Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Yasukuni – Ngôi đền thờ cả tội phạm chiến tranh

2014-03-06

Tin tức

Yasukuni – Ngôi đền thờ cả tội phạm chiến tranh
Việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm đền Yasukuni, nơi thờ binh lính Nhật Bản tử trận và cả tội phạm chiến tranh vào cuối tháng 12 năm ngoái đã là phát pháo hiệu mở đầu cho hàng loạt các động thái khác của nước này như phủ nhận quá khứ, tuyên bố sửa lại lịch sử. Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đang trơ trẽn phủ nhận quá khứ là một quốc gia đi xâm lược, đồng thời gia tăng thêm một loạt các động thái hữu khuynh. Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế đang nhất loạt lên án những hành động này của Nhật Bản.

Thăm đền Yasukuni
Chuyến thăm đến ngôi đền thờ tội phạm chiến tranh của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã làm dấy lên mối lo ngại to lớn và sự lên án mạnh mẽ trong dư luận quốc tế. Hành động này của ông Shinzo Abe được cho là mang tính chất tuyên chiến với cả thế giới.

Đền Yasukuni mang một ý nghĩa hoàn toàn khác biệt so với các ngôi đền khác của Nhật Bản. Đây là nơi thờ những binh lính Nhật đã tử trận trong các cuộc chiến tranh từ thời kỳ Minh Trị (1868-1912) cho tới Thế chiến thứ II. Hiện nay, ngôi đền này đang thờ khoảng 2,5 triệu bài vị. Vấn đề là trong số đó có cả bài vị của những tội phạm chiến tranh cấp độ A, cấp độ cực kỳ nguy hiểm trong cuộc chiến Thái Bình Dương (1937-1945). Do đó, chuyến viếng đền Yashukuni của ông Shinzo Abe có thể coi là hành vi tán dương cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Nhật trong quá khứ.

Bất chấp điều này, các chính khách khác trong Nội các Nhật Bản cũng nhân cơ hội này để tiến hành thêm nhiều chuyến thăm khác tới đền Yasukuni. Điều này một lần nữa thể hiện tư tưởng bảo thủ cực đoan cũng như đường lối chính trị lệch lạc của Tokyo.

Thủ tướng Shinzo Abe viếng đền Yasukuni
Ông Shinzo Abe không phải là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên viếng đền Yasukuni. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là sau chuyến thăm đền này của ông Abe, Nội các Nhật Bản gia tăng những động thái hữu khuynh mạnh hơn so với trước đây.

Trước đó, việc các đời Thủ tướng Nhật Bản đến viếng đền Yasukuni đều vấp phải sự lên án mạnh mẽ của các quốc gia láng giềng là Hàn Quốc và Trung Quốc, những nước chịu thiệt hại do cuộc chiến tranh xâm lược mà Nhật Bản gây ra. Mối quan hệ giữa Nhật Bản với các nước này vì thế cũng trở nên tồi tệ hơn. Sau mỗi lần như vậy, Nhật Bản lại giải quyết vấn đề này bằng nhiều biện pháp ngoại giao khác nhau.

Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Abe viếng đền Yasukuni lần này, hàng loạt các quan chức cấp cao của Nhật Bản đã tung ra những lời lẽ sai lệch, phủ nhận các vấn đề trong quá khứ, cho thấy nước này đang đẩy nhanh quá trình đi theo con đường cực hữu. Nhiều ý kiến lo ngại về ý đồ muốn tiếp tục “gây chiến” của Tokyo khi nước này định giải nghĩa lại nội dung Hiến pháp để tiếp tục mở rộng thực hiện quyền tự vệ tập thể . Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản còn ngang nhiên sửa lại sách giáo khoa lịch sử, bóp méo hay cắt bỏ những đoạn đề cập tới cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Nhật trong quá khứ. Không dừng lại ở đó, Tokyo còn tuyên bố vấn đề phụ nữ bị ép làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản trong Thế chiến thứ II chỉ là sự “bịa đặt”.

Chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Shinzo Abe và một loạt các động thái phủ nhận quá khứ của Tokyo đồng nghĩa với việc chính quyền nước này đang tỏ thái độ sùng bái tội phạm chiến tranh và chủ nghĩa quân phiệt.

Lo ngại của cộng đồng quốc tế
Cộng đồng quốc tế đang ngày càng lo ngại trước những động thái theo khuynh hướng cực hữu của Nhật Bản gần đây, đặc biệt là Hàn Quốc và Trung Quốc, hai quốc gia chịu nhiều thiệt hại trong thời gian đế quốc Nhật Bản xâm lược. Ngoài ra, đồng minh thân cận của Nhật Bản là Mỹ cũng đã quay lưng lại với nước này khi đồng tình lên án Nhật Bản. Tờ New York Times của Mỹ đã chỉ trích các động thái của Chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe như bóp méo lịch sử, tôn sùng tội phạm chiến tranh là một “sự khiêu khích nguy hiểm”. Tờ báo này nhận định đây là “một sự uy hiếp nghiêm trọng” tới mối quan hệ Mỹ-Nhật.

Ngay cả số phe cực hữu khác tại Nhật Bản cũng lên tiếng phản đối những động thái trên của chính quyền của Thủ tướng Abe. Trong bài phỏng vấn với báo Mainichi (Nhật Bản), người sáng lập Tổ chức Issuikai (Nhất thủy hội) ông Kunio Suzuki đã có phát biểu rằng các động thái trên của chính quyền của Thủ tướng Abe đồng nghĩa với việc phủ nhận cả phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh năm 1947. Đây là phiên tòa được Liên hợp quốc lập ra tại Tokyo để xét xử những tội phạm chiến tranh thời kỳ hậu Thế chiến thứ II. Ông Suzuki cũng nói thêm dù là kẻ khơi mào chiến tranh và trở thành kẻ bại trận trong chính cuộc chiến đó nhưng Chính phủ Nhật Bản lại đang tự hào rằng đây là niềm ái quốc. Ông Suzuki nhấn mạnh rằng việc phủ nhận hoàn toàn mọi lỗi lầm trong quá khứ cho thấy Nhật Bản không đủ dũng khí để đối mặt với bóng tối của sự bại trận.

Lựa chọn của ban biên tập