Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Quốc tế

Tòa phúc thẩm Anh tuyên Hàn Quốc thắng kiện trong vụ tranh chấp với Quỹ Elliott (Mỹ)

Write: 2025-07-18 11:28:03Update: 2025-07-18 13:44:23

Tòa phúc thẩm Anh tuyên Hàn Quốc thắng kiện trong vụ tranh chấp với Quỹ Elliott (Mỹ)

Photo : YONHAP News

Tòa án phúc thẩm Anh ngày 17/7 (giờ địa phương) đã chấp thuận đơn kháng cáo của Chính phủ Hàn Quốc, trả lại vụ án cho Tòa án cấp cao xem xét lại vụ kiện với Quỹ Elliott (Mỹ).

Theo đó, Tòa án cấp cao Anh sẽ phải xem xét lại việc liệu Tòa án trọng tài thường trực (PCA), nơi ra phán quyết yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc bồi thường cho Quỹ Elliott, có thẩm quyền xét xử vụ việc này hay không.

Trước đó vào tháng 8 năm ngoái, Tòa án cấp cao Anh đã bác đơn kiện của Chính phủ Hàn Quốc đòi hủy phán quyết của PCA, cho rằng PCA không có thẩm quyền xét xử tranh chấp giữa Seoul với Quỹ Elliot. Lý do bác đơn kiện là điều khoản trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) Hàn-Mỹ, căn cứ mà phía Hàn Quốc đưa ra để kháng cáo, không đủ điều kiện xét xử theo luật trọng tài Anh.

Với việc Tòa phúc thẩm trả lại vụ án, Tòa án cấp cao Anh sẽ phải diễn giải lại điều khoản trong FTA Hàn-Mỹ để xác định liệu vụ tranh chấp với Quỹ Elliott có thuộc thẩm quyền xét xử của PCA hay không.

Vào tháng 6/2023, PCA đã ra phán quyết yêu cầu Chính phủ Seoul bồi thường khoảng 130 tỷ won (93,5 triệu USD) cho Quỹ Elliott. Sau đó, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã nộp đơn kiện lên Tòa án cấp cao Anh, nơi được chỉ định làm trọng tài, để yêu cầu hủy phán quyết với lý do PCA không có thẩm quyền xét xử.

Vào tháng 7/2018, Quỹ Elliott đã khởi kiện Chính phủ Seoul lên Tòa án trọng tài thường trực quốc tế, cho rằng Chính phủ đã gây sức ép để Bộ Y tế và phúc lợi và Cơ quan Hưu bổng quốc gia (NPS) bỏ phiếu tán thành thương vụ sáp nhập giữa công ty xây dựng Samsung và Công ty công nghiệp Cheil của Hàn Quốc, khiến quỹ này bị thiệt hại; khẳng định nếu không có sự can thiệp của Chính phủ thì Cơ quan Hưu bổng quốc gia sẽ không bỏ phiếu tán thành thương vụ này. Khi đó, Quỹ Elliott nắm giữ 7,12% cổ phần công ty xây dựng Samsung. Ngược lại, Chính phủ Hàn Quốc phản bác rằng Cơ quan Hưu bổng quốc gia không phải là cơ quan Chính phủ, dù Chính phủ có can thiệp thì cơ quan này vẫn sẽ tự đưa ra quyết định.

Phán quyết lần này của Tòa án phúc thẩm Anh được đưa ra ngay sau khi Tòa án tối cao Hàn Quốc y án sơ thẩm, tuyên Chủ tịch hãng điện tử Samsung Lee Jae-yong trắng án, trong đó có cáo buộc liên quan đến vụ sáp nhập nói trên.

Lựa chọn của ban biên tập