Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Tổ chức y tế thế giới ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu với virus corona chủng mới

2020-01-31

Tin tức

Tổ chức y tế thế giới ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu với virus corona chủng mới

Tổ chức y tế thế giới (WHO) cuối cùng đã tuyên bố dịch virus corona chủng mới là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vào ngày 30/1 (giờ địa phương). Tuy nhiên, cơ quan này không khuyến cáo người dân các nước hạn chế giao thương hay di chuyển.


Tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu
 
Đây là lần thứ 6 WHO ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Lần đầu tiên là vào năm 2009, thời điểm bùng nổ dịch cúm A (H1N1). Năm 2014, tổ chức này ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với dịch bại liệt và virus Ebola bùng phát tại Tây Phi. Tiếp đó vào năm 2016, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với virus Zika và năm 2019 với virus Ebola tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Congo. Khi WHO tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, các hoạt động hỗ trợ chính thức về đội ngũ y bác sĩ, trang thiết bị y tế, sẽ được diễn ra trên phạm vi toàn thế giới. Tất nhiên, dù WHO không ban bố tình trạng khẩn cấp thì các nước vẫn có thể tự do hỗ trợ. Tuy nhiên, việc một tổ chức quốc tế được tín nhiệm dẫn dắt công tác hỗ trợ dập tắt dịch bệnh mang ý nghĩa rất lớn. Các biện pháp được tiến hành song song là hạn chế giao thương, du lịch, di chuyển giữa các nước. Quốc gia bùng phát dịch bệnh sẽ không tránh khỏi thiệt hại lớn về kinh tế, đặc biệt ở lĩnh vực du lịch, thương mại quốc tế.


Dư luận chỉ trích phản ứng chậm trễ của WHO

Quyết định lần này của Tổ chức y tế thế giới bị dư luận chỉ trích là quá chậm trễ. Sau khi bùng phát đầu tiên tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) tháng 12 năm ngoái, virus corona chủng mới đã lây lan sang các nước láng giềng, nhưng WHO vẫn chưa hành động ngay. Phải gần một tháng sau khi được báo cáo về ca nhiễm đầu tiên, WHO mới triệu tập cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp ngày 22/1 vừa qua. Tuy nhiên, sau hai ngày họp bàn, Tổ chức y tế thế giới lại kết luận trái với dự đoán rằng tình hình dịch bệnh chưa nghiêm trọng tới mức phải ban bố tình trạng khẩn cấp. WHO nhận định mức độ lây nhiễm của virus corona chủng mới yếu hơn Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính (SARS), và mạnh hơn Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS). Khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tình trạng lây lan virus corona chủng mới chỉ báo động tại Trung Quốc, chưa tới mức báo động toàn cầu. Ủy ban khẩn cấp WHO chỉ là cơ quan tư vấn, còn việc ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu lại phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của Tổng giám đốc WHO. Do đó, một số luồng dư luận nghi ngờ ông Ghebreyesus đã dò xét thái độ của Trung Quốc. Tức là ông này chậm trễ quyết định là do cân nhắc tới tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, nước đang tăng vọt nguồn đóng góp cho WHO. Chắc chắn Trung Quốc không hoan nghênh việc Tổ chức y tế thế giới ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, bởi điều này sẽ khiến Bắc Kinh gặp thiệt hại lớn do sự co hẹp về thương mại, du lịch. Trên thực tế, ông Ghebreyesus còn từng tuyên bố không có lý do gì để siết chặt du lịch hay thương mại với Trung Quốc. Khi ban bố tình trạng khẩn cấp, Tổng giám đốc WHO còn giải thích quyết định này không phải là một cuộc bỏ phiếu “bất tín nhiệm” với Trung Quốc, mà là do tình trạng dịch bệnh đang lan rộng không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở các quốc gia khác. Phát biểu này càng thể hiện rõ người đứng đầu Tổ chức y tế thế giới đã dò xét thái độ của Trung Quốc. Ngày 28/1, ông này đã tới thăm Trung Quốc, bày tỏ tin tưởng năng lực kiểm soát dịch bệnh của Bắc Kinh. Tổng giám đốc WHO còn khen ngợi các biện pháp đối phó của Trung Quốc, cho rằng cộng đồng quốc tế phải bày tỏ sự cảm ơn và kính trọng với nước này.

Dù sao thì giờ đây, dịch viêm phổi Vũ Hán do virus corona chủng mới gây ra đã đến giai đoạn bùng phát toàn thế giới. Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 11 ca nhiễm tới ngày 31/1, trong đó có một bệnh nhân lây nhiễm thứ cấp do tiếp xúc với bệnh nhân mắc virus trước đó, dấu hiệu cho thấy dịch bệnh đang có chiều hướng lây lan rộng. Mặc dù bị chỉ trích là đối phó chậm trễ, nhưng Tổ chức y tế thế giới đã chính thức ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, nên dư luận đang rất kỳ vọng vào các bước đối phó nhanh chóng trên toàn thế giới trong những ngày tới.


Lựa chọn của ban biên tập