Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Ý nghĩa Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Triều-Trung

2011-07-14

Vì một bán đảo thống nhất

Mối quan hệ hợp tác giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc đang ngày càng được tăng cường sau chuyến thăm Bắc Kinh của Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-il vào ngày 5/7. Trong khi đó, ngày 11/7 vừa qua cũng đã đánh dấu 50 năm ngày ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Triều-Trung, tượng trưng cho quan hệ anh em giữa 2 nước. Hiệp ước này đã được cố Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành và cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ký kết tại Bắc Kinh vào ngày 11/7/1961. Trong đó, Điều 2 của văn bản quy định rõ các điều khoản như cho phép “sự can thiệp quân sự tự động”, tức là một bên được phép hỗ trợ quân sự cho bên kia ngay lập tức nếu bên đó bị tấn công và rơi vào tình thế chiến tranh. Giáo sư Jeon Ga-rim, Trường đại học Hoseo cho biết ý nghĩa 50 năm ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Triều-Trung:

Giáo sư Jeon Ga-rim: Vốn dĩ tên gọi chính thức của Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Triều-Trung là Hiệp ước hợp tác hữu nghị và tương trợ song phương giữa nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Cho đến nay, Bắc Triều Tiên chưa ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với bất kỳ một quốc gia nào khác. Đây cũng chính là lý do mà chúng ta quan tâm đến Hiệp ước Trung-Triều này. Về cơ bản, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang duy trì mối quan hệ hết sức đặc biệt. Sự giao lưu được tiến hành ở mức cao hơn một bậc so với mối quan hệ giữa các quốc gia bình thường khác. Hợp tác song phương cũng đang được thực hiện sôi nổi.

Bắc Triều Tiên và Trung Quốc đã thể hiện tình đoàn kết thông qua chuyến thăm lần lượt giữa các nhân sự cấp cao 2 nước trong thời gian gần đây. Lãnh đạo đôi bên còn trao đổi thư tay vào ngày 10/7 vừa qua nhằm kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Triều-Trung. Đoàn đại biểu Bắc Triều Tiên với Phó Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao Yang Hyeong-seop làm trưởng đoàn đã sang thăm Bắc Kinh hôm 9/7. Trong khi đó, đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Trương Đức Giang dẫn đầu cũng đã tới Bình Nhưỡng vào một ngày sau đó. 2 nước cùng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm đa dạng, thể hiện tình hữu nghị đôi bên. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, ý nghĩa của Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Triều-Trung đang dần bị phai mờ trong 50 năm qua.

Giáo sư Jeon Ga-rim: Có nhiều ý kiến chỉ trích, quan hệ 2 nước Triều-Trung kéo dài trong 50 năm qua đã không còn giống với quá khứ, thậm chí đã bị phai mờ dần. Căn nguyên bắt nguồn từ bài xã luận trên 1 tờ báo nổi tiếng của Hồng Kông cho rằng liệu quan hệ đồng minh với Bắc Triều Tiên có giúp ích cho Trung Quốc hay không. Năm 2003, Trung Quốc đã xây dựng bức tường ngăn cách tại đường biên giới. Năm 2005, Bắc Kinh đã tìm kiếm cuộc tiếp xúc quân sự với Mỹ, gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Thêm vào đó, sau khi miền Bắc tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần 2 vào tháng 5/2009, Trung Quốc lại thay đổi chính sách đối với miền Bắc, tập trung vào việc hỗ trợ đời sống. Xét trên khía cạnh đó, ta có thể thấy quan hệ Triều-Trung đã thay đổi thành sự hợp tác hữu nghị thay vì quan hệ anh em như trước.

Như vậy, có nghĩa là Bắc Triều Tiên và Trung Quốc đang thúc đẩy hợp tác thực chất một cách chiến lược hơn là quan hệ anh em như trước đây. Đặc biệt, Chủ tịch Kim Jong-il đã tới thăm Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua, tiếp sau 2 lần vào năm ngoái để tăng cường quan hệ hữu nghị giữa 2 nước. Tuy nhiên, Giáo sư Jeon Ga-rim nhận định, 2 nước vẫn đang có nhiều quan điểm trái chiều.

Giáo sư Jeon Ga-rim: Thứ nhất, điều này thể hiện ở sự tranh cãi về phi hạt nhân hóa. Về lập trường Trung Quốc, nước này đang thúc giục Bắc Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hóa để tạo dựng môi trường khu vực ổn định. Nhưng Bình Nhưỡng lại nhấn mạnh sự cần thiết của hạt nhân để duy trì quyền sinh tồn của mình. Về vấn đề kế nhiệm cũng vậy. Miền Bắc muốn Trung Quốc đảm bảo tính chính đáng cho việc thừa kế quyền lực. Nhưng tình hình hiện tại của Trung Quốc không dễ dàng cho phép nước này làm việc đó. Không những thế, sự bất hòa giữa 2 nước còn nằm ở vấn đề hợp tác kinh tế. Từ trước đến nay, Bắc Kinh luôn thực hiện nguyên tắc viện trợ không hoàn lại với Bình Nhưỡng. Nhưng trong thời gian gần đây, Trung Quốc luôn ưu tiên cho việc hỗ trợ đem lại lợi ích về mặt kinh tế. Điều này hơi khác so với lập trường của miền Bắc.

Trong khi đó, ngày 11/7, Chính phủ Trung Quốc đưa ra công bố thông qua đài truyền hình trung ương (CCTV) rằng, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác ký kết với Bắc Triều Tiên đã tự động được kéo dài vào các năm 1981, 2001 và sẽ có hiệu lực trong 10 năm nữa. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh bày tỏ lập trường chính thức về thời gian có hiệu lực của Hiệp ước. Điều này được coi là sự bác bỏ một cách gián tiếp các ý kiến bên trong và ngoài Trung Quốc cho rằng Hiệp ước Triều-Trung đã bị vô hiệu lực. Vậy trong bối cảnh này, quan hệ hợp tác giữa 2 nước sẽ có triển vọng như thế nào? Giáo sư Jeon Ga-rim cho biết tiếp:

Giáo sư Jeon Ga-rim: Xét về mặt chính trị, 2 bên vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến những cái được và mất, nên trước mắt chắc sẽ duy trì mối quan hệ này. Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế, nhiều người cho rằng nó sẽ có diện mạo khác so với quá khứ. Bắc Kinh cho rằng, cần có môi trường xung quanh ổn định để phát triển kinh tế. Thêm vào đó, nước này cũng yêu cầu hợp tác với Bắc Triều Tiên mà 2 bên cùng có lợi, dựa trên chủ nghĩa tương hỗ. Nhưng Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ theo quan hệ đồng minh và anh em như trước kia. Do đó, 2 nước ít nhiều khó có thể tìm được sự đồng thuận về mặt kinh tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia phỏng đoán, dù trong bối cảnh hiện nay, quan hệ hữu nghị Triều-Trung về cơ bản vẫn tương đối giống với quá khứ nên sẽ càng được củng cố thêm nhân dịp 50 năm ký kết lần này. Theo đó, một mối quan ngại được đưa ra là quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc càng được thắt chặt, vai trò chủ đạo của Hàn Quốc trong việc giải quyết các vấn đề bán đảo Hàn Quốc, bao gồm hạt nhân có thể sẽ bị suy yếu. Giáo sư Jeon giải thích:

Giáo sư Jeon Ga-rim: Seoul và Bình Nhưỡng cần phải giải quyết các vấn đề trên bán đảo Hàn Quốc để tạo dựng nền hòa bình chung. Nhưng nếu Bắc Triều Tiên tiếp tục duy trì chế độ dựa vào thế lực bên ngoài và gây ra những động thái khiêu khích, điều này ít nhất sẽ là trở ngại lớn cho việc thực hiện chính sách vì sự ổn định hay hòa bình, thống nhất trên bán đảo Hàn Quốc của Seoul. Hàn Quốc cần phải duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và Mỹ để giải quyết các vấn đề liên Triều và đối phó với tình hình nguy cấp có thể xảy ra. Chúng ta cũng cần phải chuẩn bị hệ thống hợp tác với các nước đó. Nếu không, vai trò của Hàn Quốc sẽ bị thu hẹp do vấn đề miền Bắc bị điều chỉnh bởi Bắc Kinh và xảy ra hiện tượng nghiêng về phía Trung Quốc.

Có thể nói Bắc Triều Tiên và Trung Quốc đã có bước ngoặt mới sau nửa thế kỷ ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác song phương. Chính phủ Hàn Quốc cần phải nhanh chóng tìm ra cách tiếp cận mới trong quan hệ liên Triều để đối phó với mối quan hệ Triều-Trung ngày càng sâu sắc và tạo dựng sự ổn định, hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc cũng như khu vực Đông Bắc Á.

Lựa chọn của ban biên tập