thực chiến.
Về phần mình, Phủ Tổng thống Hàn Quốc bày tỏ hoan nghênh việc lãnh đạo Bắc Triều Tiên nhắc đến khả năng nước này tham dự Olympic Pyeongchang tại Hàn Quốc đồng thời cho biết Seoul cũng sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng bất kể vào thời điểm nào, ở đâu và dưới hình thức nào.
Một quan chức cấp cao của Phủ Tổng thống nhận định việc hai miền xây dựng được một kênh liên lạc trực tiếp chính là một bước cải thiện quan hệ.
Sau việc chính thức bày tỏ quan điểm, đáp lại lời kêu gọi của Hàn Quốc về hình thành kênh liên lạc trực tiếp liên Triều, hành động tiếp theo của Bắc Triều Tiên hiện đang là tâm điểm quan tâm của dư luận.