Trung tâm giám sát vật giá thuộc Hội đồng các tổ chức người tiêu dùng Hàn Quốc ngày 16/7 đã công bố kết quả khảo sát giá của 37 mặt hàng sinh hoạt thiết yếu trong quý II/2025 tại 420 công ty phân phối ở thủ đô Seoul và tỉnh Gyeonggi. Kết quả cho thấy giá cả các mặt hàng này đã tăng trung bình 3,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số 37 mặt hàng, giá của 28 mặt hàng tăng, 9 mặt hàng còn lại giảm. 5 mặt hàng có mức tăng giá cao nhất gồm rong biển tẩm gia vị tăng 15,8%; cà phê hòa tan 12%; sữa bột 10,1%, giăm bông và trứng gà lần lượt tăng 8,6% và 8,3%. Tỷ lệ tăng giá trung bình của 5 mặt hàng này là 11%.
Nguyên nhân được phân tích chủ yếu là do các công ty thực phẩm liên tục tăng giá từ nửa cuối năm ngoái với lý do chi phí nguyên liệu tăng. Các sản phẩm có giá tăng cao chủ yếu là những mặt hàng người tiêu dùng mua thường xuyên, làm gia tăng gánh nặng về giá cả theo cảm nhận của người dân.
Trong khi đó, 9 mặt hàng có giá giảm gồm dầu ăn (-4%), đậu phụ (-4%), giấy vệ sinh cuộn (-2,2%), tã em bé (-1,8%), chả cá (-1,3%).
So với quý I năm nay, giá của 29 trong số 37 mặt hàng đã tăng. 5 mặt hàng có giá tăng mạnh nhất so với quý trước gồm trứng gà tăng 8,4%; thanh cua tăng 7,4%, giăm bông 5,6%; bia và bánh kẹo lần lượt tăng 4,5% và 3,7%. Giá trứng gà tăng được cho là do chịu ảnh hưởng của tình hình nguồn cung gà đẻ trứng và cơ cấu phân phối. Đây cũng là mặt hàng tiêu dùng hàng ngày nên người dân có thể cảm thấy gánh nặng rõ rệt.
Xét theo kênh phân phối của 5 mặt hàng có giá tăng cao nhất so với một năm trước, ba chuỗi siêu thị lớn tăng 13,5%, cao gấp đôi so với mức tăng 6,8% ở các siêu thị thông thường. Cụ thể, giá rong biển tẩm gia vị tại siêu thị lớn tăng tới 30,3%, trong khi các siêu thị thông thường và ở chuỗi siêu thị của các doanh nghiệp (SSM) chỉ tăng lần lượt 21,6% và 6,6%. Ngược lại, giá trứng gà tăng nhiều nhất ở siêu thị thông thường với 11,1%, tiếp theo là siêu thị lớn 6,6% và SSM là 4%.
Trung tâm giám sát vật giá nhận định dù ngành thực phẩm và phân phối đang triển khai các chương trình giảm giá đến 50% đối với các mặt hàng chủ chốt nhân dịp mùa hè, nhưng các đợt khuyến mãi ngắn hạn này không đủ để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng. Khi giá nguyên liệu và giá gốc giảm, các doanh nghiệp cũng cần chủ động hạ giá bán giống như khi tăng giá.