Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Giá tiêu dùng tại Hàn Quốc tăng trưởng âm trong tháng 9

2019-10-30

Tin tức

Giá tiêu dùng tại Hàn Quốc tăng trưởng âm trong tháng 9

Tỷ lệ tăng giá tiêu dùng tháng 9 của Hàn Quốc ở mức thấp nhất OECD

Ngày 30/10, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã công bố số liệu thống kê giá tiêu dùng của các nước thành viên. Trong tháng 9, giá tiêu dùng tại Hàn Quốc tăng trưởng âm 0,4%, thấp nhất trong số 40 nước thành viên và nước dự kiến gia nhập OECD. Tỷ lệ tăng giá tiêu dùng của Hàn Quốc ở mức thấp đã là đáng lo ngại, nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn là tỷ lệ này có tốc độ giảm rất nhanh. Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tại Hàn Quốc trong tháng 9/2017 là 2,0%, thấp hơn mức bình quân của các nước OECD là 2,4%, nhưng vẫn cao hơn các nước trong khu vực đồng euro và Nhật Bản. Tháng 9/2018, tỷ lệ tăng giá tiêu dùng của Hàn Quốc đạt 2,1%, tương đương các nước trong khu vực đồng euro và vẫn cao hơn Nhật Bản. Tháng 11/2018, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tại các nước phát triển đã bắt đầu chững lại nhưng ở Hàn Quốc lại tăng mạnh lên 2,0%, rồi giảm xuống còn 0,4% vào tháng 3 năm nay. Trong khi đó, mức tăng bình quân của các nước OECD giảm nhẹ từ 2,7% tháng 11 năm ngoái xuống còn 2,3% tháng 3 năm nay. Tỷ lệ tăng giá tiêu dùng tại các nước trong khu vực đồng euro giảm 0,5%, Mỹ giảm 0,3% và Nhật Bản cũng giảm 0,3% cùng thời điểm. Đến tháng 6 năm nay, tỷ lệ này tại Hàn Quốc tăng 0,7%, nhưng lại có xu hướng đình trệ trong tháng 8. Khi đó, chỉ có hai quốc gia có tỷ lệ tăng giá tiêu dùng thấp hơn Hàn Quốc là Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Sau đó, giá tiêu dùng tại Hàn Quốc tăng trưởng âm 0,4% vào tháng 9, thấp hơn cả mức âm 0,1% của Hy Lạp và Bồ Đào Nha. 


Các yếu tố khiến tỷ lệ tăng giá tiêu dùng trong nước giảm

Theo phân tích của Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI), giá tiêu dùng sụt giảm không chỉ do ảnh hưởng từ yếu tố nguồn cung, như giá thực phẩm, năng lượng, mà còn do sự co hẹp về nhu cầu. Tức là mặc dù giá thực phẩm và năng lượng có giảm, nhưng nguyên nhân chính khiến giá tiêu dùng giảm là do tâm lý tiêu dùng suy giảm. Thêm vào đó, đầu tư cũng bị chậm trễ và giá cả nông sản cũng giảm. Các chuyên gia nhận định tiêu dùng có xu hướng giảm nên tăng trưởng kinh tế bị đình trệ. Nếu đầu tư trong khối tư nhân giảm thì không thể tạo thêm việc làm mới, khiến tiêu dùng trong nước chững lại. Chính phủ cho rằng giá nông sản giảm, giá dầu có xu hướng ổn định, và các chính sách của chính phủ đã khiến giá tiêu dùng trong nước tăng trưởng âm. Tuy nhiên, Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc nhấn mạnh giá tiêu dùng tăng trưởng âm chỉ là hiện tượng tạm thời, và bác bỏ ý kiến đây là dấu hiệu nền kinh tế Hàn Quốc đang rơi vào giảm phát. KDI cho biết thêm, nếu tỷ lệ giá tiêu dùng ở mức thấp do các yếu tố nguồn cung thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thường có xu hướng tăng; còn nếu do các yếu tố liên quan đến tiêu dùng thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cũng có xu hướng giảm. Tuy nhiên, hai tỷ lệ này của Hàn Quốc đều giảm trong năm nay. Do đó, hiện có nhiều ý kiến lo ngại về khả năng kinh tế Hàn Quốc rơi vào giảm phát, và cho rằng cần theo dõi xem xu hướng giá tiêu dùng tăng trưởng âm có duy trì hay không.  


Tỷ lệ lạm phát dự kiến cũng ở mức thấp

Theo kết quả điều tra xu hướng người tiêu dùng của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK), nhiều khả năng giá tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục tăng trưởng âm. Tỷ lệ lạm phát dự kiến của tháng 10 đạt 1,7%, giảm 0,1% so với tháng trước, và ở mức thấp nhất kể từ khi có số liệu thống kê từ tháng 2/2002. Tỷ lệ người dự đoán giá tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục tăng trưởng âm trong một năm tới là 3,4%. Mặc dù số người bi quan về giá tiêu dùng trong nước vẫn ở mức thấp, nhưng tỷ lệ này đã tăng mạnh từ 1,2% hồi tháng 8 lên 2,8% vào tháng 9. Chính phủ cần theo dõi sát sao ý kiến người dân để kịp thời ngăn chặn nguy cơ chững lại của nền kinh tế Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập