Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Những kỳ vọng trước thềm Thủ tướng Hàn Quốc dự lễ đăng quang của Nhật hoàng

2019-10-14

Tin tức

Những kỳ vọng trước thềm Thủ tướng Hàn Quốc dự lễ đăng quang của Nhật hoàng

Cơ hội cải thiện quan hệ Hàn-Nhật

Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon đã quyết định tham dự lễ đăng quang của tân Nhật hoàng Naruhito vào ngày 22/10. Đây được coi là cơ hội quý báu để xoa dịu căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Nếu Thủ tướng Lee có hội đàm riêng với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo trong chuyến thăm thì đây sẽ là cuộc tiếp xúc cấp cao nhất giữa hai nước trong hơn một năm qua, kể từ sau phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc về vấn đề bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến, nguyên nhân chính gây ra tình trạng căng thẳng giữa hai nước. Ông Lee Nak-yon được cho là một người am hiểu về Nhật Bản vì ông từng làm phóng viên báo DongA thường trú tại Tokyo trước khi đặt chân vào chính giới. Đặc biệt, dư luận kỳ vọng ông Lee Nak-yon sẽ đảm nhận tốt vai trò “đặc phái viên” của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.


Lễ đăng quang của Nhật hoàng là một sự kiện ngoại giao quan trọng

Theo nghi thức ngoại giao, lễ đăng quang của Nhật hoàng là sự kiện quan trọng nhất của xứ sở hoa anh đào. Buổi lễ này sẽ có sự tham gia của các nhà lãnh đạo hoặc quan chức cấp cao của các nước nên có thể gọi đây là “sân chơi ngoại giao đa phương”. Việc các quan chức cấp cao đến chúc mừng cũng là phép lịch sự xã giao trong lễ tân ngoại giao. Như vậy, sự kiện này sẽ là cơ hội tốt để tìm lối thoát cho vòng xoáy căng thẳng giữa Seoul và Tokyo. Đương nhiên, nếu đích thân Tổng thống Hàn Quốc đi thăm Nhật Bản thì có thể đạt tiến triển quan trọng trong khuôn khổ lớn hơn nhưng hiện tại vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa được điều chỉnh. Thế nên, có thể nói rủi ro thất bại còn cao hơn kết quả tốt đẹp. Như vậy, việc Thủ tướng dự lễ đăng quang Nhật hoàng có thể là sự lựa chọn hữu hiệu nhất về cả nghi thức ngoại giao lẫn khía cạnh thực tế.


Khả năng Thủ tướng Hàn-Nhật nhóm họp

Vấn đề được dư luận quan tâm là liệu Thủ tướng Lee có thể gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo nhân chuyến thăm này hay không. Trong vòng một năm qua, đối thoại giữa lãnh đạo hai nước Hàn-Nhật hoàn toàn bị gián đoạn. Thậm chí, hai nhà lãnh đạo không hề có một cuộc hội đàm bên lề nào khi tham dự khóa họp 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc vào cuối tháng 9 vừa qua. Do đó, nếu ông Lee Nak-yon có thể gặp Thủ tướng Nhật Bản thì đây sẽ là tín hiệu cho việc khôi phục đối thoại cấp cao giữa hai nước. Tuy nhiên, mặc dù Thủ tướng Hàn Quốc và Nhật Bản có nhóm họp đi chăng nữa, hai bên khó có thể bàn thảo kỹ càng về những vấn đề tồn đọng khó giải quyết, như bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến, Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu sang Hàn Quốc, và Seoul chấm dứt Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) với Tokyo. Như vậy, nhiều ý kiến cho rằng trong cuộc gặp lần này, hai bên chỉ có thể xác nhận lại quyết tâm cải thiện quan hệ Hàn-Nhật. Tuy nhiên, rõ ràng đây sẽ là cơ hội đầy ý nghĩa để tìm cách xoa dịu căng thẳng giữa hai nước. Cùng với đó, Thủ tướng Lee được đánh giá là một quan chức hiểu biết rõ về Nhật Bản và có mối quan hệ thân thiết với những nhân vật quan trọng trong giới chính trị, tài chính và báo chí từ khi ông Lee làm phóng viên thường trú tại Tokyo. Ông Lee Nak-yon cũng từng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Liên minh các nghị sĩ Hàn-Nhật.


Mối nhân duyên giữa Thủ tướng Hàn Quốc và Nhật Bản

Đặc biệt, Thủ tướng Lee có mối quan hệ thân thiết lâu năm với Thủ tướng Abe. Năm 2005, với tư cách là nghị sĩ Quốc hội, hai vị Thủ tướng đã dùng rượu Soju tại nhà hàng truyền thống Samcheonggak ở Seoul. Tại đây, ông Lee Nak-yon yêu cầu ông Abe Shinzo đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết vấn đề bồi thường cho nạn nhân mắc bệnh phong trong thời kỳ thực dân Nhật chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc. Về sau, ông Abe đã tích cực thúc đẩy đưa ra dự luật liên quan để cải thiện vấn đề này. Ông Lee đã gửi lời cảm ơn sâu sắc trong cuộc gặp sau khi ông Abe lên chức Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản. Hai quan chức này cũng từng có cuộc tiếp xúc bên lề Diễn đàn kinh tế phương Đông tại thành phố Vladivostok (Nga) vào tháng 9 năm ngoái. Tại cuộc gặp, Thủ tướng hai nước cùng tìm tiếng nói chung về việc thiết lập quan hệ Hàn-Nhật hướng tới tương lai và hợp tác về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Lựa chọn của ban biên tập