Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc tăng cường hợp tác với Liên minh tình báo “Five Eyes”

2020-01-27

Tin tức

Hàn Quốc tăng cường hợp tác với Liên minh tình báo “Five Eyes”

Liên minh tình báo Five Eyes

Hãng tin Kyodo của Nhật Bản hôm 26/1 đưa tin, Liên minh tình báo Five Eyes (Ngũ nhãn, viết tắt là FVEY) phiên bản mở rộng gồm 8 nước đã ra mắt nhằm đối phó với hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên. Five Eyes là một liên minh chia sẻ thông tin và dữ liệu tình báo ở các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, thông tin, truyền thông và địa lý. Liên minh có 5 nước thành viên bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand, đều cùng sử dụng tiếng Anh và cùng một hệ thống pháp luật Anh - Mỹ nên có thể dễ dàng thúc đẩy hợp tác về mặt pháp lý. Liên minh tình báo Five Eyes đã hình thành sau Thế chiến II nhằm thu thập và chia sẻ thông tin liên quan đến Liên Xô và các nước Đông Âu. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, 5 nước thành viên đã phát triển hệ thống tình báo điện tử toàn cầu Echelon với mục đích nghe lén mạng truyền thông. Các trang thiết bị và công nghệ được phát triển thời đó vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay và đang theo dõi hàng tỷ mạng lưới viễn thông trên toàn cầu. Đặc biệt, từ những năm 2000 khi hoạt động chống khủng bố ngày càng nghiêm trọng, hoạt động và năng lực của FVEY đã được củng cố thêm. Trong thời gian gần đây, liên minh này đang tập trung vào hoạt động theo đõi mạng internet, đặc biệt là Mạng lưới toàn cầu (www). Sự tồn tại của hệ thống Echelon đã bị tiết lộ vào cuối những năm 1990 và từng là chủ đề gây ra nhiều tranh cãi tại Quốc hội các nước châu Âu. Cựu nhân viên kỹ thuật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden cũng từng tiết lộ hoạt động thu thập thông tin mật thông qua hệ thống tình báo Echelon. Song, những việc này không tác động lớn đến hoạt động hợp tác của các nước thành viên thuộc Liên minh tình báo Five Eyes và các nước này vẫn tiếp tục tăng cường hoạt động theo dõi không chỉ các thông tin tình báo quốc gia mà cả thông tin của người dân.


Hàn Quốc, Nhật Bản và Pháp bắt tay với Liên minh tình báo Five Eyes

Liên minh tình báo Five Eyes phiên bản mở rộng có thêm sự tham gia của Hàn Quốc, Nhật Bản và Pháp nhằm theo dõi tình hình của Bắc Triều Tiên liên quan đến vấn đề tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) cũng như tăng cường kiềm chế Trung Quốc. Các nước liên quan hiện đang nâng mức theo dõi tình hình Bắc Triều Tiên trong tình hình mối lo ngại về hành động khiêu khích của nước này ngày càng gia tăng vào đầu năm nay. Sau khi kết thúc thời hạn đối thoại Mỹ-Triều mà nước này tự đặt ra, tức cuối năm ngoái, Bắc Triều Tiên ra tuyên bố về “con đường mới”, nhấn mạnh sẽ thoát khỏi cục diện cấm vận quốc tế cũng như tăng cường phát triển các loại vũ khí chiến lược. Mối căng thẳng bị đẩy lên sau Tuyên bố của Bình Nhưỡng và Mỹ đã điều động vũ khí chiến lược trên bán đảo Hàn Quốc để kiềm chế hành động của Bắc Triều Tiên. Thêm vào đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập đến khả năng sử dụng biện pháp quân sự với miền Bắc. Cùng với đó, theo một số tin tức truyền thong của Mỹ, Washington đã phát hiện nhiều hoạt động xe cộ tại một cơ sở nghiên cứu tên lửa gần thủ đô Bình Nhưỡng. Dẫn lời quan chức Bộ Ngoại giao, đây có thể là một dấu hiệu cho thấy miền Bắc đang thử động cơ tên lửa. Dù chưa chắc chắn nhưng những hoạt động này giống với những gì Bắc Triều Tiên đã thực hiện trước khi tiến hành thử nghiệm tên lửa. Ngoài ra, các căn cứ tên lửa và vũ khí hạt nhân của miền Bắc cũng được cho là đang tăng cường hoạt động.


Mỹ thúc đẩy tăng cường hợp tác tình báo nhằm kiềm chế Trung Quốc

Đối với Mỹ, việc mở rộng liên minh tình báo Five Eyes có ý nghĩa lớn trong việc kiềm chế Trung Quốc. Được biết, không chỉ ba quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản và Pháp, ngay cả Đức cũng tham gia vào cuộc họp để bàn thảo phương án tăng cường hợp tác trong khuôn khổ liên minh chia sẻ thông tin tình báo này. Gần đây, Five Eyes đã trao đổi thông tin liên quan đến Tập đoàn Huawei của Trung Quốc. Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) chia sẻ thông tin với các nước thành viên của Liên minh tình báo Five Eyes rằng Tập đoàn Huawei nhận được tài trợ từ Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc. Washington nghi ngờ rằng tập đoàn công nghệ thông tin của Bắc Kinh này hợp tác với Chính phủ Trung Quốc và đánh cắp thông tin mật ngành viễn thông. Theo đó, Mỹ từng hối thúc các nước đồng minh hạn chế sử dụng trang thiết bị viễn thông của hãng Huawei.

Lựa chọn của ban biên tập