Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Tranh cãi về việc Hanbok xuất hiện tại lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh

2022-02-12

Tin tức

ⓒYONHAP News

Hanbok xuất hiện trong tiết mục khai mạc Thế vận hội

Trong một tiết mục tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 diễn ra vào ngày 4/2, đại diện 56 dân tộc thiểu số Trung Quốc đã truyền tay nhau quốc kỳ nước này. Trong đó, một phụ nữ người dân tộc Joseon (Triều Tiên, người Trung Quốc gốc Hàn) đã xuất hiện trong bộ Hanbok, trang phục truyền thống của Hàn Quốc. Không chỉ vậy, trên màn hình lớn còn xuất hiện một số người mặc trang phục Hanbok chúc tụng nhau “Chúc mừng năm mới” bằng tiếng Hàn. Cảnh tượng này không khỏi khiến khán giả quốc tế dõi theo lễ khai mạc nhận thức sai lầm rằng Hanbok là một phần văn hóa Trung Quốc, hoặc thậm chí nghĩ rằng văn hóa Hàn Quốc là một phần trong văn hóa Trung Quốc. Ngay lập tức, dư luận Hàn Quốc sôi sục nhiều ý kiến phản đối quyết liệt, cho rằng vụ việc này có liên quan tới nỗ lực bóp méo lịch sử của Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc còn đang tự ý xuyên tạc lịch sử, đưa Goguryeo (Cao Câu Ly), một Nhà nước của dân tộc Hàn thời kỳ Tam Quốc từng đóng chiếm vùng Đông Bắc, tức khu vực Mãn Châu nằm ở phía Bắc bán đảo Hàn Quốc, vào lịch sử dân tộc vùng biên cương của nước này. Động thái liên quan tới Hanbok lần này của Trung Quốc đã khiến dư luận trong nước liên tưởng ngay tới “Dự án Đông Bắc” (tên đầy đủ là “Dự án nghiên cứu nối tiếp lịch sử và hiện trạng khu vực biên cương Đông Bắc Trung Quốc”), từng được Chính phủ Bắc Kinh xúc tiến từ năm 2002 tới năm 2007, trong đó bóp méo nhiều sự thật lịch sử, như tự ý mở rộng khu vực Vạn Lý Trường Thành tới tận khu vực tường thành của triều Goguryeo dân tộc Hàn.

 

Phản ứng trong nước

Dư luận Hàn Quốc vốn đã ác cảm với Trung Quốc ngay từ “Dự án Đông Bắc”, nay tâm lý này lại trỗi dậy sau vụ lùm xùm về Hanbok. Thêm vào đó, tại kỳ Olympic Bắc Kinh lần này, người hâm mộ thể thao trong nước đang vô cùng bức xúc về việc hai vận động viên Hàn Quốc dù về đích thứ nhất và thứ hai ở vòng bán kết nội dung trượt băng tốc độ vòng ngắn 1.000m nam nhưng lại bị trọng tài xử phạm luật và bị loại. Thế vận hội Bắc Kinh đang bị một loạt các nước lớn tẩy chay ngoại giao, tức không cử phái đoàn đại diện Chính phủ tham dự, nhằm phản đối về vấn đề nhân quyền ở khu tự trị Tân Cương, khiến tinh thần Olympic đang bị tổn hại.

Trước đó, Trung Quốc cũng đã làm dấy lên tranh cãi gay gắt trong quá trình rước đuốc Olympic, khi để một vận động viên người dân tộc Duy Ngô Nhĩ vùng Tân Cương là người rước đuốc cuối cùng. Ngoài ra, nước này còn cho một tư lệnh quân đội từng đóng vai trò chủ chốt trong quá trình xung đột quân sự với Ấn Độ tham gia vào quá trình rước đuốc, khiến phía Ấn Độ phản đối gay gắt.

Gần đây, Trung Quốc tự nhận mình là một siêu cường thế giới sánh vai với Mỹ, nhưng lại có nhiều động thái không phù hợp với vị thế đó, khiến người dân thế giới có cái nhìn không mấy thiện cảm. Tại kỳ Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh lần này, Trung Quốc cũng đã có nhiều động thái nhằm thị uy sức mạnh quốc gia, trong đó có thể vụ Hanbok là một nước cờ đầy mưu tính của Trung Quốc.

    

Động thái của chính giới

Bộ trưởng Văn hóa, thể thao và du lịch Hwang Hee đã đại diện phái đoàn Chính phủ Hàn Quốc dự lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh trong trang phục truyền thống Hanbok. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hwang phát biểu rằng việc đối phó bằng ngoại giao với tranh cãi liên quan tới Hanbok là không cần thiết, vì điều này không mang lại lợi ích gì. Tuy nhiên, chính giới Hàn Quốc thì đồng loạt chỉ trích Trung Quốc và hối thúc Chính phủ có biện pháp đối phó tích cực, cho rằng đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, thách thức tới tính chỉnh thể của quốc gia. Trong khi đó, thông qua một số kênh ngoại giao, Bắc Kinh giải thích rằng trong tiết mục biểu diễn lễ khai mạc Olympic, đại diện các dân tộc thiểu số chỉ đơn thuần mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, nên Seoul không cần thiết lo ngại đặc biệt về khía cạnh văn hóa.

Lựa chọn của ban biên tập