Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Vai trò của thơ ca truyền thống trong đời sống tinh thần người dân Hàn Quốc xưa và nay

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-03-03

Âm điệu ngàn xưa

Vai trò của thơ ca truyền thống trong đời sống tinh thần người dân Hàn Quốc xưa và nay

Vực dậy tinh thần và sức sống của dân tộc

“Mơn mởn” là từ phù hợp để miêu tả thảm thực vật trong tháng 3. Cây cối bắt đầu mọng nước, hoa xuân hé nở rực rỡ, và ở Hàn Quốc thì đây cũng là thời điểm bắt đầu một năm học mới. Trước sắc xuân thắm đượm, dường như tâm trạng ai ai cũng đều trở nên phấn khích. Lúc này mà được nghe giai điệu dân ca Cheongchunga (Thanh xuân ca) thì quả là tuyệt vời. Khúc hát được bắt đầu bằng ca từ mang nội dung khuyến học, rằng: “Tuổi 16 thanh xuân ta dùi mài kinh sử”. Nhưng thực ra, khúc ca này vốn mang lời than vãn của một quả phụ trẻ, rằng: “Tuổi 16 thanh xuân thành quả phụ. Nỗi sầu này biết thổ lộ cùng ai”. Tới thời kỳ bán đảo Hàn Quốc bị đế quốc Nhật chiếm đóng, khúc hát Cheongchunga (Thanh xuân ca) được cải biên thành khúc hát thức tỉnh tinh thần người dân trong xã hội như kể trên. 


“Neoyeong Nayeong” là thổ ngữ ở đảo Jeju, có nghĩa là “Ta và nàng”. Đây cũng là tên của một làn điệu dân ca trên đảo. Khác với đa phần các làn điệu dân ca thể hiện nỗi niềm u uất, oán than của người dân nghèo hay thân phận người phụ nữ, “Neoyeong Nayeong” có ca từ hóm hỉnh, kể về câu chuyện tình yêu của đôi trai gái trẻ. Có lẽ vì thế mà giới nghệ sĩ âm nhạc truyền thống trẻ tuổi ở Hàn Quốc thường chọn đây làm tiết mục biểu diễn theo lối biến tấu. Khúc hát có đoạn:

Ta và nàng hai đứa mình quấn quýt

Ngày đêm đêm ngày yêu thương thắm thiết


Hoa có rụng thì nàng cũng chớ khóc

Hoa phải rụng thì quả mới đậu cành

Ta đi, ta đi, ta phải đi

Ta phải đi theo tình yêu của ta


Ca từ của khúc hát hóm hỉnh, nhịp điệu trong sáng khiến người nghe cảm nhận được cả hương gió biển đảo Jeju. 


Giải tỏa bức xúc tinh thần của người dân xã hội hiện đại

Người dân Hàn Quốc gọi ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch là Samjitnal và quan niệm rằng vào ngày này, chim én sẽ quay về từ phương Nam. Gần đây, Trái đất nóng lên do biến đổi khí hậu, nên dường như mùng 3 tháng 3 dương lịch cũng đủ ấm như tiết khí âm lịch. Thế nên chẳng mấy nữa thôi là tới ngày chim én sẽ trở lại. Trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo) của Hàn Quốc có trích đoạn Jebinojeonggi (Lộ trình ký của chim én) miêu tả toàn bộ chặng đường chim én quay trở về từ phương Nam sau đợt tránh rét, và tha hạt bầu mầu nhiệm về cho người em Heungbo để trả ơn cứu mạng. Trên thực tế, nếu bay qua biển thì chặng đường bay sẽ ngắn hơn rất nhiều, nhưng trong truyện “Anh em nhà Heungbo”, lộ trình bay của chim én báo ân cho người em Heungbo là từ Trung Quốc đại lục tới bán đảo Hàn Quốc, băng qua hàng loạt những địa dư nổi tiếng như núi Chúc Dung, cầu Ô Thước, hồ Đông Đình, miếu Hoàng Lăng, lầu Hoàng Hạc, núi Chung Nam, núi Nam Bình. Nghe trích đoạn Jebinojeonggi (Lộ trình ký của chim én) chúng ta có thể vơi bớt đi phần nào khát khao tự do đi du lịch đó đây trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.


* Khúc hát Cheongchunga (Thanh xuân ca) / nhóm nhạc Ssing Ssing 

* Khúc hát “Neoyeong Nayeong” (Ta và nàng) / nhóm nhạc truyền thống Arisu

* Trích đoạn Jebinojeonggi (Lộ trình ký của chim én) / Park Kwi-hee (vừa hát vừa tấu đàn tranh 12 dây Gayageum)

Lựa chọn của ban biên tập