Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chương trình đặc biệt

Thành phố cảng Incheon, những bước chuyển mình vươn ra thế giới

2014-01-01



[Incheon từ khi hình thành đến khi mở cảng]



Địa danh Incheon xuất hiện trong sử sách cách đây khoảng 2.000 năm. Theo sử sách, Biryu - người con trai cả của thủy tổ Jumong, vị vua khai sinh ra quốc gia Goguryeo - đã mang theo tùy tùng rời Goguryeo để thành lập vương quốc mới. Ông chọn Michuhol (tên gọi cũ của Incheon) làm nơi định cư và mở ra lịch sử phát triển của vùng đất này. Tuy nhiên, tên gọi Incheon bắt đầu được sử dụng từ năm thứ 13 thời vua Thái Tông của vương triều Joseon, tức năm 1413. Lúc đầu Incheon được gọi là Inju (“Ju” là “Châu”, một đơn vị hành chính xưa) nhưng đến thời kỳ vua Thái Tông, các tên gọi “Châu” được đổi thành “San”, tức “Sơn” hoặc “Cheon”, tức “Xuyên”, tùy theo địa hình. Từ thời cổ đại, Incheon đã là trung gian kết nối bán đảo Hàn Quốc với thế giới bên ngoài thông qua đường biển. Bắt đầu từ thời kỳ Tam quốc là Gogoryeo, Baekjae và Silla đến thời kỳ Goryeo và sau đó là Joseon, thương cảng này không chỉ là nơi giao lưu buôn bán, mà còn trở thành quân cảng bảo vệ đất nước khỏi những kẻ xâm lược từ bên ngoài.

Đến gần cuối triều đại Joseon, các thế lực tư bản phương Tây thời bấy giờ tìm mọi cách vào được Joseon nhằm mở rộng thị trường thương mại. Năm 1875, chiến hạm Unyo đưa quân đội Nhật Bản đổ bộ xuống đảo Ganghwa, dẫn đến kết quả là Hiệp ước đảo Ganghwa được ký kết một năm sau đó, buộc triều đình Joseon phải mở cửa ba cảng là Wonsan ở phía Đông, Incheon ở phía Tây và Busan ở bờ biển phía Nam. Mặc dù việc mở cửa vào năm 1883 là kết quả của sự cưỡng ép nhưng sau đó, do đón nhận làn gió văn minh phương Tây nên Incheon đã nhanh chóng chuyển mình trở thành một thương cảng quốc tế lớn, mở ra giai đoạn mới trong lịch sử Hàn Quốc.

[Incheon mở cảng và trở thành “thành phố đầu tiên của Hàn Quốc”]



Ngay từ khi mới mở cửa cảng Incheon năm 1883, người Nhật Bản và người nhà Thanh (Trung Quốc) đã phân biệt rõ địa giới cư trú. Dần dần, nơi đây trở thành khu vực tập trung nhiều người nước ngoài đến làm ăn và sinh sống. Chính quyền đã thi hành chính sách quy hoạch đô thị để cho người nước ngoài thuê đất, nhằm giúp họ hình thành các khu định cư tự trị riêng. Đây chính là nguồn gốc của kế hoạch đô thị hóa theo mô hình phương Tây hiện nay.

Việc mở cửa đã biến cảng nhỏ Jemulpo (tên gọi cũ của cảng Incheon) trở thành một thương cảng quốc tế. Cảng Incheon được coi là cảng quan trọng nhất của Hàn Quốc vì nó nằm gần thủ đô Seoul và là nơi tập trung những cơ quan hải quan, hành chính cho phép mọi người từ khắp nơi trên thế giới có thể đến đây giao dịch buôn bán. Bên cạnh đó, tất cả các hoạt động kinh doanh ở bờ biển phía Tây của bán đảo Hàn Quốc đều thông qua cảng Incheon. Văn hóa phương Tây tràn vào với những công trình và tiện nghi hiện đại phục vụ cho đời sống con người, người dân Incheon học hỏi những kinh nghiệm mới và phổ biến đến những vùng miền khác của đất nước. Bởi vậy, có thể coi Incheon là nơi khởi đầu của quá trình hiện đại hóa đất nước Hàn Quốc.



[Incheon trong thời kỳ bán đảo Hàn Quốc bị Nhật Bản chiếm đóng]



Kể từ khi Hàn Quốc trở thành thuộc địa của Nhật Bản năm 1910, cảng Incheon từ thương cảng quốc tế đã trở thành cửa ngõ kiểm soát thuộc địa. Nó đã trở thành nơi trung gian để Nhật Bản chứa ngũ cốc và các loại hàng hóa khác trước khi vận chuyển ra khỏi Hàn Quốc. Sau khi xâm chiếm bán đảo Hàn Quốc, thực dân Nhật bắt đầu đầu tư mạnh vào khu có người Nhật sinh sống. Kết quả là Incheon không còn trông giống như một thành phố của Hàn Quốc, mà đã trở thành một phần của Nhật Bản với tên gọi phủ Incheon.

Năm 1945, Nhật Bản đầu hàng quân đồng minh. Tuy nhiên, “Triều Tiên nổ ra vào năm 1950 đã tàn phá không chỉ Incheon mà toàn bộ đất nước Hàn Quốc. Hầu hết các tòa nhà, các cơ sở hạ tầng như đường sắt, bến cảng và các nhà máy bị tàn phá. Người Hàn đã phải đổ rất nhiều mồ hôi và cả máu để phục hồi thành phố cảng. Thực phẩm rất khan hiếm, đến mức bột và sữa bột chỉ được cung cấp ba ngày một lần ở các trường tiểu học.

[Incheon trong quá trình công nghiệp hóa]



Nhằm tái thiết đất nước, Chính phủ Hàn Quốc đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa theo định hướng xuất khẩu vào những năm 1960. Các cụm công nghiệp quốc gia quy mô lớn như khu công nghiệp Bupyeong và khu công nghiệp Juan ở thành phố Incheon ra đời. Incheon được chọn làm nơi xây dựng các cụm công nghiệp này là do vị trí địa lý rất thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu và có những bãi triều lớn và khá nông, có thể tận dụng để lấn biển, xây dựng các nhà máy.

Mặc dù bị chiến tranh tàn phá, nhưng sau đó Incheon đã lấy lại phong độ cùng với quá trình công nghiệp hóa, phát triển mạnh mẽ thành một đô thị công nghiệp. Các công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng lại, những dự án tái thiết lớn như dự án xây dựng đường cao tốc Gyeongin nối Seoul-Incheon và bến neo tàu thứ hai tại cảng Incheon được thi hành. Kết quả, năm 1977, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc vượt ngưỡng 10 tỷ USD, trong đó thành phố Incheon, nơi chỉ chiếm 3% dân số cả nước, đã sản xuất ra 11% lượng hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, việc xây dựng tuyến đường cao tốc Gyeongin còn tạo ra những tác động phụ mà người ta gọi là “hiệu ứng ống hút”, tức là Incheon đóng vai là thành phố phụ trợ thủ đô Seoul vì người dân thành phố này đi làm tại Seoul và việc kinh doanh tại Incheon bị Seoul lấn lướt.

Năm 1990, Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Bang Nga và Trung Quốc. Kể từ đó, tầm quan trọng của Incheon với vai trò là một cảng biển được chú ý nhiều hơn. Incheon vươn lên cấp hành chính thành phố trực thuộc trung ương vào năm 1981, sau đó sát nhập với huyện Ganghwa và huyện Ongjin thuộc tỉnh Gyeonggi vào năm 1995. Tới nay, Incheon có tổng diện tích là 1.032,41 km2, với gần 3 triệu dân, là thành phố có dân số lớn thứ ba trên cả nước sau Seoul và Busan.

[Sân bay quốc tế Incheon và diện mạo mới của Incheon trong thế kỷ XXI]



Năm 2001, với việc sân bay quốc tế Incheon chính thức mở cửa tại đảo Yeongjong, Incheon đã có bước phát triển mới, trở thành một đô thị quốc tế. Sân bay quốc tế Incheon đã tám năm liên tiếp đứng vị trí thứ nhất, từ năm 2005 cho tới năm 2012, theo đánh giá về dịch vụ sân bay quốc tế của Hội đồng Cảng hàng không Quốc tế, bảy năm liên tiếp nhận giải thưởng Sân bay chất lượng tốt nhất thế giới ở các hạng mục như khu vực quầy miễn thuế chất lượng nhất, cảng hàng không vận tải hàng hóa của năm do Tạp chí du lịch Global Traveler (Mỹ) trao tặng. Năm 2013, sân bay Incheon cũng nhận được giải thưởng “Sân bay của năm” do công ty Trung tâm tư vấn Hàng không CAPA, cơ quan hàng đầu về hàng không thế giới trao tặng.

Thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh tại sân bay Incheon nhanh hơn ba lần so với tiêu chuẩn quốc tế. Được trang bị những thiết bị an toàn hàng không tiêu chuẩn hàng đầu thế giới, cho tới nay, sân bay Incheon đã vận hành an toàn tuyệt đối hơn 20 triệu lượt chuyến bay, chưa hề để xảy ra một tai nạn nào. Ngoài ra, sân bay Incheon còn tổ chức hàng loạt các chương trình đa dạng phục vụ hành khách. Mỗi năm, sân bay quốc tế Incheon đón tiếp tới 44 triệu lượt hành khách, là nơi dừng chân của bất cứ hãng hàng không thế giới nào. Dự kiến, nhà ga thứ hai sẽ được hoàn thành vào năm 2017. Như vậy, mỗi năm, sân bay này sẽ có thể phục vụ tới 62 triệu lượt hành khách.



[Đặc khu kinh tế tự do Incheon]



Chính phủ Hàn Quốc đã chỉ định ba khu vực Songdo,Yeongjong và Cheongna trở thành đặc khu kinh tế tự do đầu tiên trên cả nước vào ngày 5/8/2003, dựa trên ý tưởng về việc xây dựng “thành phố trung tâm giao thương quốc tế”, tiến hành các dự án phát triển cho tới năm 2020. Incheon được chọn trở thành đặc khu kinh tế tự do là vì điều kiện vị trí thuận lợi. Incheon nằm ở giữa bán đảo Hàn Quốc, trung tâm của biển Tây (Hoàng Hải), gần với nhiều thành phố quan trọng của Trung Quốc, là điều kiện để hình thành mạng lưới vận tải biển, hàng không và hậu cần. Ngoài ra Incheon còn tiếp giáp với khu vực thủ đô Seoul và các vùng lân cận thuộc tỉnh Gyeonggi.

Để trở thành đô thị trung tâm của khu vực Đông Bắc Á, đặc khu kinh tế tự do Incheon vẫn đang tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng. Tổng đầu tư vào đặc khu kinh tế tự do cho tới nay, bao gồm cả đầu tư trong và ngoài nước, đạt gần 58.000 tỷ won (khoảng 55 tỷ USD). Ngoài ra, Songdo đang là nơi đặt văn phòng của 13 tổ chức quốc tế, trong đó có tám tổ chức thuộc Liên hợp quốc. Trong đó có tổ chức Quỹ khí hậu xanh (GCF), tổ chức tài chính quốc tế trực thuộc Liên hợp Quốc, có chức năng hỗ trợ các quốc gia đang phát triển ứng phó với khí thải các-bon và biến đổi khí hậu, và Ngân hàng thế giới, nơi cung cấp những khoản vay nhằm thúc đẩy kinh tế cho các nước đang phát triển.

[Incheon và Á vận hội 2014]



Ngày 17/4/2007, tại cuộc họp của Hội đồng Oylmpic Châu Á tại Cô-oét, thành phố Incheon đã được chọn là nơi tổ chức Đại hội thể thao châu Á năm 2014 với 45 phiếu bầu, vượt qua đối thủ là thủ đô New Delhi của Ấn Độ với 32 phiếu bầu. Để chuẩn bị cho Á vận hội 2014 sắp diễn ra, đã có sáu nhà thi đấu được xây dựng mới, như nhà thi đấu Songnim, nhà thi đấu tennis-squash Yeorumul. Ngoài ra, một số nhà thi đấu khác như sân vận động chính, nhà thi đấu Seonhak, sân khúc côn cầu cũng dự kiến sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm nay. Đại hội thể thao châu Á Incheon 2014 dự kiến sẽ là cuộc tranh tài giữa các cầu thủ đến từ 45 quốc gia, ở 36 hạng mục như bơi lội, bắn cung, điền kinh, bóng chày. Đây lần thứ ba Hàn Quốc đăng cai tổ chức Đại hội thể thao châu Á, lần thứ nhất năm 1986 ở Seoul và lần thứ hai vào năm 2002 ở Busan. Chủ đề của Đại hội thể thao châu Á Incheon 2014 là “Hơi thở của hòa bình, tương lai của châu Á”. Điều này có nghĩa là Á vận hội sẽ không chỉ dừng lại ở một sự kiện thể thao thông thường, mà còn là nơi để Hàn Quốc kêu gọi sự hợp tác vì hòa bình. Đây cũng là cơ hội nhằm thu hút đầu tư vào đặc khu kinh tế Incheon trong thời gian tới.

[Incheon vươn lên trở thành thành phố trung tâm của thế giới ]



Viện nghiên cứu Economics của Anh đã đánh giá Incheon là thành phố có tiềm năng phát triển lớn thứ hai trên thế giới cho tới năm 2025. Năm 2013, Incheon cũng được Chính phủ bình chọn là thành phố tốt nhất tại Hàn Quốc. Thành phố Incheon đã vượt qua biết bao những thử thách, sóng gió lịch sử, bước ngoặt mở cửa cảng, cuộc chiến tranh Triều Tiên, vượt qua quá trình công nghiệp hóa để vươn lên với sức sống mạnh mẽ như ngày nay. Tương lai rạng ngời đang chờ đón Incheon ở phía trước. Thành phố Incheon của thế kỷ XXI đã bắt đầu mở cửa lần thứ hai để vươn lên thành thành phố trung tâm của thế giới. Khác với sự mở cửa cách đây 130 năm trước, trong lần mở cửa lần hai này, Incheon sẽ thực sự phát triển trở thành thành phố thứ hai ở Hàn Quốc, giữ vị trí là thành phố trung tâm của khu vực Đông Bắc Á. Thành phố Incheon sẽ huy động toàn bộ nguồn lực, tự nhiên, môi trường, hạ tầng xã hội để hoàn thành giấc mơ đó. Trong quá trình ấy, đại hội thể thao châu Á 2014 sắp tới chính là một bước ngoặt vô cùng quan trọng.


Lựa chọn của ban biên tập