Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc tại Mỹ (KEI) ngày 14/7 (giờ địa phương) đã tổ chức buổi tọa đàm tại Washington (Mỹ). Tại đây, Công sứ phụ trách về kinh tế thuộc Đại sứ quán Hàn Quốc tại Mỹ Ahn Se-ryeong cho rằng Seoul và Washington nên đạt được thỏa thuận thuế quan theo hướng mở rộng hợp tác trong thương mại và ngành chế tạo, thay vì hạn chế thương mại song phương.
Bà Ahn cho biết Seoul hoàn toàn hiểu quyết tâm của Tổng thống Donald Trump trong việc lấy lại cân bằng thương mại song phương, song việc giải quyết hàng rào phi thuế quan và xúc tiến hợp tác trong ngành chế tạo nên được tiến hành cùng nhau. Cách tiếp cận này không chỉ giúp Mỹ giảm thâm hụt thương mại trong ngắn hạn, mà còn góp phần giảm thâm hụt một cách có hệ thống và bền vững trong dài hạn. Mục tiêu của Hàn Quốc là đạt được một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi với Mỹ. Vì vậy, Seoul sẽ đẩy nhanh đối thoại ở cấp độ chuyên viên song phương trong nửa cuối tháng 7 để tìm ra điểm chung giữa hai nước.
Trong bối cảnh thời hạn hoãn áp thuế đối ứng kết thúc vào ngày 1/8 tới, Hàn Quốc đang xúc tiến đàm phán theo hướng yêu cầu Mỹ giảm thuế quan, đổi lại Seoul sẽ giúp Washington tái thiết lại ngành công nghiệp chế tạo mà Hàn Quốc có thế mạnh như đóng tàu và chíp bán dẫn.
Ngoài ra, Công sứ Ahn nhấn mạnh việc nới lỏng thuế quan theo Điều 232 của Đạo luật mở rộng thương mại Mỹ là vấn đề quan trọng không kém việc giảm thuế đối ứng. Vì chính sách thuế đã có hiệu lực hoặc sẽ được áp đối với các mặt hàng như ô tô, phụ tùng, thép, nhôm, chíp bán dẫn và dược phẩm có thể ảnh hưởng đến hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ.
Liên quan đến lo ngại của Washington về các quy định đối với những doanh nghiệp nền tảng số của Seoul, bà Ahn giải thích đây là biện pháp nhằm bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như người tiêu dùng, chứ không nhằm phân biệt đối xử với các công ty Mỹ. Các doanh nghiệp Mỹ vẫn sẽ có cơ hội công bằng để trình bày quan điểm với Chính phủ Hàn Quốc.
Mặt khác, các chuyên gia Mỹ tham gia buổi tọa đàm đánh giá rằng Hàn Quốc hiện gần như đang miễn thuế đối với hàng hóa của Mỹ, nên rất khó để Seoul có thể đưa ra thêm nhượng bộ nào nữa.
Cựu Phó Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á của Hiệp hội thương mại Mỹ Tammy Overby cũng bày tỏ lo ngại rằng việc Mỹ ép Hàn Quốc chấp nhận một thỏa thuận kém hơn so với Nhật Bản có thể gây phản ứng tiêu cực tại Hàn Quốc và làm tổn hại đến quan hệ ba nước Hàn-Mỹ-Nhật.
Bà Overby nhận định Seoul đã thực hiện những điều mà Tổng thống Donald Trump mong muốn như đầu tư lớn vào các ngành công nghiệp chủ chốt của Mỹ và tạo ra việc làm chất lượng ngay cả trước khi Washington công bố thuế đối ứng.