Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Chuẩn bị thực thi quy định đặt cọc tiền khi sử dụng cốc dùng một lần

2022-03-05

Tin tức

ⓒYONHAP News

Quy định đặt cọc tiền khi sử dụng cốc dùng một lần

Từ ngày 25/2 đến hết ngày 17/3, Bộ Môi trường Hàn Quốc đăng công báo hướng dẫn cụ thể về quy định đặt cọc tiền khi sử dụng cốc dùng một lần, để chính thức triển khai quy định này từ ngày 10/6.

 

Quy định mới được áp dụng căn cứ theo Luật về thúc đẩy tiết kiệm và tái sử dụng tài nguyên sửa đổi vào tháng 6/2020, nhằm giải quyết vấn đề nhiều cốc sử dụng một lần mặc dù có thể tái chế nhưng lại không được thu hồi, trở thành rác thải.

Lần này, Bộ Môi trường đề ra quy định về phương thức thi hành luật cụ thể, phạm vi các cơ sở kinh doanh phải áp dụng quy định, số tiền đặt cọc và hoàn tiền. Quy định đặt cọc tiền khi sử dụng cốc dùng một lần sẽ được áp dụng với 79 doanh nghiệp và 105 thương hiệu cà phê, đồ uống, bánh ngọt có hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc. Trong danh sách này bao gồm cả các chuỗi cửa hàng cà phê như Starbucks, cửa hàng đồ ăn nhanh như McDonald's. Có tổng cộng 38.000 cửa hàng trên toàn Hàn Quốc áp dụng quy định này.

Khi quy định được thực thi từ ngày 10/6, khách hàng nếu muốn mua đồ uống đựng trong cốc dùng một lần thì phải đặt cọc 300 won (0,2 USD)/chiếc cho cửa hàng. Sau khi dùng xong, khách hàng chỉ cần mang trả lại cốc tại bất kỳ cửa hàng nào áp dụng cùng quy định, thì sẽ có thể nhận lại tiền đặt cọc. Các cơ sở kinh doanh sẽ phải trả tiền hỗ trợ cho các đơn vị thu gom, vận chuyển cốc dùng một lần là 4 won/chiếc với các loại cốc đúng quy chuẩn, dễ tái chế, và 10 won/chiếc với các loại không đúng quy chuẩn. Ngoài ra, Bộ Môi trường cũng quy định về phương pháp, quy chuẩn đánh dấu về việc hoàn tiền, tái chế ghi trên cốc sử dụng một lần.

 

Bối cảnh và thực trạng

Số lượng cốc dùng một lần đã gia tăng đột biến khi văn hóa “take-out”, mang đồ uống khỏi quán, trở nên thịnh hành, hoặc do tâm lý không tin tưởng vào các loại cốc được nhiều người sử dụng chung. Có số liệu thống kê cho thấy trong năm 2018, lượng cốc dùng một lần tại Hàn Quốc vượt 600 triệu chiếc. Các loại cốc giấy để đựng đồ uống nóng, hay cốc nhựa đựng đồ uống lạnh đều có thể tái chế. Tuy nhiên, việc thu gom và phân loại cốc lại không được thực hiện triệt để nên phần lớn lượng cốc tiêu thụ bị trở thành rác thải, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí tài nguyên. Nếu quy định đặt cọc tiền khi sử dụng cốc dùng một lần được thực thi thì sẽ có rất nhiều cốc được thu hồi, giải quyết phần nào các vấn đề nêu trên. Trước đó, Hàn Quốc cũng đã từng thực hiện chế độ tương tự nhưng thất bại. Lần này, Chính phủ quyết tâm chuẩn bị thật kỹ lưỡng để triển khai thành công.

Cốc sử dụng một lần sẽ được gắn mã QR, chỉ cần quét vào thiết bị nhận diện ở mỗi cửa hàng là khách hàng sẽ có thể được hoàn lại tiền. Điều này còn giúp phòng tránh được tình trạng một chiếc cốc bị hoàn trả nhiều lần. Người tiêu dùng có thể nhận lại tiền đặt cọc bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản tại bất cứ cửa hàng nào khác đang áp dụng quy định tương tự, thay vì cửa hàng mua đồ uống ban đầu. Để làm được điều này, Chính phủ đã thiết lập quy chuẩn chung với tất cả các loại cốc sử dụng một lần ở các cửa hàng. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ định từ 3-5 đơn vị thu gom và từ 1-2 đơn vị tái chế cốc tại mỗi khu vực.

Tuy nhiên, ở lập trường người tiêu dùng, việc phải trả thêm 300 won để mua đồ uống rồi sau đó nhận lại tiền đặt cọc có thể gây ra nhiều bất tiện trong thời gian đầu áp dụng. Bộ Môi trường có kế hoạch tích cực quảng bá, nâng cao nhận thức người dân, cơ sở kinh doanh trong giai đoạn đầu áp dụng, đồng thời tiếp tục thu thập ý kiến của các cửa hàng và người tiêu dùng để cải thiện chế độ.

Lựa chọn của ban biên tập