Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chương trình đặc biệt

Chuyên mục đặc biệt nhân lễ nhậm chức của tân tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye “Thời đại hạnh phúc toàn dân”

2013-02-25

Ngày 25/2 vừa qua, chính phủ thứ 18 của Hàn Quốc đã chính thức ra mắt quốc dân với vị nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Đại Hàn Dân Quốc – bà Park Geun-hye. Bà Park cũng là vị tổng thống đầu tiên thu hút quá bán số phiếu ủng hộ của toàn dân kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu tiến hành các cuộc bầu cử trực tiếp vào năm 1987. Trong buổi lễ nhậm chức, tân tổng thống đã tuyên thệ trước nhân dân rằng sẽ nỗ lực cùng chính phủ mới mang lại “hạnh phúc cho toàn dân” trong suốt nhiệm kỳ của mình.



[Chủ nghĩa cục bộ địa phương - rào cản cho sự phát triển của Hàn Quốc]

Hàn Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới từ chỗ là một nước phải nhận viện trợ đã vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế với thu nhập bình quân đầu người là 20.000 USD, quy mô giao dịch thương mại đạt hơn 1000 tỷ USD, đứng thứ 7 trên thế giới và thậm chí còn tham gia viện trợ cho các quốc gia kém phát triển hơn. Nhưng Hàn Quốc cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, trong đó phải kể đến những mâu thuẫn nghiêm trọng giữa các thế hệ, các ý niệm, các khu vực và các tầng lớp xã hội thể hiện trong cuộc bầu cử vừa qua. Nói một cách cụ thể hơn, sự bất bình đẳng và mâu thuẫn khu vực chính là rào cản lớn cho việc tiến tới một kỷ nguyên hòa hợp dân tộc. Bởi vậy, việc hóa giải những mâu thuẫn đó để thực hiện mục tiêu hòa hợp dân tộc được xem là vấn đề ưu tiên hàng đầu của chính phủ Tổng thống Park Geun-hye.

Sự thành lập chính phủ mới đã khơi dậy trong toàn thể nhân dân Hàn Quốc ước vọng về một kỷ nguyên mới hòa hợp dân tộc, cùng chung tay xây dựng đất nước. Họ đã cùng nhau tụ tập trước trụ sở của Ủy ban chuyển giao chính quyền chính vào sáng hôm 25/2 để thể hiện mong muốn cháy bỏng đó.

Sự kỳ vọng của nhân dân cũng chính là trách nhiệm lớn của chính phủ mới. Cuộc bầu cử vừa qua đã để lại một vết thương cho nền chính trị Hàn Quốc và nếu không giải quyết được mâu thuẫn đã phát sinh thì hiển nhiên sẽ không thể hy vọng về một thời đại mới hòa hợp dân tộc được. Theo các chuyên gia, để giải quyết tận gốc vấn đề này thì phải cải thiện chế độ chính trị hiện nay ở Hàn Quốc. Cụ thể, quan điểm tỉnh Gyeongsang, phía Đông Nam Hàn Quốc được cho là cái nôi của đảng cầm quyền Thế giới mới và tỉnh Jeolla, phía Tây Nam Hàn Quốc được ví là thánh địa chính trị của đảng Dân chủ thống nhất cần phải bị phá bỏ. Từ đó, hai đảng lớn nhất này phải cùng nhau chia sẻ, chung tay vì sự phát triển giàu mạnh của đất nước cũng như sự phát triển đồng đều giữa các vùng, miền.

[Chính phủ mới đề cao chính sách phúc lợi xã hội, dân sinh]

Thách thức lớn nhất hiện nay của tân tổng thống Hàn Quốc là đạt được mục tiêu về công bằng kinh tế và thực hiện đầy đủ các cam kết tranh cử về các vấn đề dân sinh và phúc lợi xã hội. Được biết, trong số 10 cam kết của bà Park trước cử tri thì có đến 7 điều liên quan tới mở rộng các chương trình phúc lợi xã hội, dân sinh cho người dân. Đặc biệt, các cam kết phúc lợi xã hội của tân tổng thống được đánh giá rất cao nhờ tính thực tế và cấp tiến. Các chính sách của bà được tùy chỉnh cho phù hợp với từng đối tượng, từng giai đoạn cuộc đời để từ trẻ em đến người già đều được hưởng lợi từ đó. Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, trong tình hình Hàn Quốc hiện nay, vấn đề việc làm và phúc lợi xã hội nên song hành với nhau. Trên quan điểm đó, Hàn Quốc cần tạo ra nhiều việc làm có chất lượng hơn nữa. Và để làm được điều đó thì bộ ba người lao động, chủ sở hữu lao động và chính phủ cần phải thỏa hiệp và chấp nhận hy sinh một phần lợi ích của mình.

[Vấn nạn việc làm ở Hàn Quốc]

Một vấn đề gây đau đầu cho các nhà chức trách của Hàn Quốc hiện nay chính là tình trạng thất nghiệp của thanh niên. Tính đến tháng 1 vừa qua, số người có bằng đại học nhưng chưa có việc làm ở Hàn Quốc đã đạt kỷ lục là 3,04 triệu người. Một phần tư trong đó, tương đương 760 nghìn người, là thanh niên dưới 30 tuổi. Và người ta cho rằng con số thực tế thậm chí còn có thể lên tới 1 triệu người. Thiếu việc làm không chỉ là vấn đề của thế hệ trẻ mà còn là của thế hệ những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số (1955-1963) và vừa bước vào tuổi nghỉ hưu. Hiện ở Hàn Quốc có khoảng 7,2 triệu người sinh ra ở thời kỳ bùng nổ dân số và họ đã bắt đầu nghỉ hưu từ năm 2010. Nhiều người trong số họ không lập kế hoạch kỹ trước khi nghỉ hưu nên buộc phải tìm kiếm việc để tự nuôi sống bản thân nhưng chỉ 30% trong số họ thành công. Trước thực tế đó, nhiều người sau khi nghỉ hưu đã phải nghĩ tới việc tự kinh doanh, nhưng kinh doanh không hề đơn giản nếu không có nguồn vốn lớn hoặc khả năng quản lý tốt. Vì thế nhiều người trong số họ đã tham gia vào thị trường bán lẻ hoặc kinh doanh nhà hàng, khiến cho thị trường này vốn đã bão hòa nay càng trở nên cạnh tranh gay gắt hơn, dẫn đến nhiều trường hợp phải phá sản.



[Doanh nghiệp vừa và nhỏ - chìa khóa giải quyết vấn nạn việc làm]

Như vậy, tự kinh doanh không phải là giải pháp cho vấn đề thiếu việc làm. Nhưng liệu chúng ta còn có thể tìm được giải pháp hiệu quả nào hơn không?
Câu trả lời cho vấn đề trên nằm ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện chiếm khoảng 99% số doanh nghiệp và tạo ra 88% số lượng việc làm ở Hàn Quốc.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là hy vọng cho thị trường lao động hiện nay. Nhờ hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp này có thể tạo ra rất nhiều việc làm mới. Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng chính phủ nên hỗ trợ bằng cách tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đó phát triển, nhằm tạo ra nhiều việc làm hơn nữa.

Nhận thức được vấn đề này, tân tổng thống Park Geun-hye cũng đã cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa về nguồn nhân lực, hoạt động nghiên cứu và phát triển cũng như xúc tiến thâm nhập ra nước ngoài .v.v. Ngoài những biện pháp hỗ trợ chính, hiện nhiều chuyên gia còn kiến nghị lên chính phủ mới một loạt biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khác như bảo vệ các doanh nghiệp này khỏi tầm kiểm soát của các tập đoàn hoặc thậm chí tăng lương cho người lao động trong doanh nghiệp vừa và nhỏ tương đương với mức lương của các tập đoàn lớn để thu hút nhân lực. Người ta hy vọng thông qua đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tăng trưởng nhanh chóng, tạo ra nhiều việc làm hơn, theo đó thu nhập của người dân sẽ được nâng cao và nền kinh tế địa phương cũng được tạo đà phát triển mạnh. Chỉ có như vậy thì mới có thể đẩy mạnh được nền kinh tế nội địa Hàn Quốc, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng hiện tại và tiếp tục đà tăng trưởng.

[Tăng cường các biện pháp bảo đảm quyền lợi người lao động]

Chính sách lao động của tân tổng thống Park Geun-hye khiến nhiều người trong đó có cả phe cấp tiến phải ngạc nhiên. Bà cam kết tạo thêm nhiều việc làm bằng cách thiết lập một “nền kinh tế sáng tạo”, ổn định thị trường việc làm bằng cách giữ nguyên số lượng việc làm hiện tại và nâng cao chất lượng việc làm. Tuy vậy, vẫn có những thách thức không nhỏ đang chờ đợi tân chính phủ.

Ngay sau cuộc bầu cử tổng thống, 5 công dân trong đó có một nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động đã tự tử hoặc đột tử. Người ta cho rằng nguyên nhân đưa đến cái chết của họ là do thất vọng về kết quả bầu cử vì nghĩ rằng chính phủ mới sẽ không phục vụ quyền lợi người lao động như trước. Trước đây, vào năm 1998, để khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính, Hàn Quốc đã ban hành một đạo luật cho phép các công ty sa thải nhân viên hàng loạt. Với đạo luật này, hàng loạt công nhân đã bị mất việc với lý do “để thị trường lao động linh hoạt hơn”. Sự kiện liên quan tới hãng ô tô Ssangyong là minh chứng rõ ràng cho thấy hậu quả nặng nề của việc sa thải hàng loạt. Năm 2005, Tổng công ty công nghiệp ô tô Thượng Hải đã mua lại hãng ô tô Ssangyong của Hàn Quốc với cam kết sẽ đầu tư 1,2 nghìn tỷ won (gần 1,1 tỷ USD). Nhưng thực tế không có gói đầu tư nào được thực hiện và cuối cùng công ty Ssangyong vốn đang nợ nần chồng chất đã quyết định sa thải một lúc 2.646 công nhân vào năm 2009. Sự việc này đã dẫn tới cuộc đình công kéo dài 77 ngày do các nhân viên của Ssangyong tổ chức, khiến 24 người gồm cả công nhân và người thân của họ tự tử hoặc đột tử vì trầm cảm kéo dài cộng với gánh nặng tài chính. Những người vượt qua được giai đoạn đó thậm chí bây giờ vẫn thấy đau đớn khi nói về quá khứ. Vào tháng 1/2013, Ssangyong đã quyết định sẽ đưa 455 công nhân bị nghỉ việc không lương quay trở lại làm việc bắt đầu từ ngày 1/3. Như vậy, những công nhân này đã được trở lại nơi làm việc sau đúng 3 năm 7 tháng. Mặc dù vẫn còn 1904 người nghỉ hưu sớm và 159 công nhân bị sa thải không nằm trong danh sách này, nhưng hành động này của Ssangyong là rất đáng khen và có thể trở thành động lực thúc đẩy các doanh nghiệp khác chung tay giải quyết vấn đề lao động của xã hội Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, việc tăng số lượng lao động chính thức và giảm số lao động không chính thức cũng là một vấn đề được đặc biệt chú ý. Theo một cuộc điều tra của Cục Thống kê quốc gia, tính đến tháng 8 năm ngoái, Hàn Quốc có 5,91 triệu người lao động tạm thời, chiếm 33,3% tổng số người có việc làm trên cả nước. Nếu tính cả những việc như gia sư hay vận chuyển hàng hóa thì con số này sẽ tăng lên đến 8,42 triệu người, chiếm 47,5%. Như vậy là gần một nửa số người lao động trên cả nước không có việc làm ổn định. Việc từ nhân viên tạm thời trở thành nhân viên chính thức sẽ giúp người lao động ổn định thu nhập và nhờ đó, sức tiêu thụ hàng hóa cũng tăng lên. Một số nơi, đặc biệt là thành phố Seoul đang bước đầu thực hiện rất tốt điều này. Tính đến tháng 5 năm 2012, đã có 1133 người lao động bán thời gian ở Seoul trở thành nhân viên chính thức và đến tháng 1 vừa qua, lại có thêm 159 người nữa nằm trong danh sách này. Hiện nay, làn sóng chuyển đổi lao động từ không chính thức sang chính thức đang lan rộng đến nhiều địa phương và doanh nghiệp khắp cả nước.

[Kỳ vọng của người dân đối với chính phủ mới]

Ngày 21/2, chỉ 4 ngày trước lễ nhậm chức tổng thống, Ủy ban chuyển giao chính quyền đã công bố danh sách 140 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong nhiệm kỳ 5 năm của bà Park Geun-hye. Danh sách là một minh chứng rõ ràng cho triết lý lãnh đạo của tổng thống: xây dựng thời đại hạnh phúc toàn dân. Tổng thống Park đã liên tục nhấn mạnh bà sẽ thực hiện tất cả những điều đã cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình. Liệu bà có thực hiện được tất cả những điều đó hay không thì còn cần thời gian để chứng minh. Nhưng theo một số chuyên gia trong lĩnh vực chính trị, thì tân tổng thống là một người luôn tuân thủ những nguyên tắc của mình và luôn trọng lời hứa trong suốt 15 năm bà tham gia chính trường. Chính bà đã nói rằng chỉ công bố các nhiệm vụ là chưa đủ, mà chính phủ cần đưa ra một lộ trình hành động rõ ràng để kêu gọi mọi người cùng tham gia. Dẫu sao người dân hẳn sẽ muốn thấy được kết quả từ các chính sách của chính phủ mới ngay trong 6 tháng đầu nhiệm kỳ. Nếu không, các chính sách đó coi như vô tác dụng. Và vì vậy, có lẽ tân tổng thống cùng nội các của mình sẽ phải khẩn trương biến các kế hoạch thành hành động ngay khi tuyên thệ nhậm chức. Hãy cùng chúc cho những mục tiêu của tân chính phủ Hàn Quốc sớm trở thành hiện thực để mong muốn của người dân Hàn Quốc về một nền chính trị trong sạch, minh bạch, một đất nước hòa hợp, một đời sống hạnh phúc, ấm no và ổn định sẽ không còn là ước mơ xa vời.

Lựa chọn của ban biên tập