Các cụ bà hiên ngang trước công chúng

Khép lại nỗi đau, kêu gọi hòa bình và nhân quyền

Cụ bà Kim Bok-dong (90 tuổi) là một trong số những nạn nhân này. Bà bị bắt đi làm nô lệ tình dục cho lính Nhật từ năm 14 tuổi và từng bị đưa qua các khu vực như Trung Quốc, Hồng Kông, Sumatra, Java, Malaysia và Singapore. Sau khi đăng ký tên vào danh sách nạn nhân năm 1992, bà đã hoạt động kêu gọi hòa bình và nhân quyền như tham gia Đại hội nhân quyền thế giới ở Viên (Áo) và cuộc biểu tình di động ở Nhật Bản.

Những cụ bà từng là nạn nhân bị ép buộc mua vui cho binh lính Nhật trong Thế chiến II giờ đây đã trở thành những nhân chứng lịch sử. Họ không còn muốn sống chui lủi, giấu giếm quá khứ của mình nữa mà đang mạnh mẽ đứng lên để tố cáo hành động dã man của quân Nhật, để đánh thức lương tri của nhân loại. Và không chỉ dừng ở đó, những hoạt động này còn được mở rộng ra và các cụ bà từng là nạn nhân nô lệ tình dục trở thành nhà vận động vì quyền phụ nữ, nhà hoạt động vì hòa bình, chia sẻ nỗi đau với những phụ nữ của các quốc gia khác cũng từng chịu chung số phận.

Hiện nay, danh sách nạn nhân là phụ nữ mua vui đã lên tới 238 người, trong đó chỉ có 48 người hiện đang còn sống (gồm 43 người đang sống trong nước, 5 người sống ở nước ngoài tính đến tháng 7 năm 2015). Tuổi thọ trung bình của họ là 89 tuổi.

Nguồn : YONHAPNEWS
Nguồn : YONHAPNEWS

Vào ngày 8/3/2012, ngày Quốc tế phụ nữ, bà Kim Bok-dong cùng với cụ bà Gil Won-ok đã tuyên bố sẽ dùng toàn bộ số tiền bồi thường từ Chính phủ Nhật Bản để giúp đỡ những nạn nhân bị lạm dụng tình dục trong chiến tranh, đồng thời thành lập Quỹ Nabi (có nghĩa là Bướm). Quỹ Nabi hiện đang hỗ trợ cho những nạn nhân bạo lực tình dục ở Việt Nam và Congo.

Bị bắt đi làm “phụ nữ mua vui” từ khi còn là thiếu nữ, không được học hành đến nơi đến chốn là nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời cụ bà Kim Bok-dong. Tháng 6 năm 2015, bà đã đóng góp toàn bộ tài sản tích lũy cả đời tương đương 50 triệu won (44.000 USD) để giúp đỡ trẻ em là nạn nhân ở những khu vực đang có tranh chấp và đào tạo những nhà hoạt động vì hòa bình.

Tháng 5 năm 2015, cụ bà Kim Bok-dong được bầu chọn là một trong “100 anh hùng đã chiến đấu vì tự do” do tổ chức Phóng viên không biên giới phối hợp với Hãng thông tấn AFP bình chọn.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, tổ chức Phóng viên không biên giới đã chọn ra 100 vị anh hùng đấu tranh cho tự do trên toàn thế giới và đăng ảnh của họ trong một cuốn sách ảnh. Tên của cụ bà Kim Bok-dong đã được đăng cùng rất nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới như cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela và cố mục sư Martin Luther King, nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi.

Nguồn : YONHAPNEWS
Nguồn : YONHAPNEWS

Vào cuối tháng 4 năm 2015, cụ bà Lee Yong-soo đã tham gia vào cuộc biểu tình quy mô lớn trước Quốc hội Mỹ. Cuộc biểu tình do các nhóm dân sự, nhóm phi chính phủ của Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc tổ chức nhằm gây sức ép yêu cầu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phải kiểm điểm và xin lỗi về vấn đề phụ nữ bị ép mua vui thời chiến, đồng thời phải bồi thường thỏa đáng cho những người bị hại. Sau cuộc biểu tình này, bà đã vào tận trong tòa nhà Quốc hội để nghe bài phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe trước lưỡng viện Mỹ.

Cụ bà Lee Yong-soo đã bị bắt cóc khi đang ngủ ở nhà vào năm bà mới 16 tuổi và bị đưa đến Đài Loan vào năm 1943. Sau khi đất nước được giải phóng, bà phải sống trong đau đớn tủi nhục và mãi đến ngày 15/2/2007, bà mới bắt đầu xuất hiện công khai với tư cách nhân chứng trong phiên điều trần đầu tiên do Quốc hội Mỹ mở ra về những phụ nữ ép buộc mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến II. Kể từ đó, bà tiếp tục đi khắp nước Mỹ và Nhật Bản để lên tiếng tố cáo tội ác mà lính Nhật đã thực hiện trong thời kỳ chiến tranh.

Nguồn : YONHAPNEWS
Nguồn : YONHAPNEWS

Cụ bà Lee Yong-soo (88 tuổi) đã đến Mỹ để cực lực kêu gọi Nhật Bản xin lỗi về tội ác trong quá khứ, đúng thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đọc bài diễn văn trước lưỡng viện Mỹ. Khi đó, bà đã có cuộc tái ngộ đầy ý nghĩa sau bốn năm với những người phụ nữ sống sót sau cuộc tàn sát chủng tộc Do thái mang tên Holocaust mà Phát-xít Đức gây ra trong Thế chiến II. Năm 2011, bà Lee đến New York và đã có cuộc gặp lịch sử với cụ bà Ethel Katz và Hanne Liebmann là hai trong số những người sống sót sau thảm họa Holocaust. Tại cuộc gặp mặt này, họ đã cùng chia sẻ, động viên lẫn nhau bằng những câu như “Hãy cảm tạ rằng chúng ta có dịp bên nhau như thế này”, “Muốn chữa lành vết thương vì chúng ta đều đã trải qua hoạn nạn đau khổ”, “Chúng ta có cùng tấm lòng mà”.

Nguồn : YONHAPNEWS
Nguồn : YONHAPNEWS
“Nơi đó (Nhà thổ) không phải là nơi sinh sống của con người mà là cái lò sát sinh.” (Lời viết trên tấm bia tưởng nhớ những phụ nữ mua vui trong Thế chiến II tại hạt Bergen, Mỹ).
“Tổ quốc đã giành được độc lập nhưng chúng ta vẫn chưa được giải phóng hoàn toàn. Chúng ta vẫn sống trong những ký ức chiến tranh.” (Phiên tố cáo tội ác chiến tranh diễn ra tại Đại học bách khoa Berlin, Đức)
“Chúng tôi đã bị cưỡng chế đi mà họ (Nhật Bản) lại nói chúng tôi nhận tiền để làm công việc đó. Nếu vậy chắc chắn tôi đã kiếm được rất, rất nhiều tiền rồi. Nhưng hãy nhìn tôi mà xem.” (Phiên tố cáo tội ác chiến tranh tại Đại học bách khoa Kyoto, Nhật Bản)

Trên đây là lời chứng của cụ bà Lee Ok-seon (88 tuổi) tại nước ngoài. Cụ đã bị ép trở thành phụ nữ mua vui cho lính Nhật từ năm 14 tuổi vào thời điểm đang diễn ra Thế chiến II. Sau khi đế quốc Nhật bại trận, do Nhật Bản bỏ rơi những phụ nữ này, cụ Lee Ok-seon cũng không trở về nước mà đã ở lại Trung Quốc cho đến năm 2000. Khi đặt chân trở về quê hương, tên của bà bị xóa khỏi hộ khẩu, bị đăng ký là người đã chết.

Mặc dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng từ năm 2002 bà Lee Ok-seon đã không quản ngại tuổi cao bệnh nặng đặt chân đến mọi nơi trên thế giới để nói lên sự thật lịch sử, tiếp tục chặng đường không mệt mỏi đấu tranh vì nhân quyền.

Giáo hoàng Francis an ủi những nạn nhân bị cưỡng ép làm “phụ nữ mua vui”

Tháng 8 năm 2014, vào ngày cuối cùng trong chuyến thăm Hàn Quốc, Đức Giáo hoàng Francis đã chủ trì Thánh lễ cầu cho hòa bình và hòa giải tại Nhà thờ lớn Myeongdong ở trung tâm thành phố Seoul và khách mời đặc biệt là những cụ bà nạn nhân nô lệ tình dục trong Thế chiến II. Trong ngày này, Giáo hoàng đã trao từng chuỗi tràng hạt và an ủi những nạn nhân của chiến tranh này.

Nguồn : KBS NEWS