Sự thật
về những nô lệ tình dục
cho lính Nhật

Cụm từ “phụ nữ bị ép mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến II” trong tiếng Nhật được gọi là “phụ nữ giải khuây” hoặc “phụ nữ an ủi”, chỉ những người phụ nữ bị bóc lột và phải làm việc như nô lệ tình dục trong các nhà thổ do quân Nhật thiết lập. Chính phủ Nhật đã lập ra hệ thống nhà thổ từ năm 1932 và cưỡng ép phụ nữ của các khu vực thuộc địa phục vụ cho lính Nhật.

Khác với những hành vi hiếp dâm trong chiến tranh, đây có thể coi là một hình thức bạo lực tình dục có hệ thống do Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, bắt ép phụ nữ của các thuộc địa nhằm cung cấp nô lệ tình dục cho các quân nhân. Trong lịch sử chưa từng có một quốc gia hay thể chế nào lại thiết lập hẳn một hệ thống cưỡng chế, cung cấp phụ nữ làm nô lệ tình dục phục vụ các quân nhân như đế quốc Nhật đã làm.

Nhà thổ được quân đội Nhật Bản lập ra lần đầu tiên vào năm 1932, và sau đó lần lượt được thiết lập thêm tại các vùng đất bị chiếm đóng ở khu vực Thái Bình Dương như Trung Quốc, Indonesia, Singapore, Papua New Guinea, Guam .v.v. cho đến khi đế quốc Nhật thảm bại vào ngày 15/8/1945. Các nhà thổ của quân Nhật chỉ giới hạn ở đất Trung Quốc vào đầu những năm 1930, nhưng khi chiến tranh lan rộng, các nhà thổ này đã lần lượt được mở rộng ra khu vực Thái Bình Dương và Đông Nam Á, chịu sự quản lý, giám sát trực tiếp của quân đội Nhật, và thậm chí còn phải dời đi theo mỗi khi quân Nhật chuyển sang chiếm đóng vùng khác.


Hội thiếu nữ ở xã Doam gồm cả các bé gái

Những thiếu nữ trong độ tuổi 12 đến 16 viếng thăm ngôi đền trước khi bị bắt đi làm nô lệ tình dục cho lính Nhật (1944)

Nhà thổ đầu tiên của lính Nhật được lập ở Thượng Hải (Trung Quốc)

Điểm ăn chơi giải trí dựng bằng gỗ của lục quân Thượng Hải

Đối tượng phụ nữ bị cưỡng ép vào các nhà thổ tương đối đa dạng, từ các bé gái vị thành niên hơn 10 tuổi đến những phụ nữ đã kết hôn gần 30 tuổi. Họ bị đưa vào nhà thổ bằng nhiều hình thức như bị bắt cóc rồi bị bán đi hoặc bị lừa khi đi xin việc, hoặc bị binh lính, cảnh sát triệu tập cưỡng chế. Những phụ nữ này bị đưa ra nước ngoài bằng các phương tiện vận chuyển chuyên dụng của quân đội.

Trong phiên tòa xét xử các tội phạm chiến tranh Nhật Bản diễn ra ở Trung Quốc vào năm 1956, Trung tướng Suzuki Hiraku đã tự thú rằng có việc bắt cóc một số phụ nữ Trung Quốc và phụ nữ trên bán đảo Hàn Quốc để đưa họ vào nhà thổ. Rồi đến tháng 7 năm 2007, tại Kyoto (Nhật Bản), một thông dịch viên từng làm việc tại Ty hiến binh của lục quân tên là Takashi Nagase (89 tuổi) cũng đứng ra làm chứng rằng: “Tất cả các phụ nữ mua vui người Joseon đều bị chất lên các tàu chiến để đưa đi”.

Tổng số phụ nữ mua vui bị quân Nhật bắt đưa đi không hề được công khai trong bất cứ văn tự giấy tờ nào của Chính phủ Nhật Bản, nhưng theo các nhà nghiên cứu ước tính có thể lên tới 200.000 người.


Quy định điều hành nhà thổ do Bộ Hậu cần của quân đội Nhật quản lý (1938)

Lính Nhật đang xếp hàng đợi đến lượt ở bên ngoài điểm mua vui

Lính Nhật đang xếp hàng đợi đến lượt ở nhà thổ

Phòng ở của các “phụ nữ ép buộc mua vui cho binh lính Nhật”

Những phụ nữ mua vui bị xem như món hàng thỏa mãn nhu cầu tình dục của binh lính Nhật. Từ lúc bị bắt vào nhà thổ, họ chưa từng nhận được một sự tôn trọng nào với tư cách một con người hoặc với tư cách một người thuộc nữ giới, thậm chí còn không được phản kháng bất cứ hành vi xâm hại tình dục nào của binh lính Nhật. Có ngày họ phải tiếp đến hàng chục người đàn ông và bị xem như một thứ đồ chơi. Người nào dám chống đối sẽ bị tra tấn, bị đâm bằng dao hoặc các loại hung khí khác


Những “phụ nữ mua vui” đi kiểm tra bệnh về đường sinh dục

Dụng cụ để chẩn đoán bệnh về đường sinh dục

Những “phụ nữ mua vui” bị chở ra xe tải của quân Nhật khi mặt trận bị đẩy lùi

Những nô lệ tình dục bị cưỡng chế mua vui tại nhà thổ

Chiến tranh kết thúc, quân Nhật bại trận, Nhật Bản đã bỏ lại sau lưng những phụ nữ mua vui. Những người này bị bỏ lại trên những vùng đất xa lạ, trở thành những tù binh của quân Đồng minh rồi được đưa trở về cố quốc hoặc họ tự trở về. Nhưng một phần lớn trong số này đã phải gửi thân nơi đất khách quê người hoặc thậm chí tự sát.

Những người có can đảm trở về tổ quốc thì lại phải đối mặt với những nỗi đau khác. Họ che giấu thân phận hoặc bị người thân, bị hàng xóm xa lánh. Có những người đã lâm vào cảnh nghèo khổ cùng cực và không thể lập gia đình được. Nhiều người trong số họ đã sống trong sự mặc cảm, đau đớn cả về thể xác và tinh thần bởi kiếp đời nô lệ tình dục trước kia.


Thi thể của những “phụ nữ mua vui” bị lính Nhật sát hại trước khi được đem đi chôn (9/1944)

Tranh minh họa vụ thảm sát “phụ nữ mua vui” ở Papua New Guinea

Những “phụ nữ mua vui” bị bỏ lại sau khi chiến tranh kết thúc

Những “phụ nữ mua vui” được quân đội Trung Quốc và Mỹ bảo vệ tại vùng biên giới giữa Trung Quốc và Myanmar (8/1944)
Nguồn: Thư viện lịch sử điện tử về phụ nữ bị ép mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến II