Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Âm điệu hào hùng của tháng 3 tại Nhà tù Seodaemun

2014-03-11

[Chương trình tái hiện lại phong trào độc lập chống thực dân Nhật 1/3]Ngày 1 tháng 3 vừa qua, Bảo tàng lịch sử Nhà tù Seodaemun (Tây Đại Môn), ở thủ đô Seoul, đã tổ chức chương trình tái hiện lại phong trào độc lập chống thực dân Nhật diễn ra cách đây 95 năm (1/3/1919-1/3/2014). Đông đảo người dân Hàn Quốc đã tụ hội về đây để cùng hô vang những khẩu hiệu biểu dương tinh thần, ý chí giành độc lập bất diệt của thế hệ cha ông.

Bảo tàng lịch sử Nhà tù Seodaemun đã từng là nơi nhiều nhà vận động độc lập Hàn Quốc chịu cảnh ngục tù gian khổ trong thời kỳ thực dân Nhật chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc. Những người dân tới dự lễ tái hiện lại phong trào độc lập ngày 1/3 tại đây đã cùng giương cao lá cờ Thái cực (Taegeuki) của Hàn Quốc và tham gia vào lễ diễu hành trên quãng đường dài 400 m từ Bảo tàng lịch sử Nhà tù Seodaemun đến Doknipmun (Cửa độc lập).



Một người dân chia sẻ: "Chúng tôi đến đây để gìn giữ ý chí độc lập tự cường của dân tộc. Tôi cảm thấy vô cùng cảm động khi tham dự chương trình này và nhớ tới nữ liệt sĩ Yu Gwan-sun." Một người dân khác nói: "Với tư cách là một công dân Hàn Quốc, tôi đến đây để kỉ niệm ngày đất nước giành độc lập từ tay thực dân Nhật. Đến đây, tôi cảm thấy phấn chấn và tin tưởng hơn vào tương lai." Một khách tham quan cũng tâm sự: "Tôi tự hào về dân tộc khi nghĩ tới những liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập. Hàn Quốc muôn năm!"

Vào một ngày đầu tháng 3 cách đây 95 năm, ngày 1 tháng 3 năm 1919, Hàn Quốc đã tuyên bố về quyền tự chủ trước toàn thế giới. Đó là ngày mà toàn thể nhân dân Hàn Quốc đồng tâm thống nhất hô vang "Đại Hàn Độc lập muôn năm". Tất cả nỗi đau, sự tủi nhục của một dân tộc bị đô hộ như được dồn nén vào những tiếng hô vang và có sức mạnh đẩy lùi cả dao súng của quân xâm lược Nhật Bản. Dư âm hào hùng của ngày lịch sử đó vẫn còn vang vọng đến ngày nay. Để cứ đến tháng 3, người dân Hàn Quốc lại tìm về Bảo tàng lịch sử Nhà tù Seodaemun và nhất tề hô vang "Đại Hàn Độc lập muôn năm".

[Lịch sử Nhà tù Seodaemun]Nằm trong khuôn viên Công viên Độc lập, tại số 251, Đường Tongil (Thống nhất), quận Seodaemun, thủ đô Seoul, Bảo tàng lịch sử Nhà tù Seodaemun được xây sửa lại từ chính Nhà tù Seodaemun khi xưa, nơi giam giữ 40.000 chiến sĩ yêu nước và hơn 900 người trong số đó đã hy sinh. Đây chính là nơi lưu giữ tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của những nhà ái quốc Hàn Quốc đầu thế kỷ XX. Nhà tù Seodaemun do quân Nhật xây dựng năm 1908, giai đoạn cuối cùng của Đại Hàn Đế quốc, với tên gọi là Nhà tù Gyeongseong (Kinh Thành), để trấn áp những người Hàn Quốc đấu tranh chống lại việc khôi phục quốc quyền.



Ông Kim Tae-dong, nhà nghiên cứu Khoa học và nghệ thuật của Bảo tàng lịch sử Nhà tù Seodaemun giải thích: "Nhà tù Seodaemun có tên gọi ban đầu là là Nhà tù Gyeongseong. Quy mô của nơi này dần được mở rộng, từ sức chứa 500 tù nhân năm 1908 lên tới 3.000 người vào năm 1923. Vào năm 1936, nhà tù xây thêm khu tạm giam Guchi (Câu Trí) để nhốt riêng những người chưa bị đưa ra xét xử. Chỉ cần nhìn vào diện tích bên ngoài cũng có thể biết được quy mô của nhà tù. Vào thời kỳ được quân Nhật sử dụng, diện tích của nhà tù là 32.000 pyeong (tương đương 106.000 m2) và có khoảng 60 tòa nhà. Diện tích hiện nay còn lại của nhà tù chỉ bằng một phần tư so với trước đây."

Tuy vị trí vẫn y nguyên, nhưng quang cảnh bên trong cũng như ngoài nhà tù đã có nhiều biến đổi theo dòng lịch sử. Trước đây, khu vực này hầu như chỉ có những tuyến đường nối từ trong ra ngoài Sadaemun (Tứ Đại Môn) và xung quanh nhà tù còn có nơi đón tiếp sứ thần Trung Quốc thời Joseon là Mohwagwan (Mộ hoa quán) và Yeongeunmun (Nghênh ân môn).

Nhà nghiên cứu Kim Tae-dong giải thích về nguyên nhân thực dân Nhật xây nhà tù tại vị trí quan trọng này: "Trước khi có nhà tù thì khu vực này là nơi dân cư sinh sống, buôn bán tấp nập. Theo lẽ thường thì đây không phải là nơi thích hợp để xây nhà tù, nhưng thực dân Nhật âm mưu chọn vị trí này để đàn áp và reo rắc nỗi sợ hãi cho người dân cũng như để biểu dương quyền lực của chính quyền thực dân."

[Tham quan Bảo tàng lịch sử Nhà tù Seodaemun]Ngay từ lối vào Bảo tàng lịch sử Nhà tù Seodaemun là vọng gác cao 100 m xưa kia được dùng để giám sát nhất cử nhất động của các phạm nhân. Tiếp theo vọng gác là Tòa nhà an ninh, khu thăm quan đầu tiên của bảo tàng. Tầng một và tầng hai của tòa nhà được thiết kế thành khu trưng bày, khắc họa lịch sử của Nhà tù Seodaemun và phong trào độc lập chống thực dân Nhật 1/3. Đến Tòa nhà an ninh, người tham quan còn được chứng kiến những tư liệu tái hiện thủ đoạn hỏi cung đầy tàn ác, dã man của thực dân Nhật.

Trước cửa vào khu trưng bày này có khắc dòng chữ lớn "80 năm hướng tới tự do và hòa bình". Đối diện với khẩu hiệu này là khu trưng bày các hiện vật tái hiện lịch sử Hàn Quốc bị quân Nhật xâm chiếm, bắt đầu từ sự kiện Hiệp ước đảo Ganghwa năm 1876 đến năm 1910, khi Nhật Bản ép nhà nước Đại Hàn Đế quốc ký Hiệp ước sát nhập Nhật-Hàn. Trong giai đoạn này, sau khi ép buộc triều đình Joseon ký Hiệp ước sát nhập Nhật-Hàn lần thứ ba vào năm 1907, Nhật Bản đã giành quyền tư pháp và quyền cai quản nhà ngục và cho xây dựng Nhà tù Seodaemun.

Ông Kim Tae-dong cho biết: "Trong suốt quãng thời gian xâm lược, thực dân Nhật đã xây 28 nhà tù tại Hàn Quốc. Sau Nhà tù Seodaemun, quân Nhật tiếp tục lựa chọn các thành phố lớn nhất tại mỗi tỉnh để xây nhà tù. Theo thông lệ thì nhà tù thường được xây dựng tại khu vực ngoại vi, ít người sinh sống, nhưng quân Nhật lại làm điều ngược lại. Chúng cho xây nhà tù ở những thành phố lớn nhất, nhiều người nhất để nhằm thực hiện chế độ cai trị thực dân thâm độc."

Dân số Joseon thời đó là 18.780.000 người. Tính đến năm 1930, thời kỳ thống trị thực dân của quân Nhật ở mức độ cao trào nhất, đã có hơn 6.090.000 người bị bắt giam. Tức, cứ ba người dân Hàn Quốc lại có một người phải chịu cảnh ngục tù. Khách tham quan tại tầng một xúc động mạnh mẽ trước hình ảnh khắc họa cảnh những tên cai ngục ngồi trên vọng gác và những chiếc giày cao su màu đen của các chí sĩ bị giam cầm. Ông Kim Tae-dong nói: "Bảo tàng đã giữ nguyên kiến trúc tòa nhà với những chiếc cầu thang nhỏ hẹp và dốc. Khu triển lãm tầng hai chia thành ba khu, mỗi khu có đơn vị thời gian là 10 năm, lần lượt giới thiệu lịch sử đấu tranh giành độc lập giai đoạn từ năm 1910 đến năm 1945."

Tại khu triển lãm cố định của tầng hai, khách thăm quan có thể dễ dàng theo dõi tư liệu về các nhà hoạt động cách mạng bị giam giữ tại Nhà tù Seodaemun trong giai đoạn từ năm 1910 đến năm 1945. Ông Kim Tae-dong giải thích: "Gian triển lãm đầu tiên có tên gọi là Phong trào kháng chiến I, dành nói về các tướng sĩ trong phong trào đấu tranh chống lại ách xâm lăng của quân Nhật trong 10 năm đầu, từ giai đoạn Hiệp ước sát nhập Hàn-Nhật năm 1910 đến Phong trào độc lập chống thực dân Nhật ngày 1 tháng 3 năm 1919. Tại khu vực này, có thể thấy tên ba vị tướng đã hy sinh đầu tiên tại Nhà ngục Seodaemun, và bên dưới là tên của các vị tướng khác. Có thể thấy, những người đã hy sinh tại nhà tù này phần lớn các tướng sĩ, nên gian phòng này chiếm vai trò vô cùng quan trọng."

Đối diện với khu tư liệu về các tướng sĩ là chiếc nón hình cái nơm được bện từ rơm. Đây là đồ vật thực dân Nhật dùng để che mặt các nhà cách mạng trong quá trình áp giải đến nhà tù Seodaemun. Ngoài ra, để quản lý và điều tra thân phận của những nhà cách mạng dùng bí danh, thực dân Nhật còn sử dụng Bảng ghi chép thân thể phạm nhân. Tài liệu này cho thấy, ngoài ảnh chụp, quân Nhật còn ghi lại toàn bộ các chi tiết nhỏ nhất của cơ thể như đặc điểm nhận dạng, vị trí nốt ruồi, màu da, sợi tóc của từng người.



Tiếp nối gian Phong trào kháng chiến I là gian Phong trào kháng chiến II, nơi tưởng niệm các liệt sĩ với 6.624 Bảng ghi chép quá trình thụ án được dán kín xung quanh bốn bức tường. Đây là các phiếu ghi chép về 5.500 tù nhân, kèm theo các tấm ảnh về những khuôn mặt bị tra tấn đến rách môi, sưng mắt... Bảng ghi chép quá trình thụ án của nhà hoạt động cách mạng Ahn Chang-ho (hiệu Dosan) trong gian Phong trào kháng chiến III cũng khắc họa một cách chân thực cuộc sống ngục tù đầy đau đớn, gian khổ của các chí sĩ.

Ông Kim Tae-dong cho biết: "Hình ảnh của nhà hoạt động cách mạng Ahn Chang-ho, người bị bắt giam hai lần tại nhà tù Seodaemun, là một minh chứng tiêu biểu cho sự tra tấn dã man của thực dân Nhật. Bức ảnh đầu tiên ghi lại hình ảnh ông khỏe mạnh trước khi bị bắt giam, bức ảnh thứ hai chụp khi bị bắt giam lần thứ nhất năm 1937 và bức ảnh chụp ở giai đoạn bị ông bắt giam lần thứ hai. Bức ảnh cuối cùng chụp trước khi ông Ahn Chang-ho được bảo lãnh tại ngoại do bệnh nặng, nhưng lúc đó ông đã ở trong trạng thái bất tỉnh nhân sự. Thông qua sự thay đổi của trạng thái khuôn mặt nhà cách mạng Ahn Chang-ho qua ba thời kỳ khác nhau, người xem có thể cảm nhận cuộc sống ngục tù kinh khủng đến mức nào."

Đi xuống dãy cầu thang hẹp và sâu thăm thẳm, khách thăm quan sẽ được chứng kiến khung cảnh tra tấn lấy cung man rợ của thực dân Nhật Bản. Toàn bộ Nhà tù Seodaemun đều không có hệ thống sưởi, nhưng khu vực hỏi cung lại ở tầng hầm của tòa nhà an ninh nên không khí càng trở nên lạnh lẽo, thê lương hơn. Ông Kim Tae-dong giải thích"Chính quyền thực dân Nhật sử dụng khoảng 100 kiểu tra tấn để lấy cung. Trong đó, kiểu tra tấn bằng nước được sử dụng phổ biến nhất nên được chọn trưng bày đầu tiên. Đi tiếp vào bên trong, khách tham quan có thể đọc các tài liệu giải thích lý do quân Nhật lại tra tấn các nhà hoạt động cách mạng Hàn Quốc. Đây là một trong những phương pháp trấn áp các phong trào chống đối việc xâm lược của chúng một cách dễ dàng và hiệu quả nhất. Chúng sử dụng những ngón đòn tra tấn dã man về thể xác cũng như tinh thần hòng dập tắt ý chí chiến đấu của các nghĩa sĩ yêu nước."

Phòng tra khảo và phòng tạm giam được bố trí ngay cạnh nhau, đây là đòn tâm lý mà quân Nhật sử dụng để đe dọa những người bị tam giam bằng những tiếng rên la đau đớn vọng ra từ phòng tra khảo. Ngoài ra, quân Nhật còn sử dụng những hình thức tra tấn dã mãn khác như lấy dao nhọn chọc đầu ngón tay, nhốt tù nhân vào hòm có đóng đinh bốn phía xung quanh, nhốt tù nhân trong quan tài dựng đứng vào tường...

Sau khi thăm quan Tòa nhà an ninh, khách thăm quan đến Tòa nhà trung tâm để đến phòng giam số 10, số 11 và số 12. Trong các nhà giam, sàn nhà được lót bằng những tấm ván, không có hệ thống sưởi nóng, lạnh và thậm chí không có cả nhà vệ sinh. Mỗi nhà giam đều có một lỗ nhỏ thông ra ngoài để các tù nhân đi vệ sinh. Những phòng giam đơn của nhà giam số 12 đều bị bao trùm trong bóng tối cả ngày lẫn đêm. Những người tù chỉ có thể thoát ra khỏi không gian chật chội, ẩm thấp đó vào những khoảng thời gian lao động khổ sai. Phía bên ngoài Tòa nhà trung tâm là khu lao động khổ sai của các tù nhân.

Tại khu lao động khổ sai, tù nhân phải sản xuất các vật dụng cần thiết cho chính quyền và quân đội thực dân. Họ phải lao động quần quật 10 tiếng một ngày, trừ 30 phút cho giờ ăn, những người tù chỉ có 15 phút để nghỉ ngơi. Vào mùa hè, khi mặt trời lặn muộn thì thời gian nghỉ ngơi cũng hầu như không có.

Tiếp nối khu lao động khổ sai là khu giam giữ các nữ tù nhân. Đây là nơi giam giữ các nhà hoạt động cách mạng nữ, trong đó có nữ liệt sĩ Yu Gwan-sun. Bà đã dẫn đầu phong trào độc lập chống thực dân Nhật 1/3 tại thành phố Cheonan, tỉnh Chungcheongnam. Khu giam nữ tù nhân được xây dựng vào năm 1918 và được sử dụng cho đến năm 1979 thì bị dỡ bỏ. Đến năm 1990, người ta đã phát hiện ra khu vực tầng hầm và nhà giam nữ tù nhân. Năm 2009, bảo tàng Nhà tù Seodaemun đã hoàn thiện sơ đồ nguyên gốc của khu nhà giam nữ, tiến hành khôi phục và đã cho mở cửa thăm quan từ năm 2013. Tại đây, tám phòng giam lần lượt trung bày các tài liệu giam giữ các nhà hoạt động cách mạng nữ. Vì là khu nhà giam nữ nên có cả những câu chuyện về các nữ chiến sĩ mang thai và sinh con trong nhà tù.

Thông qua các thước phim tài liệu, khách tham quan có thể tìm hiểu về cuộc đời đấu tranh và hy sinh của các nữ chiến sĩ. Một khách tham quan chia sẻ: "Tôi cảm thấy rùng mình sợ hãi khi nghe những lời kể của các cụ bà đã từng trải qua cuộc sống ngục tù. Đúng là cuộc sống bị đầy ải đến mức có khi cái chết còn đỡ đau đớn hơn việc phải chịu những nhục hình của quân thực dân Nhật." Một khách tham quan bày tỏ: "Tôi rất cảm động và biết ơn những chiến sĩ đã hy sinh cho dân tộc, để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay." Một nữ công dân khai lại tâm sự: "Tôi cảm thấy rất đau lòng, xót xa, đặc biệt là với việc Chính phủ Nhật Bản xuyên tạc lịch sử trong thời gian gần đây. Giá như người dân Nhật Bản có cơ hội đến đây để chứng kiến và hiểu ra sự thật lịch sử thì tốt biết bao nhiêu."

Lời hô vang độc lập vang vọng vào tháng 3 và nơi đây, Nhà tù Seodaemun đã cho chúng ta nhận thức rõ ràng hơn về giá trị của độc lập và tự do. Chính phủ Hàn Quốc cũng đang có những bước chuẩn bị để đăng ký lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc UNESCO, yêu cầu công nhận Nhà tù Seodaemun là di sản văn hóa thế giới. Máu và nước mắt của những chiến sĩ đã hy sinh cho độc lập tự do tại Nhà tù Seodaemun sẽ trở thành những chứng tích mang giá trị chân thực, sâu sắc về TỰ DO của toàn nhân loại.

Lựa chọn của ban biên tập