Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc và Indonesia thỏa thuận về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện

2019-10-17

Tin tức

Hàn Quốc và Indonesia thỏa thuận về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện

Nhất trí về ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện 

Indonesia vừa tuyên bố quá trình thảo luận Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với Hàn Quốc đã kết thúc. Quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc trong các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong thời gian gần đây đạt hơn 5%. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện sẽ chính thức có hiệu lực sau khi được điều chỉnh, ký kết và Quốc hội phê chuẩn. 


Quá trình thúc đẩy CEPA Hàn-Indonesia

Seoul và Jakarta bắt đầu đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện từ năm 2012. Nội dung của Hiệp định này không có nhiều khác biệt so với Hiệp định thương mại tự do (FTA), chỉ khác là CEPA tập trung nhiều hơn vào hơp tác kinh tế so với mở cửa thị trường. Hai nước đã tổ chức vòng đàm phán lần thứ 7 vào tháng 2/2014, nhưng cuộc họp bị gián đoạn do những khác biệt lớn về lập trường của hai bên. Sau đó, CEPA Hàn-Indonesia lại được thúc đẩy nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Indonesia Joko Widodo tháng 9 năm ngoái. Qua đó, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ nỗ lực nối lại đàm phán về hiệp định này. Đây cũng là kết quả của “Chính sách phương Nam mới” của Tổng thống Moon Jae-in. Sau đó, Bộ trưởng thương mại Hàn Quốc và Indonesia chính thức công bố nối lại đàm phán CEPA song phương vào tháng 2 năm nay. Đến vòng đàm phán thương mại thứ 10, hai nước đạt thỏa thuận về 6 lĩnh vực: sản phẩm, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ, hợp tác, và các quy định chung. Như vậy, Seoul và Jakarta tuyên bố quá trình thảo luận CEPA đã kết thúc. Sau khi hoàn tất một số thủ tục còn lại, hai bên sẽ chính thức ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện.


Các nội dung chính của hiệp định

Hàn Quốc cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 95,5% mặt hàng Indonesia, và Indonesia sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 93% mặt hàng Hàn Quốc. Theo đó, tỷ lệ mở cửa thị trường Hàn Quốc đối với Indonesia sẽ tăng từ 90,2% lên thành 95,5% tính theo mặt hàng sản phẩm. Xét về kim ngạch nhập khẩu, tỷ lệ mở cửa thị trường sẽ tăng từ 93,6% lên đến 97,3%. Trong khi đó, tỷ lệ mở cửa thị trường Indonesia đối với Hàn Quốc sẽ tăng từ 80,1% lên thành 93% về mặt hàng sản phẩm, từ 88,5% đến 97% về  kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, Hàn Quốc chiếm ưu thế so với đối thủ cạnh tranh tại thị trường Indonesia là Nhật Bản. Xét về mặt hàng sản phẩm, tỷ lệ mở cửa thị trường Indonesia đối với Hàn Quốc tương đương với Nhật Bản, nhưng xét về kim ngạch nhập khẩu, tỷ lệ này đạt 94,4%, cao hơn với Tokyo. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc như sản phẩm sắt thép, ô tô và nhựa tổng hợp có thể chiếm ưu thế hơn so với Nhật Bản tại thị trường Indonesia. Seoul và Jakarta nhất trí ngay lập tức bãi bỏ thuế quan đối với nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ như sản phẩm dệt may, máy móc thiết bị. Theo đó, các mặt hàng ô tô, phụ tùng và sản phẩm sắt thép dùng cho sản xuất ô tô dự kiến sẽ hưởng nhiều ưu đãi ngay khi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Hàn-Indonesia có hiệu lực.


Các sản phẩm chủ lực của Hàn Quốc sẽ hưởng ưu đãi thông qua CEPA Hàn-Indonesia

Hiện tại, thị phần ô tô của Nhật Bản tại Indonesia là 96%, nhưng Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Hàn-Indonesia sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp Seoul tăng thị phần ô tô tại nước này. Hai nước cam kết không đưa các sản phẩm nông, lâm, thủy sản vào danh mục áp dụng hiệp định. Hàn Quốc sẽ ngay lập tức xóa bỏ thuế quan đối với dầu diesel, dầu nặng Bunker C, nguyên liệu hóa học và đường thô, vì việc mở cửa thị trường này với Indonesia không tác động mạnh đến nền kinh tế. Mức độ mở cửa thị trường lĩnh vực dịch vụ và đầu tư cũng tăng mạnh. Seoul đã nâng mức bảo hộ cho các nhà đầu tư Hàn Quốc hoạt động tại Indonesia. Việc Seoul và Jakarta nhất trí ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện đã tạo nên hình mẫu hợp tác mới với các nước đang phát triển, với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực, và chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế của Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập