Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Những thay đổi của phát thanh viên truyền hình tại Bắc Triều Tiên

2022-07-06

ⓒ YONHAP News

Giọng nói trang nghiêm nhưng phấn khích này là của phát thanh viên truyền hình người Bắc Triều Tiên Ri Chun-hee, người được truyền thông nước ngoài đặt cho biệt danh là "Pink Lady" vì thường xuyên mặc áo Jeogori màu hồng khi lên sóng. Người ta thậm chí còn đồn rằng khi “quý bà màu hường” xuất hiện là lúc mọi người phải lo lắng. Các phát thanh viên của miền Bắc, tiêu biểu là bà Ri Chun-hee, gần đây đã có nhiều thay đổi. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những thay đổi của phát thanh viên truyền hình Bắc Triều Tiên cùng ông Kim Seung, giáo sư khoa Nội dung văn hóa trường Đại học Konkuk.

 

Gần đây, phát thanh viên miền Bắc Ri Chun-hee thường xuất hiện ở những sự kiện bất ngờ, chẳng hạn như lễ hoàn công dự án xây dựng nhà bậc thang bên sông Pothong, Bình Nhưỡng vào ngày 13/4 vừa qua, thời điểm trước ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 110 của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành.

Bắc Triều Tiên thường trao tặng những ngôi nhà sang trọng ven sông Pothong cho những người có công với đất nước, trong đó có phát thanh viên kỳ cựu như bà Ri Chun-hee. Bà Ri vốn là một nhân vật quen thuộc với người dân Hàn Quốc vì là người đã đưa tin về Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên vào năm 2000 và sự ra đi của cố Chủ tịch Kim Jong-il vào năm 2011.

 

Đã từng có tin đồn về việc bà Ri Chun-hee nghỉ hưu, nhưng sau đó bà vẫn xuất hiện trong các thông cáo báo chí lớn của Bắc Triều Tiên, chẳng hạn như phát biểu gọi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là “ông già điên” mà Chủ tịch Kim Jong-un đưa ra vào tháng 9/2017.

Có thể thấy bà Ri Chun-hee chính là bộ mặt của ngành phát thanh truyền hình Bắc Triều Tiên trong 50 năm qua.

 

Dù tuổi đã cao, bà Ri Chun-hee vẫn đảm nhận công việc phát thanh viên nhờ kỹ thuật nói chuyện độc đáo, khả năng truyền tải tuyệt vời và giọng điệu hô hào khiến người khác không thể cưỡng lại. Tại lễ duyệt binh diễn ra vào ngày 9/9 năm ngoái, máy quay đã ghi lại được hình ảnh bà Ri Chun-hee chạm vào vai Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un và thì thầm vào tai ông Kim. Việc tiếp xúc thân thể với nhà lãnh đạo tối cao là một vấn đề lớn tại miền Bắc, cho thấy địa vị của bà Ri tại nước này.

 

Bắc Triều Tiên đã và đang tích cực sử dụng các phát thanh viên truyền hình để tuyên truyền và bảo vệ thể chế. Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành cũng từng điều động gấp các phát thanh viên trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Ngay cả khi lực lượng Hàn Quốc và Liên hợp quốc chiếm đóng Bình Nhưỡng, các phát thanh viên truyền hình Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục các hoạt động tuyên truyền trên tiền tuyến.

 

Bắc Triều Tiên đã chú ý đến các hoạt động tuyên truyền kể từ những ngày đầu của chính quyền, đến mức nước này đã mở một xưởng phim trước cả khi thành lập thể chế quốc gia. Trong bối cảnh đó, miền Bắc đã nhận ra và vận dụng vai trò của phát thanh truyền hình trong chiến tranh Triều Tiên. Có thể nói các phát thanh viên đã tích cực tham gia vào việc tuyên truyền chủ nghĩa cách mạng lạc quan về chiến tranh và lan truyền điều này trong hệ thống cộng sản, đồng thời đóng vai trò phát ngôn cho các hoạt động tuyên truyền đó.

 

Bắc Triều Tiên có các kênh truyền hình như Đài truyền hình Mansudae, Đài truyền hình Ryongnamsan, Đài truyền hình thể thao và Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV). Trong đó, KCTV là kênh truyền hình quốc gia tổng hợp duy nhất của nước này, được thành lập vào năm 1963 với tên gọi Đài truyền hình Bình Nhưỡng. Cơ quan này cũng có rất ít phát thanh viên nên tỷ lệ cạnh tranh rất gay gắt.

 

Từ tháng 12/2017, KCTV bắt đầu sản xuất video chất lượng HD và định dạng phát sóng cũng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nơi đây cũng áp dụng các kỹ thuật quay phim mới, sử dụng máy bay không người lái và máy quay với nhiều chức năng đa dạng, cũng như ứng dụng kỹ thuật đồ họa ba chiều chưa từng thấy trước đây. Kỹ thuật sản xuất cũng đã thay đổi đáng kể, phát thanh viên tới trực tiếp hiện trường thay vì tường thuật tại studio. Đặc biệt, các chương trình tin khẩn cũng đã được sản xuất. Chẳng hạn, năm 2020, KCTV đã lần đầu tiên ngừng phát sóng đột ngột các chương trình thường ngày để đưa tin khẩn về cuộc đổ bộ của các cơn bão Bavi, Maysak and Haishen gần như theo thời gian thực.

Vào thời điểm đó, một số phát thanh viên đã được cử đến các vùng tâm bão, đi vào những con đường ngập lụt và đưa tin trực tiếp từ hiện trường trong hoàn cảnh với gió giật mạnh làm ô bị lật ngược. Trước đó, việc các phát thanh viên truyền hình dầm mình trong mưa bão là những cảnh tượng hiếm thấy tại Bắc Triều Tiên.

 

Khi một cơn bão đổ bộ vào Bắc Triều Tiên năm 2020, Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên đã phát sóng liên tục 24/24 giờ trong ngày. Các phát thanh viên đã được cử đến các khu vực tâm bão để đưa tin tại hiện trường. Mặc dù không thể đưa tin theo thời gian thực như Hàn Quốc, KCTV đã truyền tải tin tức về thiên tai đến người dân khá nhanh, chỉ chậm hơn một giờ. Việc đưa tin về thiệt hại do thiên tai một cách nhanh chóng là một sự thay đổi đáng chú ý, đặc biệt đối với một quốc gia xã hội chủ nghĩa như miền Bắc. Thay vì chỉ quan tâm đến thể diện quốc gia như trước đây, nước này đã tập trung hơn vào sự an toàn của người dân. Qua đó, có thể thấy các chính sách thử nghiệm dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un cũng đang được mở rộng qua lĩnh vực phát sóng.

 

Bên cạnh đó, khi Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên phát sóng về lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm ngày thành lập đảng Lao động hồi tháng 10 năm 2020, các phát thanh viên đã được bố trí ở từng khu vực của đoàn xe để đưa tin về sự kiện. Việc các phát thanh viên được cử đến đưa tin về sự kiện quần chúng lớn là một việc làm hiếm thấy tại miền Bắc.

 

Ở Bắc Triều Tiên, duyệt binh là một sự kiện chính trị quan trọng nhằm phô trương lực lượng vũ trang cách mạng của đất nước với người dân trong và ngoài nước. Việc các phát thanh viên truyền hình trực tiếp đưa tin về sự kiện quan trọng này tại hiện trường đã góp phần truyền tải bầu không khí sống động, rũ bỏ phong cách trình bày tin tức cứng nhắc và hạn chế thu âm thanh thực thường thấy trước đây. Động thái thay đổi hình thức phát sóng truyền hình này cho thấy miền Bắc có chiến lược thu hút sự đồng cảm từ người dân. Dù có kịch bản hay không thì những bản tin hiện trường này cũng đã cho thấy một sự thay đổi lớn trong ngành truyền hình Bắc Triều Tiên.

 

Cùng với xu hướng ngày càng có nhiều bản tin được thực hiện ngoài trời, các phát thanh viên tài năng bắt đầu thu hút sự chú ý của công chúng giống như những người nổi tiếng, tương tự như cụm từ “nghệ sĩ phát thanh viên” được sử dụng tại Hàn Quốc là sự kết hợp của “nghệ sĩ” và “phát thanh viên”. Phát thanh viên Kim Song-gwang là một trường hợp tiêu biểu. Trái ngược với hình ảnh sắc sảo thường thấy khi lên sóng, trong một chương trình khác, phát thanh viên này đã thể hiện sự thân thiện của mình khi trò chuyện với một người dân đang trên đường đưa chú chó của mình đến hội thi đánh giá dành cho những chú chó Pungsan. Phát thanh viên Kim có khả năng tạo ra bầu không khí thân thiện ở bất cứ nơi nào anh đặt chân đến.

 

Đây là một đoạn phim ghi lại cảnh phát thanh viên Bắc Triều Tiên Choi Hyo-song chào một chú vẹt ở sở thú. Ông Choi cũng là một “nghệ sĩ phát thanh viên” tiêu biểu ở miền Bắc, được cả người dân miền Bắc không phân biệt giới tính, tuổi tác biết đến nhờ lối dẫn tự nhiên, ngoại hình sáng và những câu nói dí dỏm. Phát thanh viên Choi cũng chính là người dẫn chương trình cho Bắc Triều Tiên trong Buổi biểu diễn chung vì hợp tác hòa bình liên Triều tại Bình Nhưỡng hồi tháng 4 năm 2018.

 

Khi nhắc đến những phát thanh viên nổi tiếng tại Bắc Triều Tiên thì không thể không nhắc tới Kim Un-jong. Bà Kim xuất thân là diễn viên và từng đảm nhận vai con gái của nhân vật chính trong bộ phim nghệ thuật mang tên “Đường sinh mệnh” vào năm 2009. Việc một nữ diễn viên chuyển sang làm phát thanh viên ở miền Bắc là chuyện hiếm thấy vì nước này ít cho phép người dân chuyển đổi công việc. Bà Kim Un-jong xuất hiện không chỉ trên các chương trình tin tức mà còn trên nhiều chương trình đa dạng, chẳng hạn như làm phụ bếp trong chương trình nấu ăn.

Khi khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Yangdok (huyện Yangdok, tỉnh Nam Pyeongan) mở cửa, phát thanh viên Kim Un-jong đã đến trực tiếp, ngâm mình trong suối nước nóng và kể lại trải nghiệm này cho người xem một cách sống động. Không còn mặc trang phục truyền thống Hanbok hoặc bộ âu phục trang nhã thường thấy của các phát thanh viên, bà Kim đã thu hút sự chú ý khi khoác lên mình chiếc váy một mảnh màu tím đỏ.

 

Bằng những ví dụ trên, có thể thấy những “nghệ sĩ phát thanh viên” của Bắc Triều Tiên đang đi đầu trong việc mang lại sự thay đổi trong ngành phát thanh truyền hình của nước này.

 

Sự xuất hiện của “nghệ sĩ phát thanh viên” tại Bắc Triều Tiên cho thấy một trong những đặc trưng trong chính sách này dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un là củng cố “tính nhân dân”, hay còn được Hàn Quốc gọi là “tính thông tục”, “tính đại chúng”. Phát thanh viên có thể được coi là người lính xung kích trên mặt trận phát thanh truyền hình, với nhiệm vụ đem đến những nội dung gần với mong muốn của người dân nhiều nhất có thể.

Ngoài ra, nếu như trước đây các chương trình của miền Bắc thường hạn chế tiếng hiện trường trong nội dung phát sóng, thay thế bằng nhạc nền, thuyết minh hoặc hiệu ứng âm thanh được định sẵn, thì ngày nay, các đài truyền hình nước này đang dần dần sản xuất nhiều chương trình đa dạng sử dụng chính âm thanh tại hiện trường. Những thay đổi này đã và đang dần được xuất hiện kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền và được dự báo sẽ còn sớm được mở rộng trước những thay đổi lớn của thời đại ngày nay.

 

Gần đây, ngày càng có nhiều bản tin của Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên đính kèm tên của người sản xuất bản tin, phản ánh sự quan tâm của công chúng đối với thông tin cá nhân của các phát thanh viên hoặc phóng viên.

Có thể thấy Bắc Triều Tiên không chỉ đa dạng hóa phương thức phát sóng, mà còn thay đổi đáng kể vai trò của các phát thanh viên. Chúng ta hãy cùng chờ xem liệu những thay đổi này có thể ảnh hưởng như thế nào đến nội dung phát sóng của miền Bắc.

Tin mới nhất