Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Muwang- vua của Baekje, nhân vật chính trong làn điệu ca dao Seodong

2013-05-09

<strong>Muwang</strong>- vua của Baekje, nhân vật chính trong làn điệu ca dao Seodong
Ca dao Seodong, tác phẩm Hyangga đầu tiên của Hàn Quốc

"Công chúa Seonhwa
Trốn ra tư tình
Lẻn trong đêm tối
Ôm cậu Seodong"
Tương truyền, bài ca dao trên tuy ngắn, nhưng vì lũ trẻ đem ra đùa nghịch, ca hát mà đã khiến công chúa Seonhwa của nước Silla phải bị đuổi khỏi hoàng cung. Nhân vật được cho là tác giả của bài ca dao này chính là Seodong, người về sau lấy được công chúa Seonhwa làm vợ.
Bài hát có tên gọi là Ca dao Seodong (Thự Đồng dao), là tác phẩm đầu tiên của thể loại Hyangga (Hương ca) - loại thơ ca theo niêm luật, thịnh hành vào thời Silla của Hàn Quốc. Và Seodong, nhân vật chính của bài ca dao này cũng chính là Muwang (Vũ Vương), vua đời thứ 30 của vương quốc Baekje.

Seodong, cậu bé nhổ gai

Seodong vốn là tên gọi hồi nhỏ của Muwang, vua của Baekje. Tên này có nghĩa là "cậu bé nhổ gai". Mặc dù thân phận là hoàng tử con của Beopwang (Pháp Vương) nhưng trong cuộc tranh giành ngôi vị Seodong đã bị đẩy ra ngoài cung, hàng ngày phải đi nhổ gai bán để kiếm sống. Một ngày nọ, khi đang ẩn mình, nghe ngóng tin tức trong triều của vương quốc Silla, Seodong đã tình cờ thấy mọi người ca tụng về vẻ đẹp của Seonhwa, công chúa thứ ba của vua Jinpyeong (vua đời thứ 26 của Silla). Seodong liền nảy ý muốn lấy công chúa Seonhwa làm vợ và tìm đến Silla. Tại đây chàng đã sáng tác ra dân ca Seodong và đem bài hát này cho trẻ em trong vùng hát. Bài hát đã nhanh chóng lan đi khắp Gyeongju, kinh đô của Silla và khiến cho công chúa Seonhwa phải chịu tai tiếng dù rằng nàng chưa hề biết mặt Seodong. Kết cục là công chúa phải bị đi đày, song vì lo cho cuộc sống của con gái, nên trước lúc chia tay, mẹ của cô vẫn lấy vàng ra cho cô. Khi công chúa Seonhwa đến nơi lưu đày, có một chàng trai đã ra chặn đường của cô. Tuy nhiên, thấy chàng là người thật thà, công chúa đã tin tưởng và quyết định chung sống với chàng mà cho đến mãi về sau mới biết đó là "Seodong", người có tên trong bài ca dao xưa.
Seodong và công chúa Seonhwa cùng nhau đến Baekje và bắt đầu bàn bạc kiếm kế sinh nhai. Thấy công chúa Seonhwa bỏ vàng lúc trước mẹ cho ra, Seodong mới cười mà nói rằng những thứ này mỗi khi lên núi nhổ lá gai chàng vẫn thấy chất đầy thành từng đống... Công chúa Seonhwa đã không chỉ giải thích cho Seodong hiểu về giá trị của vàng mà nàng còn trở thành người hậu thuẫn đắc lực cho chồng trong việc lên ngôi vua Baekje sau này. Đây chính là nội dung của truyền thuyết về vua Muwang xuất hiện trong ca dao Seodong của Hàn Quốc.

Khôi phục lại vương quốc Baekje

Muwang được sử sách đánh giá là vị vua đã có công tái thiết nhà nước Baekje vốn đang suy yếu kể từ sau thời vua Seongwang (Thánh Vương, vua đời thứ 26 của Baekje). Đặc biệt, tài ngoại giao xuất chúng đã giúp ông rất nhiều trong công cuộc xây dựng đất nước. Để ngăn quân Goguryeo tiến xuống phía Nam ông đã duy trì quan hệ hữu hảo với nhà Tùy và sau khi nhà Tùy bị diệt vong, ông tiếp tục thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà Đường, Trung Quốc. Mối quan hệ của Baekje với Nhật Bản giai đoạn này cũng hết sức tốt đẹp. Baekje đã gửi sang Nhật nhiều tư liệu liên quan đến thiên văn, địa lý, dịch học... đồng thời cũng đã góp phần truyền Phật giáo vào Nhật Bản.
Tuy nhiên, dưới thời Muwang, chỉ có quan hệ với vương quốc Silla là hoàn toàn đối nghịch. Mặc dù lấy công chúa Silla làm vợ nhưng vị vua Baekje này đã liên tục mở ra những trận chiến với Silla, hai lần tấn công vào phía Tây Bắc của Silla.

Sa đà vào thú vui chơi và sự rút lui về trong cô quạnh

Muwang đã cho thấy khả năng hoạt động chính trị và tài ngoại giao xuất chúng của mình. Bên cạnh đó, ông cũng tạo dựng được sức mạnh về quân sự, nâng cao vị thế của đất nước. Ông cũng từng là người biết về thẩm mĩ và có nhiều thú chơi. Đặc biệt ông quan tâm nhiều đến loại hình kiến trúc phô trương vẻ đẹp rực rỡ, cho xây dựng nhiều công trình như chùa Wangheung (Vương Hưng tự), chùa Mireuk (Di Lặc tự), hay Gungnamji (Cung Nam Trì) - ao sen nhân tạo đầu tiên của Hàn Quốc.
Tuy có công tạo ra những di sản văn hóa để lại mãi về sau cho hậu thế nhưng Muwang cũng đã quá sa đà vào việc ăn chơi xa xỉ. Ông thường mở nhiều yến tiệc, vừa uống rượu, gảy đàn ca hát vừa nhảy múa với các quần thần. Lúc bấy giờ lại không phải là thời bình trong quan hệ với các nước lân bang, đất nước đang trên đường suy thoái, bị tiêu hao sinh lực do chiến tranh triền miên với Silla... Vì thế đã có nhiều đánh giá cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự diệt vong của Baekje chính là do vua Euija (Nghĩa Từ vương) con trai của Muwang được nuôi dưỡng, lớn lên từ môi trường ăn chơi của cha mình. Rốt cuộc, thú chơi hưởng lạc quá mức cũng đã khiến cho vị vua Baekje này phải thoái vị, rút về trong cô đơn lẻ bóng một mình.

Lựa chọn của ban biên tập