Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Đông đảo giới chức Nhật Bản tới viếng đền thờ tội phạm chiến tranh

2019-10-18

Tin tức

Đông đảo giới chức Nhật Bản tới viếng đền thờ tội phạm chiến tranh

Các nghị sĩ thuộc phe cầm quyền và đối lập tại Nhật Bản ngày 18/10 đã tới viếng tập thể đền Yasukuni. Hành động này hoàn toàn không giúp ích gì cho quá trình giải quyết mâu thuẫn Hàn-Nhật, vốn đang có dấu hiệu tích cực thời gian gần đây.


Hành vi viếng đền Yasukuni

Đền Yasukuni là nơi thờ khoảng 2,5 triệu binh sĩ tử trận trong các cuộc chiến tranh lớn nhỏ thời hiện đại do Nhật Bản gây ra. Nơi đây còn đặt bài vị của 14 tội phạm chiến tranh cấp độ A, tức những tội phạm cực kỳ nguy hiểm trong chiến tranh Thái Bình Dương, trong đó có cựu Thủ tướng Tojo Hideki. Ông Tojo từng bị Tòa án quân sự Viễn Đông tuyên án tử hình vào năm 1948, và xử treo cổ vào cùng năm đó. Do vậy, hành vi viếng đền của quan chức Chính phủ và nghị sĩ Nhật Bản bị coi là cổ xúy cho các cuộc chiến tranh xâm lược trong quá khứ.

Chính giới Nhật Bản khá dò xét thái độ của các thế lực bảo thủ khi tới viếng đền Yasukuni vào các dịp cúng tế mùa thu, mùa xuân, và ngày đánh dấu thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến II (15/8). Một số người gửi đồ cúng tới đền, hoặc đến viếng với tư cách dân thường. Tuy nhiên, cũng có nhiều người bất chấp chỉ trích, tới viếng đền Yasukuni nhằm mục đích chính trị. Tranh cãi càng gay gắt hơn nếu đó là Thủ tướng Nhật Bản.

Trong năm nay, một số thành viên Nội các Nhật Bản và một vài nghị sĩ đã trực tiếp tới viếng đền Yasukuni. Thủ tướng Abe Shinzo chỉ gửi cây masakaki, loại cây được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống của nước này, đến lễ cúng tại đền. Trong đợt cải tổ Nội các mới đây, Thủ tướng Abe đã “trọng dụng” một lượng lớn các quan chức theo đường lối bảo thủ. Ông Abe đang theo đuổi việc sửa đổi Hiến pháp, nhằm đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có thể sở hữu sức mạnh quân sự, châm ngòi chiến tranh. Nhà lãnh đạo Nhật Bản không hề giấu giếm quan điểm “đảo ngược lịch sử”, điển hình là quyết định xem xét lại “Tuyên bố Kono”. Đây là tuyên bố do cựu Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kono Yohei đưa ra ngày 4/8/1993 thừa nhận sự tồn tại của chế độ nô lệ tình dục phục vụ binh lính Nhật trong Thế chiến II và xin lỗi những nạn nhân của chế độ này. Động thái viếng tập thể đền Yasukuni của quan chức và nghị sĩ Nhật Bản cũng nằm trong xu hướng “hữu khuynh” này.


Mâu thuẫn Hàn-Nhật

Mâu thuẫn Hàn-Nhật có gốc rễ sâu xa từ vấn đề lịch sử. Dù Tokyo một mực phủ nhận, nhưng việc nước này siết chặt quy chế xuất khẩu với Hàn Quốc, loại Seoul khỏi “Danh sách trắng” các quốc gia được hưởng ưu đãi về quy trình xuất khẩu, rõ ràng là các biện pháp đáp trả việc Tòa án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu doanh nghiệp nước này bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến. Việc chính giới Nhật Bản tích cực tới viếng đền Yasukuni năm nay thể hiện rõ ý đồ “không nhượng bộ” trong các vấn đề lịch sử giữa hai nước.

Gần đây, Seoul và Tokyo đang có một số động thái tích cực để giải tỏa mâu thuẫn. Đặc biệt, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon sẽ thăm Nhật Bản vào tuần sau, dự lễ đăng quang của Nhật hoàng. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa hóa giải mâu thuẫn giữa hai bên. Truyền thông Nhật Bản dự đoán ông Lee sẽ hội đàm với Thủ tướng Abe Shinzo vào ngày 24/10. Tuy nhiên, cuộc họp được cho là sẽ không kéo dài, tức là lãnh đạo hai nước sẽ chỉ cố gắng đạt đồng thuận trên nguyên tắc, chứ không thảo luận cụ thể các vấn đề nổi cộm. Dư luận cũng quan tâm đến thông điệp mà Tổng thống Moon Jae-in gửi tới ông Abe thông qua Thủ tướng Lee Nak-yon. Trong bài phỏng vấn với hãng tin Kyodo (Nhật Bản), Thủ tướng Hàn Quốc cho biết Tổng thống Moon đã đề cập tới “bức thư tay ” gửi Thủ tướng Nhật Bản. Một số ý kiến phỏng đoán cho dù không phải là “thư tay”, có thể Thủ tướng Lee Nak-yon sẽ giúp Tổng thống truyền đạt thông điệp “miệng” tới lãnh đạo Nhật Bản. Trong bối cảnh trên, hành vi viếng đền Yasukuni của giới chức Nhật mặc dù không làm thay đổi cục diện chung, nhưng rõ ràng sẽ gây ra những tác động tiêu cực. 


Lựa chọn của ban biên tập