Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Quốc tế

Thời lượng phát thanh tuyên truyền nhắm vào Bắc Triều Tiên giảm mạnh gần 80%

Write: 2025-07-22 13:52:03Update: 2025-07-22 16:29:07

Thời lượng phát thanh tuyên truyền nhắm vào Bắc Triều Tiên giảm mạnh gần 80%

Photo : YONHAP News

Trang web chuyên về Bắc Triều Tiên "38 North" (Vĩ tuyến 38 độ Bắc) của Mỹ ngày 21/7 (giờ địa phương) cho biết tổng thời lượng phát sóng các chương trình phát thanh tuyên truyền nhắm vào Bắc Triều Tiên trong một ngày chỉ còn 89 tiếng, giảm gần 80% so với 415 tiếng vào hồi đầu năm 2025. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 3 đã ký Sắc lệnh hành chính, chỉ thị thu gọn bộ máy của Cơ quan Truyền thông toàn cầu Mỹ (USAGM), khiến hai cơ quan trực thuộc USAGM là Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và Đài châu Á tự do (RFA) phải ngừng hoạt động. 

Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung đang thúc đẩy các biện pháp hòa hảo nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Hàn Quốc, Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) vào đầu tháng 7 cũng đã cho ngừng phát sóng các kênh như "Tiếng vọng hy vọng", "Tiếng nói nhân dân", "Tin tức Hàn Quốc" và "Hàn Quốc tự do".

38 North cho biết trong số 11 đài phát thanh tuyên truyền nhắm vào miền Bắc hồi đầu năm 2025, hiện chỉ còn 5 đài đang hoạt động. Số lượng tần số phát sóng cũng đã giảm từ 25 xuống chỉ còn 6 tần số. 

Ngoài ra, phần lớn thời lượng phát sóng là đến từ kênh Dân tộc Hàn (Hanminjok) của Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc (KBS) và đài "Tiếng nói tự do" do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc điều hành. Nếu hai kênh này ngừng hoạt động, các chương trình phát sóng tuyên truyền hướng về Bắc Triều Tiên gần như sẽ hoàn toàn biến mất khi chỉ còn lại 4 kênh hoạt động. Cụ thể là Thế giới vụ tức BBC World Service với thời lượng phát sóng 30 phút/ngày và các đài phát thanh dân sự chuyên về Bắc Triều Tiên như "Bắc Triều Tiên tự do", "Cải cách Bắc Triều Tiên", "Thống nhất quốc gia", với thời lượng phát sóng khoảng 2-3 tiếng/ngày. 

Tuy nhiên, các đài phát thanh dân sự này chủ yếu nhận hỗ trợ từ hai cơ quan là Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ (NED) và Cục Dân chủ, nhân quyền và lao động thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi đang phải đối mặt với nguy cơ bị chính quyền Tổng thống Trump cho ngừng hoạt động.

Lựa chọn của ban biên tập